Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trụy tim là gì? Những vấn đề cần biết về Trụy tim

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trụy tim xảy ra khi tim ngừng đập làm giảm lượng máu bơm đến các cơ quan quan trọng. Trong quá trình ngừng tim máu không đến não để trao đổi oxy khiến người mắc mất ý thức. Trụy tim xảy ra đột ngột mà không có cảnh báo vì thế người ta còn gọi hiện tượng này là ngừng tim đột ngột. Tình trạng này có thể trở nên nguy hiểm nếu bạn không được điều trị ngay lập tức.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trụy tim là gì?

Trụy tim hay trụy tim mạch hay ngưng tim đột ngột (Cardiovascular Collapse, Cardiac Arrest, and Sudden Cardiac Death) xảy ra khi tim ngừng đập đột ngột và bất ngờ làm cho máu sẽ ngừng chảy đến não và các cơ quan quan trọng khác. Trụy tim xảy ra là do một số loại rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng cơ tim hoặc van tim nghiêm trọng, mất trương lực mạch máu và/hoặc rối loạn cấp tính hồi lưu tĩnh mạch.

Triệu chứng

Những triệu chứng của Trụy tim

Các triệu chứng gợi ý bệnh lý trụy tim bao gồm:

  • Ngã xuống đột ngột;
  • Không có mạch;
  • Ngừng thở;
  • Bất tỉnh;
  • Tức ngực;
  • Chóng mặt;
  • Tim đập nhanh;
  • Khó thở.
Trụy tim là gì? Những vấn đề cần biết về Trụy tim1.jpg
Đột ngột bất tỉnh là triệu chứng của trụy tim

Tác động của Trụy tim với sức khỏe

Trụy tim có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm khả năng vận động thậm chí dẫn đến đột tử.

Biến chứng có thể gặp khi bị Trụy tim

Biến chứng nặng nhất có thể gặp của trụy tim là tử vong. Ở những người sống sót sau trụy tim có thể gặp các khiếm khuyết nghiêm trọng về thần kinh và/hoặc thể chất.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bệnh tim, từng gặp các triệu chứng kể trên hoặc có tiền căn gia đình mắc bệnh tim đều nên gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây Trụy tim

Các nguyên nhân cơ bản gây trụy tim bao gồm các tình trạng lành tính chẳng hạn như ngất do rối loạn chức năng thần kinh tim, nhưng cũng có các tình trạng ác tính đe dọa tính mạng bao như nhịp nhanh thất (VT), nhịp tim chậm, suy tim do nhồi máu cơ tim cấp tính nặng (MI) hoặc thuyên tắc phổi và các bệnh lý nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến chức năng tim như vỡ cơ tim do chèn ép tim hoặc đứt cơ nhú kèm hở van hai lá. Các nguyên nhân cụ thể như sau:

Bệnh tim nền chưa được phát hiện, chưa được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả

Nguyên nhân tim mạch thường gặp nhất gây trụy tim là bệnh mạch máu tim - bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngoài bệnh mạch máu tim, bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ (phì đại, giãn và nhiễm trùng) là nguyên nhân thường gặp thứ hai của trụy tim ở Hoa Kỳ và các nước Châu Âu.

Các nguyên nhân ít gặp hơn khác bao gồm bệnh van tim, viêm cơ tim, phì đại cơ tim (thường do tăng huyết áp) và các bệnh lý liên quan hệ thống dẫn điện trong tim nguyên phát như hội chứng QT kéo dài và hội chứng Brugada.

Rối loạn nhịp tim

Các rối loạn nhịp tim trên ECG được đo ngay khi tại hiện trường của một ca trụy tim ngoài bệnh viện là một dấu hiệu quan trọng về nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng trụy tim và tiên lượng. Hơn một nửa số nạn nhân được tìm thấy với tình trạng rung thất (VF), dẫn đến giả thuyết cho rằng rung thất do thiếu máu cục bộ hoặc nhịp nhanh thất chuyển thành rung thất là biến cố phổ biến nhất gây trụy tim.

Một số bệnh lý đặc biệt khác

Bệnh mạch máu tim có thể gây ra trụy tim thông qua một số cơ chế cụ thể. Nguyên nhân phổ biến nhất là nhồi máu cơ tim cấp tính hoặc thiếu máu cơ tim thoáng qua dẫn đến cơn nhịp nhanh thất đa hình và cơn rung thất. 

Ngoài ra, rối loạn nhịp tim chậm như block tim với nhịp thoát chậm hoặc hoạt động điện vô mạch do nhồi máu cơ tim diện rộng hoặc liên quan đến vỡ cơ tim cũng là nguyên nhân gây trụy tim. Một người khi bị nhồi máu cơ tim trước đó có nguy cơ trụy tim tăng lên gấp 10 lần, đặc biệt trong 30 ngày đầu tiên sau nhồi máu.

Trụy tim là gì? Những vấn đề cần biết về Trụy tim-2.jpg
Bất thường cấu trúc hay rối loạn nhịp có thể là nguyên nhân gây trụy tim

Bệnh cơ tim và các dạng bệnh tim cấu trúc khác

Trong bệnh tim bẩm sinh, các vết sẹo sau phẫu thuật chỉnh sửa cũng có thể đóng vai trò là nền tảng cho việc xảy ra nhịp vòng vào lại tâm thất. Trong nhiều loại bệnh liên quan đến suy giảm chức năng tâm thất và/hoặc phì đại tâm thất như bệnh mạch vành, bệnh van tim, viêm cơ tim và bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ cũng có thể gây trụy tim.

Khi không có bất thường cấu trúc tim, rung thất có thể do bất thường kênh ion di truyền gặp trong hội chứng QT kéo dài và hội chứng Brugada, rung nhĩ nhanh liên quan đến hội chứng Wolff-Parkinson-White,... Hoạt động điện vô mạch cũng có thể là kết quả của thuyên tắc phổi, mất máu hoặc giai đoạn cuối của ngừng hô hấp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Trụy tim?

Những người có nguy cơ mắc trụy tim cao hơn người khác có các đặc điểm sau:

Người có bệnh lý tim bẩm sinh: Sự hiện diện của bệnh tim cấu trúc và/hoặc một số loại bệnh tim do rối loạn nhịp tim di truyền làm tăng đáng kể nguy cơ trụy tim gấp 4 đến 10 lần.

Người mắc các bệnh lý mãn tính: Các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, béo phì và hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng trụy tim. Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ đặc biệt mạnh đối với trụy tim ngay cả ở những bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh. Tăng huyết áp và phì đại thất trái (LVH) dường như là dấu hiệu đặc biệt quan trọng của nguy cơ trụy tim ở người da đen. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh rõ rệt và cai thuốc lá làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Tăng cholesterol huyết thanh dường như có liên quan chặt chẽ hơn với trụy tim ở độ tuổi trẻ hơn.

Ngưng thở khi ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và chứng co giật cũng làm tăng nguy cơ mắc trụy tim. Cơ chế cơ bản chưa được giải thích rõ ràng nhưng ngừng tim có thể do thiếu oxy.

Chế độ ăn: Ngoài ra còn có sự ảnh hưởng tiềm ẩn của chế độ ăn uống không lành mạnh đối với nguy cơ trụy tim. Những người ăn nhiều axit béo không bão hòa đặc biệt là axit béo n-3 và các thành phần khác của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có nguy cơ trụy tim thấp hơn trong các nghiên cứu có thể do tác dụng chống loạn nhịp của các thành phần trong chế độ ăn. Uống ít rượu uống nhiều (>3 ly/ngày) dường như làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Trụy tim là gì? Những vấn đề cần biết về Trụy tim3.png
Có nhiều yếu tố được cho là yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân gây trụy tim

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Trụy tim

Trụy tim xảy ra với tần suất cao nhất vào những giờ đầu buổi sáng và lần 2 vào buổi chiều sau đó. Ngoài ra còn có sự thay đổi tỷ lệ trụy tim theo mùa, việc này có thể liên quan đến nhiệt độ và ánh sáng. Tỷ lệ mắc trụy tim cao nhất trong mùa đông ở bán cầu bắc và mùa hè ở bán cầu nam. Tỷ lệ trụy tim có xu hướng cao hơn ở khu vực thành thị và những cá nhân sống gần các tuyến đường lớn. Ngoài ra giới nam dường như dễ bị tổn thương hơn nữ giới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Trụy tim

Do trụy tim là một biến cố đột ngột, nặng và là một tình trạng cấp cứu. Người ta thường chỉ phát hiện ra trụy tim khi bệnh nhân đột ngột lên cơn đau tim, ngất hoặc nhập viện. Thậm chí phát hiện được trụy tim sau khi bệnh nhân đã tử vong. Không có một xét nghiệm đặc hiệu nào để chẩn đoán trụy tim.

Phương pháp điều trị Trụy tim

Ngừng tim là một trường hợp khẩn cấp. Nếu bạn đang ở cùng người bị ngừng tim, hãy gọi cấp cứu và bắt đầu ép tim đến khi nhân viên y tế đến. Bắt đầu ép tim ngay lập tức là rất quan trọng vì nó giúp máu và oxy di chuyển đến não và xung quanh cơ thể. Cách tiếp cận một trường hợp trụy tim được hệ thống hóa thành các bước sau:

  • Đánh giá ban đầu và xác định một tình huống trụy tim và bắt đầu nhanh chóng hồi sức tim phổi (CPR) với trọng tâm là ép tim;
  • Hỗ trợ sự sống nâng cao và chăm sóc ngừng tim.

Đánh giá ban đầu và bắt đầu hồi sức tim phổi (CRP)

Người cứu hộ nên kiểm tra phản hồi từ nạn nhân, hét lên để được giúp đỡ và gọi điện hoặc nhờ người khác gọi đến số khẩn cấp tại địa phương (ví dụ: 115). Lý tưởng nhất là trên điện thoại di động có thể bật chế độ loa ngoài đặt bên cạnh bệnh nhân để nhận sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Người cứu hộ kiểm tra mạch (không quá 10 giây để không làm trì hoãn việc bắt đầu ép ngực) và đánh giá nhịp thở. Thở hổn hển và sự co giật ngắn là phổ biến trong trụy tim và có thể bị hiểu sai là đang còn thở và có phản ứng. Việc ấn ngực phải được bắt đầu ngay lập tức và thực hiện với tốc độ 100-120 lần/phút, ấn xương ức xuống 5cm và cho phép ngực trở lại hoàn toàn giữa các lần ấn. Việc ép ngực tạo ra cung lượng tim duy trì hướng dòng chảy của máu cung cấp oxy đến các cơ quan quan trọng.

Trụy tim là gì? Những vấn đề cần biết về Trụy tim4.jpg
Cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn là bước điều trị quan trọng trong cấp cứu trụy tim

Cấp cứu nâng cao

Cấp cứu nâng cao được thực hiện bởi các nhân viên y tế bằng máy khử rung. Đối với những bệnh nhân sống sót sau khi ngừng tim,  các nguyên nhân cơ bản gây ngừng tim sẽ được xác định và điều trị thêm. Đối với ngừng tim không do nguyên nhân rõ ràng nên thực hiện đánh giá đầy đủ các dạng bệnh tim cấu trúc bao gồm đánh giá bệnh mạch vành và thiếu máu cục bộ cơ bản cũng như siêu âm tim và/hoặc MRI tim để tìm bằng chứng về nhồi máu cơ tim trước đó, bệnh van tim, bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ và để đánh giá phân suất tống máu thất trái (LVEF). 

Những bệnh nhân không có bất thường về cấu trúc rõ ràng nên được đánh giá về rối loạn nhịp tim hay dẫn truyền nguyên phát (hội chứng QT kéo dài, hội chứng Brugada, hội chứng tái cực sớm hoặc hội chứng Wolff Parkinson-White). Trong trường hợp nghi ngờ có hội chứng di truyền cần xem xét đánh giá di truyền thêm. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Trụy tim

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến bệnh chúng ta có thể thực hiện các hoạt động sau:

  • Quản lý và phát hiện sớm bệnh nền như rối loạn nhịp tim, phì đại thất trái, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,...
  • Tập thể dục vừa phải.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế ăn mặn, không ăn nhiều dầu mỡ.
  • Bổ sung rau xanh và trái cây cho khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong thực đơn.
  • Chọn nguồn protein ít chất béo.
  • Cần uống đủ lượng nước mỗi ngày.

Phương pháp phòng ngừa Trụy tim hiệu quả

Đặc hiệu

Điều trị bằng thuốc chẹn beta-adrenergic đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ trụy tim sau nhồi máu cơ tim và trong hội chứng QT kéo dài. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc đối kháng aldosterone và gần đây nhất là thuốc ức chế thụ thể angiotensin/neprilysin có liên quan đến việc giảm tử vong do trụy tim ở các bệnh nhân mắc bệnh tim cấu trúc chủ yếu là bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ. Bắc cầu động mạch vành cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ trụy tim và tái thông mạch máu nói chung có thể làm giảm nguy cơ tử vong do trụy tim thông qua giảm các biến cố thiếu máu cục bộ và cải thiện kết quả chức năng tâm thu thất trái.

Không đặc hiệu

Để ngăn chặn những trường hợp trụy tim không triệu chứng cần tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cần được phổ biến và áp dụng rộng rãi cho dân chúng nói chung. Mọi người nên tuân thủ lối sống lành mạnh, tránh hút thuốc, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, tham gia tập thể dục vừa phải và chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

Các câu hỏi thường gặp về Trụy tim

Trụy tim có nguy hiểm không?

Ngừng tim là một cấp cứu y tế. Chín trong số 10 người bị ngừng tim bên ngoài bệnh viện sẽ chết - thường trong vòng vài phút. Mặc dù những tiến bộ trong CPR và chăm sóc sau hồi sức đã cải thiện tỷ lệ sống sót sau khi ngừng tim, 90% bệnh nhân sẽ không sống sót để xuất viện. Trong số những người sống sót, một tỷ lệ (∼20%) bị khuyết tật nghiêm trọng về thần kinh và/hoặc thể chất. Phần lớn các trường hợp ngừng tim không xảy ra ở những nơi công cộng, nơi AED và khử rung tim nhanh có tác động lớn nhất. 

Những bệnh nhân bị ngừng tim tại nhà cũng có thời gian phản hồi cấp cứu lâu hơn và ít có khả năng được tìm thấy trong VF. Cuối cùng, 50% trường hợp ngừng tim không được chứng kiến và ngăn cản nỗ lực hồi sức hiệu quả. Vì vậy, những nỗ lực phòng ngừa là rất quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong do ngừng tim.

Cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn là gì?

Cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn là một chuỗi các hoạt động nhằm cấp cứu một trường hợp ngừng hô hấp tuần hoàn theo ba bước cơ bản là:

  • C – Chest compressions: Ép tim ngoài lồng ngực.
  • A – Airway: Giải phóng đường thở.
  • B – Breathing: Hô hấp nhân tạo/thổi ngạt.
Nguồn tham khảo
  1. Cardiovascular Collapse, Cardiac Arrest, and Sudden Cardiac Death: Harrison’s Principles of Internal Medicine 21st Edition 2022
  2. Sudden cardiac arrest: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sudden-cardiac-arrest/symptoms-causes/syc-20350634
  3. Cardiac Arrest: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21736-cardiac-arrest
  4. Cardiac Arrest: https://www.cdc.gov/heartdisease/cardiac-arrest.htm
  5. What is Cardiac Arrest?: https://www.heart.org/en/health-topics/cardiac-arrest/about-cardiac-arrest

Các bệnh liên quan

  1. Hẹp động mạch chi dưới

  2. Suy tim

  3. Block nhĩ thất

  4. Phình tách động mạch chủ

  5. Đột quỵ

  6. Nhịp nhanh nhĩ

  7. Hội chứng Brugada

  8. Giãn tĩnh mạch chi dưới

  9. Rối loạn tuần hoàn não

  10. Thiếu máu cơ tim