Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Trẻ em bị chó cắn phải làm sao? Có nguy hiểm không?

Ngày 16/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ em bị chó cắn phải làm sao, sơ cứu và xử trí như thế nào? Ba mẹ lo lắng trẻ em bị chó cắn có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn ba mẹ cách xử lý khi trẻ em bị chó cắn.

Theo nghiên cứu của Đại học Liverpool (Anh), những người sợ sệt và kém tự tin dễ bị chó tấn công hơn những người tỏ ra bình thản, hiên ngang. Nguyên nhân bởi loài chó có tập tính tấn công đối tượng yếu hơn nó. Đây cũng là lý do mà trẻ nhỏ dễ bị chó cắn. Ở trẻ em hay người lớn thì bị chó cắn đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần xử trí kịp thời. Vậy trẻ em bị chó cắn phải làm sao?

Trẻ em bị chó cắn có nguy hiểm không?

Thực tế đã có rất nhiều vụ việc chó cắn trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, đó là những tổn thương về thể xác như: Thủng da, chảy máu, làm rách các cơ và dây thần kinh dưới da. Thậm chí, có những vết thương hở rất sâu làm gãy xương, tổn thương nội tạng. Không ít trẻ nhỏ đã bị tử vong vì vết thương quá nặng. Nếu cứu được cũng ảnh hưởng sức khỏe và để lại di chứng.

trẻ em bị chó cắn phải làm sao 1 Trẻ nhỏ bị chó cắn có thể gây tử vong vì vết thương quá nặng

Không chỉ gây ra những tổn thương trên da và xương, chó cắn còn tiềm ẩn nguy cơ lây truyền virus dại. Trong các bệnh lây từ chó sang người thì bệnh dại có nguy cơ tử vong 100%. Trẻ mắc bệnh dại có triệu chứng ban đầu là sốt, ngứa và đau ở vết cắn. Sau đó virus gây tê liệt hệ thần kinh, ngừng tim, ngừng hô hấp. Bệnh dại ở người bất kể là trẻ em hay người lớn đều không có thuốc chữa.

Vết thương do chó cắn nếu không được xử trí, chăm sóc đúng cách cũng có thể gây bệnh nhiễm trùng uốn ván. Thông qua vết thương hở bị chó cắn, khuẩn uốn ván xâm nhập gây bệnh. Triệu chứng đặc trưng của uốn ván là những cơn co giật, co cứng người. Đây là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%. Nếu cứu được trẻ qua cơn nguy kịch cũng để lại di chứng về thần kinh.

Trẻ em bị chó cắn phải làm sao?

Chó là vật nuôi phổ biến ở Việt Nam và được thả rông khá nhiều ở các làng quê. Bất cứ ai cũng có thể bị chó cắn nếu tiếp xúc gần với chúng, kể cả chủ của con chó đó. Trẻ em non nớt, chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm nếu chơi đùa với chó lạ. Những trẻ có tâm lý sợ sệt cũng dễ bị chó hung dữ tấn công. Ba mẹ nên tìm hiểu cách sơ cứu sau khi bị chó cắn để xử trí giúp trẻ.

trẻ em bị chó cắn phải làm sao 2 Nhiều ba mẹ vẫn chưa biết trẻ em bị chó cắn phải làm sao để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh dại từ chó

Sơ cứu khi trẻ em bị chó cắn

Virus dại trong nước bọt của chó sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua vết trầy xước, vết cắn. Để ngăn ngừa virus dại và nhiễm trùng uốn ván, bạn tiến hành xử lý khi trẻ em bị chó cắn theo các bước dưới đây:

  • Rửa vết thương bằng nước ấm và xà phòng để loại bỏ mầm bệnh. Tốt nhất là rửa ở dưới vòi nước chảy liên tục trong 10 phút.
  • Khử trùng bằng oxy già hoặc cồn 70 độ, nước sát trùng trên vết thương. Lưu ý trẻ sẽ bị xót khi sát trùng lên vết thương hở.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra vết thương và hướng dẫn chăm sóc, điều trị đúng cách.
  • Chăm sóc cẩn thận vết thương, tránh để tiếp xúc với nước, đất cát, môi trường ô nhiễm vì dễ gây nhiễm trùng, uốn ván.
  • Theo dõi nếu thấy vết thương chảy mủ, sưng to hơn và đau nhức không thuyên giảm thì đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
  • Nếu chó cắn làm chảy nhiều máu thì bạn cầm máu bằng cách giữ chặt miếng gạc y tế lên, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

Cùng với việc sơ cứu cho trẻ, bạn nên nhờ người bắt nhốt kịp thời con chó đã cắn trẻ. Việc làm này giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của chó, phát hiện chó có dấu hiệu bị dại để sớm đưa trẻ đi tiêm phòng. Đối với chó lang thang không thể bắt lại, việc tiêm phòng dại cho trẻ nên được tiến hành càng sớm càng tốt.

trẻ em bị chó cắn phải làm sao 3 Rửa vết thương và sát trùng để loại bỏ mầm bệnh

Tiêm phòng bệnh dại cho trẻ

Nhiều ba mẹ vẫn chưa biết trẻ em bị chó cắn phải làm sao, có cần tiêm phòng dại ngay không? Bệnh dại là một trong các bệnh truyền nhiễm nhóm B rất nguy hiểm vì gây tử vong gần như 100%. Tiêm vaccine là cách tốt nhất giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm bệnh dại. Tuy nhiên, không phải cứ trẻ bị chó cắn là đi tiêm vaccine ngay mà sẽ tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Trẻ cần sớm tiêm vaccine phòng dại trong các trường hợp:

  • Chó lang thang cắn trẻ mà không bắt nhốt được.
  • Chó có biểu hiện hung dữ, bỏ ăn, nằm liệt, chết.
  • Chó chưa từng được tiêm vaccine dại hoặc tiêm không đầy đủ.
  • Bị chó cắn ở vùng mặt, đầu, cổ, cơ quan sinh dục.
  • Chó cắn trẻ nằm trong vùng có dịch bệnh dại ở chó.

Theo dõi trong vòng 10 ngày đối với các trường hợp:

  • Chó cắn trẻ trong trạng thái khỏe mạnh, bắt nhốt được để theo dõi.
  • Chó đã được tiêm phòng dại đầy đủ trước đó.
  • Vết cắn nhẹ, nằm xa khu vực trung tâm thần kinh trung ương.

Chó dại thường phát bệnh và chết trong 3 - 7 ngày sau đó. Theo dõi sau 10 ngày, nếu chó vẫn khỏe mạnh thì chứng tỏ nó không bị dại. Bạn yên tâm không cần tiêm phòng dại cho trẻ em. Trong quá trình theo dõi, nếu thấy chó bị chết hoặc xuất hiện triệu chứng bệnh dại thì nên đưa trẻ đi tiêm phòng ngay.

trẻ em bị chó cắn phải làm sao 4 Trong các trường hợp nguy cấp thì nên đưa trẻ đi tiêm huyết thanh và vaccine phòng bệnh dại

Làm gì để phòng tránh trẻ em bị chó cắn?

Rủi ro bị chó cắn có thể ập đến bất ngờ với trẻ. Ba mẹ nên trang bị sẵn những kiến thức sơ cứu, lịch tiêm phòng dại cho trẻ em để biết trẻ em bị chó cắn phải làm sao. Bên cạnh đó, ba mẹ chủ động phòng ngừa trẻ bị chó cắn bằng cách:

  • Hạn chế nuôi chó nếu gia đình bạn đang có trẻ nhỏ. Chó vẫn có thể cắn lại chủ.
  • Nếu nuôi, bạn tiêm phòng đầy đủ cho chó, tránh nuôi loài chó có tính hung dữ. Xích chó cẩn thận hoặc nuôi trong chuồng nếu cần thiết.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó vào mùa hè. Thời tiết nóng nực làm virus phát triển, chó dễ bị nhiễm bệnh hơn.
  • Tránh đưa trẻ đi chơi ở những nơi có chó lang thang hoặc những gia đình nuôi nhiều chó.

Mong rằng các ba mẹ đã biết trẻ em bị chó cắn phải làm sao để xử trí tốt nhất. Ba mẹ lưu ý không đắp thuốc, đắp lá lên vết chó cắn khi chưa được sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu sau khi bị chó cắn, trẻ có các biểu hiện sốt cao, đau và ngứa vết cắn, bỏ ăn, thay đổi tâm tính, tiết nhiều nước bọt thì ba mẹ đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nhé.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.