Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xạ hình tưới máu cơ tim là gì? Những lưu ý cần biết khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim

Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ

Xạ hình tưới máu cơ tim là phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có độ đặc hiệu và độ nhạy cao nhất. Phương pháp chẩn đoán này nhằm mục đích đánh giá về chức năng của tim.

Xạ hình tưới máu cơ tim là một kỹ thuật cận lâm sàng được thực hiện nhằm đánh giá chức năng tưới máu tim và tìm ra nguyên nhân gây ra một số bệnh tim mạch có kèm theo triệu chứng đau ngực. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về phương pháp xạ hình tưới máu cơ tim là gì? Phương pháp này được thực hiện như thế nào?

Tìm hiểu về hoạt động tưới máu cơ tim

Trước khi tìm hiểu về phương pháp xạ hình tưới máu cơ tim, bạn đọc nên tìm hiểu thêm về hoạt động tưới máu cơ tim diễn ra như thế nào nhé!

Theo đó, cơ tim là một loại cơ xuất hiện ở tim và cấu tạo nên cấu trúc của tim, có tác dụng bơm máu từ tim đến động mạch cũng như hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, tưới máu cơ tim là một hoạt động cần thiết của cơ tim để có thể thực hiện được các chức năng quan trọng của tim đối với cơ thể. Nếu hoạt động này xảy ra bất thường hoặc bị ảnh hưởng xấu thì có thể dẫn đến một số triệu chứng như đau thắt ngực.

Xạ hình tưới máu cơ tim là gì? Những lưu ý cần biết khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim 1
Cơ tim có tác dụng bơm máu từ tim đi khắp cơ thể để nuôi dưỡng hầu hết các cơ quan

Động mạch vành là một trong những động mạch quan trọng nhất để hoạt động tưới máu cơ tim diễn ra thuận lợi. Do đó, khả năng cung cấp máu cho cơ tim khi thực hiện những hoạt động thể lực bị giảm sút nếu động mạch vành bị hẹp ở một hoặc nhiều nhánh. Lúc này, triệu chứng đau thắt ngực sẽ biểu hiện một cách rõ ràng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh.

Để khảo sát và đánh giá được chức năng tưới máu cơ tim nhằm đưa ra những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực thì phương pháp xạ hình tưới máu cơ tim là một lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực này. Vậy xạ hình tưới máu cơ tim là gì?

Xạ hình tưới máu cơ tim là gì?

Xạ hình tưới máu cơ tim có tên tiếng Anh là Myocardial Perfusion Imaging, là phương pháp được dùng để đánh giá lưu lượng máu nuôi tim có đáp ứng đầy đủ trong lúc cơ thể vận động và nghỉ ngơi hay không. Đây là phương pháp được thực hiện nhằm giúp tìm ra nguyên nhân gây đau thắt ngực, nhất là khi người bệnh đang hoạt động gắng sức.

Xạ hình tưới máu cơ tim còn có thể được thực hiện để kiểm tra xem vùng nào của tim không được nhận đủ máu hoặc đánh giá mức độ và độ rộng của vùng tổn thương cơ tim sau khi người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Đồng thời, phương pháp này cũng được dùng để khảo sát xem động mạch vành có bị hẹp hay không, mức độ hẹp như thế nào.

Kỹ thuật xạ hình tưới máu cơ tim còn được một số bác sĩ gọi là xạ hình “thallium” và được thực hiện để đánh giá đáp ứng của cơ tim đối với hoạt động gắng sức.

Xạ hình tưới máu cơ tim là gì? Những lưu ý cần biết khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim 2
Xạ hình tưới máu cơ tim là phương pháp giúp đánh giá chức năng tưới máu của cơ tim

Khi nào cần chụp xạ hình tưới máu cơ tim?

Chụp xạ hình tưới máu cơ tim được chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý mạch vành.
  • Khi người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực hoặc đau thắt ngực khi hoạt động gắng sức.
  • Đánh giá nguy cơ có thể gặp phải của bệnh nhân trước khi thực hiện can thiệp mạch vành.
  • Đánh giá nguy cơ của người bệnh sau khi bị nhồi máu cơ tim.
  • Đánh giá mức độ của bệnh lý mạch vành.
  • Đánh giá hoạt động tưới máu cơ tim ở người bệnh sau khi can thiệp và phẫu thuật mạch vành.
  • Đánh giá hiệu quả điều trị sau khi dùng thuốc ở người bệnh đã có bệnh động mạch vành.
  • Đánh giá khả năng sống của cơ tim.

Kỹ thuật chụp xạ hình tưới máu cơ tim được thực hiện như thế nào?

Chụp xạ hình tưới máu cơ tim được thực hiện bằng phương pháp SPECT/CT. Đây là kỹ thuật tốt nhất, tiên tiến nhất và rất an toàn để đánh giá sự tiến triển của bệnh mạch vành.

Nếu người bệnh bị đau thắt ngực ổn định, đồng thời bác sĩ đang cân nhắc đến việc can thiệp qua da hoặc phẫu thuật động mạch vành thì nên chụp xạ hình tưới máu cơ tim SPECT/CT nhằm đánh giá chức năng cũng như tình trạng thiếu máu cơ tim trước khi tiến hành can thiệp.

Trước khi tiến hành chụp SPECT/CT xạ hình tưới máu cơ tim, đầu tiên người bệnh sẽ được tiêm vào tĩnh mạch một hỗn hợp phóng xạ (99mTc - một đồng vị phóng xạ nhân tạo với chu kỳ bán hủy ngắn, khoảng 6 giờ) có gắn với một loại dược chất chuyên biệt cho từng cơ quan cần được khảo sát.

Tùy theo từng trường hợp, chất phóng xạ được đưa vào cơ thể người bệnh bằng đường uống, đường hít khí dung hoặc tiêm dưới da. Bên cạnh 99 cTm, người bệnh có thể được chỉ định uống 131 Iod - một đồng vị phóng xạ nhân tạo với chu kỳ bán hủy ngắn, khoảng 8 ngày.

Các hợp chất phóng xạ phát ra bức xạ là tia Gamma. Khi bức xạ này được phát từ cơ thể người bệnh thì ngay lập tức sẽ được hai đầu dò (Detector) thu nhận và tái tạo thành hình ảnh thông qua các phần mềm chuyên biệt.

Kỹ thuật viên điều khiển thiết bị sẽ hướng dẫn người bệnh nằm trên bàn chụp trong tầm quét của hệ thống máy SPECT/CT, tùy thuộc vào vị trí cần khảo sát và yêu cầu của bác sĩ.

Thời gian chụp xạ hình tưới máu cơ tim SPECT/CT sẽ cần khoảng từ 15 - 45 phút hoặc có thể sẽ kéo dài lâu hơn, tùy theo tính chất phức tạp của vị trí bị tổn thương (cũng có thể phải chụp nhiều lần và thời gian chụp sẽ bị kéo dài).

Sau khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim xong, người bệnh có thể được lưu lại bệnh viện một thời gian ngắn để theo dõi hoặc có thể ra về được ngay.

Sau khi ảnh được xử lý, kết quả chụp xạ hình tưới máu cơ tim sẽ thể hiện các tổn thương của cơ thể dưới dạng hình ảnh giải phẫu và chức năng. Sau đó, hình ảnh cũng như báo cáo kết quả sẽ được gửi trực tiếp cho người bệnh hoặc bác sĩ gửi bệnh.

Xạ hình tưới máu cơ tim là gì? Những lưu ý cần biết khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim 3
Thời gian chụp xạ hình tưới máu cơ tim thường cần khoảng 15 - 45 phút

Những lưu ý cần biết khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim

Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi thực hiện chụp xạ hình tưới máu cơ tim mà bạn nên biết, cụ thể là:

  • Người bệnh cần chắc chắn bản thân không mang thai trước khi tiến hành chụp xạ hình tưới máu cơ tim. Nếu không chắc chắn, bạn có thể báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để thực hiện xét nghiệm máu nhằm xác định chắc chắn không mang thai.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú, cần cho bé ngưng bú sữa mẹ trong vòng 12 - 24 tiếng.
  • Phương pháp này không có chống chỉ định đối với trẻ em.
  • Thông thường, người bệnh sẽ được dặn dò uống nhiều nước trước khi được tiêm chất phóng xạ vào cơ thể.
  • Người bệnh cần đặt lịch hẹn trước với bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể những điều cần làm trước khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim.
Xạ hình tưới máu cơ tim là gì? Những lưu ý cần biết khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim 4
Người bệnh thường cần uống nhiều nước trước khi được tiêm chất phóng xạ vào cơ thể

Tóm lại, xạ hình tưới máu cơ tim là một phương pháp được áp dụng nhằm đánh giá chức năng tưới máu của tim và tìm ra nguyên nhân gây ra triệu chứng đau thắt ngực ở người bệnh. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn đọc đã nắm được những lưu ý cần biết khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim. Hãy hỏi bác sĩ điều trị của bạn nếu có bất kỳ thắc mắc nào về phương pháp này nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.