Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tuyến Meibomian và tình trạng rối loạn chức năng tuyến Meibomian

Ngày 23/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nếu mắt thường xuyên xuất hiện những triệu chứng mỏi mắt, tầm nhìn mờ, mắt đỏ, khô mắt,... thì rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng rối loạn chức năng tuyến Meibomian. Mặc dù còn khá xa lạ với nhiều người, song đây là một vấn đề về mắt xảy ra rất phổ biến.

Vậy, tuyến Meibomian là gì? Rối loạn tuyến Meibomian là như thế nào? Để biết thêm một số thông tin hữu ích về tuyến Meibomian, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Tuyến Meibomian ở mắt là gì?

Tuyến Meibomian là một tuyến ở mắt, sở dĩ, tuyến này có tên là Meibomian do được đặt tên theo bác sĩ người Đức - Heinrich Meibom, chính là người đầu tiên mô tả được các tuyến này vào năm 1666.

Theo đó, tuyến Meibomian là các tuyến dầu nhỏ nằm dọc theo lề của mí mắt. Có tới 30 - 40 tuyến Meibomian ở mí mắt trên và khoảng 20 - 30 tuyến Meibomian ở mí mắt dưới. Những tuyến này có chức năng tiết ra dầu để bao phủ bề mặt mắt, giữ cho các thành phần nước của nước mắt không bị bay hơi.

Phim nước mắt được cấu tạo bởi ba thành phần chính đó chính là lớp lipid, lớp nước và cuối cùng là lớp nhầy. 3 lớp này kết hợp với nhau để giúp mắt hoạt động bình thường, duy trì sức khỏe của mắt và ngăn không cho mắt bị nhiễm trùng. Quan trọng hơn, lớp lipid chính là một thành phần vô cùng quan trọng của màng nước mắt, cung cấp bề mặt quang học mịn đồng thời làm chậm sự bay hơi nước từ mắt.

Cùng tìm hiểu về tình trạng rối loạn chức năng tuyến meibomian1
Tuyến Meibomian là các tuyến dầu nhỏ ở mí mắt

Rối loạn chức năng tuyến Meibomian là như thế nào?

Nói một cách dễ hiểu, rối loạn chức năng tuyến Meibomian chính là sự tắc nghẽn hoặc gặp phải nhiều các bất thường khác ở tuyến Meibomian, làm cho các tuyến này không thể tiết đủ dầu vào nước mắt, dẫn đến tình trạng nước mắt bay hơi nhanh. Rối loạn chức năng tuyến Meibomian thường có liên quan đến hội chứng khô mắt do màng phim nước mắt trên bề mặt của mắt bị bay hơi. Chính vì thế, nó cũng thường được kết nối với một số vấn đề ở mí mắt khác như bệnh viêm bờ mi.

Ngoài ra, rối loạn chức năng Meibomian cũng được gọi với cái tên khác là viêm tuyến Meibomian.

Yếu tố nguy cơ gây rối loạn chức năng tuyến Meibomian

Có rất nhiều các yếu tố khác nhau có thể gây ra tình trạng rối loạn chức năng tuyến Meibomian. Không chỉ có thế, nguy cơ bị mắc bệnh còn tăng lên theo tuổi tác. Những người trên 40 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hẳn so với trẻ em hay thanh niên. Ngoài ra, còn một số các yếu tố khác như:

  • Trang điểm mắt: Trang điểm mắt là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn chức năng tuyến Meibomian. Thường gặp ở những người hay thực hiện kỹ thuật trang điểm lớp lót bên trong mắt. Nếu sau khi đã tẩy trang mà lớp trang điểm này vẫn không được loại bỏ hoàn toàn thì sẽ có nguy cơ cao gây tắc nghẽn các tuyến Meibomian.
  • Đeo kính áp tròng: Bạn không nghe nhầm đâu! Việc đeo kính áp tròng có liên quan rất chặt chẽ đến việc suy giảm hình thái cũng như chức năng tuyến Meibomian. Dễ làm cho mắt bị kích ứng, đỏ mắt.
  • Ánh sáng từ màn hình máy tính, di động: Màn hình của các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại có thể gây rối loạn chức năng tuyến Meibomian. Mắt sẽ tiết ra ít lipid hơn và cuối cùng là gây ảnh hưởng xấu đến lớp màng mắt.
  • Lão hóa: Tuổi tác tăng dần, quá trình lão hóa diễn ra sẽ khiến cho các tuyến Meibomian giảm sản xuất lipid và thay đổi thành phần meibum. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chức năng tuyến Meibomian.
  • Bệnh về mắt: Các loại bệnh về mắt như viêm kết mạc dị ứng hay các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác như viêm khớp dạng thấp, tăng huyết áp, tác dụng phụ của thuốc,... cũng là một yếu tố gây bệnh nguy hiểm.

Một số nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng bệnh cũng có liên quan tới yếu tố chủng tộc do người Châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 3 lần người Châu Âu.

Cùng tìm hiểu về tình trạng rối loạn chức năng tuyến meibomian2
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây rối loạn chức năng của tuyến Meibomian

Chẩn đoán rối loạn chức năng tuyến Meibomian

Rối loạn chức năng tuyến Meibomian sẽ gây ra một số biểu hiện như đỏ mắt, khô mắt, cảm giác có sạn trong mắt, ngứa mắt, mờ mắt,... Nhìn chung, những biểu hiện của bệnh rất giống với hội chứng khô mắt nên khiến cho người bệnh dễ nhầm lẫn, dẫn đến chủ quan mà bỏ qua các biểu hiện bệnh.

Thực chất, chỉ có các chuyên gia, bác sĩ mới có thể chẩn đoán được chắc chắn là bạn có bị rối loạn chức năng tuyến Meibomian hay không. Các bác sĩ sẽ thực hiện một kỹ thuật đơn giản là ép mí mắt sau đó nặn phần bên trong của các tuyến Meibomian và quan sát. Dựa vào kết quả quan sát được, các bác sĩ sẽ thông báo kết quả đến bạn và có hướng can thiệp, điều trị phù hợp.

Cùng tìm hiểu về tình trạng rối loạn chức năng tuyến meibomian3
Hãy đi thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng mắt bạn đang gặp phải

Cải thiện rối loạn chức năng tuyến Meibomian

Để cải thiện chức năng tuyến Meibomian, có rất nhiều phương pháp đơn giản lại dễ thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, những cách này chỉ được khuyến cáo với bệnh nhân có mức độ bệnh nhẹ, triệu chứng không quá gây ảnh hưởng tới đời sống. Ngược lại, nếu tình trạng bệnh nặng hơn, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Cụ thể:

  • Sửa đổi lối sống: Hãy làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Sau 20 phút làm việc hãy để cho mắt được nghỉ ít nhất 20 giây bằng cách nhìn vào khoảng xa và chớp mắt thường xuyên.
  • Sử dụng dung dịch nhỏ mắt: Để giữ ẩm cho mắt, giúp mắt luôn có cảm giác thoải mái bạn có thể sử dụng thêm các loại nước nhỏ mắt nhân tạo.
  • Làm ấm mí mắt: Để làm ấm mí mắt, bạn có thể sử dụng các thiết bị làm ấm hoặc gel ấm, khăn tắm ấm hoặc một số các thiết bị y tế khác chuyên làm ấm mắt. Nhiệt độ tối ưu để làm ấm mí mắt nên ở khoảng 40 độ C, nén nhẹ nhàng hai mí mắt trong khoảng từ 10 - 15 phút. Bạn cần lưu ý, nên để nhiệt độ vừa phải, quá nóng có thể gây bỏng cho mắt còn ngược lại, nếu quá lạnh sẽ không thể đạt hiệu quả làm ấm mí mắt, giúp các tuyến Meibomian hoạt động bình thường.
  • Massage mắt: Massage mắt cũng có thể làm giảm tắc nghẽn các tuyến Meibomian. Bạn hãy sử dụng ngón trỏ hoặc ngón giữa, đưa nhẹ ngón tay từ góc trong của mắt và dọc theo mí mắt cho đến góc ngoài của mắt. Lặp đi lặp lại và trong khi xoa bóp mí mắt trên hãy đưa mắt nhìn xuống và ngược lại.

Để cải thiện chức năng và chăm sóc tốt cho đôi mắt, ngoài những lưu ý đã được đề cập qua ở phần trên, bạn cũng cần đặc biệt quan tâm tới chế độ dinh dưỡng. Hãy bổ sung vào thực đơn hàng ngày thật nhiều những loại thực phẩm tốt cho mắt, giúp mắt luôn ở trạng thái hoạt động tốt nhất.

Cùng tìm hiểu về tình trạng rối loạn chức năng tuyến meibomian4
Sử dụng thuốc nhỏ mắt để giữ ẩm cho mắt hiệu quả

Rối loạn chức năng tuyến Meibomian nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời, để tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thị lực. Chính vì thế, nếu thấy bất cứ biểu hiện nào bất thường ở mắt kéo dài mà không thuyên giảm dù bạn đã làm rất nhiều cách để khắc phục, hãy tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị, tránh để mắt gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin