Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Ưu và nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng là gì? Cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng

Ngày 26/06/2024
Kích thước chữ

Thuốc uống dạng lỏng bao gồm thuốc hỗn dịch, dung dịch, nước, siro… được sử dụng rất phổ biến cho những bệnh nhân có trở ngại khi nuốt. Trẻ nhỏ và người cao tuổi là nhóm đối tượng thường dùng thuốc dạng lỏng. Vậy ưu điểm và nhược điểm của thuốc dạng lỏng là gì?

Hiện nay, thuốc uống được điều chế dưới nhiều dạng như dạng viên nén, viên nhộng, dạng lỏng… Trong đó, thuốc uống dạng lỏng thường được sử dụng cho những người bệnh gặp khó khăn khi nuốt hoặc trẻ nhỏ và người cao tuổi. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về ưu và nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng.

Tìm hiểu chung về thuốc uống dạng lỏng

Thuốc uống dạng lỏng gồm có các chế phẩm như hỗn dịch, dung dịch, thuốc siro và elixir. Dạng thuốc này thường được sử dụng cho trẻ em, tuy nhiên, người cao tuổi gặp khó khăn trong việc nuốt viên nang hoặc viên nén thì cũng được chỉ định dùng thuốc uống dạng lỏng. Ngoài ra, có một số loại thuốc chỉ được điều chế dưới dạng lỏng mà không có dạng viên.

Đơn vị dùng để đo lường thuốc uống dạng lỏng chính xác được áp dụng bao gồm xilanh, cốc chia vạch và thìa chia vạch chuyên dụng để chia liều thuốc. Trên các dụng cụ này có sẵn vạch chia rõ ràng số ml hoặc mg tương ứng với liều lượng thuốc cho trẻ.

Ưu và nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng là gì? Cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng 1
Thuốc uống dạng lỏng thường được sử dụng cho trẻ em

Ưu và nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng

Thuốc uống dạng lỏng là một dạng bào chế trong dược phẩm. Tương tự như các dạng bào chế thuốc khác, dạng thuốc này cũng có những ưu điểm và nhược điểm, cụ thể như sau:

Ưu điểm của thuốc uống dạng lỏng

Một số ưu điểm của thuốc uống dạng lỏng có thể kể đến như:

  • Dễ sử dụng: Thuốc uống dạng lỏng có thể sử dụng cho cả trẻ nhỏ, người cao tuổi hay người gặp khó khăn trong việc nuốt. Đặc biệt, loại thuốc này dù dễ dùng cho người lớn tuổi và trẻ nhỏ hơn các dạng thuốc khác như dạng viên nén, viên bao phim hay viên nang.
  • Hạn chế tác dụng phụ: Có một số dược chất khi được hòa tan sẽ không ổn định và có thể gây kích ứng hoặc khó nuốt. Tuy nhiên, khi được bào chế ở dạng lỏng sẽ dễ sử dụng hơn và hạn chế được tác dụng phụ của thuốc.
  • Hấp thu nhanh: Thuốc uống dạng lỏng có khả năng hấp thu nhanh hơn so với các dạng bào chế khác. Bởi các tiểu phân dược chất rắn đã được phân tán đều trong chất lỏng. Do đó, khi được đưa vào cơ thể thì thuốc sẽ dễ dàng hòa tan và hấp thu nhanh hơn. Trong khi đó, các dạng bào chế thuốc viên dạng nang hay viên nén khi đi vào cơ thể cần phải trải qua quá trình phân chia thành các tiểu phân, hoà tan rồi mới được hấp thu.
  • Kéo dài thời gian tác dụng của thuốc: Thuốc uống dạng lỏng khi được đưa vào cơ thể sẽ trải qua quá trình hoà tan rồi được hấp thu. Do đó, quá trình giải phóng dược chất có thể kiểm soát được, từ đó giúp kéo dài thời gian tác dụng của thuốc.
Ưu và nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng là gì? Cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng 2
Thuốc uống dạng lỏng dễ hấp thu hơn so với các dạng thuốc khác

Nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng

Dưới đây là một số nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng, cụ thể là:

  • Khó phân chia liều lượng: Bản chất của thuốc uống dạng lỏng là hệ phân tán dị thể và không bền về mặt nhiệt học/ vật lý được biểu hiện bởi tình trạng các tiểu phân dược chất rắn có thể lắng đọng xuống dưới và không thể phân tán đồng đều trở lại. Điều này khiến cho việc phân chia liều lượng thường khó chính xác như viên nén chia sẵn.
  • Không thích hợp với các dược chất không ổn định: Thuốc uống dạng lỏng thường không phù hợp với những dược chất không ổn định trong môi trường nước, chẳng hạn như thuốc kháng sinh nhóm beta lactam hoặc các dược chất dễ bị thuỷ phân. Do đó, với các dược chất này thường được bào chế dưới dạng bột pha hoặc cốm thay vì dạng lỏng.
  • Kích thước tiểu phân dược chất không ổn định: Ở dạng lỏng, kích thước tiểu phân dược chất thường không được ổn định do quá trình pha chế, chế độ bảo quản thuốc và chuyển dạng hình thù của dược chất.
Ưu và nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng là gì? Cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng 3
Một trong những nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng là khó chia liều dùng

Hướng dẫn cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng

Khi sử dụng thuốc uống dạng lỏng luôn phải sử dụng các dụng cụ chia liều lượng chuyên dụng để uống thuốc đúng cách, đúng liều. Cần ưu tiên sử dụng các dụng cụ kèm theo với thuốc và không nên dùng các dụng cụ chia liều của loại thuốc khác. Trong trường hợp không có dụng cụ chia liều đi kèm với thuốc, bạn nên quay lại nhà thuốc để tham khảo về loại dụng cụ đong đếm phù hợp.

Hiện nay, có 3 loại dụng cụ chia liều chuyên dụng dành cho thuốc uống dạng lỏng, bao gồm xilanh, thìa chia vạch và cốc chia vạch. Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng các dụng cụ chia liều thuốc uống dạng lỏng, cụ thể như sau:

Cốc chia vạch

Cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng bằng cốc chia vạch chuyên dụng theo các bước như sau:

  • Bước 1: Trước khi sử dụng thuốc, bạn cần rửa tay với xà phòng và lau khô tay bằng khăn sạch.
  • Bước 2: Lắc đều lọ thuốc.
  • Bước 3: Hãy đặt cốc chia vạch chuyên dụng xuống bề mặt phẳng như mặt bàn, mặt tủ… Sau đó, đặt tầm mắt nhìn thẳng vào vạch chia.
  • Bước 4: Bắt đầu rót thuốc uống dạng lỏng vào cốc đến đúng vạch chia liều lượng cần lấy. Để tiện cho việc sử dụng trong những lần sau, bạn nên dùng bút đánh dấu lại vị trí đó.
  • Bước 5: Cho người bệnh uống hết chỗ thuốc đã lấy ra cốc.
  • Bước 6: Rửa lại tay bằng xà phòng và cốc chia vạch bằng nước ấm, đắp chặt nắp lọ thuốc sau khi đã sử dụng xong.
Ưu và nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng là gì? Cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng 4
Bạn cần sử dụng cốc chia vạch chuyên dụng khi dùng thuốc uống dạng lỏng

Thìa chia vạch

Cách sử dụng thuốc uống dạng lỏng bằng thìa chia vạch cụ thể như sau:

  • Bước 1: Cần rửa sạch tay bằng xà phòng và lau khô tay trước khi sử dụng thuốc.
  • Bước 2: Lắc đều lọ thuốc.
  • Bước 3: Cầm thìa chia vạch chuyên dụng theo hướng thẳng đứng và đặt tầm mắt ngang với vạch chia.
  • Bước 4: Hãy rót thuốc vào thìa chia vạch tới đúng vạch chia liều có giá trị cần lấy. Bạn nên sử dụng bút đánh dấu vị trí đó để tiện cho lần sử dụng sau này.
  • Bước 5: Cho người bệnh uống thuốc, đảm bảo uống hết phần thuốc trong thìa. Nếu thuốc dính nhiều vào thìa thì có thể tráng lại bằng nước và cho người bệnh uống hết để đảm bảo đủ liều.
  • Bước 6: Rửa sạch tay bằng xà phòng và thìa chia liều bằng nước ấm, đóng chặt nắp lọ thuốc sau khi dùng.

Xilanh

Các bước sử dụng xilanh chia liều khi sử dụng thuốc uống dạng lỏng như sau:

  • Bước 1: Cần rửa sạch tay với xà phòng trước khi sử dụng thuốc.
  • Bước 2: Lắc đều lọ thuốc.
  • Bước 3: Xác định vạch giá trị liều lượng thuốc cần lấy trên xilanh và cẩn thận hút thuốc vào xilanh. Hãy đánh dấu lại vạch đó để thuận tiện cho lần sử dụng sau này. Đồng thời lưu ý không được hút đầy thuốc đến tận đầu xilanh.
  • Bước 4: Sử dụng tay búng vài lần vào thân xilanh để đuổi bọt khí. Cần đuổi hết bọt khí để đảm bảo lấy đúng liều lượng thuốc cần uống.
  • Bước 5: Đưa phần đầu xilanh vào miệng người bệnh và hướng vào phía má trong.
  • Bước 6: Đẩy xilanh từ từ, bởi việc đẩy bơm quá nhanh có thể khiến người bệnh không nuốt kịp và nôn trớ.
  • Bước 7: Vệ sinh tay và xilanh rồi đóng chặt nắp lọ thuốc lại sau khi dùng.
thuoc-dang-long.png
Thuốc dạng lỏng thường dễ uống đối với trẻ nhỏ

Trên đây là những thông tin cơ bản về ưu nhược điểm của thuốc uống dạng lỏng mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp được. Việc chia liều dùng đối với thuốc uống dạng lỏng sẽ khó khăn hơn so với các dạng thuốc điều chế khác. Do đó, bạn phải luôn sử dụng các dụng cụ chia liều chuyên dụng dành cho thuốc uống dạng lỏng để đảm bảo đúng liều dùng. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin