Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bướu bã đậu là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bướu bã đậu là khối u màu vàng hoặc trắng trên da, sờ vào có cảm giác mềm, thường vô hại và không gây đau. Bướu bã đậu thường cần phải điều trị mới hết chứ không thể tự khỏi. Tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu những thông tin về bướu bã đậu: Khái niệm, triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bướu bã đậu là gì?

Bướu bã đậu (hay còn gọi là u nang bã nhờn) là một khối u mềm, bên trong chứa protein, màu trắng hoặc vàng, có thể di chuyển dễ dàng dưới da. Bướu bã đậu thường có nguồn gốc từ tuyến bã nhờn, phát triển từ từ và u nổi trên da thường xuất phát từ tuyến bã nhờn. 

Bướu bã đậu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường xuất hiện trên da đầu, mặt, tai, thân, lưng hoặc vùng háng (ngoại trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân). Khi bóp (nặn) bướu bã đậu sẽ thấy có chấm hình tròn và có thể ép dịch (bã nhờn) bên trong ra ngoài. 

Các tuyến bã nhờn có ở khắp cơ thể, đặc biệt là những nơi có lông, do đó bướu bã đậu xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những vị trí có số lượng tuyến bã nhờn nhiều nhất gồm ống tai, bộ phận sinh dục, giữa lưng, cằm và trán. Các tuyến bã nhờn tạo ra một hỗn hợp lipid gọi là bã nhờn bao gồm:

  • Glyceride;
  • Este;
  • Axit béo tự do;
  • Squalene;
  • Cholesterol;
  • Este cholesterol.

Mỗi tuyến bã nhờn tồn tại khoảng một tuần và tiết ra bã nhờn khi phân hủy. Bã nhờn có một số chức năng:

  • Bã nhờn làm giảm sự mất nước từ bề mặt da;
  • Bã nhờn gây ra một số mùi cơ thể;
  • Bã nhờn bảo vệ làn da khỏi bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn và nấm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu bã đậu

Dấu hiệu điển hình của bướu bã đậu là:

  • Có khối u nhỏ dưới da và lồi lên trên bề mặt da;
  • Phát triển chậm dưới da;
  • Bướu bã đậu thường không đau;
  • Thường có một lỗ nhìn thấy được ở giữa gọi là dấu chấm trung tâm;
  • Di chuyển tự do khi chạm vào;
  • Một số u nang bã nhờn giữ nguyên kích thước theo thời gian, trong khi một số khác lại lớn hơn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bướu bã đậu có thể bị viêm và trở nên mềm khi chạm vào, phần da ở vùng u nang có thể sưng, nóng, đỏ, đau khi viêm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bướu bã đậu

Các biến chứng của bướu bã đậu bao gồm:

  • Bướu bã đậu bị viêm: U nang sưng và mềm.
  • Bướu bã đậu bị nhiễm trùng: Gây sưng tấy, đau và đỏ da.
  • Vỡ bướu bã đậu: U nang vỡ ra, gây sưng, đau, đổi màu da và chảy dịch màu vàng (thường có mùi hôi), còn gọi là viêm da - mô mềm.
Bướu bã đậu là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh 1
Bướu bã đậu là khối mềm, nằm dưới da, khi ấn vào có thể di chuyển và thường không gây đau

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bướu bã đậu

Nguyên nhân xuất hiện bướu bã đậu là từ tuyến bã nhờn ở cấu trúc da. Các tuyến bã nhờn trên da sản xuất bã nhờn - đây là dịch nhờn có nhiệm vụ quan trọng như điều chỉnh nhiệt độ, bôi trơn và bảo vệ khỏi các yếu tố môi trường. Nang lông nằm liền kề với tuyến bã nhờn. Khi lỗ chân lông dẫn từ tuyến bã nhờn đến nang lông bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến tích tụ và hình thành u nang bã nhờn. 

Một số lý do khiến tuyến bã nhờn có thể bị tắc nghẽn bao gồm:

  • Chấn thương (vết xước da);
  • Biến chứng phẫu thuật;
  • Mụn;
  • U nang lông;
  • Các rối loạn di truyền như hội chứng Gardner (tình trạng di truyền có liên quan đến u nang da và các loại tăng trưởng khác), hội chứng Gorlin hoặc hội chứng Favre-Racouchot;
  • Nội tiết tố, đặc biệt là nội tiết tố androgen.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bướu bã đậu?

Bướu bã đậu không phải hiếm. Bất cứ ai cũng có thể bị u nang bã nhờn trong đời. Tuy nhiên, một số người có thể dễ mắc các tổn thương da này do di truyền hoặc có một tình trạng khác khiến tình trạng này trở nên phổ biến hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bướu bã đậu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bướu bã đậu, bao gồm:

  • Di truyền;
  • Tổn thương da;
  • Tắc nghẽn nang lông.
Bướu bã đậu là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh 2
Di truyền là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bướu bã đậu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bướu bã đậu

Bướu bã đậu cần phải được chẩn đoán loại trừ với các u nang khác. Một số xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm:

  • Siêu âm để xác định hình thái và dự đoán phần dịch bên trong của bướu bã đậu.
  • Sinh thiết để kiểm tra các dấu hiệu ung thư.
  • Chụp CT để quan sát hình ảnh bướu bã đậu chính xác hơn.

Điều trị bướu bã đậu

Đừng bao giờ cố gắng tự mình làm vỡ và dẫn lưu u nang. Điều đó có thể lây lan nhiễm trùng và u nang có thể phát triển trở lại.

Nội khoa

Nếu bướu bã đậu có dấu hiệu sưng viêm thì có thể dùng thuốc kháng viêm để là giảm triệu chứng. Trong trường hợp bướu bã đậu bị bội nhiễm vi khuẩn thì có thể điều trị bằng kháng sinh.

Ngoại khoa

Thực hiện thủ thuật dẫn lưu dịch bã đậu hoặc phẫu thuật loại bỏ bướu bã đậu là phương pháp ngoại khoa thường dùng để điều trị bướu bã đậu.

Nếu toàn bộ khối bướu bã đậu bị cắt bỏ, bướu có thể sẽ không quay trở lại; nhưng nếu một phần của bướu bã đậu vẫn còn thì u nang có thể sẽ tái phát. Một số phương pháp cụ thể để loại bỏ bướu bã đậu:

  • Cắt bỏ bằng laser.
  • Cắt bỏ thông thường (vết mổ tương đương với kích thước bướu bã đậu).
  • Cắt bỏ tối thiểu (vết mổ có kích thước tối thiểu đủ để lấy lịch bã đậu mà không cần rạch lớn hơn).
Bướu bã đậu là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh 3
Sinh thiết mô ở bướu bã đậu để loại trừ ung thư

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bướu bã đậu

Chế độ sinh hoạt:

  • Bướu bã đậu thường không nguy hiểm, do đó người bệnh không nên quá lo lắng dẫn đến căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe.
  • Luôn vệ sinh sạch sẽ nhẹ nhàng bướu bã đậu, không nên chọc vỡ, hạn chế va chạm để tránh làm vỡ bướu bã đậu, như vậy sẽ dễ nhiễm trùng hơn. Việc cạy, chà xát hoặc ép bướu bã đậu có thể gây tổn thương, làm cho tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn và gây đau nhức, sưng đỏ hoặc bị viêm nặng hơn.
  • Thường xuyên theo dõi kích thước, hình thái, tính chất của bướu bã đậu để phát hiện kịp thời sự tiến triển của bướu.
  • Tái khám định kỳ để được bác sĩ xem xét đánh giá và điều trị bệnh hợp lý.
  • Nếu bướu bã đậu có sưng viêm hoặc bội nhiễm thì nên đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Có thể giảm sưng viêm bằng cách: Chườm ấm, giữ sạch bằng cách rửa thường xuyên bằng xà phòng kháng khuẩn nhẹ, tránh bôi thêm lên bề mặt bướu bằng các sản phẩm mỹ phẩm. Một số biện pháp hỗ trợ tại nhà như dùng giấm táo và lô hội làm giảm sưng viêm nhưng không có nghiên cứu nào xác nhận tính hiệu quả của chúng cho mục đích này.
Bướu bã đậu là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh 5
Không nên tự ý nặn bướu bã đậu mà nên đến cơ sở y tế để được tư vấn hỗ trợ

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Phòng ngừa bướu bã đậu

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tắc nghẽn lỗ chân lông là một trong những nguyên nhân chính gây bướu bã nhờn, do đó nên vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là các vùng da mặt, vùng da dưới cánh tay, vùng háng...
  • Bướu bã nhờn có thể xuất hiện do vết xước trên da hoặc tổn thương da, do đó hạn chế chấn thương để giảm nguy cơ bị bướu bã nhờn.

Các câu hỏi thường gặp về bướu bã đậu

Bướu bã đậu có phổ biến không?

Bướu bã đậu ít phổ biến hơn so với các loại tương tự khác như u nang biểu bì và u nang pilar.

Bướu bã đậu có đau không?

Bướu bã đậu thường không đau nhưng nếu nhiễm trùng thì bướu bã đậu sẽ mềm, đau và đỏ. Dấu hiệu nhiễm trùng là u đỏ và sưng tấy xung quanh hoặc dịch tiết ra từ u nang có mùi hôi. Liên hệ bác sĩ nếu có những triệu chứng như vậy.

Bướu bã đậu có phải là ung thư không?

Bướu bã đậu thường lành tính và hiếm khi trở thành ác tính (ung thư). Bướu bã đậu ảnh hưởng đến ít nhất 20% người trưởng thành và có thể có kích thước từ vài mm đến 5 cm.

Bướu bã đậu có thể là ung thư nếu có bất kỳ đặc điểm nào sau đây:

  • Dấu hiệu nhiễm trùng như đau, tấy đỏ hoặc chảy mủ.
  • Kích thước bướu bã đậu tăng nhanh mặc dù đã từng được loại bỏ, đường kính lớn hơn 5 cm.

Bướu bã đậu có lây nhiễm không?

Bướu bã đậu chỉ xảy ra ở từng người và không lây nhiễm.

Bướu bã đậu thường tồn tại bao lâu?

Bướu bã đậu có thể tự biến mất, tuy nhiên quá trình này có thể kéo dài và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, do đó nên điều trị sớm.

Nguồn tham khảo
  1. Sebaceous Cysts: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14165-sebaceous-cysts
  2. Sebaceous Cyst: Causes, Symptoms, Treatments, and More: https://www.healthline.com/health/sebaceous-cyst
  3. Sebaceous Cysts: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/sebaceous-cysts
  4. What Are Sebaceous Cysts?: https://www.verywellhealth.com/sebaceous-cysts-3520634
  5. What to know about sebaceous cysts: https://www.medicalnewstoday.com/articles/312361 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm da dầu

  2. Bỏng da

  3. Lão hóa da

  4. U sùi thể nấm

  5. Ghẻ

  6. Hói

  7. Chốc lở

  8. Vảy nến

  9. Gàu

  10. Bỏng nắng