1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ và cách phòng ngừa

Thu Thủy

14/05/2025
Kích thước chữ

Nhiễm trùng đường hô hấp là nhóm bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Việc nhận biết sớm, chẩn đoán chính xác bằng xét nghiệm sinh học phân tử và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp đóng vai trò then chốt trong bảo vệ sức khỏe hô hấp của trẻ.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến gây bệnh ở trẻ em, đặc biệt trong những tháng mùa đông xuân. Việc phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu biến chứng nặng.

Các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ

Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ là một trong những tình trạng y tế phổ biến, xảy ra khi vi sinh vật như virus hoặc vi khuẩn xâm nhập và gây tổn thương hệ thống hô hấp. Tình trạng này thường được phân chia thành hai nhóm chính: Nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Dưới đây là thông tin chi tiết về từng nhóm bệnh.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ

Đây là nhóm bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, với mức độ biểu hiện rất đa dạng. Một số trường hợp nhẹ có thể chỉ biểu hiện bằng cảm lạnh thông thường và tự hồi phục, trong khi các trường hợp nặng hơn như viêm thanh quản có thể đòi hỏi điều trị khẩn cấp.

Các bệnh lý thường gặp bao gồm:

  • Viêm họng: Chủ yếu do virus (chiếm đa số), tuy nhiên cũng có thể do vi khuẩn (khoảng 30% trường hợp), đặc biệt là Streptococcus pyogenes. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là trong mùa đông xuân. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, ho khan hoặc ít đờm; ở trẻ nhỏ có thể kèm theo nôn và tiêu chảy. Viêm họng có thể dẫn đến các biến chứng như áp xe quanh amidan, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, và các biến chứng xa như thấp tim.
  • Viêm xoang: Là tình trạng viêm niêm mạc xoang do tắc nghẽn và nhiễm trùng, thường là virus, nhưng vi khuẩn như S. pneumoniae, H. influenzae, Moraxella catarrhalis cũng có thể gây bệnh. Trẻ bị hen suyễn, polyp mũi hoặc suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn. Viêm xoang được phân thành cấp và mạn tính. Điều trị tập trung vào giảm phù nề, dẫn lưu xoang và kiểm soát nhiễm trùng.
  • Viêm thanh quản cấp: Là viêm niêm mạc thanh quản kéo dài dưới 3 tuần. Trẻ em rất dễ bị do đường thở hẹp và nhạy cảm. Triệu chứng bao gồm sốt, đau họng, khàn tiếng, ho ông ổng, khó nuốt. Phần lớn tự khỏi, nhưng trong trường hợp nặng có thể cần điều trị kháng sinh, chống viêm và hỗ trợ hô hấp.
Các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ và cách phòng ngừa1
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là nhóm bệnh phổ biến nhất ở trẻ nhỏ với biểu hiện đa dạng

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ

Đây là nhóm bệnh lý có mức độ nghiêm trọng cao hơn, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nhiễm trùng ở trẻ nhỏ toàn cầu.

Các bệnh thường gặp gồm:

  • Viêm phế quản: Là tình trạng viêm đường dẫn khí lớn. Nguyên nhân thường do virus như coronavirus, rhinovirus, cúm, á cúm hoặc vi khuẩn như Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae, Bordetella pertussis. Bệnh chia thành: Viêm phế quản cấpviêm phế quản mạn tính. Triệu chứng ở trẻ thường là ho có hoặc không có đờm (đờm có thể xanh, vàng nâu), kèm theo mệt mỏi, đau cơ, chảy nước mũi, nhưng thường không sốt.
  • Viêm phổi cộng đồng: Là bệnh nhiễm trùng nhu mô phổi xảy ra ngoài bệnh viện. Bệnh có thể biểu hiện dưới nhiều hình thái: viêm phổi thùy, không điển hình, hoặc dạng đốm. Hình ảnh X-quang cho thấy mờ phế nang hoặc tổn thương mô kẽ. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm, trừ vi khuẩn lao. Ở trẻ, viêm phổi là bệnh lý phổ biến, đặc biệt khi có các yếu tố nguy cơ như dinh dưỡng kém, bệnh tim bẩm sinh, suy miễn dịch hoặc dị dạng lồng ngực.
Các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ và cách phòng ngừa2
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là nhóm bệnh lý có mức độ nghiêm trọng cao, nguy cơ biến chứng và tử vong lớn hơn

Các xét nghiệm sinh học phân tử tìm nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ

Trong bối cảnh y học hiện đại, xét nghiệm sinh học phân tử đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong việc xác định nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em. So với các phương pháp truyền thống, kỹ thuật này cho phép chẩn đoán nhanh chóng, độ chính xác cao, đồng thời có thể phát hiện đồng thời nhiều tác nhân gây bệnh từ các mẫu bệnh phẩm khác nhau như dịch hầu họng, dịch mũi sau, đờm, hoặc dịch rửa khí quản.

Xét nghiệm Panel virus

Xét nghiệm Panel virus hô hấp (Respiratory Viral Panel – RVP) sử dụng công nghệ PCR đa mồi hoặc giải trình tự gene để phát hiện nhiều loại virus cùng lúc. Đây là công cụ quan trọng trong việc xác định nguyên nhân virus gây bệnh, đặc biệt ở trẻ nhỏ có triệu chứng hô hấp không điển hình.

Các virus thường được phát hiện bao gồm:

  • Virus cúm A/B;
  • Virus á cúm (type I, II, III, IV);
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV) – nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ;
  • Adenovirus;
  • Rhinovirus, Enterovirus;
  • Bocavirus;
  • Metapneumovirus;
  • MERS-CoV (nhóm gây hội chứng hô hấp Trung Đông); Coronavirus: nhóm beta (229E/NL63), nhóm alpha (OC43).
Các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ và cách phòng ngừa3
Xét nghiệm Panel virus cho phép phát hiện đồng thời nhiều loại virus từ một mẫu bệnh phẩm

Xét nghiệm Panel vi khuẩn

Xét nghiệm Panel vi khuẩn hô hấp cho phép phát hiện đồng thời nhiều vi khuẩn gây bệnh chỉ từ một mẫu bệnh phẩm, giúp bác sĩ nhanh chóng đưa ra chẩn đoán chính xác và định hướng điều trị sớm, nhất là trong các trường hợp nhiễm khuẩn phối hợp hoặc bội nhiễm.

Các vi khuẩn thường được phát hiện bao gồm:

  • Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn);
  • Haemophilus influenzae;
  • Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng);
  • Legionella pneumophila;
  • Moraxella catarrhalis;
  • Mycoplasma pneumoniae;
  • Chlamydophila pneumoniae;
  • Klebsiella pneumoniae;
  • Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh);
  • Bordetella pertussis (tác nhân gây ho gà);
  • Acinetobacter baumannii;
  • Mycobacterium tuberculosis/avium (gây lao phổi).

Phương pháp phòng ngừa mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp

Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em, đặc biệt trong những giai đoạn giao mùa hoặc dịch bệnh bùng phát, cần áp dụng đồng thời các biện pháp dự phòng chủ động và thụ động. Dưới đây là một số khuyến nghị thiết thực:

Duy trì môi trường sống trong lành

Vệ sinh không gian sống: Đảm bảo nơi ở sạch sẽ, thoáng khí, tránh ẩm mốc và khói bụi. Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa có mùi hóa học mạnh, có thể gây kích ứng đường hô hấp của trẻ.

Giữ ấm cơ thể trẻ: Đặc biệt trong mùa lạnh, cần mặc đủ ấm cho trẻ, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra vào nhà.

Thông gió hợp lý: Phòng ngủ và phòng học của trẻ cần được thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên và tránh gió lùa.

Các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ và cách phòng ngừa4
Nên tích cực phòng ngừa nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ

Hạn chế tiếp xúc nguồn lây

Tránh tiếp xúc với người bệnh: Không để trẻ tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc sốt.

Đeo khẩu trang đúng cách khi ra nơi công cộng, đặc biệt trong mùa dịch hoặc khi đến cơ sở y tế.

Giữ khoảng cách an toàn trong môi trường tập thể, đặc biệt ở trẻ đi học mầm non, tiểu học.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Chế độ dinh dưỡng cân đối: Cung cấp đầy đủ năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất cần thiết. Không nên quá kiêng khem, đặc biệt ở trẻ có cơ địa nhạy cảm hoặc bệnh nền.

Bổ sung đủ nước: Đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày để giúp làm ẩm niêm mạc hô hấp và tăng cường quá trình thải độc.

Tiêm chủng đầy đủ: Tuân thủ lịch tiêm chủng mở rộng, đặc biệt các vắc xin phòng cúm, bạch hầu, ho gà, viêm phổi do phế cầu khuẩn.

Giáo dục thói quen vệ sinh cá nhân

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi ra ngoài, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Che miệng khi ho/hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay gập để hạn chế phát tán mầm bệnh.

Không dùng chung đồ cá nhân như khăn mặt, cốc uống nước, đặc biệt trong môi trường học đường.

Các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ và cách phòng ngừa5
Tập cho trẻ rửa tay bằng xà phòng thường xuyên

Có thể thấy, virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV) được xem là nguyên nhân hàng đầu gây các loại nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ như viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong năm đầu đời. Trẻ sinh non, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc trẻ suy giảm miễn dịch là những đối tượng có nguy cơ cao diễn tiến nặng khi nhiễm RSV.

Đối với các nhóm trẻ này, cha mẹ cần chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc nhi khoa về liệu pháp phòng ngừa thụ động bằng kháng thể đơn dòng Palivizumab. Palivizumab là một globulin miễn dịch được thiết kế để gắn vào protein F của virus RSV, từ đó ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp.

Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều hiệp hội nhi khoa trên thế giới khuyến cáo sử dụng kháng thể đơn dòng Palivizumab trong mùa dịch cao điểm của RSV nhằm bảo vệ hệ hô hấp còn non nớt và giảm thiểu nguy cơ nhập viện do biến chứng hô hấp nặng.

Việc áp dụng liệu pháp này cần được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên nguy cơ cá thể và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, do chi phí điều trị tương đối cao và yêu cầu tuân thủ phác đồ tiêm định kỳ hàng tháng trong suốt mùa dịch.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin