Thiếu máu cơ tim thầm lặng: Đối tượng nguy cơ, triệu chứng và biện pháp dự phòng bệnh
Ngày 23/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thiếu máu cơ tim thầm lặng là căn bệnh nguy hiểm do tính chất khó nhận biết khiến việc điều trị chậm trễ. Phát hiện bệnh chậm trễ gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Chẩn đoán bệnh sớm giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh, nâng cao cuộc sống của bệnh nhân.
Bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng thường không có triệu chứng rõ ràng. Chính điều này khiến việc chẩn đoán, điều trị bệnh chậm trễ, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Bởi vậy, việc nhận biết sớm biểu hiện bệnh dù nhỏ nhất cũng góp phần kéo dài tuổi thọ người bệnh. Bên cạnh đó, hãy xây dựng một lối sống khỏe mạnh, cân bằng và khoa học để dự phòng thiếu máu cơ tim thầm lặng cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể.
Thông tin về bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng
Bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng là tình trạng bệnh lý lâm sàng trong đó các động mạch đưa máu đến cơ tim (động mạch vành) bị thu hẹp do sự tích tụ của mảng bám xơ vữa gây tắc nghẽn, giảm tuần hoàn cung cấp máu cho tim nhưng không gây triệu chứng rõ ràng. Mảng bám này chứa chất béo, cholesterol và các tế bào máu.
Mặc dù không có triệu chứng rõ ràng, bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như cơn đau tim, đột quỵ hay tổn hại lâu dài tại cơ tim. Đặc biệt, nếu người bệnh có bệnh lý nền như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp sẽ có tiên lượng điều trị tương đối dè dặt.
Bởi vậy, việc phát hiện sớm và quản lý bệnh thiếu máu cơ tim rất quan trọng. Người có nguy cơ cao như người già, người có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để theo dõi, quản lý rủi ro.
Đối tượng nguy cơ của bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng
Đối tượng nguy cơ có nguy cơ mắc thiếu máu cơ tim thầm lặng cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch để phòng ngừa và quản lý kịp thời. Dưới đây là những đối tượng nguy cơ chính của bệnh, bao gồm:
Người cao tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng cao hơn. Quá trình lão hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ tim mạch, làm tăng khả năng tích tụ mảng bám trong động mạch vành.
Đối tượng có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh thiếu máu cơ tim cũng có nguy cơ mắc bệnh thầm lặng.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn mắc các vấn đề về tim mạch, trong đó có bệnh thiếu máu cơ tim. Điều này liên quan đến ảnh hưởng của tiểu đường lên quá trình viêm nhiễm, tổn hại hệ thống mạch máu.
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong việc phát triển bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Áp lực lớn trong động mạch có thể gây tổn thương, từ đó hình thành mảng bám gây tắc nghẽn mạch máu.
Lối sống kém lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất đều có thể tạo điều kiện cho sự tích tụ mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim.
Người có chế độ ăn uống không cân đối, tiêu thụ nhiều chất béo với hàm lượng cholesterol cao và ít chất xơ là một yếu tố nguy cơ thường gặp.
Hút thuốc lá hay tiêu thụ rượu có thể tác động tiêu cực lên hệ tim mạch cũng như tạo điều kiện hình thành mảng bám trong động mạch.
Một số bệnh nền như bệnh thận, bệnh tăng lipid máu, bệnh tăng acid uric cùng một số bệnh lý hệ thống cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng nhận biết thiếu máu cơ tim thầm lặng
Dù không có triệu chứng rõ ràng, việc nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng rất quan trọng để có thể phát hiện, từ đó quản lý bệnh kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng nhận biết bệnh, bao gồm:
Mệt mỏi không rõ nguyên nhân:Mệt mỏi là một triệu chứng chung gây nên do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, người mắc bệnh thiếu máu cơ tim thường xuyên mệt mỏi không rõ nguyên nhân, kể cả khi thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng.
Khó thở khi vận động: Khó thở khi tham gia vào hoạt động thể chất cường độ thấp như đi bộ tốc độ chậm hay lên cầu thang có thể là dấu hiệu của thiếu máu cơ tim thầm lặng. Điều này thường xuất phát từ việc hạn chế lưu thông máu đến cơ tim. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, đặc biệt khi nằm nghiêng hoặc nằm ngửa.
Buồn ngủ và khó tập trung: Tình trạng thiếu máu cơ tim có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây ra tình trạng buồn ngủ ban ngày, khó tập trung trong công việc hàng ngày.
Cảm giác khó chịu ở vùng ngực: Người mắc bệnh này có thể cảm nhận một cảm giác khó chịu, tức ngực tuy không phải là cơn đau ngực cấp tính. Một số người có thể thấy khó chịu hay cảm giác đau nhức, nặng nề ở vùng cổ, hàm và cánh tay.
Tuy các triệu chứng trên không rõ ràng, thường không đáng kể nhưng việc nhận biết biểu hiện bất thường dù là nhỏ nhất có thể giúp phát hiện sớm bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ kết hợp tư vấn với bác sĩ sẽ giúp phòng ngừa bệnh lý tim mạch nói riêng và vấn đề sức khỏe nói chung.
Cách dự phòng bệnh và biến chứng
Bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng là một tình trạng nguy hiểm nhưng có nhiều biện pháp dự phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng liên quan. Dưới đây là một số cách dự phòng bệnh, bao gồm:
Chế độ ăn uống lành mạnh: Dinh dưỡng cân đối, lành mạnh là yếu tố quan trọng để dự phòng bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa với nồng độ cholesterol cao có trong thực phẩm như thực phẩm chế biến, bơ sữa cũng như sản phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Nên tăng cường việc ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ.
Thực hiện hoạt động thể chất đều đặn: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Hoạt động thể chất có thể là đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập thể dục aerobic... Hãy thảo luận với bác sĩ để lập kế hoạch tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
Kiểm tra và điều trị các yếu tố nguy cơ khác: Nếu bạn có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác, hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đồng thời tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Điều này bao gồm việc kiểm tra huyết áp, đo mức đường huyết, thường xuyên kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng.
Bỏ hút thuốc lá và giảm uống rượu: Hút thuốc lá hay tiêu thụ rượu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cũng như các vấn đề tim mạch khác. Bỏ hút thuốc lá, giảm tiêu thụ rượu sẽ có lợi cho sức khỏe tim mạch cùng sức khỏe tổng thể.
Giữ cân nặng ổn định: Duy trì cân nặng ở mức khuyến nghị có thể giúp kiểm soát nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng cùng các tình trạng tim mạch khác. Tránh tăng cân nặng quá nhanh hoặc cải thiện tình trạng béo phì, đồng thời thực hiện chế độ ăn uống và tập thể dục thích hợp để duy trì cân nặng ổn định.
Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới độc giả thông tin hữu ích về bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng bao gồm nguyên nhân, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, dấu hiệu nghi ngờ cũng như biện pháp phòng tránh bệnh tiến triển. Đừng quên đón chờ những bài viết sắp tới với nhiều chủ đề đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm