Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh: Mục đích, quy trình và giải thích kết quả

Ngày 23/11/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh là một bước quan trọng trong việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, đặc biệt đối với những trẻ sinh ra từ mẹ có HIV. Đây là giai đoạn mà hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, việc chẩn đoán kịp thời không chỉ giúp xác định tình trạng sức khỏe của trẻ mà còn mở ra cơ hội điều trị sớm, cải thiện chất lượng cuộc sống.

HIV/AIDS từ lâu đã được coi là “căn bệnh thế kỷ” khiến nhiều người lo lắng bởi khả năng làm suy giảm đề kháng, phá hủy hệ miễn dịch, và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Đặc biệt, khi trẻ sơ sinh - nhóm đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện - sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con trở thành mối quan tâm hàng đầu. Trong bối cảnh đó, xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm bệnh, giúp xác định chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ, từ đó đưa ra các phương án can thiệp và điều trị kịp thời.

Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh là làm gì?

Thực hiện xét nghiệm PCR để phát hiện acid nucleic của HIV (ARN hoặc ADN) nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh.

Thời điểm lấy mẫu xét nghiệm PCR là khi trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đạt 4-6 tuần tuổi, hoặc trong lần đầu tiên trẻ được đưa đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV.

Tìm hiểu xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh 1
Việc xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm là rất cần thiết và quan trọng

Quy trình thực hiện xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh

Xét nghiệm HIV PCR là xét nghiệm sinh học phân tử sử dụng kỹ thuật Realtime PCR (Polymerase Chain Reaction) để phát hiện sự hiện diện của virus HIV. Phương pháp này có khả năng khuếch đại một lượng ADN rất nhỏ thành hàng triệu bản sao, hỗ trợ hiệu quả trong việc xác định tình trạng nhiễm virus. Với độ chính xác và đặc hiệu cao, PCR HIV được xem là phương pháp tối ưu nhất để chẩn đoán HIV, đặc biệt được áp dụng phổ biến cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thực hiện xét nghiệm PCR lần đầu trên mẫu DBS khi trẻ đạt 4-6 tuần tuổi hoặc càng sớm càng tốt sau thời gian này.

Kết quả lần đầu dương tính

Nếu kết quả PCR lần đầu dương tính, cần khởi động điều trị ARV ngay. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm lại bằng PCR trên mẫu DBS đã lưu hoặc thu thập mẫu DBS mới để kiểm tra, đặc biệt khi có sự không đồng nhất giữa kết quả PCR lần đầu (dương tính) và lần thứ hai (âm tính).

Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh: Mục đích, quy trình và giải thích kết quả 2
Nếu kết quả PCR lần đầu dương tính, cần khởi động điều trị bằng thuốc ARV ngay

Kết quả lần đầu âm tính

Nếu kết quả PCR lần đầu âm tính, việc chẩn đoán HIV ở trẻ sơ sinh cần được theo dõi theo hai trường hợp:

  • Trẻ chưa bao giờ bú mẹ: Khả năng trẻ không nhiễm HIV, tuy nhiên cần thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 12-18 tháng tuổi để xác nhận.
  • Trẻ đã hoặc đang bú mẹ: Trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm HIV, do đó cần tiếp tục theo dõi:
    • Nếu trẻ có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HIV, tiến hành xét nghiệm PCR nếu trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc xét nghiệm kháng thể kháng HIV nếu trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Trong trường hợp PCR dương tính, cần xác nhận bằng xét nghiệm PCR lần nữa để khẳng định chẩn đoán. Nếu PCR âm tính, thực hiện lại xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đạt 12-18 tháng tuổi.
    • Nếu trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường, thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 9 tháng tuổi hoặc sau khi cai sữa. Nếu kết quả âm tính, cần lặp lại xét nghiệm này khi trẻ đủ 12-18 tháng tuổi để chẩn đoán cuối cùng. Nếu kết quả dương tính, bắt đầu điều trị ARV ngay nếu trẻ được chẩn đoán lâm sàng là HIV/AIDS giai đoạn nặng, đồng thời thực hiện xét nghiệm PCR để khẳng định.
Tìm hiểu xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh 2
Xét nghiệm HIV PCR có giá trị nhất trong chẩn đoán HIV ở trẻ sơ sinh vì có độ đặc hiệu rất cao

Giải thích kết quả xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh

Kết quả của xét nghiệm PCR lần đầu âm tính:

  • Nếu trẻ không bú mẹ hoặc đã ngừng bú mẹ ít nhất 6 tuần trước khi thực hiện xét nghiệm PCR, khả năng trẻ không nhiễm HIV là cao. Tuy nhiên, gia đình cần phải tiếp tục theo dõi. Để xác nhận tình trạng HIV ở trẻ, cần thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 12-18 tháng tuổi. Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính ở trẻ dưới 18 tháng, cần xét nghiệm lại khi trẻ đạt đủ 18 tháng tuổi.
  • Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ hoặc ngừng bú mẹ chưa đủ 6 tuần, mặc dù trẻ có khả năng không nhiễm HIV, nguy cơ lây truyền qua sữa mẹ vẫn tồn tại. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi và lặp lại xét nghiệm sau khi trẻ đã ngừng bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tuần trước khi thực hiện lại xét nghiệm PCR.

Kết quả của xét nghiệm PCR lần đầu dương tính: Cần lấy mẫu máu lần thứ hai để xác nhận kết quả và bắt đầu điều trị ARV ngay lập tức cho trẻ. Đồng thời, nếu bố mẹ trẻ chưa biết tình trạng HIV của mình, nên làm xét nghiệm HIV cho cả hai.

Kết quả xét nghiệm PCR lần hai dương tính: Khẳng định trẻ đã nhiễm HIV, do đó cần tiếp tục điều trị ARV lâu dài.

Kết quả xét nghiệm PCR lần đầu dương tính và lần hai âm tính: Kết quả chưa đủ cơ sở để xác định, cần theo dõi thêm và thực hiện xét nghiệm PCR lần thứ ba để đưa ra kết luận chính xác.

Kết quả xét nghiệm PCR cả hai lần đều dương tính: Khẳng định trẻ nhiễm HIV, không cần thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Điều trị ARV cần được duy trì liên tục và lâu dài.

Tìm hiểu xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh 3
Bác sĩ sẽ giải thích quy trình và kết quả xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh

Hy vọng bài viết mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cha mẹ cần nắm rõ quy trình xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác và giúp trẻ nhận được phương pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin