Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm túi thừa đại tràng là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị viêm túi thừa đại tràng

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm túi thừa đại tràng đã gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong vài thập kỷ qua, trở thành gánh nặng trong chăm sóc sức khỏe cho các quốc gia. Tại Hoa Kỳ, viêm túi thừa cấp dẫn đến gần 200.000 ca nhập viện và 2,2 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe mỗi năm. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tăng theo độ tuổi, nhưng những người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh túi thừa. Hầu hết các trường hợp viêm túi thừa đại tràng được điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống và hạn chế ăn uống tạm thời. Điều trị phẫu thuật được khuyến cáo trong trường hợp viêm túi thừa đại tràng phức tạp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm túi thừa đại tràng là gì?

Viêm túi thừa đại tràng là một biến chứng của bệnh túi thừa đại tràng. Việc chẩn đoán phân biệt bệnh túi thừa đại tràng và viêm túi thừa đại tràng rất quan trọng vì bệnh túi thừa không biến chứng hầu hết không có triệu chứng và viêm túi thừa cấp tính là một căn bệnh có khả năng đe dọa tính mạng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi thừa đại tràng

Những người mắc bệnh túi thừa đại tràng thường không có triệu chứng nhưng họ có thể bị chướng bụng và co rút ở phần bụng dưới. Hiếm hơn là người bệnh có thể thấy máu trong phân hoặc trên giấy vệ sinh.

Các triệu chứng của viêm túi thừa đại tràng nghiêm trọng hơn và thường khởi phát đột ngột, triệu chứng có thể trở nên rầm rộ hơn sau một vài ngày. Chúng bao gồm:

  • Đau, thường ở phần dưới bên trái của bụng;
  • Đầy hơi;
  • Sốt và ớn lạnh;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Không cảm thấy đói và chán ăn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng

Nhiều biến chứng có thể xảy ra ở người bệnh bị viêm túi thừa đại tràng, bệnh có thể nghiêm trọng trong một số trường hợp, chẳng hạn như ở những người bệnh suy giảm miễn dịch. Ví dụ, những người bị nhiễm HIV hoặc những người dùng thuốc ức chế miễn dịch có nhiều khả năng bị thủng túi thừa hơn. Sau đây là những biến chứng có thể xảy ra của viêm túi thừa đại tràng:

  • Hình thành áp xe (phổ biến nhất);
  • Thủng ruột;
  • Hình thành lỗ rò;
  • Tắc ruột, do dính hoặc phù nề thành ruột;
  • Viêm phúc mạc toàn thể;
  • Xuất huyết tiêu hoá dưới;
  • Nhiễm trùng huyết.
Viêm túi thừa đại tràng là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị viêm túi thừa đại tràng 4
Người suy giảm miễn dịch mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng có khả năng gặp nhiều biến chứng hơn

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng nêu trên xảy ra. Đến ngay bác sĩ nếu bạn bị bệnh túi thừa đại tràng và bạn có một số tình trạng sau:

  • Máu trong phân;
  • Sốt liên tục trên 38°C;
  • Buồn nôn, nôn hoặc ớn lạnh;
  • Đau bụng hoặc đau lưng đột ngột tăng dần hoặc đau rất trầm trọng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm túi thừa đại tràng

Sự hình thành các túi trên niêm mạc ruột được gọi là bệnh túi thừa. Nó được tìm thấy ở hơn một nửa số người Mỹ trên 60 tuổi. Tuy nhiên, không ai biết chính xác nguyên nhân hình thành các túi này.

Ăn một chế độ ăn ít chất xơ chủ yếu bao gồm các thực phẩm chế biến sẵn có thể là một nguyên nhân. Táo bón và phân cứng dễ xảy ra hơn khi bạn không ăn đủ chất xơ. Khó khăn trong việc đại tiện làm tăng áp lực trong đại tràng, có thể dẫn đến hình thành các túi này.

Trong một số trường hợp, một trong các túi có thể bị viêm và xuất hiện một vết loét nhỏ ở niêm mạc ruột dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng này được gọi là viêm túi thừa. Nguyên nhân gây viêm túi thừa đại tràng chưa được biết rõ.

Viêm túi thừa đại tràng là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị viêm túi thừa đại tràng 5
Táo bón có thể là nguyên nhân của viêm túi thừa đại tràng

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm túi thừa đại tràng?

Khả năng mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng tăng theo tuổi. Bệnh phổ biến hơn ở những người trên 40 tuổi. Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh viêm túi thừa đại tràng, bao gồm:

  • Thừa cân;
  • Hút thuốc lá;
  • Không tập thể dục;
  • Ăn nhiều mỡ, thịt đỏ nhưng không bổ sung chất xơ;
  • Dùng một số loại thuốc, bao gồm steroid, opioid và thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng

Các triệu chứng của viêm túi thừa đại tràng cũng có thể sẽ giống một số bệnh khác. Bác sĩ của bạn sẽ chẩn đoán loại trừ các vấn đề khác. Họ sẽ thăm khám toàn diện, phụ nữ có thể được khám vùng chậu. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều xét nghiệm, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu và phân để tìm bằng chứng nhiễm trùng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để tìm túi thừa bị viêm hoặc nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm kiểm tra men gan để loại trừ các bệnh về gan.

Phương pháp điều trị viêm túi thừa đại tràng hiệu quả

Việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là bệnh lý đi kèm của người bệnh và giai đoạn bệnh. Nếu bạn bị viêm túi thừa đại tràng ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ yêu cần bạn nghỉ ngơi và ăn chế độ ăn kiêng. Bác sĩ cũng có thể cho bạn uống thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau nhẹ như acetaminophen.

Bạn có thể thực hiện chế độ ăn lỏng hoặc ăn kiêng dành cho người bệnh viêm túi thừa. Bạn sẽ bắt đầu bằng cách chỉ uống những chất lỏng trong, chẳng hạn như nước lọc, nước súp, nước trái cây,... Khi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, bạn có thể bổ sung các thực phẩm ít chất xơ như trứng, sữa chua, phô mai, gạo trắng và mì. Những thực phẩm này tương đối dễ chịu đối với hệ tiêu hóa của bạn. Phương pháp điều trị này có hiệu quả tốt đối với hầu hết những người mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể phải nhập viện và điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch. Nếu bạn bị áp xe, bác sĩ sẽ dẫn lưu nó. Nếu ruột của bạn bị vỡ hoặc viêm phúc mạc, bạn có thể phải phẫu thuật.

Viêm túi thừa đại tràng là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị viêm túi thừa đại tràng 6
Viêm túi thừa đại tràng phức tạp có thể cần phải điều trị phẫu thuật

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm túi thừa đại tràng

Chế độ sinh hoạt:

Để giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát tái phát, xảy ra ở 1/3 số người bệnh bị viêm túi thừa đại tràng không biến chứng, bạn nên:

  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Không hút thuốc lá (bỏ hút thuốc nếu bạn là người hút thuốc lá);
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm túi thừa đại tràng có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giảm việc kích ứng ruột. Dưới đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng mà bạn có thể áp dụng:

  • Chất xơ: Chất xơ là một yếu tố quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Viêm túi thừa đại tràng. Chất xơ giúp tăng cường chức năng ruột, giảm táo bón và làm giảm triệu chứng viêm. Hãy tăng cường tiêu thụ các nguồn chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Nước: Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước hàng ngày để duy trì độ ẩm của ruột và làm mềm phân. Uống ít nhất 8 ly (khoảng 2 lít) nước trong ngày. Tránh uống nhiều nước lạnh, vì nước lạnh có thể kích ứng ruột.
  • Thực phẩm giàu probiotic: Probiotic là những vi khuẩn "tốt" có lợi cho hệ tiêu hóa. Nó giúp cân bằng vi khuẩn trong ruột và cải thiện chức năng ruột. Hãy tiêu thụ các thực phẩm giàu probiotic như sữa chua tự nhiên, hỗn hợp vi khuẩn probiotic, và các loại thực phẩm lên men như kim chi.
  • Tránh thức ăn kích ứng: Mỗi người bệnh có thể có những thức ăn gây kích ứng riêng. Hãy quan sát cẩn thận và ghi chép những thức ăn gây kích ứng hoặc tăng triệu chứng của bạn. Hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm như đồ chiên, đồ nướng, thực phẩm có chứa gluten, đồ ngọt và đồ uống có ga.
  • Chế độ ăn nhẹ nhàng: Ăn từ từ và nhai kỹ thức ăn để giảm căng thẳng lên ruột. Hãy chia bữa ăn thành các phần nhỏ và ăn thường xuyên trong ngày thay vì ăn ít bữa lớn.
  • Tránh rượu bia và cafein: Rượu bia và cafein có thể kích thích ruột và gây kích ứng. Hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các loại đồ uống có chứa cồn và cafein như rượu, bia, cà phê và nước ngọt có ga.
  • Tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân: Mỗi người bệnh có thể có những yêu cầu dinh dưỡng riêng. Hãy lắng nghe cơ thể của bạn và tìm hiểu những thực phẩm và chế độ ăn uống phù hợp với bạn. Nếu cần, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Lưu ý rằng chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể khác nhau cho từng người bệnh viêm túi thừa đại tràng. Hãy tìm hiểu và thử nghiệm để xác định chế độ ăn uống tốt nhất cho bạn dựa trên sự phù hợp và phản ứng của cơ thể. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ dinh dưỡng.

Viêm túi thừa đại tràng là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị viêm túi thừa đại tràng 7
Chất xơ là một yếu tố quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm túi thừa đại tràng

Phương pháp phòng ngừa viêm túi thừa đại tràng hiệu quả

Để giúp ngăn ngừa viêm túi thừa:

  • Luyện tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp thúc đẩy chức năng ruột bình thường và giảm áp lực bên trong ruột của bạn. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày, trong hầu hết các ngày trong tuần.
  • Ăn nhiều chất xơ: Chế độ ăn nhiều chất xơ làm giảm nguy cơ viêm túi thừa. Thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt, làm mềm chất thải và giúp nó đi qua ruột kết nhanh hơn.
  • Uống nhiều nước: Chất xơ hoạt động bằng cách hấp thụ nước và tăng lượng chất thải mềm, cồng kềnh trong ruột kết của bạn. Nhưng nếu bạn không uống đủ chất lỏng để thay thế lượng chất hấp thụ, chất xơ có thể gây táo bón.
  • Tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa.
Nguồn tham khảo
  1. Carr S, Velasco AL. Colon Diverticulitis. [Updated 2022 Dec 31]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541110/
  2. Jones J, Mahmoud Q, El-Feky M, et al. Colonic diverticulitis. Reference article, Radiopaedia.org (Accessed on 23 Aug 2023): https://doi.org/10.53347/rID-6201
  3. Diverticulitis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diverticulitis/symptoms-causes/syc-20371758
  4. Diverticulitis: https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-diverticulitis-basics
  5. Diverticulitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10352-diverticulitis

Các bệnh liên quan

  1. Viêm đường mật nguyên phát (PBC)

  2. Ợ chua

  3. Bệnh celiac

  4. Sán dây

  5. Loét tiêu hóa

  6. Teo thực quản

  7. Đau dạ dày không do viêm loét

  8. Sỏi ống mật chủ

  9. Viêm dạ dày ruột cấp tính

  10. Viêm gan B