Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ ngồi tư thế W: Thói quen xấu có hại cho xương khớp của trẻ

Ngày 12/08/2024
Kích thước chữ

Trẻ nhỏ thường ngồi tư thế có dạng chữ W vì trẻ cảm thấy thoải mái, giữ được cân bằng ở tư thế này. Tuy nhiên, nếu trẻ ngồi tư thế W thường xuyên sẽ trở thành thói quen xấu, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đến xương khớp và phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.

Bạn sẽ thấy trẻ ở độ tuổi từ lúc mới biết ngồi đến khi tập đi thường ngồi tư thế dạng chữ W. Do trẻ cảm giác thoải mái ở tư thế này nên ngồi thường xuyên. Vậy trẻ ngồi tư thế W có hại không? Và làm sao để chỉnh sửa tư thế cho trẻ?

Trẻ ngồi tư thế W là gì?

Trẻ ngồi tư thế W là tư thế ngồi trên mặt đất với mông nằm giữa hai chân, đầu gối và bàn chân xoay hướng ra phía ngoài cơ thể, cả mông, đầu gối và chân đều chạm sàn. 

Nhiều trẻ nhỏ thích ngồi ở tư thế này vì có cảm giác giữ thăng bằng và không phải dùng quá nhiều phần cơ trên thân để ngồi thẳng, đem đến cảm giác thoải mái cho trẻ.

Có một số trường hợp trẻ chỉ có thể ngồi tư thế W vì gặp phải các vấn đề về thần kinh hoặc đang chỉnh hình. Do đó, đối tượng này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đổi tư thế ngồi. Đối với trường hợp này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi điều chỉnh tư thế ngồi cho trẻ.

Tác hại của tư thế ngồi chữ W là không kích hoạt được phần cơ cốt lõi, khiến cột sống không được ổn định và ảnh hưởng đến sự phát triển vận động của trẻ sau này. Nếu ngồi tư thế W trong thời gian dài, trẻ có thể gặp một số vấn đề liên quan chỉnh hình và ảnh hưởng đến dây thần kinh, đồng thời có thể làm căng, rút ngắn cơ chân của trẻ. Phụ huynh nên khuyến khích con đổi tư thế ngồi phù hợp vì sự phát triển toàn diện của trẻ.

Trẻ ngồi tư thế W: Thói quen xấu có hại cho xương khớp của trẻ 1
Trẻ ngồi tư thế W vì trẻ cảm thấy thoải mái và có cảm giác thăng bằng 

Tại sao không nên để trẻ ngồi tư thế W thường xuyên?

Phụ huynh không nên để trẻ ngồi tư thế W thường xuyên vì một số lý do sau:

  • Trẻ ngồi với hai chân hình chữ W khiến cơ thể dồn áp lực lớn vào hông, đầu gối, cơ chân, các khớp, khiến phần cơ trên thân không thể phát triển vì không hoạt động nhiều.
  • Co rút cơ chân và làm nới lỏng các khớp, dẫn đến liên kết xương và dáng đi của trẻ có dấu hiệu bất thường.
  • Trẻ gặp phải các vấn đề về giữ cân bằng, phối hợp và kỹ năng vận động bị hạn chế, đòi hỏi trẻ phải sử dụng những loại cơ lớn. Khi ngồi học, trẻ sẽ không tập trung khi cố gắng ngồi thẳng, ngồi ngay ngắn.
  • Trẻ ngồi tư thế W lâu và thường xuyên sẽ khiến các kỹ năng vận động thô của trẻ chậm phát triển như phối hợp và cân bằng.
Trẻ ngồi tư thế W: Thói quen xấu có hại cho xương khớp của trẻ 2
Trẻ em ngồi hình chữ W khiến cơ thể dồn nhiều áp lực vào cơ chân, các khớp, hông và đầu gối

Các tư ngồi phù hợp và tốt cho trẻ

Khi nhìn thấy trẻ ngồi tư thế W, phụ huynh nên chỉnh sửa tư thế ngồi cho trẻ. Dưới đây là một số tư thế ngồi tốt cho sức khỏe của trẻ mà bạn có thể tham khảo:

Ngồi duỗi thẳng hai chân

Tư thế ngồi duỗi thẳng hai chân rất tốt cho cơ thân vì đòi hỏi trẻ phải vận động cơ thân và bụng nhiều. Bạn hướng dẫn trẻ ngồi bệt với hai chân duỗi thẳng ra phía trước mặt. 

Quỳ cao

Tư thế quỳ gối trên sàn với hông và thân người thẳng sẽ giúp trẻ phát triển rất tốt vùng xương chậu, khớp hông và cơ đùi.

Ngồi xổm

Ngồi xổm là tư thế ngồi tốt nhất giúp trẻ tăng sự dẻo dai của cơ mông, cơ hông và gân kheo. Nếu trẻ ngồi xổm trong thời gian ngắn và thường xuyên sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ về hệ tim mạch, các vấn đề về chuyển hóa, hỗ trợ giảm cân. 

Tư thế ngồi xếp bằng

Ngồi xếp bằng là tư thế ngồi trái ngược với tư thế ngồi W. Để ngồi tư thế này, trẻ bắt chéo hai chân ở phía trước như hình chiếc kéo. Tư thế này phù hợp cho các cơ thân, hông và đầu gối phát triển, đồng thời còn giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng vận động giữa hai bên cơ thể. 

Trẻ ngồi tư thế W: Thói quen xấu có hại cho xương khớp của trẻ 3
Tư thế ngồi xếp bằng là vị trí phù hợp để các cơ thân, hông và đầu gối phát triển

Các động tác giảm căng cơ khi ngồi tư thế W lâu

Để giảm tác hại khi trẻ ngồi tư thế W, bạn có thể cho trẻ tập những động tác sau đây giúp giảm căng cơ:

Giãn cơ hông

Hướng dẫn trẻ ngồi duỗi chân về phía trước, từ từ co chân về, áp hai lòng bàn chân vào nhau. Ấn nhẹ hai bên đầu gối của trẻ cho đến khi phần cơ hông được thư giãn. Sau cùng, đập nhẹ hai đầu gối vào nhau theo tư thế hình con bướm giúp cơ hông được khỏe hơn.

Căng cơ chân

Trẻ ngồi duỗi hai chân về phía trước và đưa hai tay song song về trước. Một người ngồi đối diện trẻ và kéo hai tay của trẻ về phía mình. Vừa quan sát trẻ vừa điều chỉnh lực kéo đến khi trẻ cảm thấy căng cơ ở phần đùi sau và lan xuống bắp chân, chứ không phải căng phần lưng.

Căng mắt cá chân

Trẻ nằm ngửa, đặt bàn chân của trẻ trong lòng bàn tay của bạn, áp nhẹ tay lên bàn chân của trẻ và đẩy bàn chân dần về phía trần nhà. Giữ nguyên trong vòng 30 giây đến khi bạn thấy có lực cản. Sau đó, bẻ gập bàn chân về hướng của trẻ, giữ 30 giây đến khi có lực cản thì ngưng.

Cử động gót chân

Trẻ nằm ngửa, một tay giữ gót chân của trẻ, xoay nhẹ bàn chân của trẻ ra phía ngoài theo hướng ngón chân út. Động tác này có tác dụng giảm thiểu chuyển động quay vào trong của chân khi trẻ ngồi tư thế W.

Tăng sức mạnh cốt lõi của trẻ bằng các bài tập vận động

Bò bằng hai tay, hai chân

Phụ huynh tạo ra trò chơi và yêu cầu trẻ bò bằng hai tay, hai chân thay vì phải bò bằng đầu gối. Có thể tăng độ khó của bài tập bằng cách đặt khăn dưới hai lòng bàn tay và bàn chân. Trẻ sẽ cố giữ thăng bằng vì rất dễ trơn trượt khi bò.

Trẻ ngồi tư thế W: Thói quen xấu có hại cho xương khớp của trẻ 4
Tạo trò chơi và yêu cầu trẻ bò bằng hai tay, hai chân, không phải bò bằng đầu gối

Giữ bóng ở mắt cá chân 

Trẻ nằm ngửa, đặt hai tay sau đầu, nâng đầu lên từ từ, đồng thời nâng chân lên vuông góc với sàn nhà. Đặt quả bóng nhỏ ở giữa hai mắt cá chân của trẻ và hướng dẫn trẻ vẽ những chữ mà trẻ tưởng tượng với điều kiện giữ bóng không được rơi xuống sàn.

Tư thế chiếc thuyền

Trẻ ngồi trên sàn, duỗi hai tay, hai chân về phía trước. Cho trẻ ngả phần thân trên từ từ ra phía sau và nâng chân lên rời khỏi sàn. Trẻ duỗi thẳng chân hay co chân một góc 90 độ đều được. Khuyến khích trẻ giữ nguyên tư thế này trong 10 - 15 giây.

Tóm lại, trẻ ngồi tư thế W là tư thế không tốt, ảnh hưởng xấu cho sự phát triển của trẻ. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ đổi tư thế ngồi và tập những động tác giúp tăng sức mạnh cốt lõi như hướng dẫn trong bài viết trên. Nếu trẻ gặp khó khăn khi đổi tư thế ngồi thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện khám để được can thiệp kịp thời. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin