Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Uống thuốc đau đầu nhiều có sao không? Những lưu ý khi sử dụng

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau đầu là triệu chứng phổ biến mà hầu hết mọi người từng trải qua. Cơn đau đầu có thể ở nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng, và có thể xuất hiện ở một bên đầu hoặc trải rộng khắp đầu. Khi mọi người gặp phải cảm giác đau đầu hoặc chóng mặt, thường lựa chọn cách đơn giản nhất là sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc đau đầu chóng mặt để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, không phải lúc nào đó cũng là lựa chọn tốt nhất và câu hỏi rất được quan tâm là "uống thuốc đau đầu nhiều có sao không, có tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe hay không?".

Đa số các thuốc giảm đau đều có những tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa, thần kinh và tim mạch. Do đó việc hiểu biết về cách dùng thuốc hợp lý là rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số lưu ý quan trọng về việc sử dụng thuốc đau đầu mà bạn cần phải nhớ.

Một số thuốc đau đầu thường dùng hiện nay

Thuốc đau đầu là các dạng thuốc giảm đau, được sử dụng để giảm đau đầu hoặc ngăn ngừa sự xuất hiện của cơn đau đầu. Chúng thường được áp dụng cho những người trải qua cơn đau đầu ở nhiều cấp độ khác nhau. Các loại thuốc đau đầu này có thể được phân thành hai nhóm chính: Thuốc kê đơn và thuốc không cần kê đơn. Thuốc đau đầu không kê đơn thường có sẵn tại các nhà thuốc trên thị trường và có thể mua mà không cần đặt lịch khám bác sĩ. Còn đối với một số loại thuốc đau đầu cần kê đơn, bạn sẽ cần được chỉ định và hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ để mua và sử dụng chúng.

  • Thuốc không kê đơn như: Acetaminophen (Paracetamol, Panadol); aspirin; ibuprofen (nhóm NSAID); Naproxen (nhóm NSAID). Những thuốc này có thể được sử dụng khi cơn đau đầu xuất hiện lần đầu và ở mức độ nhẹ.
  • Thuốc kê đơn: Triptans; Etodolac (Lodine); Oxaprozin (Daypro); Indomethacin (Indocin); Nabumetone (Relafen); Diclofenac (Cataflam). 

Ngoài ra có các thuốc phòng ngừa đau đầu như: Thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ, thuốc chống động kinh, thuốc an thần. Đây là những thuốc phải được kê đơn bởi bác sĩ.

Uống thuốc đau đầu nhiều có sao không? Những lưu ý khi sử dụng 1
Các loại thuốc đau đầu được phân thành hai nhóm chính: Thuốc kê đơn và không kê đơn

Uống thuốc đau đầu nhiều có sao không?

Để giải đáp vấn đề "uống thuốc đau đầu nhiều có sao không?" thì những thông tin sau đây sẽ giúp ích cho bạn. Sử dụng sai liều hoặc dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào thuốc, khiến cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Khi sử dụng thuốc giảm đau đầu quá thường xuyên, có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não bộ.

Việc lạm dụng các loại thuốc như ibuprofen, paracetamol hay aspirin trong thời gian dài sẽ làm sai lệch chức năng của các phần kiểm soát cảm giác đau và truyền tín hiệu trong hệ thần kinh. Thay vì giảm đau, cảm giác đau có thể tăng lên, tác dụng của thuốc sẽ dần giảm và không còn hiệu quả như ban đầu.

Hơn nữa, lạm dụng các loại thuốc giảm đau có thể làm giảm hiệu quả của các phương pháp tránh thai, đồng thời gây ra những tác dụng không mong muốn như chóng mặt, tê chân tay, da nổi mẩn đỏ và ngứa, cơ căng, đau ngực, đau hàm, đau lưng, cảm giác ớn lạnh hoặc nóng bừng, đắng miệng, khô miệng, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, táo bón, buồn nôn, và thay đổi tâm trạng.

Vì thế việc nắm vững kiến thức về cách dùng thuốc là điều cần thiết. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn (paracetamol,...) để giảm các cơn đau đầu nhẹ tạm thời. Tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài và không giảm khi dùng thuốc, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Uống thuốc đau đầu nhiều có sao không? Những lưu ý khi sử dụng 2
Cơn đau kéo dài và không giảm khi dùng thuốc, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp

Cách dùng hợp lý của một số thuốc giảm đau đầu không kê đơn

Paracetamol

Paracetamol là một loại thuốc giảm đau phổ biến, đặc biệt dùng nhiều trong trường hợp các triệu chứng đau nhẹ. Nó có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các loại thuốc khác, ví dụ như paracetamol và ibuprofen.

Tuy paracetamol được coi là an toàn, nhưng bạn không nên sử dụng quá 4 g mỗi ngày. Việc dùng paracetamol quá liều có thể gây hại cho gan và gây ra tổn thương gan nghiêm trọng. Quá liều có thể xảy ra vô tình do sử dụng nhiều sản phẩm chứa paracetamol khác nhau, vì vậy nếu bạn đang sử dụng nhiều loại thuốc, hãy chắc chắn kiểm tra thành phần trên nhãn sản phẩm.

Liều sử dụng: 10 - 15 mg/kg mỗi lần, cách 4 - 6 giờ/lần

Lưu ý rằng không nên sử dụng paracetamol khi bạn có cơn đau đầu kéo dài hơn 15 ngày mỗi tháng. Sử dụng thường xuyên có thể gây ra tình trạng đau đầu do lạm dụng thuốc.

Uống thuốc đau đầu nhiều có sao không? Những lưu ý khi sử dụng 3
Panadol Extra được sử dụng phổ biến trong các cơn đau mức độ nhẹ

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Gồm các thuốc: Aspirin, ibuprofen, naproxen.

NSAID hiệu quả nhất khi sử dụng ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu của đau nửa đầu. Không nên chờ cho đến khi tình trạng đau đầu trở nên trầm trọng hơn trước khi bắt đầu sử dụng NSAID.

Thường thì việc sử dụng NSAID phải được kê đơn từ bác sĩ, tuy nhiên, bạn vẫn có thể mua một số loại NSAID không kê đơn với liều lượng thấp. Cần lưu ý có những rủi ro liên quan đến việc sử dụng NSAID, vì vậy hãy nghe tư vấn từ dược sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi sử dụng thuốc.

Không nên sử dụng NSAID khi cơn đau đầu kéo dài hơn 15 ngày mỗi tháng. Sử dụng thường xuyên có thể gây ra tình trạng đau đầu do lạm dụng thuốc.

Uống thuốc đau đầu nhiều có sao không? Những lưu ý khi sử dụng 4
Aspirin, naproxen và ibuprofen thuộc nhóm thuốc giảm đau chống viêm

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc đau đầu

Những thuốc đau đầu không kê đơn được xem là khá an toàn khi bạn tuân thủ hướng dẫn sử dụng, bao gồm các dạng bào chế như: Dạng viên, dạng sủi, hoặc dạng ống. Ngoài việc giảm đau đầu, chúng cũng có tác dụng hạ sốt. Thuốc hạ sốt dạng ống thường được ưa chuộng cho trẻ em nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý một số điều sau:

  • Hãy tìm hiểu về thành phần hoạt chất trong sản phẩm để tránh dùng các sản phẩm khác nhau nhưng có chung hoạt chất, gây nguy cơ quá liều.
  • Không nên sử dụng vượt quá liều lượng khuyến cáo được ghi trên nhãn thuốc.
  • Hãy xem xét cẩn thận việc sử dụng các loại thuốc giảm đau và các loại thuốc khác mà bạn đang dùng, tránh điều trị quá mức và tương tác thuốc có thể xảy ra.
  • Trước khi sử dụng các thuốc chứa aspirin, ibuprofen hoặc naproxen, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có các vấn đề về chảy máu hoặc xuất huyết, mắc bệnh hen suyễn, sắp phẫu thuật hoặc đã phẫu thuật gần đây, mắc các rối loạn về gan hoặc thận, bị bệnh ung nhọt, hoặc đang sử dụng bất kỳ loại thuốc NSAID nào khác.
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng paracetamol nếu bạn có vấn đề về gan hoặc thận.

Một số cách giảm đau đầu không dùng thuốc

Ngoài việc dùng thuốc đau đầu, bạn có thể thử những biện pháp giảm đau đầu không cần thuốc để giúp giảm cơn đau mà không phụ thuộc vào thuốc. Các biện pháp này bao gồm:

  • Chườm nóng và lạnh xen kẽ.
  • Massage vùng đầu, cổ, vai và gáy.
  • Sử dụng tinh dầu thiên nhiên để giảm căng thẳng.
  • Bấm huyệt.
  • Uống đủ nước.
  • Sử dụng trà thảo mộc.
  • Uống một ít cà phê.
  • Nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh và tối.
  • Tránh nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử.
  • Ăn thực phẩm giàu magie.
  • Sử dụng gừng.
  • Bổ sung vitamin nhóm B.
  • Tránh các thực phẩm và vật dụng có mùi.
Uống thuốc đau đầu nhiều có sao không? Những lưu ý khi sử dụng 5
Bổ sung thực phẩm giàu magie có thể giúp phát triển não bộ

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc "uống thuốc đau đầu nhiều có sao không?" và lưu ý khi sử dụng. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích và giúp bạn hiểu rõ về cách xử lý khi cơn đau đầu xuất hiện. Ở những cơn đau lần đầu và cường độ nhẹ, bạn có thể đến nhà thuốc để mua các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen. Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số trường hợp, đau đầu có thể là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm, và việc thăm khám và điều trị chuyên sâu là điều cần thiết.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm