Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Triglyceride cao tiềm ẩn nguy cơ gì?

Ngày 15/05/2024
Kích thước chữ

Triglyceride là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe của tim mạch. Việc triglyceride cao trong máu có thể gây cứng động mạch, làm dày thành động mạch và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như đột quỵ, về tim mạch, cũng như có thể gây ra viêm tụy cấp.

Triglyceride cao là một vấn đề phổ biến về sức khỏe, ảnh hưởng đến khoảng 15-20% dân số trưởng thành. Nếu không được can thiệp kịp thời, nó có thể dẫn đến nhiều bệnh lý mạn tính tiến triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu về triglyceride này qua bài viết dưới đây.

Triglyceride cao là gì?

Triglyceride, còn được biết đến như chất béo trung tính, là một dạng lipid chủ yếu có mặt trong máu, được cơ thể sử dụng như một nguồn năng lượng dự trữ. Đây cũng là loại chất béo phổ biến nhất trong chế độ ăn uống. Triglyceride trong máu xuất phát từ hai nguồn chính là tổng hợp nội sinh trong cơ thể và cung cấp từ thức ăn ngoại sinh.

Triglyceride tăng cao, hay còn được gọi là hypertriglyceridemia, là một tình trạng rối loạn chuyển hóa, khi mà nồng độ chất béo trung tính (triglyceride) trong máu tăng cao hơn mức bình thường.

Triglyceride cao là một tình trạng rối loạn chuyển hóa
Triglyceride cao là một tình trạng rối loạn chuyển hóa

Chỉ số triglyceride trong máu vượt quá 150 miligam trên mỗi deciliter (mg/dL) được coi là cao. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), phân loại cụ thể như sau:

  • Chỉ số triglyceride cao nhẹ: Từ 150 đến 199 mg/dL;
  • Chỉ số triglyceride cao vừa: Từ 200 đến 499 mg/dL;
  • Triglyceride tăng rất nặng: Trên 500 mg/dL.

Trong khi đó, ở người trưởng thành khỏe mạnh chỉ số triglyceride thường:

  • Mức chất béo trung tính thường dưới 150 mg/dL, và lý tưởng là dưới 100 mg/dL.
  • Ngay cả sau khi ăn một bữa giàu chất béo, nồng độ triglyceride trong máu của người khỏe mạnh hiếm khi tăng quá 400 mg/dL.

Nhận biết dấu hiệu triglyceride cao

Hầu hết những người có mức triglyceride tăng cao thường không có triệu chứng đặc biệt cho đến khi có biến chứng xảy ra. Do đó, nhiều người thường không nhận ra họ mắc bệnh cho đến khi thực hiện xét nghiệm máu trong các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, đặc biệt là khi mức triglyceride máu cao hơn 500-1000 mg/dL, một số người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như sau:

  • Đau bụng, buồn nôn và nôn mửa: Triglyceride tăng cao có thể gây viêm tụy, một tình trạng nghiêm trọng gây đau bụng mạnh, đặc biệt là ở vùng thượng vị, cùng với buồn nôn và nôn mửa.
  • U dưới da (xanthomas): Trong một số trường hợp, triglyceride tăng cao có thể gây ra sự hình thành của các u lành tích tụ dưới da, gọi là xanthomas. Chúng có thể được nhận biết bằng mắt thường như những mảng thâm nhiễm có màu vàng, vàng nâu hoặc đỏ tía trên da.
  • Ban vàng ở mí mắt (xanthelasma): Các mảng u hoặc phát ban vàng có thể xuất hiện trên mí mắt, được gọi là xanthelasma, là dấu hiệu gợi ý về mức triglyceride tăng cao trong máu.
Đau bụng dữ dội là một trong những triệu chứng của việc triglyceride tăng cao
Đau bụng dữ dội là một trong những triệu chứng của việc triglyceride tăng cao

Lưu ý: Những triệu chứng này không phải lúc nào cũng xuất hiện và có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả các rối loạn lipid máu (thay vì chỉ là triglyceride cao). Do đó, việc kiểm tra mức triglyceride là cách tốt nhất để nhận biết tình trạng cao triglyceride, giúp phân biệt rõ bệnh này với nhiều nhóm bệnh lý chuyển hóa khác nhau.

Triglyceride tăng cao tiềm ẩn nguy cơ gì?

Mức độ cao của triglyceride trong máu có thể ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu và gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Một số biến chứng khi mức triglyceride tăng cao bao gồm:

  • Viêm tụy: Mức triglyceride cao có thể gây viêm tụy, dẫn đến sưng tụy, sốt, đau bụng dữ dội, và nôn mửa. Nếu có dịch tiêu hóa rò rỉ ra ngoài tuyến tụy, có thể đe dọa tính mạng.
  • Đái tháo đường tuýp 2: Triglyceride cao thường đi kèm với tình trạng hội chứng chuyển hóa, bao gồm huyết áp cao, mỡ bụng tăng, HDL thấp, và đường huyết cao. Khi mức triglyceride tăng cao kết hợp với hai điều kiện khác, có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
  • Bệnh tim: Mức triglyceride tăng cao và hội chứng chuyển hóa làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim. Chất béo tích tụ trong máu có thể làm cản trở vận chuyển oxy đến cơ tim, đặc biệt ở người trẻ tuổi có mức triglyceride cao, nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 4 lần so với người có mức tăng nhẹ.
  • Đột quỵ: Mức triglyceride cao có thể hạn chế lưu lượng máu trong các mạch cung cấp cho não, dẫn đến việc giảm đột ngột cung cấp máu đến các tế bào não, gây tổn thương não và đột quỵ.
  • Gan nhiễm mỡ không do rượu: Khoảng hơn 10% trọng lượng gan có thể bị thay thế bằng chất béo, gây ra sẹo trong gan, ung thư gan, suy gan, và đe dọa tính mạng.
  • Tác động đến chân: Chất béo trong máu có thể tạo ra các mảng bám trong các động mạch chảy đến chân, có thể gây ra bệnh động mạch ngoại biên (PAD), đau và tê ở chân, đặc biệt khi đi bộ, và tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân.
  • Mất trí nhớ: Tuổi tác và mức triglyceride cao là các yếu tố nguy cơ lớn gây mất trí nhớ. Có báo cáo về mức triglyceride cao có thể làm hỏng các mạch máu bên trong não và tích tụ amyloid, một loại protein độc hại.
Triglyceride tăng cao thường đi kèm với đái tháo đường tuýp 2
Triglyceride tăng cao thường đi kèm với đái tháo đường tuýp 2

Triglyceride cao uống thuốc gì?

Bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng thuốc để điều chỉnh mức triglyceride khi nó tăng quá cao và đánh giá rằng việc chỉ cải thiện chế độ ăn hoặc tập luyện không đủ. Mục tiêu của việc sử dụng thuốc để hạ mức triglyceride trong máu là giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến tim mạch hoặc tuyến tụy. Do đó, nếu thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát mức triglyceride cao, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm mỡ máu triglyceride sau đây:

Fibrate

Các loại thuốc fibrate như fenofibrate và gemfibrozil giúp giảm sản xuất cholesterol lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL) của gan và tăng cường loại bỏ chất béo trung tính khỏi máu. Fibrate có thể giảm mức triglyceride từ 20% đến 70%.

Tuy nhiên, fibrate không được sử dụng nếu bạn mắc các vấn đề về thận hoặc gan nặng. Hơn nữa, cần lưu ý rằng sử dụng fibrate kết hợp với statin có thể tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ của statin.

Axit béo omega-3

Ngoài việc sử dụng fibrate hoặc statin, việc bổ sung axit béo omega-3 cũng có thể hỗ trợ giảm triglyceride. Axit béo omega-3 ở liều cao (3 - 4g mỗi ngày) có thể được bác sĩ kê đơn cho những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các biến chứng tim mạch, có mức triglyceride cao kéo dài và luôn trên 150 mg/dL.

Trong một nghiên cứu gần đây, việc điều trị bằng ethyl ester của axit eicosapentaenoic (một dạng axit béo omega-3) với liều 4g mỗi ngày đã cho thấy hiệu quả đáng kể ở bệnh nhân không thể sử dụng statin.

Statin

Khi mức triglyceride cao, loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là statin, bao gồm các loại như atorvastatin và rosuvastatin. Statin là loại thuốc được ưa chuộng để điều trị LDL cholesterol cao, nhưng cũng có thể được sử dụng để giảm mức triglyceride, giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch khác. Tùy thuộc vào liều lượng được chỉ định, statin có thể giảm mức triglyceride từ 20% đến 40%.

Khi mức triglyceride cao, loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là statin
Khi mức triglyceride cao, loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là statin

Ngoài các thuốc kể trên còn một số thuốc khác như:

  • Niacin, còn được gọi là axit nicotinic, có khả năng giảm triglyceride và cholesterol LDL bằng cách ngăn chặn gan sản xuất cholesterol LDL và VLDL. Tuy nhiên, niacin có thể gây ra tổn thương gan và đột quỵ. Vì vậy, hầu hết các bác sĩ hiện nay chỉ khuyên dùng loại thuốc này cho những người không thể sử dụng statin.
  • Ezetimibe, một loại thuốc giảm cholesterol khác, cũng có thể được sử dụng để giảm triglyceride khi kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.

Bên cạnh sử dụng thuốc, việc thay đổi lối sống là một trong những điều rất cần thiết, chẳng hạn như:

  • Thực hiện tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần.
  • Tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế và đường tinh luyện, như đường và thực phẩm làm từ bột mì trắng hoặc fructose.
  • Giảm lượng calo tiêu thụ để giúp cơ thể giảm cân.
  • Thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, dầu hạt cải,...
  • Bao gồm cá béo trong chế độ ăn ít nhất 2 lần mỗi tuần, bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích, cá thu,...
  • Hạn chế tiêu thụ rượu và bia.
  • Ngừng hút thuốc.
  • Đảm bảo có đủ giấc ngủ.
  • Giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Hi vọng thông tin trong bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về triglyceride cao. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc giảm triglyceride cho bạn, hãy tuân thủ đúng liều lượng và chế độ sử dụng, cùng với việc thực hiện các thay đổi trong lối sống. Kiểm tra định kỳ nồng độ triglyceride trong máu cũng là cách để đánh giá hiệu quả của liệu pháp và can thiệp kịp thời nếu cần.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin