Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giải đáp: Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì?

Ngày 16/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tỷ lệ mắc bệnh túi thừa đại tràng trên toàn cầu đang gia tăng ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh túi thừa đại tràng? Bệnh có dấu hiệu gì để nhận biết? Và viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Theo thống kê, bệnh túi thừa đại tràng ngày một gia tăng ở các nước trên khắp thế giới, nó gây ra gánh nặng kinh tế cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh rất nhiều. Bài viết này sẽ trình bày cho bạn một số thông tin liên quan đến túi thừa đại tràng bao gồm khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng và thực phẩm kiêng ăn khi mắc bệnh này.

Túi thừa đại tràng là gì?

Trước khi biết phải kiêng ăn gì thì chúng ta phải biết bệnh này là bệnh gì. Túi thừa giống như những cục thịt dư nhô ra trên niêm mạc và lớp dưới niêm mạc đại tràng. Trong đại tràng xuất hiện một hay nhiều túi thừa gọi là bệnh túi thừa. Bệnh túi thừa có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đại tràng, thường thấy nhất ở đại tràng sigma. Những túi thừa này có kích thước từ 3 - 10 mm. Ở Mỹ, 30% người trên 50 tuổi, 50% người trên 60 tuổi và 75% người trên 80 tuổi mắc bệnh túi thừa.

Bệnh túi thừa đại tràng thường không có triệu chứng nhưng khoảng 25% người có túi thừa sẽ phát triển thành bệnh có triệu chứng. Bệnh túi thừa có thể có triệu chứng không biến chứng, cũng có thể có biến chứng như viêm túi thừa đại tràng cấp tính, xuất huyết túi thừa hay thủng túi thừa.

Giải đáp: Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì? 2
Phân biệt giữa bệnh túi thừa đại tràng bình thường và bệnh viêm túi thừa đại tràng

Nguyên nhân của bệnh túi thừa đại tràng

Nguyên nhân của bệnh túi thừa đại tràng có thể do nhiều yếu tố và cơ chế khác nhau đối với các biểu hiện bệnh khác nhau. Có thể chia thành 2 nguyên nhân sau:

Yếu tố không thể thay đổi được:

  • Di truyền.
  • Tuổi tác: Người lớn tuổi không thể tránh khỏi cơ thể bị lão hóa. Điều này làm giảm lượng collagen không riêng ở da mà các bộ phận cũng vậy. Dẫn đến độ đàn hồi thành đại tràng sẽ giảm dần theo tuổi tác.
  • Giới tính: Theo thống kê, nam có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn nữ.
  • Bất thường về thần kinh cơ.
  • Thay đổi nhu động ruột do bệnh lý.

Yếu tố có thể thay đổi được:

  • Chế độ ăn uống và lối sống: Do chế độ ăn uống ít chất xơ gây tăng áp lực trong lòng đại tràng dẫn đến hình thành túi thừa. Hay sử dụng thuốc lá (trên 15 điếu thuốc mỗi ngày), uống rượu cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh túi thừa.
  • Táo bón có thể gây ứ phân trong đại tràng, từ đó hình thành sỏi phân làm tắc nghẽn túi thừa. Việc tắc nghẽn dẫn đến thu hút vi khuẩn và gây tổn thương cục bộ, tiếp theo đó là thiếu máu cục bộ đường ruột, viêm và nhiễm trùng.
  • Một số loại thuốc có thể tăng nguy cơ bệnh túi thừa như NSAID, corticosteroid.
  • Rối loạn hệ khuẩn ruột có thể gây ra tình trạng viêm mãn tính mức độ thấp, dẫn đến bệnh túi thừa không biến chứng có triệu chứng.
  • Tổn thương mạch máu từ các bệnh lý khác như béo phì, tăng huyết áp, tiền đái tháo đường và chấn thương vùng thắt lưng góp phần gây xuất huyết túi thừa.
Giải đáp: Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì? 3
Nguyên nhân bệnh túi thừa đại tràng

Từ những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ trên, chúng ta phần nào đoán được “Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì?”.

Triệu chứng của bệnh túi thừa đại tràng

Hầu hết khi bị bệnh túi thừa - có túi thừa trong đại tràng mà không bị viêm, thường không có triệu chứng để phát hiện. Tuy nhiên, có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa không đặc hiệu như đau bụng dai dẳng kèm tái phát nhiều lần trong năm, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy và tiết chất nhầy từ trực tràng.

Giải đáp: Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì? 4
Dấu hiệu viêm túi thừa đại tràng rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh tiêu hóa khác

Dựa vào dấu hiệu để chẩn đoán có mắc bệnh liên quan đến túi thừa hay không thì rất khó. Bạn cần thực hiện các xét nghiệm như siêu âm, nội soi, CT hay MRI để có độ chính xác nhất trong chẩn đoán bệnh.

Một số bệnh túi thừa sẽ phát triển có biến chứng như:

  • Viêm túi thừa cấp tính: Bệnh sẽ có dấu hiệu đau hố chậu trái rõ ràng kèm theo sốt, khó chịu, nhịp tim nhanh và thay đổi thói quen đại tiện;
  • Áp xe: Là biến chứng thường gặp nhất của viêm túi thừa (ở khoảng 10% bệnh nhân). Áp xe nhỏ có đường kính dưới 3 - 4 cm, có thể phình ra ở vùng viêm hoặc sưng mô mềm cục bộ;
  • Xuất huyết túi thừa: Nguyên nhân dẫn đến chảy máu túi thừa đại tràng là do vỡ mạch máu nuôi túi thừa, thường là động mạch. Nên mức độ xuất huyết sẽ từ trung bình đến nặng. Do đó, bệnh sẽ có dấu hiệu phân có máu tươi, phân màu hạt dẻ, mệt mỏi, thiếu máu,... Mức độ bệnh sẽ tùy thuộc vào tình trạng xuất huyết; Xuất huyết túi thừa thường biểu hiện dưới dạng xuất huyết tiêu hóa dưới không đau, ngắt quãng, thường tự ngừng nhưng cũng có thể đe dọa tính mạng;
  • Thủng, rò, tắc nghẽn túi thừa đại tràng;
  • Viêm phúc mạc.

Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì?

Hãy bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ quả vào khẩu phần ăn hàng ngày (khoảng 25 - 35 gam/ngày). Theo nghiên cứu, chất xơ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh túi thừa bằng cách làm giảm chứng viêm mãn tính do béo phì thông qua hệ vi sinh vật đường ruột. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiêng có thực phẩm được liệt kê dưới đây.

Thịt đỏ

Tiêu thụ thịt đỏ nhiều có thể làm tăng nhẹ nguy cơ viêm túi thừa cấp tính, đặc biệt là thịt đỏ chưa qua chế biến như thịt cừu, thịt bò, thịt heo.

Thay vì ăn nhiều thịt đỏ, bạn có thể thay thế bằng thịt gia cầm (thịt trắng) và thịt cá vì chúng không liên quan đến nguy cơ viêm túi thừa cấp tính. Theo chuyên gia dinh dưỡng, lượng thịt đỏ mỗi tuần chỉ nên tiêu thụ 300 - 500g/tuần, chia thành 2 - 3 lần ăn trong tuần. Các ngày còn lại sẽ dành cho thịt trắng, cá, đậu và các thực phẩm cung cấp protein khác.

Thực phẩm nhiều chất béo và đường

Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe đại tràng, có thể làm tăng nguy cơ viêm túi thừa. Nguyên nhân là do chúng làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và tăng nhẹ tình trạng viêm. Cho nên, hãy tránh xa các đồ ăn chiên rán, thịt mỡ, đồ ngọt như bánh kẹo, chè,...

Thực phẩm nhiều FODMAP

FODMAP là carbohydrate dạng monosaccarit, disaccarit (lactose), oligosaccarit và polyol (mannitol, sorbitol,...) có thể lên men hoặc gây dị ứng ở một số người. Từ đó làm tăng nguy cơ viêm ruột do rối loạn hệ khuẩn ruột, rối loạn chức năng bảo vệ ruột.

Giải đáp: Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì? 5
Những thực phẩm mà viêm túi thừa đại tràng không nên ăn

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được cho thắc mắc: "Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì?". Túi thừa là một trong những phát hiện tình cờ phổ biến nhất khi nội soi đại tràng. Chúng thường không có triệu chứng và khó phát hiện. Bệnh chỉ phát hiện khi phát triển thành có biến chứng. Chế độ ăn ít chất xơ và lối sống là nguyên nhân hàng đầu cho bệnh này. Bạn có thể phòng ngừa chúng bằng cách thực hiện chế độ ăn và lối sống lành mạnh. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn. 

Xem thêm:

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm