Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân gây mỏi lưng và cách điều trị hiệu quả

Ngày 26/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mỏi lưng là tình trạng khá phổ biến và hầu hết người trưởng thành đều đã từng gặp ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, không nhiều người biết rõ nguyên nhân sâu xa tiềm ẩn gây nên tình trạng này cùng cách điều trị hiệu quả.

Mỏi lưng không phải tình trạng hiếm gặp. Nguyên nhân gây mỏi lưng có thể đơn giản chỉ đến từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày nhưng cũng có thể là các vấn đề bệnh lý. Chỉ khi hiểu rõ nguyên nhân khiến bạn bị mỏi lưng, bạn mới có thể khắc phục tình trạng này triệt để.

Tìm hiểu về tình trạng mỏi lưng thường gặp

Lưng là phần phía sau cơ thể, thuộc phần thân trên và đối diện với ngực và bụng. Lưng gồm có cột sống, các nhóm cơ, gân, dây chằng làm nhiệm vụ nâng đỡ và giúp lưng thực hiện các chức năng của mình. Lưng có chức năng chính là nâng đỡ phần trên cơ thể, đảm bảo các hoạt động cúi, ngửa, xoay, vặn của cơ thể được diễn ra bình thường.

Vì có vai trò quan trọng như vậy nên lưng cũng rất dễ bị tổn thương. Vấn đề thường gặp nhất ở lưng là mỏi lưng. Mỏi lưng có thể được phân chia thành các cấp độ như:

  • Mỏi lưng cấp tính là cảm giác mỏi lưng xuất hiện đột ngột, diễn ra trong thời gian ngắn từ vài ngày đến dưới 6 tuần.
  • Mỏi lưng nửa cấp tính là trạng thái mỏi kéo dài từ 6 - 12 tuần.
  • Mỏi lưng kéo dài liên tục hơn 3 tháng không khỏi được xếp vào loại mỏi lưng mãn tính.
Mỏi lưng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 1
Mỏi lưng là vấn đề thường gặp nhất ở lưng

Các nguyên nhân gây mỏi lưng thường gặp

Mỏi lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó bao gồm cả nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Cụ thể là:

Mỏi lưng do chấn thương

Các chấn thương nhẹ tác động vào cơ, xương, dây chằng ở vùng lưng có thể gây mỏi lưng. Chấn thương nhẹ thường đến từ việc va chạm, té ngã,… Tùy mức độ chấn thương, cảm giác mỏi lưng sẽ diễn ra ở mức độ khác nhau. Nếu chấn thương nặng hơn, ngoài mỏi, bạn còn có thể bị đau nhức lưng.

Thói quen sinh hoạt dễ gây mỏi lưng

Một số thói quen trong sinh hoạt cũng có thể khiến bạn thường xuyên bị mỏi lưng như:

  • Thường xuyên phải đi lại trên đôi giày cao gót khiến trọng lượng cơ thể bị dồn về phía trước. Lưng phải cố hoạt động để duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể. Điều này tạo áp lực lên cơ, dây chằng vùng lưng và gây tình trạng mỏi lưng.
  • Những người có thói quen ít vận động bỗng nhiên tăng cường vận động nhiều hơn hàng ngày dễ bị mỏi lưng.
  • Mỏi lưng do đặc thù công việc phải ngồi, đứng hoặc giữ nguyên vị trí trong thời gian dài cũng là nguyên nhân phổ biến. Khi cơ xương khớp vùng lưng ít vận động và thay đổi tư thế, chúng sẽ được cung cấp ít oxy và dưỡng chất cần thiết gây nhức mỏi. Tình trạng này thường xảy ra với nhân viên văn phòng, tài xế, công nhân may, công nhân xơ chế…
  • Thường xuyên trong trạng thái căng thẳng khiến cơ bắp trên cơ thể cũng bị căng thẳng, trong đó có cơ lưng.
  • Tư thế nằm, ngồi, ngủ không đúng cũng khiến lưng bị uốn cong, áp lực quá mức, căng cứng,… dẫn đến mỏi lưng.
  • Lao động nặng, mang vác nặng khiến các đĩa đệm, đốt sống lưng bị dồn ép, tạo áp lực quá mức dẫn đến mỏi lưng.

Mỏi lưng do tuổi tác

Theo thời gian, các bộ phận, cơ quan trên cơ thể hầu hết đều bị lão hóa. Khi đó, sức bền và khả năng chịu đựng sẽ giảm. Các cơ, xương, đốt sống, khớp vùng lưng bị lão hóa sẽ dẫn đến nhức mỏi thường xuyên.

Mỏi lưng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 2
Một số nghề nghiệp đặc thù khiến người lao động thường xuyên bị mỏi lưng

Mỏi lưng do thay đổi thời tiết

Ở những người lớn tuổi, thời tiết thay đổi cũng khiến cơ thể nhức mỏi. Thời tiết chuyển lạnh khiến mạch máu, dây chằng vùng lưng co lại gây đau mỏi lưng bất thường.

Mỏi lưng do bệnh lý

Trong số các nguyên nhân trên, nguyên nhân đáng lo ngại nhất của tình trạng mỏi lưng là nguyên nhân bệnh lý. Các bệnh lý liên quan trực tiếp đến cơ, xương, khớp, đốt sống vùng lưng thường là nguyên nhân chính gây mỏi lưng. Ngoài ra, còn có các bệnh lý liên quan đến thận hay cơ quan khác,… cũng dẫn đến triệu chứng này.

Mỏi lưng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào?

Tình trạng mỏi lưng kéo dài, có xu hướng gia tăng về mức độ có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như:

Các bệnh về xương khớp như

Viêm khớp, loãng xương, đau thần kinh tọa, thoái hoá đốt sống… Khi mắc các bệnh lý này, cơ xương khớp sẽ bị tổn thương theo nhiều cách và ở các mức độ khác nhau. Loãng xương khiến xương giòn xốp, đốt sống dễ bị xẹp tạo áp lực lên dây thần kinh liên sườn gây mỏi.

Thoát vị đĩa đệm cũng khiến các dây thần kinh bị chèn ép, gây nhức mỏi lưng. Thoái hóa cột sống thắt lưng khiến sụn xương bị bào mòn dần và hình thành gai xương. Mỏi lưng chỉ là triệu chứng nhẹ đầu tiên. Sau đó, người bệnh có thể bị nhức mỏi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe.

Thiếu Vitamin D

Thiếu vitamin D cũng gây mỏi lưng vì đây là vi chất quan trọng giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng canxi. Ngoài ra, loại vitamin này cũng có tác dụng giảm đau trong các bệnh lý xương khớp. Thiếu vitamin D cũng là nguyên nhân dẫn đến đau mỏi xương, loãng xương.

Sỏi thận

Không nhiều người biết bệnh sỏi thận cũng có thế gây triệu chứng mỏi lưng. Sỏi di chuyển trong các ống thận gây tắc nghẽn và tạo cảm giác mỏi vùng thắt lưng, sau đó có thể là cảm giác đau nhức.

Khối u

Các khối u thường từ vị trí khác di căn đến cột sống cũng gây mỏi, đau nhức lưng du trường hợp này ít gặp. Các khối u này thường là từ vị trí khác (vú, thận, phổi, tuyến tiền liệt…) di căn đến cột sống và ban đầu có thể gây mỏi lưng, sau đó mới dẫn đến đau nhức ở lưng.

Mỏi lưng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 3
Khám chuyên khoa giúp phát hiện bệnh lý ở lưng gây mỏi lưng

Cách chữa mỏi lưng ngay tại nhà bạn nên thử

Nếu bạn mới bị mỏi lưng và cảm giác mỏi ở mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng đến cuộc sống, hãy thử áp dụng những cách chữa mỏi lưng, giảm đau lưng tại nhà dưới đây nhé!

Tập thể dục

Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc lựa chọn các bài tập chuyên dành cho mục đích chữa đau mỏi lưng là việc bạn nên làm đầu tiên. Bạn có thể tham khảo các bài tập yoga cho người bị đau lưngbài tập giãn cơ lưng,... 

Thậm chí, nếu sau khi đi khám và phát hiện nguyên nhân gây mỏi lưng là trượt đốt sống, bạn cũng có thể tập các bài tập chữa trượt đốt sống hàng ngày. Tập luyện thường xuyên, đều đặn giúp tăng độ dẻo dai, cải thiện sức bền của cơ, xương, khớp vùng lưng, giúp giảm và phòng ngừa mỏi lưng hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của những người có chuyên môn để đảm bảo an toàn.

Massage

Massage lưng cũng là một cách hiệu quả để làm thư giãn cơ lưng, tăng lưu thông tuần hoàn máu và giảm mỏi lưng có hiệu quả tức thì.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Bạn có thể làm các xét nghiệm để biết tình trạng mỏi lưng có đến từ nguyên nhân loãng xương, thiếu vitamin hay các bệnh lý về cơ xương khớp hay không. Có nhiều chế độ ăn uống khác nhau giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị các bệnh về cơ xương khớp. Các bác sĩ khi biết chính xác nguyên nhân gây mỏi lưng có thể tư vấn cho bạn thoái hóa cột sống lưng nên ăn gì, loãng xương ăn gì tốt, thiếu vitamin D nên ăn gì?

Sử dụng thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp cũng là một gợi ý không tồi giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, hạn chế đau mỏi xương khớp nói chung và mỏi lưng nói riêng.

Mỏi lưng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 4
Mỏi lưng do bệnh lý cần có phác đồ điều trị bài bản

Mỏi lưng có thể chỉ diễn ra cấp tính trong thời gian ngắn, cũng có thể kéo dài và biến chuyển thành mãn tính. Nếu mỏi lưng do bệnh lý, cảm giác mỏi sẽ có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn và dần chuyển thành nhức mỏi, đau nhói, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và sinh hoạt thường ngày. Khi đó, bạn nên đi khám chuyên khoa Trị liệu thần kinh cột sống để tìm ra nguyên nhân chính xác và được bác sĩ tư vấn cách điều trị tốt nhất. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm