Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chít hẹp cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chít hẹp cổ tử cung, hay hẹp cổ tử cung là tình trạng cổ tử cung bị thu hẹp hoặc tắc lại. Chít hẹp cổ tử cung có thể không có triệu chứng, đôi khi có thể gây thống kinh (đau bụng kinh) hoặc hiếm khi gây vô sinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chít hẹp cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là cửa nối giữa âm đạo và tử cung của bạn, nó là phần cuối cùng của tử cung và nằm trên cùng của âm đạo. Cổ tử cung có dạng hình tròn và có một lỗ nhỏ ở giữa.

Cổ tử cung có thể đóng hoặc mở tùy thuộc vào từng giai đoạn khác nhau. Ví dụ như trước một chu kỳ kinh nguyệt, trong trường hợp có thai, cổ tử cung có thể thu hẹp và chuẩn bị đóng lại; hoặc trong trường hợp không có thai, cổ tử cung có thể giãn ra, lỗ tử cung sẽ mở để niêm mạc tử cung (kinh nguyệt) có thể dễ dàng thoát ra ngoài.

Không có sự đồng thuận về định nghĩa chít hẹp cổ tử cung. Nhưng chít hẹp cổ tử cung có thể được hiểu là tình trạng cổ tử cung hẹp, hoặc tắc hoàn toàn, đòi hỏi phải có các thao tác đặc biệt để đưa ống soi tử cung vào buồng tử cung.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chít hẹp cổ tử cung

Chít hẹp cổ tử cung thường không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm:

Phụ nữ sau mãn kinh mắc chít hẹp cổ tử cung có thể không có triệu chứng trong thời gian dài.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh chít hẹp cổ tử cung

Chít hẹp cổ tử cung có thể là một phần (hẹp) hoàn toàn bộ (tắc), từ đó có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Ứ đọng máu trong tử cung, gây đau vùng chậu hoặc đau bụng kinh.
  • Ở phụ nữ tiền mãn kinh, máu kinh chảy ngược vào vùng chậu, có thể gây lạc nội mạc tử cung.
  • Tích tụ mủ trong tử cung, đặc biệt ở phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung.
  • Mặc dù hiếm nhưng chít hẹp cổ tử cung có thể gây vô sinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường, chít hẹp cổ tử cung sẽ không có triệu chứng, tuy nhiên, nếu bạn gặp các triệu chứng như vô kinh, vô sinh, đau bụng kinh hay xuất huyết tử cung bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

Chít hẹp cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Đau bụng kinh có thể là triệu chứng của chít hẹp cổ tử cung

Các triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu của chít hẹp cổ tử cung, cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng khác, điều quan trọng là bạn cần được chẩn đoán chính xác tình trạng của mình.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chít hẹp cổ tử cung

Chít hẹp cổ tử cung xảy ra do sự dính vào thành trong của ống cổ tử cung, khiến nó bị thu hẹp, biến dạng hoặc tắc hoàn toàn.

Chít hẹp cổ tử cung có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải, đối với hẹp cổ tử cung mắc phải, các nguyên nhân phổ biến thường bao gồm:

  • Quá trình teo hoặc loạn dưỡng estrogen sau mãn kinh;
  • Phẫu thuật cổ tử cung (ví dụ như khoét chóp, đốt điện);
  • Phẫu thuật loại bỏ nội mạc tử cung để điều trị các bất thường ở tử cung gây rong kinh;
  • Ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung;
  • U xơ tử cung lớn ở cổ tử cung;
  • Nhiễm trùng âm đạo;
  • Xạ trị.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải chít hẹp cổ tử cung?

Mọi phụ nữ đều có khả năng mắc phải chít hẹp cổ tử cung. Tỷ lệ thực sự của chít hẹp cổ tử cung không thể ước tính được vì hầu hết người bệnh không có triệu chứng và tình trạng này chỉ được chẩn đoán ở những người có nội soi tử cung. Một nghiên cứu gồm hơn 31 nghìn kết quả nội soi cho thấy chít hẹp cổ tử cung xuất hiện ở 32,7% phụ nữ, trong đó với khoảng 70% ở độ tuổi mãn kinh và khoảng 30% ở độ tuổi sinh sản.

Chít hẹp cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Khoảng 70% trường hợp chít hẹp cổ tử cung xảy ra ở tuổi mãn kinh

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chít hẹp cổ tử cung

Như đã đề cập ở phần nguyên nhân, có nhiều yếu tố có thể khiến bạn mắc phải chít hẹp cổ tử cung, bao gồm tuổi mãn kinh, thủ thuật tại cổ tử cung và tử cung hoặc mắc các bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm trùng âm đạo, ung thư cổ tử cung hay ung thư nội mạc tử cung.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chít hẹp cổ tử cung

Cho đến nay, nội soi tử cung là kỹ thuật tiêu chuẩn vàng để đánh giá và quản lý các bệnh trong tử cung. Sự hiện diện của chít hẹp cổ tử cung được phát hiện khi ống soi khó khăn hoặc không thể đi qua cổ tử cung để vào buồng tử cung. Do đó, thực tế chít hẹp cổ tử cung thường vô tình được chẩn đoán khi bác sĩ khám và nội soi tử cung để chẩn đoán một bệnh lý khác.

Chẩn đoán hẹp hoàn toàn được xác định vào việc đầu dò với đường kính khoảng 1mm đến 2mm không thể đưa được vào buồng tử cung.

Đối với phụ nữ sau mãn kinh không có tiền sử xét nghiệm Pap bất thường và đối với phụ nữ không có triệu chứng hoặc không có bất thường ở tử cung thì không cần đánh giá thêm.

Nếu chít hẹp cổ tử cung gây ra các triệu chứng bất thường (ứ đọng máu, ứ đọng mủ), sinh thiết nội mạc tử cung và tế bào học cổ tử cung nên được thực hiện để loại trừ ung thư.

Chít hẹp cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Trong một số trường hợp nghi ngờ, cần phải loại trừ ung thư ở người có chít hẹp cổ tử cung

Điều trị chít hẹp cổ tử cung

Mục tiêu điều trị nội khoa và phẫu thuật (ngoại khoa) đối với chít hẹp cổ tử cung là khôi phục lại sự thông suốt của ống cổ tử cung. Điều trị chít hẹp cổ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tuổi tác, mong muốn mang thai và các triệu chứng của bạn. Nếu bạn không có kế hoạch mang thai và không có triệu chứng, bạn có thể không cần phải điều trị. Chỉ định điều trị khi chít hẹp cổ tử cung có triệu chứng, biến chứng như ứ đọng máu, tụ mủ tử cung.

Nội khoa

Điều trị nội khoa (không phẫu thuật) bao gồm:

  • Laminaria: Chúng hoạt động như một chất giúp giãn nở cổ tử cung, hiệu quả tối đa trong 24 giờ, tuy nhiên Laminaria có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh.
  • Misoprostol: Hoạt động tương tự như prostaglandin E2 giúp giãn cổ tử cung thông qua tác dụng trung gian estrogen trên cổ tử cung. Có thể dùng đường uống, ngậm dưới lưỡi hoặc đặt âm đạo.
  • Khác: Mifepriston và Dinoprostone có thể được sử dụng, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy kết quả trái ngược về tác dụng của chúng.

Ngoại khoa

Điều trị phẫu thuật bao gồm:

  • Nong cổ tử cung: Đây là một lựa chọn điều trị cơ học, sử dụng dụng cụ giúp giãn cổ tử cung. Tuy nhiên phương pháp này có nguy cơ gây ra một số biến chứng như tạo đường rò hoặc thủng tử cung.
  • Nội soi buồng tử cung: Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, là phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn vàng để quản lý bệnh nhân chít hẹp cổ tử cung.
Chít hẹp cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nội soi buồng tử cung là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán và điều trị chít hẹp cổ tử cung

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của chít hẹp cổ tử cung

Không có một chế độ sinh hoạt hoặc chế độ dinh dưỡng cụ thể nào cho tình trạng chít hẹp cổ tử cung. Để hạn chế diễn tiến của tình trạng này, điều quan trọng là bạn cần được chẩn đoán và điều trị (nếu có chỉ định). Các việc bạn có thể thực hiện bao gồm:

  • Tuân thủ điều trị và đến tái khám đúng hẹn để được theo dõi tình trạng bệnh.
  • Theo dõi các triệu chứng của mình (ví dụ như xuất huyết tử cung bất thường, đau bụng kinh, vô kinh) để đến khám bác sĩ và có cách điều trị phù hợp.
  • Hỏi bác sĩ về các triệu chứng cũng như biến chứng cần theo dõi đối với mỗi phương pháp điều trị khác nhau để có thể tự theo dõi và liên hệ bác sĩ khi cần.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất để đảm bảo sức khỏe chung của bạn.

Phòng ngừa chít hẹp cổ tử cung

Hẹp cổ tử cung có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ mãn kinh và chưa sinh con, trong trường hợp này rất khó để phòng ngừa. Thay vào đó, các chiến lược khác nhau đã được đề xuất để ngăn ngừa tái phát dính cổ tử cung sau phẫu thuật, chẳng hạn như khoét chóp cổ tử cung.

Một nghiên cứu của Luesley và cộng sự đã mô tả một phương pháp mới liên quan đến đặt stent cổ tử cung, được khâu ngay sau khi phẫu thuật và để yên trong 2 tuần để ngăn ngừa hẹp cổ tử cung.

Hiệu quả của dụng cụ tử cung giải phóng Levonorgestrel (LNG-IUD) trong việc ngăn ngừa hẹp cổ tử cung cũng đã được đánh giá, có thể có hiệu quả ở phụ nữ đau bụng kinh và hẹp cổ tử cung do tác dụng nội tiết tố.

Các câu hỏi thường gặp về chít hẹp cổ tử cung

Bị chít hẹp cổ tử cung có thể dẫn đến vô sinh không?

Có thể, tình trạng cổ tử cung bị chít hẹp có thể ngăn chặn đường đi của tinh trùng vào tử cung và buồng trứng, từ đó có thể dẫn đến vô sinh.

Chít hẹp cổ tử cung tại sao lại dẫn đến vô kinh?

Trong trường hợp cổ tử cung bị hẹp quá mức hoặc tắc hoàn toàn, bạn vẫn có kinh nguyệt, tuy nhiên máu sẽ bị ứ đọng lại trong tử cung thay vì thoát ra ngoài, do đó dẫn đến tình trạng vô kinh.

Chít hẹp cổ tử cung có nguy cơ ung thư cổ tử cung hay không?

Chít hẹp cổ tử cung không gây ung thư, tuy nhiên, tình trạng chít hẹp có thể là dấu hiệu thứ phát của ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung. Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ kiểm tra để loại trừ ung thư trước khi chẩn đoán và điều trị chít hẹp cổ tử cung.

Tôi bị chít hẹp cổ tử cung thì có cần điều trị không?

Bạn có thể không cần điều trị nếu không có triệu chứng và không có các bất thường ở tử cung.

Tôi cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán chít hẹp cổ tử cung?

Thông thường, chít hẹp cổ tử cung được chẩn đoán dựa trên khám âm đạo (bằng mỏ vịt) và nội soi buồng tử cung. Trong trường hợp nghi ngờ các nguyên nhân ác tính, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết và xét nghiệm tế bào học để chẩn đoán.

Nguồn tham khảo
  1. Cervical Stenosis: https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/miscellaneous-gynecologic-disorders/cervical-stenosis
  2. Uterine cervical stenosis: from classification to advances in management. Overcoming the obstacles to access the uterine cavity: https://link.springer.com/article/10.1007/s00404-023-07126-1
  3. Recurrent Cervical Stenosis – a Troublesome Clinical Entity: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3282328/
  4. Cervical Stenosis: https://med.virginia.edu/neurosurgery/services/spine-surgery/cervical-stenosis/
  5. Why Is My Cervix Closed If I’m Not Pregnant?: https://www.healthline.com/health/closed-cervix 

Các bệnh liên quan

  1. Tinh hoàn ẩn

  2. Rối loạn xuất tinh

  3. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

  4. Polyp tử cung

  5. Vô kinh

  6. Vô sinh thứ phát

  7. Loạn sản cổ tử cung

  8. Không có âm đạo

  9. Tinh hoàn lạc chỗ

  10. Giang mai