Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm thanh khí phế quản ở trẻ có nguy hiểm không?

Ngày 12/08/2022
Kích thước chữ

Viêm thanh khí phế quản ở trẻ là tình trạng viêm đường hô hấp khá thường gặp, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản mà ba mẹ cần biết liên quan đến tình trạng viêm thanh khí phế quản ở trẻ em.

Viêm thanh khí phế quản ở trẻ chủ yếu do virus gây ra, khiến đường thở bị sưng nề, thu hẹp, từ đó khiến trẻ bị khó thở. Tình trạng viêm thanh khí phế quản có thể nhanh chóng chuyển nặng và gây ra nhiều biến chứng. Do vậy, ba mẹ cần nắm rõ về tình trạng này để phòng tránh những hậu quả nguy hiểm cho trẻ. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về viêm thanh khí phế quản ở trẻ trong bài viết dưới đây nhé!

Viêm thanh khí phế quản là gì?

Viêm thanh khí phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp do virus gây ra, khiến thanh quản và khí quản bị sưng, phù nề, từ đó làm đường thở bị thu hẹp. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở cũng như thở rít ở bệnh nhân bị viêm thanh khí phế quản.

Viêm thanh khí phế quản ở trẻ có nguy hiểm không? 1 Viêm thanh khí phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp thường gặp

Bệnh khá phổ biến ở trẻ từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi, trong đó thường gặp nhất ở trẻ 2 tuổi. Bé trai thường có nguy cơ bị viêm thanh khí phế quản cao hơn so với bé gái. Bên cạnh đó, bệnh có khả năng tái phát nhiều lần và thường xảy ra hơn vào khoảng thời gian cuối thu đến hết mùa đông.

Viêm thanh khí phế quản chủ yếu do virus parainfluenza type 1, 2, 3 gây ra, chiếm 50 đến 75% nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, một số loại virus khác có khả năng gây bệnh có thể kể đến như virus cúm nhóm A và B, rhode virus, adenovirus, enterovirus…

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ như tác nhân gây dị ứng, trào ngược dạ dày… cũng có khả năng làm bệnh viêm thanh khí phế quản tái phát.

Triệu chứng viêm thanh khí phế quản ở trẻ

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm thanh khí phế quản ở trẻ mà ba mẹ cần hết sức lưu ý:

  • Biểu hiện ban đầu khá giống với cúm thông thường: Sốt, sổ mũi, đau họng, ho.
  • Tiếng ho của trẻ khan, gắt tiếng.
  • Trẻ bị khàn tiếng.
  • Khi ngủ, trẻ thở rít, hơi thở không đều, có tiếng khò khè.
  • Trong trường hợp không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển nặng với các biểu hiện như thở rít mạnh, khó thở, lên cơn tím tái, thậm chí rút lõm lồng ngực khi thở…
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ có nguy hiểm không? 2 Khó thở khi ngủ là một trong những dấu hiệu của viêm thanh khí phế quản ở trẻ

Viêm thanh khí phế quản ở trẻ thường khởi phát đột ngột. Triệu chứng bệnh thường rõ ràng và nặng nhất vào ban đêm, nhất là đêm thứ 2 hoặc 3 tính từ thời điểm khởi phát bệnh. Các triệu chứng sẽ giảm dần sau khoảng 1 tuần, riêng ho có thể kéo dài đến 3 - 4 tuần.

Đa số các trường hợp viêm thanh khí phế quản đều diễn biến nhẹ và ít gây ra biến chứng. Tuy nhiên, ba mẹ cần theo dõi sát sao trẻ để kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu trở nặng của bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của bệnh gây ra cho trẻ.

Chăm sóc trẻ bị viêm thanh khí phế quản tại nhà như thế nào?

Để làm giảm các triệu chứng của viêm thanh khí phế quản ở trẻ và giúp bệnh mau khỏi, ba mẹ cần:

  • Đảm bảo độ ẩm không khí: Không khí không đủ độ ẩm có thể khiến niêm mạc đường hô hấp bị khô, từ đó khiến trẻ bị ho và làm bệnh trở nặng. Do đó, ba mẹ cần đảm bảo độ ẩm không khí trong phòng ở mức vừa phải, nhất là vào mùa đông. Ba mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc treo khăn ướt trong phòng.
  • Cho trẻ uống đủ nước: Chất nhầy trong đường hô hấp là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị ho, do đó khi trẻ uống nhiều nước làm loãng chất nhầy có thể giúp cải thiện tình trạng ho. Ba mẹ có thể thay nước lọc bằng các loại nước ép để khuyến khích trẻ uống nước nhiều hơn.
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ có nguy hiểm không? 3 Uống nhiều nước giúp cải thiện tình trạng viêm thanh khí phế quản ở trẻ
  • Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, không đến nơi đông người để hạn chế sự lây lan của bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố có hại đến đường hô hấp như khói bụi, khói thuốc…
  • Cho trẻ súc miệng nước muối thường xuyên vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy.
  • Giữ ấm cho trẻ.
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm để trẻ dễ nuốt, dễ tiêu.
  • Thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ.
  • Cho trẻ rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi ho, hắt hơi và sau khi đi vệ sinh.
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ có nguy hiểm không? 4 Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách

Khi nào trẻ bị viêm thanh khí phế quản cần gặp bác sĩ?

Viêm thanh khí phế quản trở nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, do vậy ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi nhận thấy trẻ có một số dấu hiệu dưới đây:

  • Trẻ bị khó thở, tím tái. Tình trạng tím tái có thể dễ dàng phát hiện từ màu của niêm mạc môi.
  • Trẻ xuất hiện tình trạng chảy nước dãi, khó nuốt.
  • Trẻ trở nên mệt mỏi, xanh xao.
  • Trẻ bị sốt quá 3 ngày.
  • Tình trạng thở rít của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp sơ cứu.
  • Các triệu chứng khác của bệnh viêm thanh khí phế quản kéo dài quá 10 ngày.

Cách phòng tránh viêm thanh khí phế quản ở trẻ

Viêm thanh khí phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp do virus gây ra, do đó ba mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh cho trẻ bằng một số lưu ý dưới đây:

  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với các tác nhân có hại đến đường hô hấp như khói bụi, khói thuốc lá, nấm mốc…
  • Hạn chế để trẻ la hét lớn, gào khóc thường xuyên vì điều này có thể khiến thanh quản của trẻ bị tổn thương.
  • Đảm bảo độ ẩm không khí trong môi trường sống của trẻ để tránh tình trạng trẻ bị khô họng.
  • Cho trẻ uống nhiều nước.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt cần bổ sung nhiều rau củ và các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể. 
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm viêm thanh khí phế quản.
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ có nguy hiểm không? 5 Tránh để trẻ gào khóc lớn vì có thể khiến thanh quản bị tổn thương

Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến tình trạng viêm thanh khí phế quản ở trẻ, bao gồm nguyên nhân, dấu hiệu, cách chăm sóc cũng như các biện pháp phòng tránh. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã nắm được những kiến thức hữu ích để bảo vệ cho sức khỏe bé yêu, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của viêm thanh khí phế quản. Nhà Thuốc Long Châu xin kính chúc bạn đọc cùng gia đình thật nhiều sức khỏe và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bạn trong tương lai!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin