Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Trứng ngỗng kỵ gì? Những điều cần lưu ý khi ăn trứng ngỗng

Thu Hà

16/12/2024
Kích thước chữ

Trứng ngỗng nếu kết hợp sai cách hoặc chế biến không đúng có thể gây hại cho sức khỏe. Vậy, trứng ngỗng kỵ gì? Hãy cùng khám phá những thông tin hữu ích này để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng mà trứng ngỗng mang lại.

Cách chế biến và kết hợp thực phẩm không đúng có thể biến trứng ngỗng từ nguồn dinh dưỡng quý giá thành nguy cơ cho sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu trứng ngỗng kỵ với những gì và cách chế biến sao cho vừa ngon miệng, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe.

Thành phần dinh dưỡng của trứng ngỗng

Trong 100 gram trứng ngỗng, có chứa các dưỡng chất bao gồm:

  • Protein: 13 gram;
  • Lipid: 14,2 gram;
  • Vitamin A: 360 mcg;
  • Canxi: 71 mg;
  • Phosphor: 210 mg;
  • Sắt: 3,2 mg;
  • Vitamin B1: 0,15 mg;
  • Vitamin B2: 0,3 mg;
  • Vitamin C: 0,1 mg.

Mặc dù trứng ngỗng có chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng, nhưng khi so sánh với trứng gà, hàm lượng các chất này không vượt trội, thậm chí còn thấp hơn ở một số mặt. Một đặc điểm nổi bật của trứng ngỗng là chứa hàm lượng cholesterol và lipid cao hơn đáng kể. Đây là hai thành phần có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt đối với hệ tim mạch nếu tiêu thụ quá mức.

trung-ngong-ky-gi-nhung-dieu-can-luu-y-khi-an-trung-ngong (1).png
Nhiều người xem trứng ngỗng là “siêu thực phẩm”

Đối với phụ nữ mang thai, việc ăn quá nhiều loại thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, và cao huyết áp. Các tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn có thể gây nguy cơ biến chứng trong thai kỳ.

Vì vậy, thay vì coi trứng ngỗng là “siêu thực phẩm” bạn nên cân nhắc chế độ ăn uống đa dạng và cân đối. Ưu tiên các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác như trứng gà, sữa, rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu muốn sử dụng trứng ngỗng, hãy ăn với lượng vừa phải và không nên lạm dụng để tránh những rủi ro không mong muốn.

Trứng ngỗng kỵ gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng ngỗng là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng cũng có những nhóm thực phẩm không nên kết hợp với trứng ngỗng để tránh gây hại cho sức khỏe.

  • Trứng ngỗng và tỏi: Tương tự như trứng gà và trứng vịt, khi kết hợp với tỏi, trứng ngỗng có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, việc rán trứng ngỗng với tỏi có thể sinh ra chất độc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Trứng ngỗng và thịt thỏ: Cả hai thực phẩm này đều có tính hàn, giàu đạm. Theo y học cổ truyền, khi kết hợp sẽ dễ kích ứng hệ tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy nặng.
  • Trứng ngỗng và quả hồng: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự kết hợp này có thể tạo ra độc tố. Sau khi ăn 1-2 giờ, người dùng có thể bị ngộ độc với các triệu chứng như nôn mửa, viêm dạ dày, hoặc viêm ruột.
  • Trứng ngỗng và óc lợn: Óc lợn chứa nhiều cholesterol. Khi ăn chung với trứng ngỗng – cũng giàu cholesterol – có thể làm tăng đáng kể lượng cholesterol trong máu, gây nguy cơ cao huyết áp, rất nguy hiểm.
  • Trứng ngỗng và sữa đậu nành: Protein trong trứng kết hợp với trypsin trong sữa đậu nành sẽ cản trở cơ thể hấp thụ chất đạm, làm giảm giá trị dinh dưỡng của cả hai.
  • Trứng ngỗng và trà xanh: Axit tannic trong trà xanh có thể phản ứng với protein trong trứng, tạo thành hợp chất khó tiêu hóa, gây táo bón và ảnh hưởng tiêu cực đến đường ruột.
  • Trứng ngỗng và đường: Kết hợp đường khi chế biến hoặc ăn trứng ngỗng có thể làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể.
  • Trứng ngỗng và quả lê: Một số tài liệu ghi nhận rằng ăn hai loại thực phẩm này cùng nhau có thể dẫn đến triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, và khó chịu.
  • Trứng ngỗng và thịt rùa: Đây cũng là một sự kết hợp nên tránh, vì có thể gây nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng.
trung-ngong-ky-gi-nhung-dieu-can-luu-y-khi-an-trung-ngong (3).png
Trứng ngỗng kỵ gì? Những điều cần lưu ý khi ăn trứng ngỗng

Lưu ý:

Không ăn trứng ngỗng sống: Việc này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là hệ tim mạch.

Nếu lỡ ăn trứng ngỗng cùng những thực phẩm kỵ, hãy quan sát phản ứng cơ thể. Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng như buồn nôn, đầy bụng, hãy nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hoặc dùng nước muối pha loãng, oresol để hỗ trợ thải độc.

Nếu các triệu chứng trở nặng, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Những điều cần lưu ý khi ăn trứng ngỗng

Để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng từ trứng ngỗng mà không gây hại cho sức khỏe, bạn cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau đây:

Trứng ngỗng có kích thước lớn hơn và vỏ dày hơn so với trứng gà hoặc trứng vịt, nên cách luộc trứng cũng cần điều chỉnh phù hợp. Thời gian luộc tốt nhất là khoảng 20 phút, giúp trứng chín đều và giữ được hương vị tự nhiên. Đặc biệt, tuyệt đối không ăn trứng ngỗng sống, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, gây hại cho hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.

trung-ngong-ky-gi-nhung-dieu-can-luu-y-khi-an-trung-ngong (2).png
Mặc dù trứng ngỗng giàu dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng nên ăn trứng ngỗng

Mặc dù trứng ngỗng giàu dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng nên sử dụng. Một số nhóm người cần hạn chế hoặc tránh ăn trứng ngỗng bao gồm:

  • Người thừa cân, béo phì: Do trứng ngỗng chứa hàm lượng cholesterol và lipid cao, việc tiêu thụ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu và các bệnh liên quan.
  • Người có bệnh lý tim mạch: Những người bị cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, hoặc có tiền sử mắc bệnh tim mạch cần đặc biệt thận trọng khi ăn trứng ngỗng để tránh làm nặng thêm tình trạng sức khỏe.
  • Bệnh nhân tiểu đường: Hàm lượng cholesterol cao trong trứng ngỗng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

Dù trứng ngỗng thường được xem là thực phẩm tốt cho bà bầu, nhưng việc sử dụng cần được kiểm soát. Ăn quá nhiều trứng ngỗng có thể dẫn đến dư thừa dinh dưỡng, gây rối loạn tiêu hóa và thậm chí làm tăng nguy cơ tiền sản giật. Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng là chỉ nên ăn 1 quả trứng ngỗng mỗi tuần để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin