Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xẹp đĩa đệm: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa

Ngày 27/05/2023
Kích thước chữ

Xẹp đĩa đệm là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của cột sống. Xem thêm thông tin về xẹp đĩa đệm cột sống trong bài viết sau.

Xẹp đĩa đệm là tình trạng phổ biến ở những người lớn tuổi do quá trình thoái hóa hoặc do loãng xương kết hợp gây xẹp đốt sống. Khi đĩa đệm bị chèn ép sẽ gây đau đớn và cản trở hoạt động của bệnh nhân. Theo dõi bài viết sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để cải thiện xẹp đĩa đệm hiệu quả.

Xẹp đĩa đệm là bệnh gì?

Đĩa đệm là một cấu trúc sụn được cấu tạo từ lớp nhân nhầy bên trong và phần bên ngoài có các vòng xơ bao bọc. Đĩa đệm có hai chức năng chính gồm giảm ma sát giúp sự chuyển động giữa các khớp đốt sống trơn tru và làm giảm lực tác động lên xương đốt sống giúp bảo vệ cấu trúc xương.

Khi đĩa đệm bị mất nước trong một thời gian dài thì nó sẽ có độ mềm dẻo và đàn hồi kém, lúc này bệnh nhân được chẩn đoán là xẹp đĩa đệm. Bệnh lý này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng của cột sống và khiến bệnh nhân khó khăn khi di chuyển. 

Xẹp đĩa đệm: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa 1
Xẹp đĩa đệm là bệnh xương sống thường gặp ở người lớn tuổi

Xẹp đĩa đệm gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Đĩa đệm dần lỏng lẻo, các đốt xương sát lại với nhau tạo cảm giác như tất cả lực sẽ dồn lên các đốt xương không bị thoái hóa. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm trong giai đoạn này thì khả năng hồi phục là rất cao.
  • Giai đoạn hai: Đĩa đệm co rút khiến các đốt xương liền nhau rất dễ hình thành gai cột sống và các bệnh lý nguy hiểm khác.
  • Giai đoạn cuối: Đĩa đệm gần như tiêu biến, các đốt xương dính liền thành một khối. Lúc này cảm giác đau đớn xuất hiện ở nhiều vùng trên cơ thể nhưng không thể chữa dứt điểm được.

Nguyên nhân xẹp đĩa đệm

Nguyên nhân phổ biến gây xẹp đĩa đệm gồm:

  • Tuổi tác: Khi về già, các cơ quan trong cơ thể đều phải trải qua quá trình lão hóa, hình thành nên những tổn thương. Việc đĩa đệm bị mất nước là điều khó tránh khỏi, do các khớp xương đã vận động trong nhiều năm liền. Đĩa đệm luôn chịu áp lực lớn từ các đốt sống nên qua một thời gian dài lượng nhân keo trong đĩa đệm bị giảm một cách đáng kể.
  • Các bệnh lý về xương khớp: Sau tuổi 30 các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, thoái hóa cột sống,... sẽ thúc đẩy quá trình bào mòn lớp sụn khớp dẫn đến xương dưới sụn dần bị suy yếu. Với nữ giới, lượng hormone cần thiết cho quá trình tạo xương có khả năng bị rối loạn cao hơn nam giới, đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến xẹp các đĩa đệm.
  • Do công việc: Những người làm việc văn phòng thường phải ngồi làm việc rất lâu trong một tư thế. Điều này dẫn đến các đốt sống phải chịu lực ép trong thời gian dài buộc đĩa đệm phải chịu lực nhiều hơn, nhanh mất nước hơn. 
  • Cân nặng: Béo phì là căn bệnh gây ra nhiều bệnh lý khác, trong đó có xẹp đĩa đệm. Những người có cân nặng vượt mức thường có nguy cơ xẹp đĩa đệm cao hơn hẳn người bình thường.

Dấu hiệu nhận biết xẹp đĩa đệm

Xẹp đĩa đệm cột sống không bỗng nhiên xuất hiện mà các triệu chứng sẽ phát triển dần dần. Giai đoạn mới khởi phát bệnh thường chỉ có các cơn đau nhẹ âm ỉ rồi tự hết khiến nhiều bệnh nhân chủ quan. Vì không có cảm giác đau dữ dội hay đau nhói vùng cột sống nên rất dễ bị bỏ qua. Lưu ý là thời gian phát bệnh dài không đồng nghĩa độ xẹp của đĩa đệm lớn. Nếu bạn cảm thấy đau nhức khó chịu khi vận động có thể kết hợp với những dấu hiệu sau đây để nhận biết tình trạng bệnh kịp thời:

  • Cơn đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở khu vực cổ hoặc thắt lưng, gây khó khăn khi cử động.
  • Chỉ cần thay đổi tư thế hoặc di chuyển đột ngột (đứng lên, ngồi xuống, cúi gập người) thì cơn đau sẽ tăng dần, chỉ cần nghỉ ngơi và ngưng vận động thì cơn đau sẽ dịu dần đi. Đau đớn gây ra bởi xẹp đĩa đệm thường xuất hiện nhiều về đêm và gần sáng.
Xẹp đĩa đệm: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa 2
Biểu hiện của bệnh xẹp đĩa đệm thường thấy là cơn đau âm ỉ
  • Đĩa đệm cột sống bị xẹp thường đau lan tới các bộ phận khác như vai, tay. Tương tự, nếu đĩa đệm bị xẹp nằm ở cột sống lưng hoặc thắt lưng thì sẽ đau lan xuống mông, hông.
  • Do cấu trúc của đĩa đệm dần bị thoái hóa nên các khớp đốt sống sẽ dần hẹp lại, nhiều khả năng bị biến dạng cột sống.

Các biện pháp phòng ngừa xẹp đĩa đệm

Xẹp đĩa đệm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý này nếu áp dụng lối sống khoa học với các gợi ý sau đây: 

  • Xây dựng thực đơn ăn uống giàu canxi, giàu vitamin và đặc biệt là phải uống đủ nước.
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia hay cafe,...  
  • Tăng cường vận động, tập thể dục hay các bài yoga đơn giản để tăng độ dẻo dai cho cơ vùng cột sống nói riêng và cơ bắp của toàn cơ thể nói chung.
  • Hạn chế động tác cúi gập người xuống để mang vác những đồ vật nặng, không vận động quá sức và hạn chế các cử động đột ngột. Nếu bạn phải làm việc trong văn phòng cả ngày hãy thường xuyên đứng dậy vận động để các đĩa đệm được thư giãn nhé!
Xẹp đĩa đệm: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa 3
Thể dụng thể thao để ngăn ngừa bênh xẹp đĩa đệm

Xẹp đĩa đệm là một trong những bệnh lý phổ biến về xương khớp, nó giảm khả năng vận động của cơ thể, nặng hơn là biến dạng cột sống. Vì vậy khi nghi ngờ có dấu hiệu đau nhức bất thường bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được thăm khám.

Phạm Diểm

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin