Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em phải làm sao?

Ngày 28/09/2022
Kích thước chữ

Khi thời tiết chuyển mùa từ nóng qua lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên có nguy cơ bùng phát. Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em không phải là bệnh nguy cấp nhưng cũng khiến cho trẻ luôn cảm thấy khó chịu.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải những bệnh như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi, cúm… Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có thể lặp đi lặp lại 1 năm có đến 4 - 6 lần với một đứa trẻ. Bệnh có thể làm cho trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển cả về thể lực và trí lực. 

Bệnh viêm đường hô hấp trên là gì?

Đường hô hấp trên được tính từ mũi, hầu họng, xoang và thanh quản. Hệ hô hấp trên có chức năng lấy không khí từ bên ngoài sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em-1Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là bệnh rất dễ mắc phải

Còn hệ hô hấp dưới có chức năng thực hiện các chức năng lọc và trao đổi khí. Viêm đường hô hấp trên bao gồm nhiều bệnh lý như viêm xoang, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm họng, cảm lạnh, viêm tai giữa…

Hệ hô hấp trên là bộ phận phải tiếp xúc đầu tiên với môi trường với nhiều điều kiện bất lợi như tiếp xúc với nấm mốc và vi khuẩn… Chính vì điều đó nên cơ quan này vô cùng nhạy cảm và dễ mắc bệnh. Đối tượng dễ mắc bệnh đường hô hấp trên là trẻ em, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, người bị bạch cầu…

Vì bệnh đường hô hấp trên không quá nguy hiểm nên dẫn tới nhiều người chủ quan. Tuy nhiên, nếu viêm đường hô hấp trên ở trẻ em không được chăm sóc tốt có thể dẫn tới viêm phổi, nguy hiểm hơn có thể suy hô hấp gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Biểu hiện của viêm đường hô hấp trên

Bệnh viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại, cấp tính và mãn tính.

Viêm đường hô hấp trên cấp tính

Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường xảy ra khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh đột ngột, uống nước quá lạnh hoặc nước đá, ăn kem kể cả nằm, ngồi trước luồng gió lạnh như gió quạt hoặc điều hòa nhiệt độ thấp. Biểu hiện đầu tiên là có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm run sau sốt là hắt xì, sổ mũi và ho. Những cơn ho mới đầu chỉ ho nhẹ có khi ho liên tục. Ở trẻ lớn hoặc người lớn có thể kèm theo đau họng khi nuốt. Ở trẻ nhỏ thì hay gặp hiện tượng chảy nước mũi.

Viêm đường hô hấp trên mãn tính

Khi bị mắc bệnh viêm đường hô hấp trên không điều trị hoặc điều trị không khỏi dứt có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính. Khi chuyển qua giai đoạn mãn tính các triệu chứng như rát họng, nuốt vướng như có vật gì trong họng, trẻ em thường xuyên chảy nước mũi ở một bên hoặc cả hai bên.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em-2Khi bị viêm đường hô hấp trên để lâu có thể chuyển sang mãn tính

Ở một số trẻ nhỏ chảy mũi xanh là do bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Đối với trẻ nhỏ khi ngủ thường thở bằng miệng. Còn người lớn có triệu chứng nuốt vướng, rát họng và nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên. Ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, người lớn còn cảm thấy nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuống mũi… Khi viêm xoang còn kèm theo triệu chứng đau đầu…

Nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm đường hô hấp trên ở trẻ em. Có thể do dị ứng thời tiết, với những dị nguyên khác nhau trong không khí, bụi bặm và hóa chất, khói thuốc, nấm, vi khuẩn, virus.

Nếu bình thường có một số vi khuẩn ký sinh ở đường hô hấp trên không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng của cơ thể kém, hoặc lý do nào đó loại ký sinh này gây bệnh.

Một số vi khuẩn thường ký sinh ở đường hô hấp trên là thuộc họ cầu khuẩn. Đặc biệt là loại vi khuẩn phế cầu, liên cầu nhóm A (streptococus pyogenes); Haemophilus influenzae, B. catarrhalis, xoắn khuẩn Vincent, một số vi khuẩn đường ruột như E.coli, enterobacter, citrobacter, thậm chí còn có cả trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), tụ cầu vàng (S.aureus).

Bên cạnh đó còn có những loại nấm candida albicans thường gặp ở bệnh tưa lưỡi.

Ở những vùng khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển. 

Gợi ý điều trị bằng máy xông khí dung cho trẻ

Hiện nay việc dùng máy xông khí dung để điều trị bệnh liên quan đến hô hấp trong nhi khoa rất phổ biến. Đây là loại máy giúp trẻ dễ dàng hít thở và lọc vi khuẩn bên trong. Tùy vào chỉ định của bác sĩ mà những bệnh nào mới được dùng máy. Một số bệnh như hen suyễn, viêm phế quản, suy hô hấp… mới nên sử dụng.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em-3Dùng máy xông khí dung điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên

Những trường hợp khó khăn khi uống thuốc thì cũng có thể được thay bằng cách này. Ưu điểm chuyển thuốc sang dạng sương dễ hấp thu vào cơ thể và mang lại hiệu quả nhanh chóng. Máy xông khí dung ngày càng được dùng phổ biến trong lĩnh vực y tế dành cho tai mũi họng và máy sử dụng cho hệ hô hấp dưới.

Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trong mùa lạnh

Việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi chúng ta phòng bệnh tốt thì cơ hội bị viêm đường hô hấp ở trẻ em sẽ được cải thiện. Đây là vấn đề liên quan tới môi trường và vệ sinh nhà cửa…

Trẻ em và người cao tuổi, người có sức đề kháng kém khi trời lạnh nên mặc đủ ấm và giữ cho vùng cổ không bị lạnh.

Khi trời lạnh nên tắm ở những nơi kín gió, dùng nước ấm để tắm và tắm nhanh, lau khô người trước khi mặc quần áo.

Việc vệ sinh răng miệng là một yếu tố rất quan trọng để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên.

Việc sử dụng khẩu trang khi ra nơi đông người hoặc bụi bặm là rất cần thiết. Bởi vì khi đeo khẩu trang mình có thể tránh được các yếu tố gây bệnh. 

Không nên hút thuốc lá kể cả việc hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở trẻ em.

Khói bếp vừa độc hại và cũng là nguyên nhân gây nên bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em.

Như vậy ta đã rõ được những nguyên nhân gây nên bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em. Chúng ta cần tránh xa những yếu tố nguy cơ để giảm thiểu cơ hội mắc phải. Hy vọng với những thông tin này có thể giúp bạn chăm sóc gia đình một cách tốt nhất.

Tuệ Nhi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.