Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Vai trò của gan trong cân bằng nội môi

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Để đảm bảo hoạt động sống ổn định, tất cả các sinh vật trên thế giới đều cần đảm bảo duy trì cân bằng nội môi để điều hoà các cân bằng động khác nhau trong cơ thể. Trong đó, gan là cơ quan nội tạng đảm nhiệm vai trò điều hoà áp suất thẩm thấu, để ổn định môi trường nội môi. Để hiểu rõ hơn về cân bằng nội môi và vai trò của gan trong cân bằng nội môi, mời bạn theo dõi bài viết của Nhà thuốc Long Châu.

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, thực hiện nhiều chức năng quan trọng để duy trì hoạt động sống ổn định. Một trong những chức năng quan trọng cần kể đến đó là điều hoà cân bằng nội môi. Vậy cụ thể cân bằng nội môi là gì và vai trò của gan trong cân bằng nội môi, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Cân bằng nội môi là gì?

Môi trường bên trong cơ thể còn được gọi là nội môi, là môi trường mà ở đó diễn ra quá trình trao đổi chất của tế bào. Nội môi bao gồm tất cả các yếu tố hoá lý như máu, bạch huyết, nước mô… Nội bào cần được duy trì cân bằng để tất cả các hoạt động sống được diễn ra một cách bình thường nhất.

vai-tro-cua-gan-trong-can-bang-noi-moi 1.jpg
Gan đảm nhiệm vai trò quan trọng trong hoạt động cân bằng nội môi của cơ thể

Cân bằng nội môi là một đặc tính của hệ thống mở, thông qua việc điều chỉnh các cơ chế điều hoà cân bằng động khác nhau nhằm điều khiển môi trường bên trong duy trì ở trạng thái cân bằng. Cân bằng này có thể là cân bằng pH nội bào, cân bằng nhiệt độ của cơ thể hay cân bằng tỷ lệ thông khí của cơ thể…

Khi môi trường bên trong cơ thể gặp những biến động về điều kiện lý hoá, ảnh hưởng đến sự duy trì ổn định thông thường, từ đó gây ra sự mất cân bằng nội môi. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến đa cơ quan, dẫn đến ra sự rối loạn, biến đổi khác thường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Ý nghĩa của cân bằng nội môi

Cân bằng nội môi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các hoạt động sinh lý của cơ thể:

  • Duy trì sự ổn định các điều kiện lý hóa của môi trường bên trong, giúp cho các tế bào hoặc cơ quan hoạt động một cách bình thường. Từ đó, đảm bảo điều kiện sống để con người có thể tồn tại và phát triển.
  • Giúp duy trì sự cân bằng nồng độ các chất như glucose, acid amin, các ion, khối lượng nước…
  • Điều hoà huyết áp, áp suất thẩm thấu, độ pH… của môi trường nội môi.
  • Đảm bảo các quá trình sinh lý như duy trì sự tồn tại của tế bào với sự tham gia của các loại enzym.

Khi môi trường nội môi bị mất cân bằng, cơ thể sẽ xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực như đái tháo đường, cao huyết áp

vai-tro-cua-gan-trong-can-bang-noi-moi 2.jpg
Khi cơ thể bị mất cân bằng nội môi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Các thành phần thực hiện cơ chế cân bằng nội môi

Bộ phận tiếp nhận kích thích

Bộ phận này nằm ở cơ quan thụ thể, có vai trò tiếp nhận mọi kích thích từ phía bên ngoài và kể cả môi trường bên trong cơ thể. Sau đó, bộ phận tiếp nhận kích thích sẽ tạo các xung thần kinh để dẫn truyền kích thích đến bộ phận tinh chỉnh và điều khiển.

Bộ phận tinh chỉnh và điều khiển

Cơ quan đảm nhiệm chức năng tinh chỉnh và điều khiển đó là trung ương thần kinh hoặc tuyến nội tiết. Bộ phận này sẽ đảm nhiệm chức năng điều chỉnh và điều khiển các cơ quan thông qua các hoạt động sinh hoạt thông qua tín hiệu hormone hoặc thần kinh.

Bộ phận thực hiện

Bộ phận này bao gồm nhiều cơ quan như tim, phổi, máu, thận, gan… Các bộ phận này sẽ điều chỉnh, tăng hoặc giảm hoạt động thông qua các tín hiệu từ thần kinh hoặc hormone được gửi từ bộ phận tinh chỉnh và điều khiển. Những điều chỉnh này sẽ giúp đưa môi trường nội môi về trạng thái cân bằng và ổn định.

Vai trò của gan trong cân bằng nội môi

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, tham gia vào quá trình điều hoà áp suất thẩm thấu, điều hòa nồng độ của những hoạt chất có thể hoà tan trong máu như glucose, góp phần đảm bảo cân bằng nội môi.

Khi hàm lượng glucose trong máu tăng cao sau mỗi bữa ăn, tuyến tụy sẽ tiết ra hợp chất điều hòa đường huyết có tên là insulin, giúp chuyển hóa glucose thành glycogen để dự trữ trong gan và cơ. Đồng thời, gan cũng sẽ kích thích các tế bào tiếp nhận và tăng sử dụng glucose. Từ đó giúp làm giảm nồng độ glucose trong máu, đảm bảo duy trì ở mức ổn định. Ngược lại, khi cơ thể đói, lượng đường trong máu sẽ có sự thuyên giảm. Lúc này, tuyến tụy sẽ tiết ra glucagon để chuyển hóa glycogen thành glucose và vận chuyển nó vào máu giúp tăng lượng đường trong máu và duy trì ở mức ổn định nhất.

vai-tro-cua-gan-trong-can-bang-noi-moi 3.png
Sơ đồ quá trình cân bằng nội môi của gan

Một số vai trò quan trọng của gan

Bên cạnh chức năng cân bằng nội môi, gan còn đảm nhiệm nhiều vai trò, cụ thể như sau:

Cung cấp máu

Gan nhận nguồn máu từ tĩnh mạch cửa gan và động mạch gan. Trong đó, cửa gan cung cấp khoảng 75% tổng lượng máu và động mạch gan cung cấp khoảng 25% tổng lượng máu còn lại của gan. Máu sẽ chảy qua các xoang gan và đi vào tĩnh mạch trung tâm của mỗi tiểu thuỳ, tập hợp lại tại các tĩnh mạch trung tâm gan và đi ra khỏi gan vào tĩnh mạch chủ dưới. Oxy cung cấp cho gan được lấy từ hai nguồn, một nửa từ tĩnh mạch cửa gan và một nửa từ động mạch gan. Máu đi qua động mạch sẽ được kiểm soát một phần bởi các dây thần kinh nội tạng của hệ thống thần kinh tự trị.

Sản xuất mật

Gan là nơi sản xuất ra dịch mật, sau đó vận chuyển đến phần đầu tiên của ruột non, hay còn gọi là tá tràng. Động mạch gan đảm nhiệm vai trò cung cấp máu cho hệ thống mật và mô liên kết. Ống túi mật từ túi mật được nối thông với ống gan chung để tạo thành ống mật chủ. Dịch mật sẽ chảy trực tiếp từ tá tràng, đi vào ống mật chủ hoặc được lưu trữ tạm thời tại túi mật.

vai-tro-cua-gan-trong-can-bang-noi-moi 4.jpg
Gan còn đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng khác đối với cơ thể

Chức năng chuyển hoá

Các chức năng chuyển hoá được gan đảm nhiệm, bao gồm:

  • Chuyển hóa carbohydrate: Gan tổng hợp và dự trữ glycogen. Khi lượng đường trong cơ thể bị giảm, gan sẽ phân huỷ glycogen để tạo thành glucose và vận chuyển vào máu, để điều hòa lượng đường huyết trong máu. Ngoài ra, gan cũng có khả năng tổng hợp một số acid amin thiết yếu, lactate, glycerol…
  • Chuyển hóa protein: Trong các quá trình chuyển hoá, tổng hợp và phân huỷ protein thì gan là cơ quan chính đảm nhiệm nhiệm vụ này. Gan có thể tổng hợp tất các protein, ngoại trừ gamma-globulin. Đặc biệt, gan đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hồng cầu và các yếu tố đông máu như protein C, protein S, antithrombin, fibrinogen, prothrombin…
  • Chuyển hóa lipid: Gan tham gia vào các quá trình chuyển hóa lipid như tổng hợp cholesterol, sản xuất lipid, chất béo và phần lớn lipoprotein của cơ thể. Ngoài ra, gan còn tham gia sản xuất và bài tiết muối mật, hỗ trợ quá trình hấp thu vitamin K từ thức ăn.

Phân huỷ và đào thải các chất

Gan có khả năng phân huỷ insulin và các hormone khác bên trong cơ thể. Gan tiến hành quá trình glucuronid hóa để phân hủy bilirubin và bài tiết vào mật. Đồng thời, gan còn chịu trách nhiệm phân huỷ và bài tiết nhiều chất thải khác như phá vỡ và biến đổi cấu trúc của nhiều chất độc hại khác, chuyển hoá thuốc, chuyển hóa amoniac thành urê…

Bài viết trên tổng hợp những thông tin cơ bản về cân bằng nội môi, vai trò của gan trong cân bằng nội môi cũng như vai trò của gan đối với cơ thể. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích để có thể chăm sóc, bảo vệ và theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân mình, sớm phát hiện những bất thường, thăm khám kịp thời để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin