Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ cảm lạnh uống thuốc gì để giảm triệu chứng, mau khỏi bệnh?

Ngày 13/06/2024
Kích thước chữ

Cảm lạnh là căn bệnh phổ biến hiện nay và thường không đáng lo ngại đối với trẻ có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có hệ miễn dịch suy yếu, cảm lạnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, cần sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh cho trẻ trong nhiều trường hợp theo chỉ định của bác sĩ. Vậy trẻ cảm lạnh uống thuốc gì?

Cảm lạnh ở trẻ em là bệnh lý phổ biến và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, việc chăm sóc đúng cách và hiểu rõ về bệnh sẽ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi và giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về các chỉ định trẻ cảm lạnh uống thuốc gì trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu khi trẻ bị cảm lạnh

Cảm lạnh là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trong những thời điểm giao mùa. Đây là căn bệnh do vi rút gây ra, với hơn 200 loại vi rút khác nhau có thể là tác nhân, nhưng chủ yếu nhất là rhinovirus. Do cảm lạnh là bệnh do vi rút gây ra, thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị. Điều này có nghĩa là việc sử dụng kháng sinh không chỉ không hiệu quả mà còn có thể gây hại, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Trẻ cảm lạnh uống thuốc gì? 1
Cảm lạnh là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em

Triệu chứng cảm lạnh ở trẻ thường kéo dài từ 4 đến 10 ngày và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Triệu chứng bắt đầu từ lúc trẻ cảm thấy không được khỏe, thường biểu hiện bằng đau họng, sổ mũi và ho. Ban đầu, trẻ có cảm giác họng bị đau là do chất nhầy tích tụ, sau đó, đau họng giảm dần, và bắt đầu chảy nước mũi. Chất nhầy từ mũi có thể chảy xuống họng, gây ra ho và khó chịu.

Trong giai đoạn nặng hơn của cảm lạnh, trẻ có thể gặp thêm các triệu chứng như:

  • Chảy nước mũi;
  • Chảy nước mắt;
  • Hắt xì;
  • Cảm giác mệt mỏi;
  • Sốt (có thể xuất hiện);
  • Đau họng;
  • Ho.

Ngoài ra, vi rút gây cảm lạnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của xoang, họng, phế quản và tai của trẻ. Trong một số trường hợp, cảm lạnh còn gây ra tiêu chảy và nôn mửa ở trẻ nhỏ. Trong những ngày đầu của bệnh, trẻ có thể trở nên cáu kỉnh và khó chịu về tình trạng đau đầu, mệt mỏi. Khi chất nhầy ở mũi cô đặc lại, các triệu chứng này thường giảm bớt, và trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Trẻ cảm lạnh uống thuốc gì?

Cảm lạnh là một căn bệnh phổ biến ở trẻ em, thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày và có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, việc đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là cần thiết. Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cảm lạnh cho trẻ:

Thuốc thông mũi

Cảm lạnh thường gây sưng viêm niêm mạc mũi, dẫn đến tình trạng khó thở và nghẹt mũi. Thuốc thông mũi chứa các thành phần như pseudoephedrine, ephedrine và phenylephrine giúp co mạch, giảm sưng và cải thiện tình trạng khó thở.

Trẻ cảm lạnh uống thuốc gì? 2
Thuốc thông mũi giúp co mạch, giảm sưng và cải thiện tình trạng khó thở

Thuốc thông mũi có chứa các thành phần Pseudoephedrine, Ephedrine và Phenylephrine. Những thuốc này giúp giảm nghẹt mũi bằng cách làm co mạch máu trong niêm mạc mũi, giảm sưng viêm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng có thể gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim và khó ngủ ở trẻ. Việc sử dụng thuốc thông mũi trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến tình trạng "tắc nghẽn trở lại".

Thuốc giảm ho

Ho là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị cảm lạnh, gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thuốc giảm ho giúp ức chế phản xạ ho thông qua tác động lên trung tâm ho của hệ thần kinh.

Thuốc ho có chứa dược chất Codein, Pholcodin và Dextromethorphan. Codein hiệu quả cao nhưng có thể gây táo bón, buồn ngủ và phụ thuộc, nên không khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Pholcodine và dextromethorphan ít gây tác dụng phụ hơn nhưng vẫn có thể gây buồn ngủ.

Thuốc long đờm

Thuốc long đờm giúp làm loãng đờm bằng cách tăng tiết dịch đường hô hấp, giúp tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Điều này làm giảm khó chịu và cải thiện khả năng thở cho trẻ.

Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin giúp giảm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và ho, đặc biệt hiệu quả khi trẻ ho vào ban đêm hoặc ho do viêm mũi dị ứng.

  • Thế hệ 1: Bao gồm các hoạt chất như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, có tác dụng trong thời gian ngắn và cần sử dụng nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, thuốc này thường gây buồn ngủ.
  • Thế hệ 2: Bao gồm loratadin, cetirizin, desloratadine, ít gây buồn ngủ hơn và có hiệu quả kéo dài hơn, được sử dụng rộng rãi trong điều trị cảm lạnh cho trẻ.

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Khi trẻ sốt nhẹ, bố mẹ có thể hạ sốt bằng các phương pháp không dùng thuốc như mặc quần áo rộng rãi, nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, uống nhiều nước và chườm ấm. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao, cần sử dụng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm chứa hoạt chất Paracetamol và Ibuprofen: Đây là hai loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến. Paracetamol có thể gây tổn thương gan nếu dùng quá liều, còn ibuprofen có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Đặc biệt, aspirin không được khuyến cáo dùng cho trẻ em vì có thể gây hội chứng Reye, một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan và não.

Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh cho trẻ em

Việc sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh cho trẻ em cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Trẻ cảm lạnh uống thuốc gì? 3
Việc sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh cho trẻ em cần tuân theo chỉ định của bác sĩ
  • Tuân thủ liều lượng đơn thuốc: Luôn tuân thủ liều lượng và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Theo dõi tác dụng phụ: Cẩn thận theo dõi các dấu hiệu phản ứng phụ của thuốc. Nếu thấy trẻ có triệu chứng bất thường, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
  • Không tự ý dùng thuốc kháng sinh: Vì cảm lạnh do vi rút gây ra, thuốc kháng sinh không có tác dụng. Sử dụng kháng sinh không cần thiết có thể dẫn đến kháng kháng sinh và các vấn đề sức khỏe khác.

Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Cảm lạnh và các triệu chứng liên quan có thể tự khỏi sau vài ngày với sự chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, có những trường hợp phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho bé.

Trẻ sốt cao kéo dài không giảm: Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài và không có dấu hiệu giảm xuống sau vài ngày, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc cúm. Sốt cao, đặc biệt khi đi kèm với nôn mửa, ớn lạnh và run rẩy, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và can thiệp điều trị kịp thời.

Ho khó chịu kéo dài:

Ho khan kéo dài, không cải thiện sau vài ngày chăm sóc tại nhà, có thể là dấu hiệu của một tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh hô hấp cần điều trị y tế.

Triệu chứng suy hô hấp:

Bất kỳ dấu hiệu nào của suy hô hấp như khó thở, thở gấp, hoặc thở nhanh, đều đòi hỏi phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Đây có thể là biểu hiện của viêm phổi hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến hệ hô hấp.

Trẻ cảm lạnh uống thuốc gì? 4
Bất kỳ dấu hiệu nào của suy hô hấp phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức

Mệt mỏi, suy nhược:

Nếu trẻ biểu hiện mệt mỏi suy nhược, không có năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc không tỉnh táo như bình thường, đó là dấu hiệu cần được bác sĩ đánh giá và can thiệp kịp thời.

Trẻ có bệnh mạn tính:

Trẻ mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, tiểu đường, hoặc các bệnh lý khác cần được theo dõi sát sao hơn khi bị cảm lạnh. Trong những trường hợp này, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc điều trị phù hợp.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin trẻ cảm lạnh uống thuốc gì? Cảm lạnh ở trẻ em là bệnh phổ biến và thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp triệu chứng nặng, việc sử dụng thuốc đúng cách và theo chỉ định của bác sĩ là cần thiết để giúp trẻ nhanh chóng phục hồi.

Xem thêm: Chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ: Nguyên nhân và cách xử lý

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.