Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phổ biến và những điều bạn cần biết

Ngày 18/09/2023
Kích thước chữ

Rối loạn nhịp tim là vấn đề sức khỏe tim mạch thường gặp, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bởi vậy, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim ngày càng được chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để tránh rủi ro, tác dụng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Có nhiều phương án điều trị rối loạn nhịp tim, trong đó can thiệp nội khoa là biện pháp được nhiều bác sĩ lựa chọn. Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim đem lại hiệu quả cao. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch này nhé!

Nhóm thuốc trị rối loạn nhịp tim chẹn kênh Natri

Trả lời cho thắc mắc bị rối loạn nhịp tim dùng thuốc gì thì không thể không nhắc tới nhóm chẹn kênh Natri. Đây là một trong những loại thuốc quan trọng, hiệu quả được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim. Các thuốc trong nhóm này thường có tên như Quinidin, Procainamide, Lidocaine, Encainide cùng nhiều loại khác.

Chúng có tác dụng quan trọng trong việc ổn định nhịp tim, điều chỉnh sự hoạt động điện tim, đặc biệt trong trường hợp loạn nhịp nhĩ và thất. Các thuốc chẹn kênh Natri có một số tác dụng quan trọng như sau:

  • Tăng thời gian trơ: Chúng giúp tăng thời gian mà tế bào cơ tim không thể bị kích thích để tạo ra một xung điện mới. Điều này có thể giúp kiểm soát nhịp tim và ngăn chặn các loại rối loạn nhịp tim.
  • Tác dụng trực tiếp và mạnh trên tế bào cơ tim: Nhóm thuốc này có tác dụng trực tiếp lên tế bào cơ tim, giúp điều chỉnh cũng như ổn định sự co bóp, giãn nở của tim.
  • Tác dụng gián tiếp trên điều hòa tự động tim: Hoạt chất cũng có tác dụng gián tiếp bằng cách làm thay đổi cách tim điều hòa các xung điện tự động. Điều này có thể giúp điều chỉnh nhịp tim.

Nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim chẹn kênh Natri thường được sử dụng để điều trị cả các trường hợp ngắn hạn hay lâu dài của loạn nhịp nhĩ và thất. Cụ thể, thuốc Lidocain thường được ưu tiên sử dụng trong trường hợp loạn nhịp thất, đặc biệt trong tình huống cấp cứu như loạn nhịp thất do nhồi máu cơ tim hoặc sau một ca phẫu thuật tim.

Tuy thuốc chẹn kênh Natri có tác dụng quan trọng trong điều trị rối loạn nhịp tim nhưng cũng có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Một trong những tác dụng phụ đáng chú ý là làm tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên nặng hơn, đặc biệt là tăng thêm nhịp nhanh trên thất.

Do đó, việc sử dụng thuốc trong nhóm này cần được thực hiện dưới sự giám sát, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thông tin người bệnh cần biết về các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phổ biến 2
Thuốc chẹn kênh Natri điều trị loạn nhịp nhĩ và thất

Nhóm thuốc chống loạn nhịp tim chẹn Beta

Nhóm thuốc chống loạn nhịp tim chẹn Beta là một trong những loại thuốc quan trọng trong điều trị rối loạn nhịp tim. Các thuốc trong nhóm này bao gồm Metoprolol, Bisoprolol, Atenolol và nhiều loại khác. Nhóm thuốc chẹn Beta này có những tác dụng quan trọng như sau:

  • Giảm tính tự động: Chúng giúp giảm tính tự động của cơ tim, ngăn chặn các xung điện không cần thiết.
  • Giảm tính chịu kích thích: Thuốc chẹn Beta giảm khả năng của cơ tim phản ứng mạnh với các yếu tố kích thích, dự phòng những loại rối loạn nhịp tim không cần thiết.
  • Giảm tốc độ dẫn truyền: Chúng ức chế tốc độ truyền dẫn xung điện trong tim, giúp kiểm soát và điều chỉnh nhịp tim.
  • Giảm lực co bóp của cơ tim: Các thuốc này giảm lực co bóp của cơ tim, giúp tim làm việc hiệu quả hơn, giảm áp lực trên tim.

Nhóm thuốc chống loạn nhịp tim chẹn Beta được sử dụng trong một loạt các trường hợp rối loạn nhịp tim, bao gồm:

  • Nhịp nhanh xoang: Đây là một trong những trường hợp phản hồi tốt nhất đối với nhóm thuốc này.
  • Nhịp nhanh trên thất: Bao gồm cả nhịp nhanh xoang và nhịp nhanh vào lại tại nút nhĩ thất.
  • Trường hợp khác: Nhịp nhanh thất, rung nhĩ, cuồng nhĩ, rung thất.

Những trường hợp không nên sử dụng thuốc chẹn Beta bao gồm người mắc bệnh viêm phế quản, hen, COPD do nhóm thuốc gây co thắt khí phế quản. Hoặc trường hợp suy tim đang tiến triển vì các thuốc đều ức chế co bóp của cơ tim.

Các tác dụng không mong muốn của thuốc bao gồm mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy, táo bón, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ và trong trường hợp hiếm gặp có thể làm chậm nhịp tim quá mức.

Thông tin người bệnh cần biết về các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phổ biến 3
Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim chẹn Beta có thể gây rối loạn tiêu hóa

Thuốc chẹn kênh Calci

Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thuộc nhóm chẹn kênh Calci thường bao gồm Verapamil và Diltiazem. Đây là các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát nhịp tim, điều chỉnh hoạt động của tim.

Nhóm thuốc này có tác dụng quan trọng như sau:

  • Giãn mạch: Hoạt chất giúp giãn mạch, làm cho các mạch máu rộng hơn, giảm áp lực và làm giảm tải trọng của tim.
  • Giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất: Các thuốc này có tác dụng giảm tốc độ dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, làm chậm nhịp tim, kiểm soát nhịp bị rối loạn.

Nhóm thuốc chẹn kênh Calci thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị nhịp nhanh trên thất;
  • Rung nhĩ và cuồng nhĩ nhanh.

Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc chẹn kênh Calci bao gồm đau đầu, chóng mặt và trong một số trường hợp, người bệnh xuất hiện tình trạng phát ban, sưng phù chân. Những tác dụng phụ này thường là tạm thời, thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng.

Thuốc trị rối loạn nhịp tim chẹn kênh Kali

Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thuộc nhóm chẹn kênh Kali thường bao gồm Amiodarone, Bretylium, Sotalol... Trong số này, Amiodarone thường được sử dụng phổ biến nhất do có thời gian tác dụng kéo dài và khả năng điều chỉnh rất nhiều loại rối loạn nhịp tim.

Do thuốc có khả năng ảnh hưởng đến nhịp tim cả trên nhịp nhĩ và thất, giúp kiểm soát rối loạn nhịp tim. Nhóm thuốc chẹn kênh Kali thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Nhịp nhanh trên thất;
  • Nhịp nhanh thất.

Thuốc chẹn kênh Kali có một số chống chỉ định bao gồm bệnh nhân bị xoắn đỉnh, một tình trạng hiếm gặp. Các tác dụng không mong muốn của thuốc bao gồm:

  • Tác dụng phụ trên tim: Thuốc làm tình trạng rối loạn nhịp tim nặng nề hơn hoặc gây ra loạn nhịp mới nếu không được sử dụng đúng cách.
  • Tác dụng phụ trên tuyến giáp: Các thuốc này có thể gây ra suy tuyến giáp hoặc cường giáp. Trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng tuyến giáp.
  • Tác dụng phụ trên phổi: Bao gồm khó thở, ho khan, mệt mỏi, toàn thân suy nhược, xơ phổi, viêm phổi quá mẫn và viêm phổi kẽ.
  • Tác dụng phụ trên da: Các tác dụng phụ trên da phổ biến nhất là nhạy cảm với ánh sáng.
  • Tác dụng phụ ở trên mắt: Bao gồm rối loạn thị giác như lắng đọng giác mạc không triệu chứng, nhìn quầng, nhìn lóa, sợ ánh sáng hoặc khô mắt.

Ngoài ra, còn một số tác dụng phụ khác như chán ăn, buồn nôn, tăng men gan nhưng thường rất ít và nhẹ.

Thông tin người bệnh cần biết về các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phổ biến 4
Thuốc trị rối loạn nhịp chẹn kênh Kali có thể ảnh hưởng tới tuyến giáp

Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả một số loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phổ biến được sử dụng hiện nay với chỉ định, chống chỉ định cùng công dụng của từng loại. Mong bạn đọc đã có được cái nhìn tổng quan về nhóm thuốc này. Hãy tiếp tục đón chờ bài viết mới về chủ đề sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.