Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiều về kháng sinh nhóm Beta Lactam

Ngày 10/03/2024
Kích thước chữ

Beta Lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh nhiễm trùng vi khuẩn. Việc tìm hiểu rõ về nhóm kháng sinh này sẽ giúp cải thiện hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại kháng sinh Beta Lactam trong thực tế y học.

Nhóm kháng sinh Beta Lactam bao gồm một loạt các loại kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng Beta Lactam. Cấu trúc này có vai trò quan trọng trong khả năng ức chế sự phát triển và sinh sản của vi khuẩn.

Cấu trúc và cơ chế hoạt động kháng sinh nhóm Beta Lactam

Nhóm Beta Lactam là một họ kháng sinh đa dạng, bao gồm các kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng Beta Lactam. Khi các vòng Beta Lactam kết hợp với cấu trúc vòng khác, chúng tạo thành các phân nhóm kháng sinh khác nhau.

Tìm hiều về nhóm kháng sinh Beta Lactam 1
Beta Lactam là nhóm kháng sinh có cấu trúc 3 vòng carbon và 1 nitơ

Nhóm kháng sinh Beta Lactam được đặt tên theo cấu trúc vòng Beta Lactam đặc trưng, bao gồm một vòng 3 carbon và một nitơ. Đây là cấu trúc quan trọng đóng vai trò trong khả năng kháng sinh nhóm Beta Lactam kết hợp với các Protein Buộc Penicillin (PBPs) - một loại enzyme tham gia vào quá trình tạo thành vách tế bào vi khuẩn.

Khi kết hợp với PBPs, kháng sinh nhóm Beta Lactam cản trở quá trình tổng hợp peptidoglycan của tế bào vi khuẩn, dẫn đến sự phá vỡ và ly giải tế bào vi khuẩn. Hiệu quả và phạm vi hoạt động của các kháng sinh nhóm Beta Lactam phụ thuộc vào độ kết hợp của chúng với PBPs.

Các loại kháng sinh thuộc nhóm Beta Lactam tạo ra phức tử ổn định với transpeptidase để ức chế quá trình tạo vách vi khuẩn và làm tan hoặc biến dạng vi khuẩn. Tuy nhiên, các kháng sinh thuộc nhóm Beta Lactam có khả năng gây dị ứng rất cao.

Phân nhóm kháng sinh Beta Lactam

Khi vòng Beta Lactam kết hợp với một cấu trúc vòng khác, sẽ tạo thành các nhóm chức lớn khác nhau. Các nhóm này bao gồm:

Nhóm kháng sinh Penicillin

A6AP là dẫn xuất của các loại kháng sinh thuộc nhóm penicillin. Trong nhóm kháng sinh này, chỉ có penicillin là kháng sinh tự nhiên. Các kháng sinh còn lại là các chất tổng hợp có thể thay đổi tính bền với enzym penicillinase và beta-lactamase, thay đổi phổ kháng khuẩn và hoạt tính kháng sinh trên các chủng vi khuẩn gây bệnh.

Nhóm cephalosporin

Các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin là dẫn xuất của A7AC. Các cephalosporin khác nhau được tạo ra thông qua phương pháp tổng hợp bán và thay đổi các nhóm thế, dẫn đến thay đổi tác động sinh học và đặc tính của kháng sinh. Dựa trên phổ kháng khuẩn, cephalosporin tổng hợp được chia thành 4 thế hệ, từ thế hệ 1 đến thế hệ 4, với hoạt tính trên vi khuẩn Gram âm tăng dần và hoạt tính trên vi khuẩn Gram dương giảm dần.

Tìm hiều về nhóm kháng sinh Beta Lactam 2
Nhóm kháng sinh Penicillin thuộc nhóm kháng sinh Beta Block

Các kháng sinh beta-lactam khác

Nhóm carbapenem có khả năng kháng khuẩn rộng và hoạt tính mạnh đặc biệt chống lại vi khuẩn Gram âm. Nhóm monobactam là các kháng sinh có công thức phân tử chứa Beta Lactam đơn vòng, không có tác dụng trên vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn Gram dương, chỉ tác động lên vi khuẩn Gram âm. Các chất ức chế beta-lactam cũng có cấu trúc beta-lactam, nhưng không có hoạt tính kháng khuẩn, chỉ có tác dụng ức chế enzym beta-lactamase được tiết ra bởi vi khuẩn.

Một số tác dụng phụ khi dùng kháng sinh nhóm Beta Lactam

So sánh với các loại thuốc khác, kháng sinh trong nhóm Beta Lactam thường an toàn và được hấp thu tốt. Phản ứng dị ứng là tác dụng phụ thường gặp nhất (tỷ lệ khoảng 0,7 - 10%). Phản ứng thường gặp nhất là nổi ban dát sần, có thể xảy ra khi sử dụng bất kỳ dạng bào chế penicilin nào. Các báo cáo về phản ứng phản vệ khi sử dụng nhóm thuốc này cho thấy tỷ lệ gặp phải khoảng 0,004 đến 0,015% bệnh nhân. 

Ngoài phản ứng dị ứng, các tác dụng phụ quan trọng khác của kháng sinh trong nhóm Beta Lactam bao gồm:

  • Penicillin G và piperacillin có liên quan đến vấn đề cầm máu kém do rối loạn khả năng kết tập tiểu cầu.
  • Benzathine penicillin G (dùng tiêm tĩnh mạch) có mối liên hệ với ngừng tim và tử vong.
  • Mặc dù hiếm, cephalosporin có mối liên hệ với các trường hợp suy tủy xương, bao gồm cả tình trạng giảm bạch cầu hạt.
  • Một số cephalosporin gây tổn thương cho thận và có mối tương quan với hoại tử ống thận. Ceftriaxone có thể gây vàng da ở trẻ sơ sinh.
  • Kháng sinh trong nhóm Beta Lactam có thể gây sỏi giả đường mật do thuốc có khả năng kết tủa với canxi trong dịch mật.
  • Ở liều cao hoặc ở bệnh nhân có rối loạn chức năng thận, cefepime có mối tương quan với bệnh não và bệnh động kinh không co giật.
  • Imipenem có thể gây triệu chứng co giật khi sử dụng liều cao ở bệnh nhân bị tổn thương thần kinh trung ương hoặc suy thận.
  • Các loại kháng sinh trong nhóm Beta Lactam bị cấm sử dụng trong trường hợp có tiền sử sốc phản vệ hoặc các phản ứng phản vệ hoặc phản ứng da nghiêm trọng, trong đó có thể kể đến hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc.
Tìm hiều về nhóm kháng sinh Beta Lactam 3
Co giật là một trong số những tác dụng phụ khi dùng kháng sinh Beta Lactam

Kháng Beta Lactam dẫn đến thách thức trong việc quản lý sức khỏe cộng đồng

Sự gia tăng kháng Beta Lactam ngày càng trở thành một vấn đề đáng lo ngại và đặt ra thách thức lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hiểu được cơ chế kháng thuốc sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng lựa chọn kháng sinh phù hợp hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế tình trạng này. Một số cơ chế kháng thuốc như sau:

  • Sự bất hoạt hoạt động của Beta Lactam thông qua việc tiết ra Beta Lactamase.
  • Giảm khả năng đưa thuốc đến mục tiêu (ví dụ về cơ chế kháng thuốc của Pseudomonas aeruginosa).
  • Thay đổi vị trí gắn kết protein trên bề mặt tế bào với Beta Lactam (ví dụ về cơ chế kháng thuốc của phế cầu khuẩn).
  • Vi khuẩn hình thành các protein bơm ngược (hay còn được gọi là cơ chế bơm xả - efflux pump) để bơm thuốc ra ngoài nhiều hơn bơm vào.
Tìm hiều về nhóm kháng sinh Beta Lactam 4
Chỉ được dùng Beta Lactam khi có chỉ định của bác sĩ

Những lưu ý khi dùng các loại thuốc kháng sinh

Để đảm bảo việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, bao gồm nhóm kháng sinh Beta Lactam một cách an toàn và hiệu quả, dưới đây là những hướng dẫn quan trọng cần lưu ý:

  • Chỉ sử dụng Beta Lactam khi được kê đơn bởi bác sĩ.
  • Luôn tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về thời gian, liều lượng và các lưu ý khi sử dụng. Bạn không nên ngừng dùng thuốc khi các triệu chứng của bạn đã giảm, mà nên hoàn thành toàn bộ liệu trình được kê đơn.
  • Không chia sẻ đơn thuốc kháng sinh với người khác hoặc sử dụng theo liều lượng của người khác.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, duy trì vệ sinh cá nhân, thực hiện quan hệ tình dục an toàn và tiêm phòng đầy đủ.

Trên đây là những thông tin về kháng sinh nhóm Beta Lactam. Hy vọng rằng thông tin này sẽ giúp bạn bổ sung kiến thức quan trọng về việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin