Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xét nghiệm HAV là gì? Một số điều cần biết về xét nghiệm HAV

Ngày 13/07/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm HAV (virus viêm gan A) là một bước quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh viêm gan A. Đây là một bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến chức năng gan. Hãy cùng tìm hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của xét nghiệm này.

Những ai đã từng kiểm tra sức khỏe gan mật chắc hẳn sẽ biết về xét nghiệm HAV. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể chẩn đoán xác định được bệnh viêm gan A. Vậy, chỉ số HAV là gì và liệu nó có thực sự cần thiết?

Xét nghiệm HAV là gì?

HAV (Hepatitis A Virus) là một loại virus gây ra bệnh viêm gan A. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Mặc dù bệnh thường tự khỏi sau một thời gian nhưng vẫn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy gan hoặc tử vong.

Xét nghiệm HAV là một xét nghiệm máu để xác định sự hiện diện của virus viêm gan A hoặc kháng thể chống lại virus trong máu. Xét nghiệm này quan trọng trong việc chẩn đoán viêm gan A, xác nhận khả năng miễn dịch và ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác. Khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ sản xuất ra hai loại kháng thể chống lại virus viêm gan A là IgM anti-HAV và IgG anti-HAV.

  • IgM anti-HAV xuất hiện đầu tiên trong máu khi nhiễm virus và là dấu hiệu của nhiễm trùng cấp tính.
  • IgG anti-HAV xuất hiện sau giai đoạn cấp tính và cho thấy sự miễn dịch lâu dài.
Những điều cần biết về xét nghiệm HAV 1
Xét nghiệm HAV là bước quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh viêm gan A

Quy trình xét nghiệm viêm gan A

Theo quy trình xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu máu của người bệnh qua các bước sau:

  • Quấn garô quanh khuỷu tay để ngăn dòng máu lưu thông, giúp các mạch máu phình to, dễ châm kim.
  • Sát trùng vị trí chọc tĩnh mạch bằng cồn.
  • Châm kim vào mạch máu nhanh và chính xác.
  • Rút máu vào ống.
  • Khi đã đủ lượng máu, y tá sẽ tháo garô, đặt miếng gạc lên vị trí châm kim và rút kim ra.
  • Ấn chặt vùng vừa châm kim và dán băng cá nhân để cầm máu.

Sau đó, mẫu máu sẽ được bảo quản trong tủ lạnh và đưa đến phòng xét nghiệm cho chuyên viên phân tích. Người bệnh có thể trở về nhà và chờ kết quả từ bác sĩ trong 5 - 7 ngày.

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm viêm gan A

Để hiểu rõ hơn về các xét nghiệm HAV, bạn cần biết ý nghĩa của các chỉ số kháng thể IgM và IgG. Kết quả xét nghiệm có thể thuộc vào các trường hợp sau:

  • Cả IgG và IgM đều âm tính: Điều này cho thấy là bạn không bị nhiễm viêm gan A và không có kháng thể Anti-HAV trong cơ thể.
  • Cả IgG và IgM đều dương tính: Điều này có nghĩa là bạn đang nhiễm viêm gan A ở giai đoạn cấp tính. Bác sĩ sẽ sử dụng thông tin này để đưa ra phương án điều trị tiếp theo.
  • IgG dương tính, IgM âm tính: Điều này có thể cho thấy rằng bạn đã từng bị nhiễm HAV hoặc đã được tiêm vaccine phòng chống HAV.
  • IgG âm tính, IgM dương tính: Điều này cho thấy bạn đang nhiễm virus viêm gan A ở giai đoạn sớm và cơ thể chưa kịp sản sinh kháng thể IgG. Điều trị ở giai đoạn này thường mang lại hiệu quả tốt và bệnh sẽ sớm khỏi.

Xét nghiệm viêm gan A có cần thiết không?

Xét nghiệm viêm gan A là cần thiết khi bạn đang nghi ngờ bị nhiễm virus HAV, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này.

Bạn nên thực hiện xét nghiệm viêm gan A trong các trường hợp sau:

  • Du lịch đến khu vực hoặc quốc gia có tỷ lệ nhiễm HAV cao.
  • Tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn, ôi thiu.
  • Tiếp xúc gần với người nhiễm HAV.
  • Làm tình với người bị viêm gan A.
  • Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm viêm gan A cao.
  • Dùng chung kim tiêm với người nghi ngờ bị nhiễm HAV.
Những điều cần biết về xét nghiệm HAV 2
Xét nghiệm viêm gan A là bước cần thiết khi bạn đang nghi ngờ bị nhiễm virus HAV

Triệu chứng khi bị viêm gan A

Bệnh viêm gan A có thể xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Cảm thấy mệt mỏi;
  • Bị sốt nhẹ;
  • Nước tiểu có màu đậm;
  • Đau khớp hoặc đau bụng;
  • Vàng da và vàng mắt;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc chán ăn;
  • Ngứa;
  • Ăn không ngon;
  • Bị đau dạ dày;
  • Bị tiêu chảy;
  • Phân có màu đất sét;
  • Giảm cân không kiểm soát.

Hầu hết người lớn mắc viêm gan A xuất hiện triệu chứng khoảng 28 ngày sau khi nhiễm bệnh. Trẻ em nhiễm viêm gan A thường có biểu hiện nhẹ hơn như sốt và tiêu chảy,... Xét nghiệm HAV có thể được chỉ định khi một người có khả năng đã tiếp xúc với virus, dù có triệu chứng hay không.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan A

Bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm bệnh viêm gan A như sau:

  • Tiêm vaccine phòng bệnh.
  • Rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh hay chăm sóc người bệnh.
  • Ăn chín, uống sôi.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với người bị bệnh viêm gan A.
  • Không quan hệ tình dục không an toàn hoặc sử dụng chung kim tiêm với những người có nguy cơ cao nhiễm virus.
Những điều cần biết về xét nghiệm HAV 3
Không quan hệ tình dục không an toàn để tránh lây nhiễm virus viêm gan A

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm HAV và sự cần thiết của nó. Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ viêm gan A, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho người thân, bạn bè và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin