Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa

Ngày 09/09/2024
Kích thước chữ

Viêm ruột thừa là một bệnh lý cấp cứu thường gặp xảy ra ở hệ tiêu hoá. Vậy viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Bệnh viêm ruột thừa thường tiến triển khá nhanh và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với những triệu chứng điển hình như xuất hiện cơn đau xung quanh rốn và lan rộng ra các vị trí lân cận. Đây là một trong những tình trạng sức khoẻ khẩn cấp và cần được điều trị kịp thời để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Vậy viêm ruột thừa có nguy hiểm không?

Tìm hiểu về bệnh viêm ruột thừa

Ruột thừa là một ống nhỏ được nối với ruột già và nằm ở vùng bụng dưới bên phải. Ở trẻ nhỏ, ruột thừa là một phần quan trọng nằm trong hoạt động của hệ thống miễn dịch, từ đó giúp bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, ở người trưởng thành thì nhiệm vụ này đã ngừng hẳn ở ruột thừa và chức năng chính xác vẫn đang được nghiên cứu.

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm do một số nguyên nhân như khối u, sự xâm nhập của các vi sinh vật, tắc nghẽn chất thải… Từ đó làm xuất hiện các cơn đau xung quanh rốn và lan rộng ra các vị trí lân cận đó.

Bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, phổ biến nhất là ở nhóm người trong độ tuổi từ 10 - 30 tuổi. Cho đến nay, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được xem là phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa tiêu chuẩn.

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa 1
Viêm ruột thừa là một bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào

Nguyên nhân nào dẫn đến viêm ruột thừa?

Theo các chuyên gia, bệnh viêm ruột thừa xảy ra do một số nguyên nhân điển hình như sau:

  • Sự xâm nhập của các vi sinh vật (virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng) trong đường tiêu hoá.
  • Xảy ra sự tắc nghẽn do phân ở ống nối ruột thừa và ruột già.
  • Khối u.

Tất cả những nguyên nhân trên đều có thể gây ra tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm và sưng đau dữ dội. Đồng thời, khi ruột thừa không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết thì nó sẽ bắt đầu chết dần.

Ngoài ra, ruột thừa cũng có nguy cơ hình thành các vết rách, lỗ trên thành ruột hoặc bị vỡ. Điều này khiến cho chất nhầy, vi khuẩn, virus, phân… rò rỉ vào bên trong bụng, từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề nguy hiểm như viêm phúc mạc, sốc…

Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm ruột thừa cấp tính là:

  • Đau bụng dữ dội;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Sốt.

Khi tình trạng viêm nhiễm, sưng nề trở nên nghiêm trọng thì thành bụng liền kề bị kích thích và gây ra các cơn đau khu trú tại vùng hạ sườn phải. Triệu chứng này thường không xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Ban đầu, cơn đau chỉ âm ỉ xung quanh rốn, sau đó vài giờ sẽ chuyển dần sang vùng hạ sườn phải. Lúc này, thành bụng trở nên rất nhạy cảm với áp lực ở mức độ nhẹ.

Trong trường hợp ruột thừa khu trú ở phía sau manh tràng thì tác động sờ nắn tại góc ¼ dưới bên phải sẽ không gây ra cơn đau. Tương tự, nếu ruột thừa nằm hoàn toàn ở trong khung xương chậu thì người bệnh cũng không cảm nhận được hiện tượng căng cứng vùng bụng và chỉ thấy đau ở điểm McBurney khi hắt hơi hoặc ho. Đối với những trường hợp này, việc phát hiện tổn thương xảy ra ở túi trực tràng cần được thăm khám bằng kỹ thuật số thường. Vậy viêm ruột thừa có nguy hiểm không?

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa 2
Đau bụng dữ dội là một triệu chứng điển hình của bệnh viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không?

Viêm ruột thừa là một trong những bệnh lý cấp cứu xảy ra ở hệ tiêu hoá. Vậy bệnh viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, viêm ruột thừa diễn biến rất nhanh chóng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể như:

  • Vỡ ruột thừa: Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Khi ruột thừa viêm bị vỡ ra sẽ làm lây lan tình trạng nhiễm trùng khắp ổ bụng, từ đó dẫn đến hiện tượng viêm phúc mạc và đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Lúc này, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ vùng tổn thương và làm sạch khoang bụng ngay lập tức.
  • Áp xe: Áp xe xảy ra khi hình thành túi mủ trong bụng. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu ổ áp xe bằng cách đặt ống thông xuyên qua thành bụng tiến vào vùng tổn thương. Ống thông sẽ được đặt trong khoảng 2 tuần, đồng thời người bệnh cũng sử dụng kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng. Sau khi đã ổn định, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ vùng tổn thương.
Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa 4
Bệnh viêm ruột thừa có nguy hiểm không?

Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa như thế nào?

Dựa vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm ruột thừa mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là những phương pháp điều trị viêm ruột thừa được áp dụng, bao gồm:

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là một phương pháp điều trị viêm ruột thừa triệt để. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành mổ mở với vết rạch dài khoảng 5 - 10cm trên bụng hoặc mổ nội soi với các vết rạch nhỏ hơn.

Đối với mổ nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành chèn các dụng cụ chuyên dụng đặc biệt cùng với một máy quay video mini vào ổ bụng để tiến hành cắt bỏ ruột thừa. Phương pháp điều trị này thường được ưu tiên lựa chọn với nhiều ưu điểm như thời gian phục hồi nhanh chóng, ít gây đau và ít để lại sẹo. Hơn nữa phương pháp mổ nội soi cũng phù hợp hơn với người béo phì hoặc người cao tuổi.

Tuy nhiên, trong trường hợp ruột thừa viêm đã bị vỡ, tình trạng nhiễm trùng lan ra khoang bụng hoặc xuất hiện ổ áp xe thì bác sĩ cần phải tiến hành mổ mở cho người bệnh để làm sạch khoang bụng. Sau phẫu thuật, người bệnh cần ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi và chăm sóc.

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa 3
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị bệnh triệt để

Dẫn lưu ổ áp xe trước khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Trong trường hợp ruột thừa viêm bị vỡ và hình thành nên ổ áp xe xung quanh, bác sĩ sẽ tiến hành đặt một đường ống xuyên qua thành bụng tiến vào khối mủ để dẫn lưu. Sau đó khoảng vài tuần, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát.

Chăm sóc tại nhà

Sau phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc dưới đây nhằm đảm bảo phục hồi vết thương hiệu quả, cụ thể như sau:

  • Sau phẫu thuật vài ngày, người bệnh cần tránh các hoạt động mạnh và quá sức (khoảng từ 3 - 5 ngày đối với phẫu thuật nội soi và từ 10 - 14 ngày đối với phẫu thuật mở).
  • Trước khi cười, ho hoặc di chuyển thì người bệnh nên đặt một chiếc gối lên bụng để hỗ trợ giảm đau.
  • Nếu thuốc giảm đau không mang lại hiệu quả, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ điều trị để tránh làm chậm trễ quá trình chữa lành vết thương.
  • Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi được bác sĩ chỉ định, người bệnh nên bắt đầu vận động, hoạt động nhẹ nhàng như đi lại trong thời gian ngắn.
  • Hãy nghỉ ngơi thoải mái theo nhu cầu của cơ thể để hỗ trợ quá trình phục hồi sức khoẻ sau phẫu thuật viêm ruột thừa.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm ruột thừa

Thực tế, không có biện pháp phòng ngừa bệnh viêm ruột thừa tuyệt đối. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu khoa học cho biết, việc thực hiện và duy trì một chế độ ăn uống giàu chất xơ có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa. Do đó, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, bao gồm:

  • Hoa quả tươi;
  • Rau xanh;
  • Các loại đậu;
  • Yến mạch, bột yến mạch;
  • Gạo lứt;
  • Lúa mì nguyên hạt;
  • Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt khác…

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm ruột thừa và giải đáp thắc mắc “viêm ruột thừa có nguy hiểm không?”. Nếu gặp phải một trong các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin