Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm họng mất tiếng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Ngày 21/12/2023
Kích thước chữ

Viêm họng mất tiếng là bệnh lý phổ biến, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh và độ ẩm không khí thấp. Để hiểu rõ hơn về viêm họng mất tiếng, Nhà thuốc Long Châu mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Tình trạng đau họng, khó nuốt, đau khi nuốt,… do viêm họng mất tiếng khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và giao tiếp hàng ngày. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về bệnh lý viêm họng mất tiếng.

Thế nào là viêm họng mất tiếng?

Bệnh viêm họng mất tiếng là tình trạng viêm họng nặng làm cho dây thanh quản bị viêm và khiến giọng nói bị khàn hoặc mất tiếng tạm thời. Bệnh lý viêm họng mất tiếng có thể do rất nhiều nguyên nhân như bệnh cảm cúm hoặc la hét quá mức. Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng và có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn nhưng người bệnh vẫn nên can thiệp điều trị để tăng tốc độ khỏi bệnh.

Viêm họng mất tiếng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị 1
Viêm họng mất tiếng là tình trạng viêm họng nặng dẫn đến viêm dây thanh quản

Nguyên nhân dẫn đến viêm họng mất tiếng

Tình trạng viêm họng mất tiếng có thể do nguyên nhân từ việc các cơ quan trong hầu họng như amidan, phế quản,… bị viêm nhiễm. Tình trạng viêm nhiễm này nếu kéo dài có thể làm cho dây thanh quản bị viêm và dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng.

Bị mất tiếng khi viêm họng có thể xuất hiện ngay từ dây thanh quản và chỉ giới hạn trong khu vực dây thanh quản hoặc có thể lan đến các cơ quan khác bên trong hầu họng. Trong 2 trường hợp trên, viêm họng mất tiếng hình thành do các nguyên nhân như:

  • Nhiễm virus và gây bệnh cảm cúm;
  • Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A;
  • Bị dị ứng;
  • Sự thay đổi của thời tiết;
  • Hút thuốc lá;
  • Cơ thể bị nhiễm lạnh;
  • Chấn thương cổ họng hoặc dây thanh quản;
  • Hò hét quá mức;
  • Uống nhiều bia rượu;
  • Uống nước đá liên tục, thường xuyên;
  • Ung thư thanh quản;
  • Người mắc bệnh tuyến giáp.

Triệu chứng nhận biết bệnh viêm họng mất tiếng

Theo các bác sĩ cho biết về viêm họng mất tiếng, bệnh lý này có các triệu chứng khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Một số dấu hiệu phổ biến nhất ở bệnh nhân viêm họng mất tiếng bao gồm đau họng, hôi miệng,… Các dấu hiệu xuất hiện ở bệnh nhân viêm họng mất tiếng theo nguyên nhân gồm có:

Triệu chứng viêm họng mất tiếng do virus

Nếu người bệnh bị nhiễm virus dẫn đến viêm họng mất tiếng sẽ có những triệu chứng như:

  • Ho, nóng sốt, mệt mỏi, chảy nước mắt và nước mũi liên tục;
  • Đau rát và nóng đỏ cổ họng, có thể kèm theo ngứa miệng hoặc ngứa họng;
  • Đau đầu, nghẹt mũi;
  • Ho kèm theo đờm màu xanh hoặc vàng;
  • Trường hợp nhiễm Covid-19 bệnh nhân có thể bị mất khứu giác tạm thời, sốt cao đôi khi gây lú lẫn, tức ngực, khó thở,…

Triệu chứng viêm họng mất tiếng do vi khuẩn

Bệnh nhân bị viêm họng mất tiếng do nhiễm vi khuẩn có những biểu hiện như:

  • Nổi hạch ở cổ và hạch sưng đau;
  • Khó nuốt, mất cảm giác ngon miệng, chán ăn;
  • Amidan sưng tấy;
  • Cổ họng có các đốm trắng hoặc đỏ;
  • Sốt phát ban hoặc nổi mề đay;
  • Đau đầu, mệt mỏi;
  • Trẻ em bị viêm họng mất tiếng do vi khuẩn có thể bị đau bụng, nôn ói.
Viêm họng mất tiếng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị 2
Viêm họng mất tiếng do vi khuẩn khiến người bệnh mệt mỏi

Triệu chứng viêm họng mất tiếng do bệnh viêm phổi, viêm phế quản

Người bị viêm họng mất tiếng có nguyên nhân gây bệnh là viêm phổi hoặc viêm phế quản có các triệu chứng gồm:

  • Ho nhiều, đặc biệt là ban đêm, cơn ho kéo dài;
  • Đau tức ngực;
  • Ho có đờm và đờm có thể lẫn máu;
  • Khó thở, thở rít;
  • Sốt nhẹ;
  • Mệt mỏi, chán ăn.

Triệu chứng viêm họng mất tiếng do bệnh ung thư thanh quản

Người bị ung thư thanh quản dẫn đến viêm họng mất tiếng có các dấu hiệu nhận biết gồm:

  • Mệt mỏi, chán ăn, cơ thể đau nhức;
  • Sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân;
  • Nổi hạch ở cổ hoặc vị trí khối u ung thư di căn;
  • Khó thở, thở hụt hơi;
  • Nuốt vướng,…

Cách chữa bệnh viêm họng mất tiếng

Bệnh viêm họng mất tiếng có nhiều cách điều trị được xác định dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Với những bệnh nhân bị viêm họng mất tiếng lành tính có thể dùng thuốc và phương pháp hỗ trợ để giảm triệu chứng. Đối tượng viêm họng mất tiếng nghiêm trọng có thể được chỉ định phẫu thuật dựa trên tình hình thực tế.

Bệnh nhân viêm họng mất tiếng ác tính cần tuân thủ phác đồ điều trị cụ thể từ bác sĩ, đặc biệt là những bệnh nhân bị viêm họng mất tiếng do ung thư thanh quản. Cụ thể các liệu pháp điều trị viêm họng mất tiếng gồm:

Thuốc chữa viêm họng mất tiếng: Bệnh nhân bị viêm họng mất tiếng do vi khuẩn cần dùng thuốc kháng sinh, viêm họng mất tiếng do virus cần điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau, bệnh nhân bị viêm họng mất tiếng kèm biểu hiện dị ứng được điều trị bằng thuốc kháng histamin.

Chữa viêm họng mất tiếng tại nhà: Bệnh nhân được khuyến khích sử dụng máy xông hơi, máy tạo độ ẩm không khí nhằm giảm khô rát họng, ngậm kẹo cứng, uống trà thảo dược, ngậm và súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, ăn cháo hoặc súp nóng, chườm ấm cổ họng,…

Phẫu thuật điều trị viêm họng mất tiếng: Nếu tình trạng viêm họng mất tiếng quá nặng, bệnh nhân không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa có thể sẽ được cân nhắc thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật viêm họng mất tiếng hiện nay được dùng khá phổ biến và ít xâm lấn, không gây ảnh hưởng nhiều đến dây thanh quản, giảm thiểu chảy máu và thời gian phục hồi nhanh.

Điều trị viêm họng mất tiếng ác tính: Bệnh nhân bị viêm họng mất tiếng do ung thư thanh quản dẫn đến viêm họng mất tiếng ác tính có thể được chỉ định thực hiện hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch hoặc phối hợp nhiều phương pháp nhằm đem đến hiệu quả điều trị tốt nhất.

Viêm họng mất tiếng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị 3
Viêm họng mất tiếng có thể điều trị bằng nhiều cách, tùy theo nguyên nhân gây bệnh

Cách phòng tránh bệnh viêm họng mất tiếng

Với những trường hợp viêm họng mất tiếng lành tính bạn có thể chủ động phòng tránh bằng nhiều cách như:

  • Tiêm vaccine phòng bệnh cảm cúm;
  • Luôn giữ ấm tai, mũi, họng, vùng ngực;
  • Hạn chế uống hoặc ăn đồ lạnh;
  • Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa việc uống rượu bia trong lúc điều trị;
  • Hạn chế la hét quá mức;
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và thường xuyên rửa tay sạch với xà phòng;
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày, mỗi ngày 2 - 3 lần;
  • Hạn chế thực phẩm cay nóng.

Những trường hợp viêm họng mất tiếng ác tính có thể hỗ trợ ngừa bệnh bằng cách:

  • Tiêm vacxin ngừa virus HPV;
  • Hạn chế quan hệ tình dục qua đường miệng;
  • Ghi nhớ lịch thăm khám sức khỏe định kỳ;
  • Cai thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá;
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với chất độc hại.

Mong rằng qua bài viết trên đây từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý viêm họng mất tiếng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh bạn nên điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn, súc miệng bằng nước muối sinh lý 2 – 3 lần/ngày và thăm khám khi bệnh kéo dài hơn 5 – 7 ngày.

Xem thêm: Thắc mắc: Khàn tiếng nhưng không đau họng là bị bệnh gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin