Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tìm hiểu về tình trạng đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt

Ngày 30/09/2023
Kích thước chữ

Đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt là tình trạng rất phổ biến gây nhiều khó chịu, mệt mỏi cho nữ giới trong những ngày đèn đỏ. Do không có thông tin nên nhiều chị em lo lắng không hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách điều trị khắc phục hiện tượng này.

Thông thường, đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt không gây nguy hiểm cho sức khỏe nữ giới và thường tự biến mất sau vài ngày. Tình trạng này được giải thích là do sự thay đổi hormone, nội tiết tố trong cơ thể, làm xuất hiện những cơn đau đầu trước và trong kỳ kinh.

Mối liên hệ giữa chứng đau đầu và chu kỳ kinh nguyệt

Đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do sự biến đổi nội tiết trong cơ thể phụ nữ, cụ thể là sự thay đổi của hormone estrogen và progesterone. Thống kê cho thấy hơn 60% phụ nữ gặp tình trạng đau đầu trước và trong kỳ kinh nguyệt do nguyên nhân này. Tuy nhiên, do sự thay đổi này diễn ra đột ngột nên có thể gây ra nhiều triệu chứng khác như: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.

Như đã nói, khi đến ngày đèn đỏ các hormone và nội tiết tố trong cơ thể sẽ thay đổi bất thường, các hormone estrogen và progesterone sẽ giảm mạnh trước khi đến ngày hành kinh. Do vậy, các chị em khi đến tháng sẽ cảm thấy đau đầu, choáng váng, buồn nôn.

Tìm hiểu về tình trạng đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt
Đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Tùy trường hợp, nữ giới có thể gặp phải tình trạng đau đầu trước khi bị kinh nguyệt, đau đầu sau kỳ kinh hay cơ thể đang rụng trứng cũng bị đau. Tuy nhiên, điều này có thể không hoàn toàn đúng với tất cả chị em phụ nữ hoặc những người trong giai đoạn mang thai, mãn kinh...

Các loại đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt

Đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một dạng đau đầu nguyên phát phổ biến, thường xảy ra ở nhiều người. Triệu chứng bao gồm cảm giác đau nhói ở một bên hoặc cả hai bên đầu, buồn nôn, nhạy cảm với mùi hương, ánh sáng hoặc âm thanh do các giác quan bị kích thích. Hiện tượng này có thể xảy ra trước hoặc sau khi bắt đầu cơn đau.

Theo thống kê, khoảng 17,6% nữ giới và 5,7% nam giới đã trải qua ít nhất một cơn đau đầu nửa đầu. Ở phụ nữ, nguy cơ mắc đau nửa đầu cao hơn gấp ba lần so với nam giới. Nguyên nhân liên quan đến sự ảnh hưởng của một số hormon như estrogen. Đây cũng là lý do tại sao nhiều phụ nữ trải qua đau đầu và buồn nôn vào chu kỳ kinh nguyệt. Những cơn đau này thường có thể gây buồn nôn và kéo dài lâu hơn so với các cơn đau đầu thông thường. Nếu cơn đau này chỉ xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt, nó được gọi là kinh nguyệt thuần túy.

Tìm hiểu về tình trạng đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt 1
Đau nửa đầu trong kì kinh nguyệt

Đau đầu kiểu căng thẳng

Đây là dạng đau đầu thường gặp do căng thẳng kéo dài. Chúng là một loại đau đầu ổn định, không gây buồn nôn hoặc làm cho các giác quan trở nên nhạy cảm như đau nửa đầu. Những cơn đau đầu kiểu này thường xuất hiện ở cả hai bên đầu và gây cảm giác như có lực ép hoặc co thắt từ nhẹ đến vừa. Tuy nhiên, hiện chưa có cuộc nghiên cứu nào xác định chắc chắn rằng đau đầu kiểu căng thẳng này có liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt.

Điều trị đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt bằng thuốc

Đau đầu khi hành kinh uống thuốc gì? Trước khi tìm hiểu về các loại thuốc trị đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt, chúng ta cần lưu ý rằng thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cần nhận sự tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn cho tình trạng sức khỏe của mình, không tự ý dùng thuốc điều trị. Cách điều trị đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt bằng thuốc cụ thể như sau:

Đau nửa đầu

  • Bổ sung các loại thuốc chứa thành phần như: Triptans, sumatripin để cải thiện tình trạng đau nửa đầu.
  • Bên cạnh đó, để giảm triệu chứng đau nửa đầu bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như: Naproxen (NSAID), acetaminophen (paracetamol)...
  • Sử dụng liệu pháp ổn định hormone bằng cách sử dụng các loại thuốc bổ sung thêm estrogen, dùng miếng dán estrogen dán lên vùng bụng, estrogen âm đạo hoặc estrogen tại chỗ để bổ sung estrogen thiếu hụt khi đến ngày đèn đỏ. Tuy nhiên, để được điều trị đúng cách bạn không nên tự ý quyết định mà cần tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ có chuyên môn cao.
  • Thuốc tránh thai cũng là một trong những lựa chọn để giảm các cơn đau nửa đầu do chu kỳ kinh nguyệt gây ra. Tuy nhiên, hãy tránh lạm dụng thuốc tránh thai vì chúng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể.
Tìm hiểu về tình trạng đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt 2
Nên sử dụng thuốc trị đau đầu trong kì kinh nguyệt theo chỉ dẫn bác sĩ

Đau đầu kiểu căng thẳng

Với tình trạng đau đầu kiểu căng thẳng khi đến kỳ kinh, bạn có thể dùng đến các loại thuốc giảm đau như: Thuốc giảm đau không steroid, ketoprofen, ibuprofen, acetaminophen... để làm giảm triệu chứng đau đầu. Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp thư giãn, châm cứu cũng có hiệu quả giảm căng thẳng, khắc phục các cơn đau đầu thường xuyên.

Điều trị chứng đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt không dùng thuốc

Dưới đây là một vài phương pháp điều trị chứng đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt không dùng thuốc bạn có thể tham khảo:

  • Ngủ đủ giấc: Mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ có thể gây ra chứng đau đầu. Hãy đảm bảo bạn có đủ thời gian ngủ và thiết lập thời gian thức dậy sao cho thoải mái. Nếu bạn thường bị đau đầu vào buổi sáng sau khi thức dậy, hãy xem xét kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Tránh để bị căng thẳng: Căng thẳng có thể gây kích thích chứng đau nửa đầu và đau đầu căng thẳng. Vì vậy, các kỹ thuật quản lý căng thẳng như: Liệu pháp thư giãn, liệu pháp hành vi nhận thức và phản hồi sinh học có thể hữu ích cho chị em bị đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt.
  • Tránh thời tiết khắc nghiệt: Thay đổi thời tiết, bao gồm cả nóng và lạnh đều có thể gây ra chứng đau đầu. Hãy kiểm tra dự báo thời tiết và lên kế hoạch trước khi bạn cần ra ngoài. Đồng thời, nên thận trọng khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao và ánh nắng mặt trời trực tiếp, vì việc này có thể dẫn đến kiệt sức và mất nước, làm gia tăng nguy cơ đau đầu.
  • Tìm không gian tối và yên tĩnh: Đối với những người bị đau đầu, ánh sáng và tiếng ồn có thể làm tăng triệu chứng. Một số người có thể cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách nằm trong một không gian tối và yên tĩnh khi bị đau đầu khi hành kinh.
Tìm hiểu về tình trạng đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt 3
Tránh để bị căng thẳng trong chu kì kinh nguyệt

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu thường xuyên bị đau đầu liên tục và dữ dội trong kỳ kinh nguyệt. Các chị em cũng cần thăm khám ngay nếu tình trạng đau đầu kèm theo các triệu chứng như: Rối loạn tâm thần, nhìn một thành hai, co giật, khó nói… Những cơn đau đầu này không liên quan đến kỳ kinh mà có thể do một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Trong chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi nồng độ hormone sinh sản có thể dẫn đến đau đầu. Vì vậy, đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp và còn lặp đi lặp lại. Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người phụ nữ nói chung và cải thiện những khó chịu ở những ngày hành kinh nói riêng, việc hiểu biết và có biện pháp phòng ngừa tình trạng này là rất cần thiết.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin