Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Xét nghiệm Renin là gì? Một số lưu ý cần biết trước khi thực hiện xét nghiệm Renin

Ngày 29/04/2024
Kích thước chữ

Nhiệm vụ của renin là kiểm soát huyết áp của cơ thể. Do đó, xét nghiệm renin là một chỉ định cận lâm sàng rất cần thiết và quan trọng đối với người bệnh bị tăng huyết áp nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó hỗ trợ bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả cho mỗi bệnh nhân. Vậy xét nghiệm renin là gì?

Xét nghiệm renin rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân bị tăng huyết áp ngay khi còn trẻ tuổi. Dựa vào kết quả xét nghiệm renin, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân cốt lõi gây ra căn bệnh tăng huyết áp và đưa ra được phương pháp điều trị tối ưu nhất. Vậy ý nghĩa của xét nghiệm renin là gì và cần lưu ý những gì khi thực hiện loại xét nghiệm này?

Tìm hiểu về xét nghiệm renin là gì?

Renin là một loại hormone được tiết ra từ các tế bào thận kết hợp với aldosterol do vỏ thượng thận sản xuất ra có vai trò kiểm soát huyết áp, đồng thời ổn định nồng độ natri và kali trong cơ thể.

Theo đó, khi huyết áp giảm xuống thấp hoặc lượng máu tới thận giảm hoặc cơ thể không có đủ natri thì thận sẽ tăng sản xuất renin để tiết vào máu. Từ đó, renin kích hoạt một loạt các phản ứng dây chuyền để thúc đẩy vỏ thượng thận tăng tiết aldosterone có tác dụng làm tăng huyết áp, tăng tái hấp thu natri và chất lỏng tại thận, đồng thời tăng bài tiết kali tại ống thận. Tuy nhiên, nếu quá trình giải phóng renin vào máu và sản xuất ra aldoterone bị rối loạn hoặc mất cân bằng thì sẽ khiến huyết áp tăng quá cao.

Xét nghiệm renin là một loại xét nghiệm được tiến hành nhằm kiểm tra nồng độ renin đang hoạt động trong huyết tương (active renin) và xác định nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp. Loại xét nghiệm này được thực hiện dựa trên phương pháp sandwich và kỹ thuật miễn dịch hoá phát quang.

Ở người bình thường, chỉ số renin trong huyết tương ở mức trung bình từ 4,66 - 31,9 ng/L. Mặt khác, ở mỗi bệnh nhân có chế độ sinh hoạt khác nhau sẽ có khoảng giá trị không giống nhau, cụ thể là:

  • Người lớn có chế độ ăn uống chứa hàm lượng natri bình thường: Chỉ số renin ở tư thế nằm là từ 0,2 - 1,6 ng/ml/h và ở tư thế đứng là từ 0,7 - 3,3 ng/ml/h.
  • Người lớn có chế độ ăn uống giảm hàm lượng natri: Chỉ số renin ở tư thế nằm là từ 0,4 - 3,2 ng/ml/h và ở tư thế đứng là từ 4,2 - 19,8 ng/ml/h.

Theo các chuyên gia, nếu kết quả xét nghiệm renin đo được chỉ số renin không nằm trong các khoảng trên có thể giúp cho quá trình chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân gây tăng huyết áp được chính xác hơn. Vậy quy trình tiến hành xét nghiệm renin như thế nào?

Xét nghiệm renin là gì? Một số lưu ý cần biết trước khi thực hiện xét nghiệm renin 1
Xét nghiệm Renin giúp kiểm tra nồng độ renin đang hoạt động trong huyết tương

Quy trình thực hiện xét nghiệm renin như thế nào?

Các bước thực hiện xét nghiệm renin tương đối đơn giản. Bệnh nhân có thể lấy máu làm xét nghiệm này ở hai từ thế là đứng thằng hoặc nằm ngửa. Đối với trường hợp lấy máu ở tư thế đứng thẳng, người bệnh cần đứng thẳng hoặc đi lại nhẹ nhàng từ 30 - 60 phút trước khi ngồi xuống lấy mẫu máu. Đối với trường hợp lấy máu ở tư thế nằm ngửa, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, thư giãn từ 1 - 2 giờ trước khi được lấy mẫu máu.

Sau khi đã đủ điều kiện, nhân viên y tế sẽ thực hiện các thao tác lấy máu như bình thường tại tĩnh mạch cánh tay. Tương tự như các xét nghiệm khác, khi lấy máu thì người bệnh sẽ có cảm giác đau nhẹ như kim châm tại vị trí rút máu và có thể để lại vết bầm nhỏ nhưng sẽ biến mất nhanh chóng.

Thời gian phân tích của xét nghiệm renin rất nhanh, thông thường là từ 50 - 60 phút. Trong quá trình lấy mẫu máu xét nghiệm, có thể xảy ra một số rủi ro như:

  • Bệnh nhân có thể bị bầm tím tại vị trí rút máu, vỡ ven…
  • Sai số xét nghiệm do tư thế lấy, người bệnh không hợp tác, mẫu máu không được kiểm soát về thời gian lấy và một số yếu tố khác.
  • Sai số xét nghiệm do thiết bị y tế không đạt tiêu chuẩn.

Ý nghĩa của xét nghiệm renin là gì?

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện đồng thời cùng lúc hai loại xét nghiệm là xét nghiệm renin và xét nghiệm aldosterone. Lúc này, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết nồng độ renin và aldosterone của người bệnh là bình thường hay bất thường (cao hoặc thấp).

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số renin cao bất thường thì có thể là do:

  • Chảy máu (xuất huyết).
  • Suy tim.
  • Hormone được sản xuất bởi các tuyến thượng thận bị thiếu hụt (suy tuyến thượng thận hoặc bệnh Addison).
  • Chức năng gan bị suy giảm (sẹo gan hoặc xơ gan).
  • Khối u thận, tổn thương tại thận do hội chứng thận hư.
  • Hẹp động mạch thận.
  • Cơ thể bị mất nước, mất dịch.
  • Tăng huyết áp ác tính (huyết áp tăng cao đột ngột và rất cao).
Xét nghiệm renin là gì? Một số lưu ý cần biết trước khi thực hiện xét nghiệm renin 2
Nồng độ renin trong máu tăng cao có thể là do động mạch thận bị hẹp

Ngược lại, kết quả xét nghiệm renin cho thấy nồng độ renin trong huyết tương thấp hơn mức bình thường thì có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như:

  • Cường aldosterone: Tuyến thượng thận tiết ra quá nhiều hormone aldosterone.
  • Huyết áp tăng cao do nhạy cảm với muối.
  • Tác dụng phụ của thuốc steroid khiến có thể giữ muối.
  • Sử dụng hormone chống bài niệu (ADH).
Xét nghiệm renin là gì? Một số lưu ý cần biết trước khi thực hiện xét nghiệm renin 3
Sử dụng thuốc steroid có thể khiến nồng độ renin trong máu giảm xuống thấp

Một số lưu ý cần biết trước khi thực hiện xét nghiệm renin

Trước khi thực hiện xét nghiệm renin, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác nhất, bao gồm:

  • Thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng sức khoẻ hiện tại của bản thân như stress, tâm lý bất ổn, mang thai, suy nhược cơ thể… Đồng thời, người bệnh cũng cần báo lại cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp, steroid, hormone hoặc thuốc giảm đau không kê toa. Bởi những yếu tố này có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ renin trong cơ thể.
  • Trước khi làm xét nghiệm vài ngày, người bệnh cần cắt giảm lượng muối tiêu thụ trong chế độ ăn uống.
  • Bạn không nên làm xét nghiệm renin khi đang mắc bệnh nặng hoặc đang sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ renin và aldosterone trong máu.
  • Nồng độ hormone renin và aldosterone đạt giá trị cao nhất vào buổi sáng và có thể thay đổi trong ngày. Đồng thời, chỉ số của 2 loại hormone này cũng có giá trị khác nhau khi người bệnh lấy máu ở tư thế nằm ngửa hoặc đứng thẳng. Do đó, bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của nhân viên ý tế khi thực hiện xét nghiệm renin để đảm bảo kết quả được chính xác nhất.
Xét nghiệm renin là gì? Một số lưu ý cần biết trước khi thực hiện xét nghiệm renin 4
Bạn cần báo cho bác sĩ về tình trạng sức khoẻ của mình trước khi làm xét nghiệm renin

Tóm lại, xét nghiệm renin kiểm tra được nồng độ renin đang hoạt động trong huyết tương, từ đó giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây tăng huyết áp để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả cho người bệnh. Do vậy, bác sĩ thường sẽ yêu cầu người bệnh bị tăng huyết áp thực hiện xét nghiệm renin và xét nghiệm aldosterone nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin