Long Châu

Bỏng nắng: Yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bỏng nắng là tình trạng da bị ửng đỏ, đôi khi kèm theo đau và phồng rộp do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím mặt trời. Phương pháp điều trị bỏng nắng thông thường gồm chườm lạnh và bôi thuốc kháng viêm giảm đau NSAID. Đối với trường hợp nặng, cần phải đắp gạc vô trùng và bôi kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Để phòng ngừa bỏng nắng, nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời gay gắt và sử dụng kem chống nắng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bỏng nắng là gì? 

Bỏng nắng là phản ứng của da khi tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Các dấu hiệu bỏng nắng có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng 11 phút và da có thể đỏ lên trong vòng 2 - 6 giờ sau khi bị bỏng nhẹ. Triệu chứng tiếp tục phát triển trong 24 - 72 giờ tiếp theo và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để chữa lành.

Bệnh nhân bị bỏng nắng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, nhưng trường hợp nặng và phồng rộp cần được chăm sóc y tế kịp thời. 

Nếu tình trạng bỏng nắng lặp đi lặp lại có thể gây lão hoá da sớm, hư hỏng DNA trong tế bào biểu bì không được sửa chữa, hình thành những tế bào bất thường dẫn đến nguy cơ ung thư da, bao gồm cả khối u ác tính (loại ung thư da nguy hiểm nhất). Đây là lý do tại sao việc phòng ngừa bỏng nắng rất quan trọng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bỏng nắng

Ngoại trừ các trường hợp bị phản ứng nặng, thông thường, triệu chứng và dấu hiệu bỏng nắng xuất hiện trong khoảng 1 - 24 giờ, rõ ràng nhất trong vòng 72 giờ (thường là từ 12 - 24 giờ). 

Triệu chứng trên da từ nhẹ đến nghiêm trọng bao gồm ửng đỏ nhẹ, bong vảy da mỏng sau vài ngày, đau, sưng tấy, da trở nên nhạy cảm và hình thành nhiều bọng nước. 

Các triệu chứng nặng tương tự như bỏng do nhiệt như sốt, ớn lạnh, suy nhược, sốc có thể tiến triển nếu bệnh nhân bị bỏng nắng diện rộng. Nguyên nhân có thể do sự kích thích giải phóng các cytokine viêm như IL-1. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bỏng nắng 

Các biến chứng phổ biến nhất do bỏng nắng gây ra bao gồm vết nám vĩnh viễn trên da, nhiễm trùng thứ phát và tăng nguy cơ ung thư da. 

Da bị bong tróc do bỏng nắng rất dễ bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời trong vài tuần.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bỏng nắng

Do tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài với tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời mà không có sự bảo vệ phù hợp (bước sóng trong phổ UVB 280 - 320nm gây ra các triệu chứng rõ nhất).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị bỏng nắng?

Mọi người, bất kể giới tính hay độ tuổi đều có nguy cơ bị bỏng nắng. Tuy nhiên, trẻ em và trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn người lớn vì da mỏng manh và nhạy cảm với môi trường hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị bỏng nắng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị Bỏng nắng, bao gồm:

  • Người có da màu sáng;

  • Sống hoặc du lịch ở nơi nhiều nắng, vùng nhiệt đới hoặc ở độ cao;

  • Làm việc ngoài trời;

  • Bơi lội hoặc thường xịt nước lên da vì da ướt có xu hướng dễ bị bỏng hơn da khô;

  • Thường xuyên để da không được bảo vệ trước tia UV từ ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo, chẳng hạn như giường tắm nắng;

  • Dùng một loại thuốc có khả năng dễ gây bỏng (thuốc cảm quang).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bỏng nắng

Lâm sàng

Chủ yếu chẩn đoán bỏng nắng qua các triệu chứng lâm sàng trên da.

Xét nghiệm

Nếu bệnh nhân có tiền sử bỏng nắng nhiều lần, mức độ nghiêm trọng hoặc có các yếu tố gợi ý, bác sĩ chỉ định chiếu ánh sáng chứa UVA và UVB trên một vùng da nhỏ của bệnh nhân để đánh giá mức độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Phương pháp điều trị bỏng nắng hiệu quả

Hạn chế chạm vào vùng bỏng nắng đến khi vết thương được cải thiện. 

Bỏng nắng nhẹ

Chườm nước lạnh bằng khăn sạch để làm mát vùng da bị bỏng. Hoặc tắm nước mát có pha thêm baking soda (khoảng 60g cho mỗi bồn).

Thuốc điều trị tại chỗ như kem dưỡng da dạng nước, lô hội.

Thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen: Uống càng sớm càng tốt, giúp giảm triệu chứng. Có thể dùng NSAIDs dạng gel bôi ngoài da.

Xử lý bọng nước tương tự như khi chăm sóc các vết bỏng sâu bằng dung dịch vô trùng và bạc sulfadiazine. Tránh làm vỡ bọng nước, nếu bị vỡ, cần rửa sạch bằng xà phòng loãng và nước. Sau đó bôi thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương và băng lại bằng băng không dính.

Thuốc kháng histamine uống như diphenhydramine có thể giúp giảm ngứa khi lớp da chết bắt đầu bong tróc.

Bỏng nắng nghiêm trọng

Bệnh nhân bỏng nắng nghiêm trọng không nên tự điều trị mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.

Corticosteroid toàn thân đường uống: Chỉ định prednisone 20 - 30mg dùng trong 4 ngày đối với người lớn hoặc thanh thiếu niên để điều trị sớm thương tổn bỏng nắng trên diện rộng.

Lưu ý:

Tránh dùng các thuốc mỡ hoặc dung dịch rửa có chứa thuốc gây tê tại chỗ (ví dụ: Benzocaine) hoặc diphenhydramine vì nguy cơ bị viêm da tiếp xúc dị ứng.

Không dùng sản phẩm gốc dầu như sáp dầu khoáng (petroleum jelly) khi bệnh nhân bị bỏng nắng nghiêm trọng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bỏng nắng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Tránh để vùng da bị bỏng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng cho đến khi lành hẳn.

  • Nếu vết thương không quá nghiêm trọng, có thể thoa kem dưỡng ẩm để tăng độ ẩm cho da và ngăn lớp da bị nám bong ra.

  • Hạn chế sử dụng xà phòng trên vùng da bị bỏng nắng vì có thể gây kích ứng.

  • Uống nhiều nước để bù lại lượng đã mất do toát mồ hôi.

  • Thường xuyên theo dõi dự báo chỉ số UV ngoài trời, hạn chế ra ngoài vào lúc gần giữa trưa đến đầu giờ chiều (khoảng 10 - 16 giờ), khi chỉ số UV cao nhất. Nếu bắt buộc phải di chuyển, cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên và che chắn bằng mũ rộng vành, kính mát, áo khoác, quần dài...

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không nên ăn nhiều đồ chua, ngọt, dầu mỡ. 

  • Tăng cường bổ sung các loại rau giàu kali như rau mồng tơi, rau đay… và các loại trái cây giàu vitamin như dâu, cam, táo, chuối… vừa giúp tăng sức đề kháng, vừa có tác dụng bảo vệ làn da.

Phương pháp phòng ngừa Bỏng nắng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh để trẻ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt, có thể thoa kem chống nắng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, không khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 6 tháng.

  • Hạn chế ra đường khi chỉ số UV cao, cần sử dụng kem chống nắng và có thêm các biện pháp bảo vệ cơ học như đeo kính râm, mặc áo quần dài tay, đội mũ rộng vành...

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/reactions-to-sunlight/sunburn

2. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/sunburn

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sunburn/diagnosis-treatment/drc-20355928

4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sunburn/symptoms-causes/syc-20355922

Các bệnh liên quan

  1. Chân tay lạnh

  2. Bạch biến

  3. Hắc lào

  4. Xơ cứng bì

  5. Rám má

  6. Hội chứng người sói

  7. U mềm treo

  8. U mềm lây

  9. Da bọng nước tự miễn Pemphigus

  10. Hăm