Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vai trò của X-quang viêm cột sống dính khớp trong chẩn đoán

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm cột sống dính khớp là một trong những bệnh lý cơ xương khớp phổ biến. Tuy nhiên, với những triệu chứng ban đầu không rõ ràng, khó nhận biết, bệnh tiến triển âm thầm và trở nên nặng hơn. Do đó những phương pháp chẩn đoán viêm cột sống dính khớp giúp phát hiện kịp thời các dấu hiệu. Trong đó có phương pháp chụp X-quang viêm cột sống dính khớp.

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm mãn tính đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng khớp ở cột sống. Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cột sống khác nên nếu bác sĩ nghi ngờ viêm cột sống dính khớp có thể yêu cầu làm các xét nghiệm như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm HLA-B27,...

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu vai trò của X-quang viêm cột sống dính khớp trong chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ xác định rõ tình trạng bệnh.

Dấu hiệu viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp không phải là bệnh hiếm gặp nhưng thường được chẩn đoán muộn vì triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cột sống khác. Một số triệu chứng đặc trưng của viêm cột sống dính khớp:

  • Đau lưng mãn tính kéo dài trên 3 tháng, xuất hiện ở người trẻ, đặc biệt là nam giới. Các triệu chứng đau lưng khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động, thường vào ban đêm hoặc buổi sáng.
  • Một số trường hợp có thể biểu hiện viêm khớp ngoại vi đơn độc: Sưng đau ở một hoặc nhiều khớp lớn như khớp hông, đầu gối và khớp cổ chân bị kéo dài. Lúc này nên nghĩ đến viêm cột sống dính khớp và đi khám sớm.
  • Bất thường về tư thế: Tăng độ cong cột sống cổ, gù lưng, mất độ cong cột sống thắt lưng dẫn đến cong về phía trước. Giai đoạn cuối là gù nặng ở cột sống ngực.

Các triệu chứng ngoại biên ít phổ biến hơn như loãng xương, viêm màng bồ đào, viêm van động mạch chủ.

Chụp X-quang viêm cột sống dính khớp

X-quang là một kỹ thuật phổ biến dùng để chẩn đoán viêm cột sống dính khớp. Cụ thể hình ảnh viêm cột sống dính khớp trên X-quang như sau:

Hình ảnh viêm khớp vùng chậu trên X-quang

Giai đoạn 1: Mất khoáng của bờ khớp, khe khớp cùng chậu rộng.

Giai đoạn 2: Hình ảnh bào mòn, tem thư ở rìa khớp.

Giai đoạn 3: Đặc xương ở mép khớp, dính một phần vào khớp cùng chậu.

Giai đoạn 4: Dính khớp hoàn toàn vào xương chậu.

Ở giai đoạn đầu, khi chụp X-quang không phát hiện được tổn thương, chụp cộng hưởng từ vùng chậu có thể giúp chẩn đoán chính xác hơn.

Vai trò của X-quang viêm cột sống dính khớp trong chẩn đoán 1
X-quang viêm cột sống dính khớp để chẩn đoán bệnh chính xác

Hình ảnh tổn thương cột sống

Trong chấn thương cột sống giai đoạn muộn, chụp X-quang thông thường có thể cho thấy tình trạng xơ hóa dây chằng bên hoặc trước của cột sống.

Ngoài ra, còn có thể bị xơ hóa các dây chằng liên gai, có thể bị vôi hóa đĩa đệm, tổn thương khớp liên đốt sống sau, tổn thương các khớp xương sườn đốt sống. 

Trên phim chụp X-quang còn có thể phát hiện loãng xương. Để phát hiện tổn thương tủy sống ở giai đoạn đầu, có thể chụp cộng hưởng từ bổ sung.

Hình ảnh khớp háng

Các tổn thương trên phim X-quang thông thường biểu hiện hình ảnh hẹp khe khớp, đôi khi có sự ăn mòn đối xứng qua khe khớp, giai đoạn cuối thường là cứng khớp.

Viêm điểm bám gân

Chụp X-quang định kỳ đôi khi cho thấy tình trạng xơ hóa ở các chi (gai xương). Như vậy, bệnh được chẩn đoán chắc chắn hơn khi có hình ảnh X-quang và ít nhất một yếu tố của tiêu chuẩn lâm sàng.

Tiêu chuẩn lâm sàng là:

  • Đau thắt lưng từ 3 tháng trở lên, cải thiện khi tập thể dục, không cải thiện khi nghỉ ngơi.
  • Hạn chế cử động cột sống thắt lưng ở tư thế cong, cúi lưng.
  • Giảm độ nở của lồng ngực (nhỏ hơn hoặc bằng 2,5cm).
  • Tiêu chuẩn chụp X-quang cho viêm cột sống dính khớp: Viêm khớp cùng chậu giai đoạn ≥ 2, trong trường hợp viêm hai bên.

Trong trường hợp không có triệu chứng trên phim chụp X-quang thì nên thực hiện thêm chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu hoặc cột sống (2,4,5) để chẩn đoán chính xác.

Quy trình chẩn đoán viêm cột sống dính khớp

Lâm sàng

Triệu chứng đầu tiên thường là đau ở vùng thắt lưng kèm theo cứng cột sống.

Viêm khớp cùng chậu được đặc trưng bởi đau ở mông, một bên hoặc cả hai bên.

Viêm khớp: Thông thường, viêm khớp gốc chi có tính chất đối xứng hai bên. Đôi khi giai đoạn đầu chỉ biểu hiện viêm một khớp, khi đó cần phân biệt với viêm khớp nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh lao.

Viêm các điểm bán tận của gân thường gặp nhất ở gân Achilles, cân gan chân.

Viêm kết mạc mắt và các triệu chứng tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng, xuất huyết) xảy ra ở khoảng 5 - 10% trường hợp.

Vai trò của X-quang viêm cột sống dính khớp trong chẩn đoán 2
X-quang viêm cột sống dính khớp kết hợp chụp cộng hưởng từ để phát hiện bệnh 

Cận lâm sàng

Xét nghiệm máu: Dấu hiệu viêm như tăng tốc độ lắng hồng cầu, CRP tăng cao.

Kháng nguyên tương hợp mô HLA-B27 dương tính ở 80 - 90% bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh thông qua chụp X-quang:

  • Hình ảnh viêm khớp cùng chậu.
  • Hình ảnh tổn thương cột sống.
  • Hình ảnh tổn thương khớp háng.
  • Viêm điểm bám gân.

Chẩn đoán xác định

Sự kết hợp của các dấu hiệu lâm sàng và viêm khớp vùng chậu trên X-quang (hoặc trên MRI nếu nghi ngờ chẩn đoán nhưng kết quả chụp X-quang không rõ ràng) và có thể xét nghiệm HLA-B27.

Tiêu chuẩn lâm sàng:

  • Đau thắt lưng từ 3 tháng trở lên, cải thiện khi tập thể dục, không cải thiện khi nghỉ ngơi.
  • Hạn chế cử động cột sống thắt lưng ở tư thế cong, ngả lưng.
  • Giảm độ giãn nở của lồng ngực (nhỏ hơn hoặc bằng 2,5cm).

Tiêu chuẩn X-quang:

  • Viêm khớp cùng chậu giai đoạn ≥ 2, trong trường hợp viêm hai bên.
  • Chẩn đoán được xác nhận khi có biểu hiện trên phim chụp X-quang và ít nhất một yếu tố lâm sàng.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm cột sống dính khớp thể cột sống: Cần được phân biệt với bệnh Forestier. Đặc điểm của bệnh này là tình trạng xơ hóa dây chằng quanh đốt sống, cầu xương nhưng không bị viêm. Ngoài ra, các cầu xương trong bệnh Forestier thường thô và kém mịn hơn so với bệnh viêm cột sống dính khớp.

Viêm cột sống kết hợp: Đôi khi trong giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp chỉ có một khớp, đặc biệt phổ biến viêm khớp háng ở một bên. Trường hợp này cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lao khớp háng.

Điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào?

Viêm cột sống dính khớp cần được điều trị sớm để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và biến chứng như biến dạng cột sống và nguy cơ tàn tật. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp và điều trị ở giai đoạn đầu của bệnh thì khả năng khỏi bệnh là rất cao. Bởi vì ở thời điểm hiện tại, chưa có những thiệt hại không thể khắc phục. Các cách điều trị viêm cột sống dính khớp như sau:

Điều trị bằng thuốc

Để giảm viêm, đau và cứng khớp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid. Nếu các loại thuốc này không mang lại hiệu quả như mong muốn, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc sinh học như kháng TNF hoặc chất ức chế IL-17.

Vật lý trị liệu

Điều trị viêm xương khớp bằng vật lý trị liệu làm tăng tính linh hoạt của hệ thống khớp và cải thiện phạm vi chuyển động. Do đó, người bị viêm cột sống dính khớp nên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Vai trò của X-quang viêm cột sống dính khớp trong chẩn đoán 3
Điều trị viêm xương khớp bằng vật lý trị liệu rất hiệu quả

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị nội khoa không có hiệu quả, người bệnh đau nhức dữ dội, cột sống, khớp háng bị tổn thương và biến dạng thì cần phải phẫu thuật. Đây có thể là phẫu thuật chỉnh hình hoặc thay khớp.

Ngoài các phương pháp điều trị trên, người bệnh cần kết hợp thêm bằng các bài tập nhẹ nhàng, massage, chườm nóng hoặc lạnh, áp dụng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học,... để cải thiện tình trạng bệnh.

Hình ảnh X-quang viêm cột sống dính khớp thường được xác định khi bệnh ở giai đoạn sau. Vì vậy, nếu nhận thấy các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm cột sống dính khớp, hãy đến bệnh viện để được khám, siêu âm và có phác đồ điều trị thích hợp.

Xem thêm:

Viêm cột sống dính khớp có di truyền không?

Phác đồ điều trị viêm cột sống dính khớp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm