Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ: Nguyên nhân và cách xử lý

Ngày 28/06/2024
Kích thước chữ

Chảy nước mũi là triệu chứng điển hình nhất của bệnh cảm lạnh ở trẻ. Mặc dù đây là tình trạng thông thường và không quá nguy hiểm, nhưng nó có thể gây khó chịu cho trẻ. Vậy, làm sao để giảm tình trạng chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ?

Theo thống kê, trẻ em trung bình bị cảm lạnh 6-8 lần mỗi năm. Trong đó, chảy nước mũi là triệu chứng xuất hiện ở hơn 90% trường hợp cảm lạnh ở trẻ. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, biểu hiện, cách xử trí và phòng ngừa tình trạng chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn. Cùng Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân cảm lạnh thường hay chảy nước mũi

Cảm lạnh thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, virus xâm nhập vào cơ thể thông qua mũi và họng, kích thích sản xuất cytokine - một chất hóa học gây viêm. Chảy nước mũi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khi bị cảm lạnh. Ban đầu, dịch nhầy từ mũi thường là loãng và trong suốt. Sau vài ngày, dịch bắt đầu trở nên đặc hơn và đi kèm với các triệu chứng như sốt, nghẹt mũi, đau họng, và khàn giọng. Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng chảy nước mũi do cảm lạnh:

  • Virus tấn công: Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng tấn công niêm mạc mũi và họng, gây ra viêm nhiễm. Niêm mạc bị kích thích tiết ra nhiều dịch nhầy hơn bình thường để loại bỏ virus và các tác nhân gây hại khác, dẫn đến chảy nước mũi.
  • Hệ miễn dịch phản ứng: Hệ miễn dịch phản ứng để chống lại virus bằng cách sản xuất các tế bào bạch cầu và các chất chống virus. Các tế bào bạch cầu di chuyển đến khu vực bị nhiễm trùng và tiêu diệt virus. Quá trình này gây viêm nhiễm và tăng tiết dịch nhầy mũi.
  • Kích ứng do thay đổi nhiệt độ: Khi chuyển từ môi trường ấm sang môi trường lạnh hoặc ngược lại, niêm mạc mũi có thể bị kích ứng và tiết ra nhiều dịch nhầy hơn bình thường.
  • Khô hạn và khí lạnh: Môi trường khô hanh hoặc tiếp xúc với không khí lạnh có thể làm khô niêm mạc mũi, kích thích tăng tiết chất nhầy để duy trì độ ẩm và bảo vệ niêm mạc, nhưng điều này cũng dẫn đến chảy nước mũi.
Chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ: Nguyên nhân và cách xử lý 1
Chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ là tình trạng phổ biến chiếm 90% tổng ca mắc bệnh

Cách giảm tình trạng chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ

Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn khi bị chảy nước mũi do cảm lạnh, có một số biện pháp phụ huynh có thể áp dụng:

  • Đảm bảo cho trẻ uống đủ nước và được nghỉ ngơi đầy đủ. Nước sẽ làm loãng dịch nhầy trong mũi, giúp trẻ dễ dàng hắt hơi và ho ra chất nhầy, từ đó thông thoáng đường thở. Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể trẻ phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch để chống lại virus gây cảm lạnh.
  • Độ ẩm trong không khí thấp có thể làm cho dịch nhầy trong mũi trở nên dày đặc hơn, khiến trẻ khó thở. Bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm và cho bé tắm nước nóng hoặc cho trẻ hít thở hơi nước từ bát nước nóng để loãng chất nhầy và giúp trẻ dễ thở hơn.
  • Dùng nước muối xịt mũi hoặc nước muối sinh lý nhỏ mũi giúp làm sạch chất nhầy, vi khuẩn và bụi bẩn trong mũi, giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
  • Đối với trẻ nhỏ, có thể sử dụng bóng hút cao su để hút chất nhầy ra khỏi mũi.
Chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ: Nguyên nhân và cách xử lý 2
Nhỏ nước muối sinh lý giúp làm sạch vi khuẩn

Những biện pháp này không chỉ giúp làm dịu các triệu chứng khi trẻ bị cảm lạnh mà còn hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe của bé một cách hiệu quả và an toàn.

Các biện pháp phòng ngừa chảy nước mũi do cảm lạnh

Để giảm nguy cơ tình trạng chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ, bố mẹ có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Rửa tay thường xuyên: Dạy cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng dung dịch khử khuẩn chứa ít nhất 60% cồn. Việc này giúp loại bỏ vi khuẩn và virus trên tay, ngăn ngừa lây nhiễm.
  • Hạn chế chạm vào mặt: Nhắc nhở trẻ không chạm tay vào mắt, mũi, miệng, đặc biệt khi tay bẩn, để giảm nguy cơ nhiễm virus.
  • Dọn dẹp và khử khuẩn: Cần đảm bảo môi trường sống và sinh hoạt của trẻ luôn sạch sẽ và thoáng mát. Thường xuyên làm sạch và khử khuẩn các bề mặt vật dụng hay tiếp xúc như tay nắm cửa, công tắc đèn, mặt bàn,...
  • Sử dụng khăn giấy: Hướng dẫn cho bé cách dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi, sau đó vứt khăn giấy đã dùng vào thùng rác và rửa tay lại bằng xà phòng để ngăn ngừa lây nhiễm virus.
  • Không dùng chung đồ cá nhân: Không cho trẻ sử dụng chung các vật dụng cá nhân như ly uống nước, thìa, đồ chơi,... với người khác để tránh lây nhiễm qua đường tiếp xúc.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Nếu trẻ cần tiếp xúc với người bệnh, hãy nhắc nhở trẻ giữ khoảng cách an toàn và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.
  • Đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang cho trẻ khi đến những nơi công cộng, đông người để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa lây nhiễm bệnh.
  • Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi: Đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, cần cho trẻ ngủ đủ giấc để hồi phục sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Thể dục thường xuyên: Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp để nâng cao sức đề kháng như đi bộ, chơi bóng, hoặc tham gia các lớp thể dục.
  • Tiêm vắc-xin: Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ: Nguyên nhân và cách xử lý 3
Đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh

Bằng cách áp dụng các biện pháp này, bố mẹ có thể giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, giữ ấm cơ thể và phòng tránh cảm lạnh hiệu quả trong mùa đông.

Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng chảy nước mũi do cảm lạnh ở trẻ mà Long Châu đã tổng hợp và chia sẻ đến bạn đọc. Nuôi dạy con cái là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp các bậc cha mẹ tự tin hơn trong việc chăm sóc con yêu của mình.

Xem thêm: Trẻ bị cảm lạnh mùa đông nguyên nhân do đâu?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin