Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng viêm đại tràng co thắt là gì? Có cách cải thiện không?

Ngày 07/03/2023
Kích thước chữ

Viêm đại tràng co thắt được biểu hiện bằng những cơn đau quặn bụng thường xuyên, đi vệ sinh thất thường và gây đau đớn khó chịu cho người bệnh. Đây là bệnh lành tính, thường gặp ở những người có bệnh lý nền về tiêu hóa hoặc người thường xuyên căng thẳng và stress.

Viêm đại tràng co thắt ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và có thể gây ra biến chứng cho người bệnh nếu không được điều trị sớm. Hiện nay ở Việt Nam có tới 15 - 20% dân số mắc bệnh này.

Viêm đại tràng co thắt là gì?

Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích, là một dạng rối loạn tiêu hóa thường gặp liên quan đến tình trạng co thắt bất thường của ruột với biểu hiện đau bụng, chướng bụng, phân có nhầy hoặc tiêu chảy và táo bón xen kẽ. Các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt có xu hướng mãn tính, gây khó chịu cho người bệnh nhưng không dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về nội tạng.

Triệu chứng viêm đại tràng co thắt

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm đại tràng co thắt có thể khác nhau tùy theo từng người. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của bệnh đại tràng co thắt: 

Đau bụng

Bệnh đại tràng co thắt thường có biểu hiện đau bụng đột ngột, đặc biệt là vùng bụng dưới và bụng trái. Tùy thuộc vào cơn co thắt, cơn đau có thể khác nhau về cường độ. Cơn đau xuất hiện sau khi người bệnh ăn đồ lạ, chua, cay nóng, hải sản, đồ sống,... hoặc khi bị căng thẳng kéo dài. Thông thường, cảm giác đau quặn bụng sẽ hết sau khi đánh rắm hoặc đi cầu, tuy nhiên có những trường hợp sau khi đi vệ sinh vẫn không đỡ và cơn đau bụng quay trở lại.

Rối loạn đại tiện

Rối loạn đường ruột ở người bị đại tràng co thắt luân phiên giữa tiêu chảy và táo bón. Phân có thể lỏng, có chất nhầy trong hoặc trắng có mùi hôi. Người bệnh còn có cảm giác đi cầu chưa hết và vẫn muốn đi tiếp. 

Triệu chứng viêm đại tràng co thắt là gì? Có cách cải thiện không? 1 Rối loạn đường ruột ở người bị đại tràng co thắt khiến bạn bị tiêu chảy và táo bón luân phiên

Đầy hơi

Đầy hơi có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Khi đi khám có thể nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh dạ dày.

Mệt mỏi, xanh xao

Nếu bệnh viêm đại tràng co thắt kéo dài, cơ thể người bệnh xanh xao, suy nhược, luôn mệt mỏi và đau đầu,... Kèm theo những cơn đau dữ dội là cảm giác hồi hộp, khó thở, căng thẳng, mất ngủ, đánh trống ngực,…

Nguyên nhân viêm đại tràng co thắt

Viêm đại tràng co thắt​ là có thể do những nguyên nhân sau đây: 

Rối loạn nhu động ruột

Nhờ sự co bóp nhịp nhàng của nhu động ruột, thức ăn được vận chuyển và tiêu hóa thành chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh viêm đại tràng co thắt thì cường độ co bóp của ruột thay đổi dẫn đến các triệu chứng như:

  • Co thắt đại tràng diễn ra với cường độ mạnh và liên tục: Hệ tiêu hóa bị tổn thương và không có đủ thời gian để hấp thụ nước và chất dinh dưỡng từ thức ăn dẫn đến nhu động ruột phải hoạt động liên tục để tống phân ra ngoài. Đây là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, phân sống, lỏng,… 
  • Cơn đau co thắt nhẹ và ngắn: Lúc này, các chất thải đọng lại trong đại tràng quá lâu làm giảm hoạt động co bóp của ruột, khiến phân trở nên khô cứng dẫn đến táo bón.
Triệu chứng viêm đại tràng co thắt là gì? Có cách cải thiện không? 2 Triệu chứng viêm đại tràng co thắt phổ biến là đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi,...

Ruột nhạy cảm

Tăng mức độ nhạy cảm của ruột già cũng là nguyên nhân gây ra viêm đại tràng co thắt. Ở người bệnh, khi ăn thức ăn lạ, cay nóng, căng thẳng,... cũng dẫn đến rối loạn tiêu hóa như đi ngoài, đau bụng, đầy hơi, cảm giác đầy bụng,… 

Căng thẳng, lo âu

Các yếu tố như căng thẳng, lo âu, rối loạn tinh thần, áp lực công việc,… không trực tiếp gây ra bệnh viêm đại tràng co thắt nhưng lại làm gia tăng các triệu chứng của bệnh. 

Chế độ ăn uống khoa học

Thực phẩm không tốt cho sức khỏe như bia rượu, nước ngọt có ga, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, cay nóng,… Nếu ăn quá nhiều gây kích thích nhu động ruột làm co thắt đại tràng. Ngoài ra, thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn quá nhanh, vừa ăn vừa làm việc, bỏ bữa,… ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đường ruột.

Những ai có nguy cơ mắc viêm đại tràng co thắt?

Nguy cơ mắc viêm đại tràng co thắt nếu bạn thuộc bất kỳ nhóm nào sau đây:

  • Tuổi: Viêm đại tràng co thắt thường xảy ra ở người trên 50 tuổi. 
  • Giới tính: Theo nghiên cứu, phụ nữ có khả năng mắc đại tràng co thắt cao hơn nam giới. Điều này là do sự thay đổi của hormone estrogen trước và sau chu kỳ kinh nguyệt. 
  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người mắc bệnh đường ruột thì các thành viên cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. 
  • Chế độ ăn uống: Những người có thói quen ăn uống không lành mạnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Căng thẳng: Những người thường xuyên lo lắng, căng thẳng, áp lực công việc, cuộc sống,… sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.

Viêm đại tràng co thắt có nguy hiểm không?

Viêm đại tràng co thắt là tình trạng mãn tính, có tái phát, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì bệnh có nhiều triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, táo bón,… Nếu kéo dài nhiều ngày sẽ khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi và suy dinh dưỡng vì phải ăn uống kiêng khem, chán ăn, mất ngủ, suy nhược cơ thể, gầy yếu. 

Ở phụ nữ mang thai, bệnh sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Rất dễ nhầm lẫn các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt với đau bụng liên quan đến thai kỳ như động thai. Do đó, viêm đại tràng co thắt khi mang thai cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị đại tràng co thắt

Để kiểm soát các triệu chứng và điều trị bệnh. Nếu ở mức độ nhẹ, người bệnh phải loại bỏ các nguy cơ như giảm căng thẳng, thực hiện chế độ ăn uống đủ chất và lối sống lành mạnh. 

Thói quen ăn uống lành mạnh

Thực phẩm giúp nhuận tràng và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng được khuyên dùng cho người bệnh như: 

  • Yến mạch, khoai lang,...
  • Thịt, cá, trứng, sữa không lactose. 
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, các loại nước trái cây cũng rất tốt. 
  • Sữa chua và thực phẩm giàu prebiotic hỗ trợ lợi khuẩn.
  • Rau xanh và trái cây. 
  • Nên hạn chế tối đa thực phẩm chứa sorbitol, đồ uống có cồn, thức ăn khó tiêu, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, bạn nên ăn uống điều độ, dinh dưỡng hợp lý, tránh bỏ bữa làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Triệu chứng viêm đại tràng co thắt là gì? Có cách cải thiện không? 3 Thói quen ăn uống lành mạnh giúp đường ruột hoạt động trơn tru

Giảm căng thẳng

Có nhiều biện pháp giúp giảm căng thẳng, stress trong cuộc sống hàng ngày nhằm phòng ngừa và giảm thiểu bệnh đại tràng co thắt như: 

  • Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền,... 
  • Bài tập hít thở.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
  • Nghỉ ngơi, làm việc điều độ.

Điều trị bằng thuốc

Nếu bệnh nặng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định dùng thuốc điều trị như: 

  • Thuốc chống co thắt: Làm dịu cơn đau quặn bụng. 
  • Thuốc nhuận tràng: Giúp điều hòa nhu động ruột, giảm táo bón. 
  • Thuốc chống trầm cảm: Cho người bệnh viêm đại tràng co thắt do tâm lý căng thẳng, lo âu.
  • Thuốc chống tiêu chảy: Nhóm hoạt chất actapulgit và loperamid giúp làm chậm quá trình co bóp của cơ thành ruột. 

Trên đây là những thông tin mà bạn cần biết về viêm đại tràng co thắt. Thuốc điều trị đại tràng co thắt không được khuyến khích sử dụng vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác. Thay vào đó người bệnh nên chú trọng vào chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt khoa học để cải thiện triệu chứng cũng như sức khỏe tổng thể. Khi các biểu hiện của bệnh nặng và không thể can thiệp thông qua thay đổi lối sống thì việc sử dụng thuốc đặc trị là cần thiết.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: hongngochospital.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin