Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Vùng da quanh mắt bị vàng là bị bệnh gì?

Ngày 31/08/2024
Kích thước chữ

Vùng da quanh mắt bị vàng là một dấu hiệu của căn bệnh Xanthelasma - bệnh ban vàng mí mắt. Đây là một bệnh lý xảy ra khi có rối loạn chuyển biến lipid trong cơ thể. Đây là một bệnh lý khá hiếm gặp và thường không gây nguy hiểm.

Bệnh ban vàng mí mắt là một bệnh lý về mắt với biểu hiện đặc trưng là vùng da quanh mắt bị vàng. Các mảng màu vàng này không gây hại nhiều nhưng nó có thể tiềm ẩn những nguy hiểm mắc các bệnh khác.

Vùng da quanh mắt bị vàng là dấu hiệu của bệnh gì?

Xanthelasma hay còn được biết đến là bệnh ban vàng mí mắt là một bệnh lý về mắt. Người mắc bệnh này có vùng da quanh mắt bị vàng. Các mảng cứng màu vàng xuất hiện xung quanh mí mắt trên và dưới. Các mảng cứng này được gọi là ban vàng hay các u vàng, bản chất là các chất lắng đọng cholesterol tích tụ dưới da.

Vùng da quanh mắt bị vàng là bị bệnh gì? 1
Vùng da quanh mắt bị vàng, bao gồm các mảng cứng vàng xung quanh mí mắt trên và dưới

Tìm hiểu chung về bệnh xanthelasma

Sau khi đã biết việc vùng da quanh mắt bị vàng là dấu hiệu của bệnh xanthelasma, ở phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân, những đối tượng nguy cơ và cách chẩn đoán căn bệnh này.

Triệu chứng

Triệu chứng cơ bản của bệnh xanthelasma là vùng da quanh mắt bị vàng. Đặc điểm của phần màu vàng ấy có thể là:

  • Phẳng hoặc thô ráp;
  • Mềm hoặc cứng;
  • Gây khó chịu.

Các mảng bám màu vàng xuất hiện đối xứng giữa mắt và mũi chứa lipid hoặc chất béo bao gồm cholesterol. Những mảng vàng này không làm suy yếu chức năng của mí mắt, nghĩa là cái hoạt động chớp mắt của bạn vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên chúng có thể thay đổi kích thước theo thời gian. Thông thường không cần phải loại bỏ những ban vàng này trừ khi chúng khiến bạn khó chịu hoặc lý do thẩm mỹ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nên vùng da quanh mắt bị vàng của bệnh xanthelasma là do:

  • Di truyền tình trạng cholesterol cao từ cha mẹ;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Tăng cân;
  • Bệnh liên quan đến tuyến giáp như suy giáp;
  • Tình trạng viêm nhiễm;
  • Uống quá nhiều rượu.

Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh

Xanthelasma rất hiếm gặp, đa số những ai mắc bệnh này thường ở độ tuổi trung niên hoặc là người lớn tuổi.

  • Trong các nghiên cứu về bệnh ban vàng mí mắt, tỉ lệ nữ giới nhiễm bệnh chiếm 32% và ở nam giới là 17,4%.
  • Đa số người nhiễm bệnh xanthelasma ở độ tuổi trung niên, độ tuổi khởi phát bệnh từ 15 - 73 tuổi, đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 40 - 50.
  • Ngoài ra, đối tượng bị béo phì, mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường hoặc có nồng độ cholesterol cao cũng là những đối tượng có nguy cơ cao.

Chẩn đoán bệnh xanthelasma

Chẩn đoán bệnh xanthelasma là điều quan trọng cần phải làm vì ban vàng mí mắt là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bệnh nhân có lượng cholesterol trong máu cao. Việc chẩn đoán bệnh này được tiến hành bằng quy trình sinh thiết. Người bệnh sẽ được lấy một mẫu mô nhỏ ở vùng da quanh mắt bị vàng và được nhà nghiên cứu bệnh học kiểm tra dưới kính hiển vi.

Bên cạnh việc chẩn đoán bệnh xanthelasma, bác sĩ cũng sẽ có thể muốn kiểm tra các thông tin sau:

  • Kiểm tra mức cholesterol để biết được bệnh nhân có bị cholesterol cao hay không.
  • Chức năng tuyến giáp để xác định bệnh nhân có vấn đề về tuyến giáp hay không.
  • Lượng đường trong máu với mục đích xác nhận xem bệnh nhân có mắc bệnh tiểu đường hay không.
  • Chức năng gan nhằm xác định bệnh nhân có mắc bệnh gan không.
Vùng da quanh mắt bị vàng là bị bệnh gì? 2
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ muốn kiểm tra xem bạn có bị bệnh gan hay không

Bệnh xanthelasma có thể tự khỏi không? Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào?

Đáng tiếc là bệnh xanthelasma mí mắt không thể tự khỏi. Ban vàng mí mắt sẽ không biến mất nếu không điều trị mà chúng vẫn giữ nguyên kích thước hoặc thậm chí còn trở nên to hơn. Điều cần lưu ý là bạn không được nặn hay bóp các mảng u vàng như mụn nhọt.

Phương pháp điều trị

Mặc dù xanthelasma không gây hại nhưng sẽ có người muốn loại bỏ hoàn toàn vì thẩm mỹ. Có nhiều phương pháp để loại bỏ xanthelasma, tuy nhiên chúng đều đi kèm với những tác dụng phụ không mong muốn, cụ thể là:

  • Phẫu thuật truyền thống: Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng dao để loại bỏ u vàng. Tuy nhiên cần cân nhắc đến các nguy cơ có thể xảy ra sau phẫu thuật như lộn mi, tụ máu tạm thời, kết quả thẩm mỹ kém, tái phát và nhiễm trùng.
  • Liệu pháp đông lạnh bằng nitơ lỏng: Sử dụng nhiệt độ cực lạnh để đóng băng, gây co mạch và loại bỏ các mô bất thường. Phương pháp điều trị này có thể dẫn đến các nguy cơ phù nề, hình thành sẹo, đổi màu da và mụn nước.
  • Phẫu thuật bằng tia laser: Sử dụng kỹ thuật laser được gọi là CO2 phân đoạn để đông tụ các mạch máu và làm hỏng các tế bào u vàng, sau đó loại bỏ chúng. Các biến chứng của biện pháp laser bao gồm ban đỏ, giảm hoặc tăng sắc tố da, để lại sẹo, nhiễm trùng, bỏng nặng, tổn thương giác mạc, thủng mắt và tỷ lệ tái phát bệnh xanthelasma khoảng 13 - 16%.
  • Loại bỏ ban vàng bằng sóng vô tuyến (có thể phải tiến hành khâu lại sau khi tiến hành phương pháp này): Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy kỹ thuật này có hiệu quả trong việc điều trị bệnh ban vàng mí mắt với kết quả có rất ít trường hợp tái phát. Tuy nhiên biến chứng đi kèm của phương pháp này là tình trạng giảm hoặc tăng sắc tố da.
  • Lột da bằng hóa chất: Là phương pháp sử dụng axit trichloroacetic (TCA) ở nồng độ 70%. Phương pháp này bao gồm các rủi ro như teo da, để lại sẹo và đổi màu da.

Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tuân thủ chế độ ăn ít chất béo và dùng statin, nhưng hoạt động này không giúp loại bỏ bệnh ban vàng mí mắt.

Vùng da quanh mắt bị vàng là bị bệnh gì? 3
Phẫu thuật là một phương pháp điều trị xanthelasma

Phòng ngừa

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh xanthelasma theo những cách sau đây:

  • Nếu bạn bị cao cholesterol thì nên tiến hành giảm cholesterol.
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế đồ uống có cồn.
  • Tập thể dục mỗi ngày.
  • Xây dựng chế độ ăn ít chất béo bão hòa.
  • Giữ cân nặng ở mức cân đối.
  • Điều trị bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường.

Như vật có thể thấy, vùng da quanh mắt bị vàng là một dấu hiệu của bệnh xanthelasma hay còn gọi là bệnh ban vàng mí mắt. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về căn bệnh này cũng như là cách phòng ngừa bệnh. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.