Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng, chẩn đoán và cách trị bệnh gout hiệu quả

Ngày 29/11/2019
Kích thước chữ

Bệnh gout với những ổ sưng, viêm trong khớp gây đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt. Nếu không được sớm điều trị thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy cách trị bệnh gout hiệu quả là gì?

Theo các số liệu thống kê, những người nghiện rượu, cà phê, béo phì, huyết áp cao và những phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh gout. Đây là một rối loạn chuyển hóa liên quan đến nồng độ axit uric trong cơ thể tạo ra những ổ sưng, viêm trong khớp gây đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt, nếu không được sớm điều trị thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy cách trị bệnh gout hiệu quả là gì?

Triệu chứng, chẩn đoán và cách trị bệnh gout hiệu quả 1

Mắc bệnh gout thì điều trị như thế nào?

Nguyên nhân bệnh gout là gì?

Bệnh gout là một bệnh rối loạn chuyển hóa do cơ thể sản sinh quá nhiều axit uric hoặc thận không thể đào thải axit uric ra ngoài. Khi nồng độ axit uric trong máu quá cao, chúng sẽ lắng đọng thành các tinh thể muối urat, tích tụ trong sụn khớp và bao hoạt dịch gây sưng, viêm. Bệnh thường xảy ra ở nam giới từ 40 tuổi trở lên và có thể tái phát nhiều lần.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng tăng nồng độ axit uric trong cơ thể bao gồm: nguyên phát và thứ phát.

Nguyên phát

Theo các thống kê, trường hợp mắc bệnh thường gặp là nam giới từ 30 - 60 tuổi có chế độ ăn giàu purin: lòng đỏ trứng, nấm, gan, nội tạng động vật, hải sản, tôm, cua…

Thứ phát

  • Nguyên nhân di truyền như rối loạn về gen.
  • Suy thận và các bệnh lý làm giảm khả năng lọc axit uric của thận.
  • Các bệnh về máu như bệnh bạch cầu cấp.
  • Lạm dụng thuốc lợi tiểu như: acetazolamid, furosemid, thiazid…
  • Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh ác tính.
  • Sử dụng thuốc kháng lao như pyrazinamid hay ethambutol.

Triệu chứng, chẩn đoán và cách trị bệnh gout hiệu quả 2

Rối loạn di truyền có thể dẫn đến bệnh gout

Triệu chứng bệnh

Triệu chứng bệnh gout đặc trưng bởi những cơn đau khớp xuất hiện đột ngột vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các triệu chứng ở những người bị gout mạn tính hoặc cấp tính có thể kể đến:

  • Khớp đau đột ngột mà không hiểu lý do.
  • Vùng khớp sưng đỏ lên.
  • Cảm giác đau tăng lên khi chạm vào vùng bị sưng.
  • Khu vực xung quanh khớp ấm lên.

Triệu chứng, chẩn đoán và cách trị bệnh gout hiệu quả 3

Sưng đau khớp về đêm có thể là một triệu chứng của bệnh gout

Các dấu hiệu này thường kéo dài trong vài giờ và xuất hiện trong khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, những ai mắc bệnh nặng thì cơn đau gout có thể xảy ra trong liên tục vài tuần liền.

Cách chẩn đoán

Bệnh gout có triệu chứng rất giống các bệnh lý về khớp khác, do đó rất khó để chẩn đoán chính xác. Bác sĩ thường áp dụng những phương pháp sau để xác định bệnh:

  • Hỏi bệnh sử người khám.
  • Khám lâm sàng.
  • Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
  • Xét nghiệm máu.
  • Chọc hút dịch khớp để kiểm tra xem có tinh thể urat hay không.
  • Siêu âm khớp.
  • Chụp X-quang.
  • Chụp CT scan lớp.

Cách trị bệnh gout hiệu quả

Nguyên tắc điều trị bệnh

Trong cách trị bệnh gout cần tuân thủ các nguyên tắc như:

  • Điều trị viêm khớp khi bị đau gout cấp.
  • Phòng ngừa nguy cơ tái phát bằng cách kiểm soát axit uric trong máu dưới 60 mg/l nếu không có nốt tophi và dưới 50 mg/l nếu có xuất hiện nốt tophi.

Điều trị nội khoa

Cách trị bệnh gout bằng phương pháp nội khoa bao gồm:

  • Sử dụng các loại thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau gout cấp.
  • Sử dụng thuốc giảm axit uric máu dùng để điều trị gout mạn tính, ngăn nguy cơ bệnh tái phát.

Triệu chứng, chẩn đoán và cách trị bệnh gout hiệu quả 4

Điều trị bệnh gout bằng các loại thuốc kháng viêm kết hợp với thuốc giảm axit uric máu

Điều trị ngoại khoa

Nếu cách điều trị bệnh gout theo phương pháp sử dụng thuốc không hiệu quả thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật. Các thủ thuật cắt bỏ nốt tophi được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bội nhiễm nốt tophi.
  • Xuất hiện biến chứng loét.
  • Nốt tophi sưng to ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và cản trở hoạt động.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân cần dùng thêm thuốc chống viêm, thuốc giảm đau gout cấp kết hợp với thuốc giảm axit uric trong máu.

Thay đổi thói quen ăn uống

Trong cách trị bệnh gout, quan trọng nhất là người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống của mình. Người đang chữa bệnh gout nên:

  • Bổ sung 500 - 1000 mg vitamin C mỗi ngày.
  • Uống nhiều nước để tăng cường đào thải axit uric.
  • Hạn chế ăn thịt đỏ mà chỉ nên ăn các loại thị trắng như lườn gà, thịt heo, thịt cá sông…
  • Ăn các thức ăn chứa tinh bột và carb vì chúng chứa ít purin và giúp hòa tan axit uric vào nước tiểu.
  • Bổ sung các thực phẩm có tác dụng loại bỏ axit uric máu như dâu tây, cherry, cam, cải bẹ xanh…
  • Các loại rau dành cho người mắc bệnh gout bao gồm: dưa chuột, cải bắp, rau cần, cải xanh…
  • Giảm chất béo và thay thế dầu đậu nành bằng các loại dầu khác như dầu vừng, dầu lạc hay dầu ô liu.
  • Hạn chế các món chiên, xào nhiều dầu mỡ và ưu tiên các món hấp, món luộc.

Triệu chứng, chẩn đoán và cách trị bệnh gout hiệu quả 6

Bệnh nhân gout nên hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều purin

Đặc biệt, người mắc bệnh gout cần tuyệt đối tránh xa các loại thực phẩm có lượng purin cao như: thịt bò, nội tạng động vật, hải sản, tôm, cua, ghẹ, thịt thú rừng… Vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout cấp tính. Bên cạnh đó, cần hạn chế chất béo, tránh ăn các loại quả chua, thức ăn lên men, nấm, măng… sẽ làm tăng tổng hợp axit uric trong cơ thể. Ngoài ra, các chất kích thích như rượu cũng làm giảm khả năng đào thải axit uric của thận và tăng tại axit uric ở gan. Một số loại gia vị như hạt tiêu hay ớt cũng nên hạn chế vì chứng gây hưng phấn thần kinh tự chủ dẫn đến tái phát bệnh gout.

Nhìn chung, ai cũng có thể mắc bệnh gout (nhất là nam giới trưởng thành) và bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sức khỏe của bệnh nhân. Cách trị bệnh gout hiệu quả là kết hợp giữa sử dụng thuốc và thay đổi thói quen ăn uống.

Uyên

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.