Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric giúp chẩn đoán những bệnh gì?

Quỳnh Loan

23/04/2025
Kích thước chữ

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric là một phương pháp quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi nhiều bệnh lý rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là bệnh gout. Khi acid uric máu tăng cao có thể gây lắng đọng tinh thể urat tại khớp và mô mềm dẫn đến viêm đau nghiêm trọng. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ xét nghiệm sinh hóa máu acid uric chẩn đoán được những bệnh lý nào cùng cách kiểm soát nồng độ acid uric để phòng ngừa nguy cơ phát triển bệnh.

Acid uric là sản phẩm chuyển hóa tự nhiên của purin trong cơ thể và thường được đào thải qua thận. Tuy nhiên, khi cơ chế đào thải gặp vấn đề hoặc lượng acid uric sản sinh quá mức sẽ dẫn đến tăng acid uric máu và kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng. Trong đó, bệnh gout là biểu hiện điển hình nhất. Việc hiểu đúng vai trò của xét nghiệm này cùng các biện pháp kiểm soát acid uric sẽ giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng sống.

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?

Acid uric là một loại axit hữu cơ tồn tại dưới dạng hòa tan trong máu, được tạo thành từ quá trình phân hủy purin - hợp chất có trong nhiều loại thực phẩm và trong cấu trúc ADN của tế bào. Sau khi được sản xuất, acid uric sẽ được lọc qua thận và đào thải chủ yếu qua nước tiểu, phần nhỏ còn lại được bài tiết qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, khi quá trình sản xuất acid uric diễn ra quá mức hoặc chức năng đào thải của thận bị suy giảm, nồng độ acid uric trong máu sẽ tăng cao, gây ra nhiều rối loạn trong cơ thể.

Một trong những hậu quả phổ biến nhất của việc tăng acid uric máu là tình trạng lắng đọng các tinh thể muối urat tại các khớp và mô mềm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh gout - một bệnh viêm khớp đặc trưng do phản ứng viêm của cơ thể với tinh thể urat. Việc xét nghiệm sinh hóa máu định lượng acid uric huyết thanh là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm tình trạng tăng acid uric, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan.

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric chẩn đoán bệnh gì? Hướng dẫn ngăn ngừa mức acid uric tăng cao 1
Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric được sử dụng để phát hiện sớm tình trạng tăng acid uric

Không chỉ giúp phát hiện nguy cơ mắc bệnh gout, xét nghiệm sinh hóa máu acid uric còn là công cụ hỗ trợ trong chẩn đoán và theo dõi nhiều vấn đề sức khỏe khác. Cụ thể, mục đích của xét nghiệm acid uric bao gồm:

  • Chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh gout.
  • Đánh giá các tình trạng viêm khớp hoặc sưng đau khớp không rõ nguyên nhân.
  • Theo dõi sức khỏe bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị do quá trình này làm tăng nguy cơ ly giải tế bào dẫn đến tăng acid uric.
  • Kiểm tra chức năng thận sau chấn thương hoặc nghi ngờ rối loạn chức năng thận.
  • Tìm hiểu nguyên nhân hình thành sỏi thận.
  • Hỗ trợ theo dõi mức độ nặng và tiên lượng trong các trường hợp nhiễm độc thai nghén nặng như tiền sản giật và sản giật.

Chỉ số acid uric trong chẩn đoán bệnh gout

Như đã đề cập, gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa có nguyên nhân chính là do sự lắng đọng tinh thể urat tại các khớp và mô, xuất phát từ việc nồng độ acid uric trong máu tăng quá mức. Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền làm tăng sản xuất acid uric hoặc giảm khả năng đào thải của thận.

Bệnh gout không có vắc xin phòng ngừa nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bằng thuốc và thay đổi lối sống nếu được phát hiện sớm. Trường hợp bệnh tiến triển đến giai đoạn mãn tính thì việc điều trị sẽ trở nên phức tạp và cần nhiều thời gian hơn.

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric chẩn đoán bệnh gì? Hướng dẫn ngăn ngừa mức acid uric tăng cao 2
Gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa xuất phát từ việc nồng độ acid uric trong máu tăng quá mức

Giá trị bình thường của acid uric trong máu thường dao động như sau:

  • Nam giới: từ 208 đến 428 micromol/lít;
  • Nữ giới: từ 154 đến 357 micromol/lít.

Khi chỉ số acid uric vượt ngưỡng bình thường sẽ làm tăng nguy cơ hình thành tinh thể urat và tích tụ tại các khớp hoặc cơ quan trong cơ thể. Trong khi đó, nếu chỉ số nằm dưới mức bình thường sẽ không gây ra hiện tượng kết tinh urat và ít khi có biểu hiện bệnh lý.

Một trong những thách thức lớn nhất trong việc phát hiện bệnh gout là bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã bước vào giai đoạn mạn tính với các cơn đau khớp tái phát thường xuyên hoặc xuất hiện các hạt tophi - là những u cục chứa tinh thể urat - tại các khớp hoặc mô mềm xung quanh.

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric vì thế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả bệnh gout cùng nhiều bệnh lý liên quan. Việc kiểm tra định kỳ chỉ số acid uric máu đặc biệt cần thiết với những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gout trong gia đình, bệnh thận mãn tính hoặc chế độ ăn nhiều purin.

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric chẩn đoán bệnh gì? Hướng dẫn ngăn ngừa mức acid uric tăng cao 3
Những người có yếu tố nguy cơ cao cần kiểm tra định kỳ chỉ số acid uric máu 

Hướng dẫn kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng tăng cao acid uric máu

Việc duy trì nồng độ acid uric máu ở mức ổn định là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là bệnh gout. Để đạt được điều này, cần thực hiện các biện pháp thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống một cách khoa học. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên giảm tiêu thụ các loại thực phẩm chứa hàm lượng purin cao như hải sản, thịt đỏ và nội tạng động vật. Đây là những nguồn đạm có khả năng làm gia tăng đáng kể mức acid uric trong máu nếu sử dụng thường xuyên.

Bên cạnh đó, cần hạn chế các món ăn có tính chua như dưa muối hoặc nem chua vì chúng có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình chuyển hóa và đào thải acid uric. Các loại đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích như rượu bia hoặc nước ngọt có ga cũng nên được loại bỏ khỏi chế độ ăn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe.

Để hỗ trợ quá trình đào thải acid uric, nên tăng cường sử dụng các loại rau củ giàu chất xơ và nghèo purin như rau cải, bí xanh hoặc bông cải. Những loại rau này giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm và từ đó hạn chế sự sản sinh acid uric. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá mức để tránh làm mất cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

Ngoài ra, việc cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng đào thải acid uric qua đường nước tiểu. Uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày giúp cải thiện chức năng thận và hạn chế nguy cơ lắng đọng tinh thể urat. Cuối cùng, nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Xét nghiệm sinh hóa máu acid uric chẩn đoán bệnh gì? Hướng dẫn ngăn ngừa mức acid uric tăng cao 4
Uống đủ nước mỗi ngày giúp tăng khả năng đào thải acid uric qua đường nước tiểu

Tóm lại, xét nghiệm sinh hóa máu acid uric đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa như bệnh gout hoặc các vấn đề liên quan đến chức năng thận. Bên cạnh việc thăm khám định kỳ thì điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt là giải pháp bền vững để kiểm soát mức acid uric hiệu quả. Duy trì lối sống khoa học và theo dõi sức khỏe chủ động sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin