Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân và cách xử trí

Ngày 27/05/2022
Kích thước chữ

Trường hợp trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa rất phổ biến và khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Bài viết sau đây sẽ giải đáp cụ thể nguyên nhân và cách xử trí vấn đề này, hãy cùng theo dõi nhé!

Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa là một tình trạng rất phổ biến. Theo thống kê, có đến 20% trẻ em điều trị nhiễm trùng sử dụng kháng sinh xuất hiện các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như: Đi ngoài nhiều lần, đi phân sống, nôn mửa hay táo bón,... Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần và đi phân lỏng.

Tại sao trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa?

Trong hệ tiêu hóa luôn có một hệ sinh thái cân bằng giữa lợi khuẩn và các vi khuẩn gây hại. Trong đó các loại vi khuẩn gây hại sẽ tiết ra độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, kích thích quá trình viêm và gây rối loạn tiêu hóa. Ngược lại, lợi khuẩn sẽ giúp tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe cho đường ruột. 

Khi trẻ uống kháng sinh liều cao và kéo dài hay uống kháng sinh không đúng cách sẽ làm tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi. Từ đó, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Một số kháng sinh có thể gây rối loạn tiêu hóa là: Clindamycin, erythromycin, ampicillin, amoxicillin, penicillin, nhóm cephalosporin, nhóm quinolones (ciprofloxacin, levofloxacin), và tetracycline,… 

Hơn thế nữa, với hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi sẽ càng dễ bị rối loạn tiêu hóa hơn khi kháng sinh tấn công mạnh mẽ đến các loại lợi khuẩn ở đường ruột.

trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa 1

Dùng kháng sinh sai cách làm tiêu diệt cả lợi khuẩn đường ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Cách để nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh 

Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa thường xảy ra ở ngày thứ 2 trong liệu trình điều trị với kháng sinh và kéo dài đến khoảng 1 tuần sau đó, thậm chí là một vài tuần đến một tháng sau đó.

Các biểu hiện cho thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh bao gồm: 

  • Trẻ bị đau bụng, đi ngoài nhiều lần, thậm chí đôi lúc lên đến 15 lần/ngày;
  • Gặp khó khăn trong việc đi đại tiện, cần phải rặn hết sức mỗi khi đi ngoài;
  • Phân có dịch nhầy, phân sống (phân có lẫn thức ăn còn chưa tiêu hóa) hay có lẫn máu;
  • Phân cũng có thể có màu khác thường chẳng hạn như màu xanh và có bọt;
  • Đi ngoài phân lỏng quá 3 lần/ngày;
  • Khi bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh, trẻ thường bị hăm đỏ mông do phân có tính axit. 

Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa thường sẽ tự khỏi khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp vi khuẩn có độc tính cao sẽ làm rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chế độ ăn uống, sự hấp thu dưỡng chất và phát triển của trẻ. Vì vậy, nếu trẻ có dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa khi đang uống kháng sinh, mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và chữa trị đúng cách.

trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa 2

Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa cần được đưa đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt

Trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không? 

Mất nước và rối loạn điện giải là một trong những vấn đề đáng lo ngại khi trẻ em bị rối loạn tiêu hóa mà đặc biệt là tiêu chảy kéo dài. Đây là một trong các tình trạng tiến triển rất nhanh và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. 

Thông thường tình trạng này thường phổ biến nhất ở trẻ dưới 2 tuổi. Với trẻ trên 2 tuổi đi phân lỏng hay phân toàn nước khi đang uống kháng sinh là một triệu chứng biểu hiện cho rối loạn tiêu hóa nhẹ, bố mẹ không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, lúc này nên cung cấp đủ nước cho trẻ và quan sát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường khác nhé! 

Lưu ý rằng trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa thường không kèm sốt và thường sẽ tự khỏi khi ngừng thuốc. Nếu trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa kèm sốt, có khả năng là do nhiễm khuẩn và trong đó đáng lo nhất là viêm đại tràng giả mạc.

Vì vậy, nếu trẻ có dấu hiệu sốt kèm rối loạn tiêu hóa trong khi dùng kháng sinh (khi các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng chính đã được cải thiện) thì mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. 

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh thì mẹ cần làm gì?

Tình trạng trẻ bị rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh có nhiều thể bệnh từ thể nhẹ đến thể nặng. Quan trọng là cha mẹ cần bình tĩnh xử trí để giúp trẻ cải thiện tình trạng này. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi đang uống kháng sinh:

Không tự ý cho trẻ ngưng uống kháng sinh 

Trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ và không có dấu hiệu mất nước, mẹ cần tiếp tục cho trẻ dùng kháng sinh theo chỉ định từ bác sĩ. Bởi dùng kháng sinh không đủ liều sẽ hình thành chủng vi khuẩn kháng thuốc. Từ đó, làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh về sau.

Mặt khác, nếu trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa nặng, mất nước, tiêu chảy liên tục mẹ nên ngưng kháng sinh đang dùng và mang trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý bù nước, bù điện giải kịp thời. 

Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay thuốc nhuận tràng (trị táo bón) mà không có chỉ dẫn từ bác sĩ hay dược sĩ. Chúng có nguy cơ gây tương tác với các loại kháng sinh trẻ đang uống, gây nên những phản ứng có hại cho sức khỏe. 

Cung cấp đủ nước cho trẻ 

Một trong các vấn đề đáng lo nhất khi trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa là tình trạng mất nước và rối loạn điện giải. Do đó, mẹ nên đảm bảo cho con uống đủ nước mỗi ngày để phòng tránh tình trạng này. Có thể thay nước lọc bằng các loại nước ép trái cây hay sử dụng oresol để bù điện giải (nếu cần).

Với trẻ nhỏ còn đang bú mẹ, hãy tăng cường cữ bú và đảm bảo cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng sau sinh. 

trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa 4

Đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày để tránh mất nước khi bị rối loạn tiêu hóa

Chú ý và điều chỉnh khẩu phần ăn cho trẻ lớn 

Đối với trẻ lớn và đã ăn được, khi bị rối loạn tiêu hóa mẹ cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ hơn. Thay vì có chế độ ăn như thông thường, các mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm và dễ tiêu hóa. Tránh cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khó tiêu như đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, hải sản,... Đồng thời, hạn chế để trẻ ăn vặt quá nhiều trong ngày. 

Ngoài ra, để tăng cường hệ lợi khuẩn đường tiêu hóa, mẹ có thể bổ sung sữa chua như một bữa ăn phụ cho trẻ. Các loại rau củ quả và trái cây giàu vitamin và nhiều nước như cam, dưa hấu, củ cải đường,... cũng nên tăng cường bổ sung trong khẩu phần ăn của trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa. 

Trên đây là các thông tin về rối loạn tiêu hóa ở trẻ em đang uống kháng sinh. Hy vọng chúng bổ ích và giúp các bậc phụ huynh bình tĩnh xử trí hơn khi trẻ uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa nhé!

Vi Quỳnh 

Nguồn tham khảo: tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin