Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu, làm sao cải thiện?

Ngày 24/05/2024
Kích thước chữ

Từ khi chào đời đến 1 tháng tuổi, trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng với trẻ trong giai đoạn này, giúp con phát triển cảm xúc và hệ thần kinh một cách khỏe mạnh. Tuy nhiên có không ít trường hợp trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc và thức giấc liên tục trong vài giờ đồng hồ để thích nghi với môi trường mới. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ sâu rất quan trọng cho sự phát triển não bộ cũng như sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nhiều trẻ gặp phải tình trạng quấy khóc và ngủ không sâu giấc, dẫn đến sức khỏe yếu đi, điều này khiến các bậc ba mẹ vô cùng lo lắng.

Tầm quan trọng của giấc ngủ với trẻ sơ sinh

Để trẻ sơ sinh phát triển tốt về cả thể chất lẫn tinh thần thì việc đảm bảo giấc ngủ sâu, chất lượng là vô cùng quan trọng. Khi ngủ, các tế bào não của bé có thể phát triển mạnh mẽ nhất. Theo các chuyên gia, trong 30 ngày đầu sau sinh, các tế bào não của trẻ đã đạt 80% so với não trẻ 3 tháng tuổi và đến 3 tuổi, não bộ của trẻ đã đạt 80% lượng tế bào não khi trưởng thành. Vì vậy, thời gian và chất lượng giấc ngủ trong những năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ sau này của con.

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu, làm sao cải thiện? - 1
Giấc ngủ sâu đủ giấc rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh

Bên cạnh đó, lúc bé ngủ cũng là thời gian não bộ xử lý và sắp xếp thông tin đã tiếp nhận trong ngày. Đây là thời điểm tăng cường sản xuất các hormone cần thiết, hỗ trợ quá trình chuyển hóa và tích lũy năng lượng, giúp trẻ phát triển mỗi ngày.

Các chuyên gia nhận định rằng giấc ngủ của trẻ sơ sinh quan trọng như thức ăn và nước uống. Để con khỏe mạnh và phát triển tốt, ba mẹ cần đảm bảo trẻ có được giấc ngủ ngon, ngủ đủ lâu và sâu giấc.

Tình trạng trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc là như thế nào?

Như đã nói ở trên ngủ đủ và ngủ sâu giấc trong những năm tháng đầu đời là điều kiện quan trọng để trẻ tăng cường trí não, thúc đẩy sản xuất hormone cần thiết cho cơ thể, từ đó giúp con phát triển khỏe mạnh và toàn diện hơn.

Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày? Trong thực tế, giấc ngủ hàng ngày của trẻ sơ sinh khá dài (khoảng 16-18 giờ) và chia thành nhiều giấc ngủ ngắn khoảng 1-2 giờ mỗi giấc. Khi bé được khoảng 1 tháng tuổi, thời gian ngủ sẽ giảm xuống còn khoảng 14 giờ mỗi ngày. Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc dễ bị giật mình bởi những tiếng động nhỏ, khiến bé cảm thấy bứt rứt, quấy khóc liên tục và khó ngủ lại. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé trong những năm tháng sau này.

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu, làm sao cải thiện? - 2
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc dễ bị giật mình bởi tác động xung quanh

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc là gì?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc và quấy khóc về đêm. Chúng được chia thành ba nhóm chính gồm:

Nguyên nhân sinh lý

Giấc ngủ được chia thành 2 hình thức chính là: Giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM- rapid eye movement) và giấc ngủ không cử động mắt nhanh (Non-REM- Non-rapid eye movement). Trong đó, trẻ sơ sinh dành 50% thời gian ngủ trong giấc ngủ REM. Khi đó các tế bào não và cơ quan hô hấp hoạt động mạnh, nhịp tim và nhịp thở cũng nhanh hơn. 

Điều này khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do dễ bị đánh thức bởi các tác động bên ngoài. Bên cạnh đó, chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh ngắn, thường kéo dài khoảng 50 phút, nên trẻ dễ thức giấc thường xuyên.

Nguyên nhân bệnh lý

Rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Lúc này ba mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng của bé để kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường đi kèm và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám sớm. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Khó ngủ sau khi ốm: Sau khi khỏi ốm, một số trẻ sơ sinh có thể gặp khó khăn trong việc trở lại thói quen ngủ bình thường như trước đó. Tình trạng này thường không đáng lo ngại và chỉ kéo dài trong vài ngày.
  • Còi xương: Trẻ bị còi xương, thiếu canxi, magie, kẽm, sắt và các vi chất cần thiết rất dễ bị khó ngủ, rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, những trẻ bị thiếu sắt có thể gặp hội chứng chân không yên (chân bé hoạt động liên tục trong giai đoạn đầu của giấc ngủ và vận động ngay cả khi trẻ không có ý thức). Điều này khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc dẫn đến mệt mỏi, khó chịu.
  • Béo phì: Trẻ béo phì có thể gặp khó khăn trong việc thở, nuốt, dẫn đến thở bằng miệng, ngủ không sâu, khó ngủ, tiểu dầm và đổ mồ hôi vào ban đêm.
  • Bệnh nội khoa: Các bệnh lý như: Trào ngược dạ dày thực quản, viêm tai giữa, hoặc các bệnh liên quan đến thần kinh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, khiến con ngủ không sâu giấc, quấy khóc về đêm.
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu, làm sao cải thiện? - 3
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc

Nguyên nhân do thói quen sinh hoạt

Các thói quen sinh hoạt thường ngày cũng là nhóm nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc. Cụ thể như:

  • Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do nằm sấp: Trẻ sơ sinh thường thích nằm sấp nhưng tư thế này làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nên đặt trẻ nằm ngửa và quấn khăn để bé cảm thấy an toàn, thoải mái và có giấc ngủ sâu hơn.
  • Ngủ ngày thức đêm: Trẻ sơ sinh chưa phân biệt được ngày đêm nên đa số giấc ngủ của bé sẽ xuất phát từ nhu cầu. Do đó, bé có thể dành nhiều thời gian ngủ vào ban ngày dẫn đến khó ngủ, ngủ không sâu giấc vào ban đêm. Lâu dần tạo nên thói quen ngủ không khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và gây nhiều phiền toái cho ba mẹ.
  • Bú khuya: Thức nhiều lần để bú đêm có thể khiến giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn, chập chờn và không sâu giấc.
  • Môi trường xung quanh: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với môi trường xung quanh nên giấc ngủ của con cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như: Ánh sáng, âm thanh, tiếng ồn, nhiệt độ, phòng ngủ bí bách… Đặc biệt là khi có các thiết bị điện tử như: Tivi, điện thoại, máy tính đang hoạt động trong không gian ngủ của trẻ.
  • Đói bụng: Bởi dạ dày trẻ sơ sinh có kích thước nhỏ nên chỉ chứa được ít thức ăn. Điều này khiến con nhanh đói, nếu không được bú kịp sẽ khiến trẻ tỉnh giấc, quấy khóc, khó đi vào giấc ngủ sâu.
  • Gián đoạn trong thói quen: Việc tập cho trẻ những thói quen mới để giúp con đi ngủ đúng giờ có thể làm cho thời gian biểu của bé bị xáo trộn. Con có thể trở nên khó chịu, khó ngủ và ngủ không ngon giấc.
  • Không cho trẻ ngủ ngay khi có dấu hiệu buồn ngủ: Khi con có dấu hiệu buồn ngủ như: Quấy khóc, hay ngáp, chớp mắt liên tục… nhưng không được cho ngủ kịp thời, trẻ sẽ bị quá giấc, mệt mỏi và khó ngủ sâu.
  • Không quen ngủ một cách độc lập: Trẻ thường được vỗ về, ôm ấp khi ngủ sẽ khó ngủ độc lập, ngủ không ngon nếu thiếu vòng tay của mẹ.

Hiểu rõ các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc trên sẽ giúp ba mẹ điều chỉnh môi trường và thói quen sinh hoạt của trẻ, đảm bảo con có giấc ngủ ngon và chất lượng hơn.

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu, làm sao cải thiện? - 4
Hiểu rõ các nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ có nhiều biện pháp giúp trẻ có giấc ngủ sâu hơn

Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon, sâu giấc

Tập cho trẻ thói quen ngủ ngoan

  • Nhận biết biểu hiện trẻ buồn ngủ: Trẻ sơ sinh không thể thức hơn 2 giờ liên tiếp trong 8 tuần đầu sau sinh, do trẻ sẽ trở nên mệt mỏi và khó ngủ. Các biểu hiện buồn ngủ như: Lim dim, chớp mắt liên tục, quầng thâm dưới mắt và ngáp sẽ giúp ba mẹ nhận biết và cho trẻ ngủ sớm, đảm bảo giấc ngủ sâu và ngon.
  • Hướng dẫn trẻ phân biệt ngày và đêm: Một số trẻ đã có thói quen thức khuya từ khi còn trong bụng mẹ và tiếp tục duy trì đến lúc chào đời. Mặc dù không thể thay đổi ngay lập tức thói quen này trong vài ngày đầu sau sinh, nhưng ba mẹ có thể dạy trẻ phân biệt ngày và đêm khi con được 2 tuần tuổi. Để thực hiện mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon này, hãy cho con chơi đùa, trò chuyện nhiều với bé, giữ phòng sáng vào ban ngày. Còn vào ban đêm cần nói khẽ, giữ yên lặng khi cho trẻ bú và giữ phòng tối để con hiểu rằng đây là thời gian để ngủ.
  • Dạy trẻ tự ngủ: Khi trẻ được 6-8 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy trẻ tự đi ngủ. Đặt trẻ lên giường hoặc vào nôi khi trẻ có dấu hiệu buồn ngủ. Phương pháp này giúp trẻ hình thành thói quen tự ngủ. Ba mẹ có thể hát ru, vỗ nhẹ mông hoặc áp dụng các hình thức khác thay vì cho trẻ ngủ trên tay rồi mới đặt xuống giường.
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu, làm sao cải thiện? - 5
Trẻ được ăn no sẽ dễ ngủ và giấc ngủ sâu hơn

7 bước chuẩn bị giấc ngủ cho trẻ

Chuẩn bị thật tốt giấc ngủ cho trẻ là một cách hiệu quả giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Quá trình này gồm 7 bước sau:

  • Bước 1: Đảm bảo trẻ đã được ăn no trước khi ngủ để loại trừ khả năng trẻ khó ngủ, tỉnh giấc do đói.
  • Bước 2: Tạo không khí ấm áp và bình yên để trẻ dễ đi vào giấc ngủ sâu.
  • Bước 3: Cho trẻ ngủ sớm, khoảng 8 giờ tối, để hình thành thói quen tốt.
  • Bước 4: Điều chỉnh cách dỗ trẻ ngủ phù hợp với từng độ tuổi.
  • Bước 5: Hạn chế tối đa sự kích thích quá mức, giữ không gian ngủ thoáng đãng với ánh sáng nhẹ và yên lặng. Sự bày trí ấm áp, yên bình sẽ giúp hệ thần kinh của trẻ ổn định khi ngủ.
  • Bước 6: Sắp xếp giường ngủ với gối và chăn mềm mại, tạo cảm giác an toàn như trong bụng mẹ và giữ ấm suốt đêm, giúp trẻ không bị rơi khỏi giường khi xoay mình.
  • Bước 7: Đặt trẻ trong không gian có nhiệt độ phù hợp, ánh sáng mờ, giảm âm lượng điện thoại và tắt tivi để tạo sự thoải mái.

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, thường xuyên quấy khóc có thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Việc phát hiện sớm và khắc phục kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các hệ lụy nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ba mẹ hãy theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện và giúp con điều chỉnh giấc ngủ tốt hơn nhé!

Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z mà cha mẹ nên biết và áp dụng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin