Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đa u tủy xương có thể điều trị khỏi hay không?

Ngày 11/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đa u tủy xương xảy ra khi tế bào plasma hay tương bào bị biến đổi trở thành các tế bào bất thường và nhân lên tạo ra các kháng thể bất thường. Sự thay đổi này gây ra một loạt các vấn đề và tình trạng y tế ảnh hưởng đến xương, thận và khả năng tạo máu. Mặc dù bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng cũng như làm chậm tiến triển của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đa u tủy xương là gì?

Đa u tủy xương là một bệnh ung thư máu hiếm gặp ảnh hưởng đến các tế bào plasma (hay tương bào) - một loại tế bào bạch cầu và là một phần của hệ miễn dịch của bạn. Tế bào plasma (còn được gọi là tế bào lympho B) là tế bào tạo ra kháng thể. Các kháng thể này được gọi với tên khác là globulin miễn dịch giúp tiêu diệt sinh vật gây nhiễm trùng.

Bệnh đa u tủy xương xảy ra khi các tế bào plasma bình thường biến đổi thành tế bào bất thường, sau đó tăng sinh bằng cách nhân lên và tạo ra các kháng thể bất thường gọi là protein M. Sự thay đổi này gây ra một loạt các vấn đề và tình trạng y tế ảnh hưởng đến xương, thận, và chức năng tạo hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu của cơ thể.

Bệnh đa u tủy xương rất hiếm gặp, bệnh xảy ra trên khoảng 7/100.000 người mỗi năm. Tại Hoa Kỳ ước tính có khoảng 100.000 người mắc bệnh đa u tủy xương. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Đa u tủy xương

Đa u tủy gây ra nhiều triệu chứng tuy nhiên triệu chứng đầu tiên thường gặp là đau xương. Các triệu chứng khác gồm:

  • Yếu tay chân và/hoặc cảm giác tê ở cánh tay và chân. Bệnh đa u tủy xương có thể ảnh hưởng đến cột sống, khiến chúng bị xẹp và chèn lên tủy sống.
  • Mệt mỏi: Bạn cảm thấy mệt đến mức không thể thực hiện được các hoạt động hàng ngày.
  • Buồn nôn và nôn: Đây có thể là dấu hiệu của tăng canxi.
  • Không thèm ăn và/hoặc cảm thấy khát hơn bình thường.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Sốt không rõ nguyên nhân: Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn.
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu hơn: Là dấu hiệu của giảm tiểu cầu.
  • Sương mù não.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Đa u tủy xương

Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy họ mắc các bệnh lý có thể do bệnh đa u tủy. Ví dụ chọc hút tủy xương hoặc sinh thiết tủy xương có thể cho thấy tế bào plasma bất thường và đột biến gen, điều này có thể là bạn đang mắc đa u tủy xương tiềm tàng - là đa u tủy xương giai đoạn sớm. 

Tương tự, xét nghiệm máu và nước tiểu có thể thấy các protein được tạo ra bởi các tế bào plasma bất thường, còn gọi là Gammopathy thể đơn dòng không xác định.

Các triệu chứng đa u tủy xương tiến triển theo thời gian và có thể giống với các tình trạng bệnh lý khác. Bao gồm:

  • Thiếu máu: Bạn không đủ hồng cầu vì các tế bào plasma bất thường nhân lên không có chỗ cho hồng cầu.
  • Nhiễm trùng: Các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bao gồm suy giảm chức năng tế bào lympho, ức chế chức năng tế bào plasma bình thường, hạ đường huyết và giảm bạch cầu do hóa trị. Nhiễm trùng thường gặp là viêm phổi và nhiễm trùng đường niệu.
  • Giảm tiểu cầu: Tiểu cầu giảm do các tế bào plasma bất thường nhân lên lấn át tiểu cầu và khiến tủy xương của bạn không tạo ra đủ tiểu cầu.
  • Đau xương và gãy xương: Đau xương và/hoặc gãy xương có thể xảy ra nếu các tế bào plasma bất thường phá hủy mô xương gây ra những điểm yếu dễ gãy trên xương.
  • Suy thận: Thận là cơ quan lọc chất độc, các tế bào plasma bất thường tạo ra protein M ngăn chặn quá trình lọc và làm tổn thương thận của bạn. Tổn thương thận có thể cấp tính hoặc mạn tính.
  • Thoái dạng bột (Amyloidosis): Xảy ra do các protein bất thường tích tụ trong các cơ quan.
  • Tăng canxi máu: Do xương bị tổn thương giải phóng quá nhiều canxi vào máu. Các biểu hiện của tăng canxi gồm chán ăn, mệt mỏi, táo bón, khát nhiều, tiểu nhiều, lú lẫn.
  • Hội chứng tăng độ nhớt máu: Protein M được tạo ra bởi tế bào plasma bất thường làm cô đặc máu của bạn khiến tim bạn phải hoạt động nhiều hơn để có thể bơm máu đi khắp cơ thể. Biểu hiện gồm chảy máu miệng, mờ mắt, xuất huyết võng mạc, co giật, lú lẫn, khó thở và suy tim.
  • Cryoglobulin máu: Đa u tủy xương có thể làm cho các protein máu kết tụ lại với nhau khi trời lạnh.
  • Tăng nguy cơ huyết khối: Là biến chứng ít gặp hơn, có thể thứ phát do bệnh kèm theo của bạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng nào đã nêu ở trên, hãy đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán cũng như điều trị sớm. 

ĐA U TỦY XƯƠNG 4.png
Gãy xương có thể xảy ra nếu các tế bào plasma bất thường phá hủy mô xương

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Đa u tủy xương

Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn hoàn toàn về nguyên nhân gây ra bệnh đa u tủy xương. Một số nguyên nhân tiềm ẩn:

  • Đột biến gen: Mối liên hệ giữa đột biến gen hoặc thay đổi gen gây ung thư với bệnh đa u tủy đang được nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hầu hết những người mắc bệnh đa u tủy bị mất toàn bộ một nhiễm sắc thể nhất định.
  • Yếu tố môi trường: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa bệnh đa u tủy với tiếp xúc bức xạ hoặc hóa chất trong thuốc trừ sâu, phân bón hoặc chất độc màu da cam.
  • Tình trạng viêm nhiễm như bệnh tim, đái tháo đường tuýp 2 và viêm khớp dạng thấp.
  • Béo phì.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Đa u tủy xương?

Bệnh đa u tủy xương ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Bệnh ảnh hưởng đến người da đen nhiều gấp đôi so với những chủng tộc khác. Hầu hết những người mắc bệnh đa u tủy xương được chẩn đoán ở độ tuổi từ 40 đến 70, độ tuổi chẩn đoán trung bình là từ 65 đến 74.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Đa u tủy xương

Bạn có nguy cơ mắc bệnh đa u tủy xương nếu bạn có:

  • Giới: Bệnh thường xảy ra ở nam giới;
  • Tuổi: Đa phần các trường hợp được chẩn đoán bệnh là từ 65 tuổi trở lên;
  • Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi;
  • Di truyền: Một số trường hợp bệnh đa u tủy được thấy có liên quan đến di truyền;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Tiếp xúc với bức xạ;
  • Làm việc trong ngành dầu khí.
ĐA U TỦY XƯƠNG 5.png
Tiếp xúc với các yếu tố độc hại làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Đa u tủy xương

Thăm khám lâm sàng

Để chẩn đoán bệnh đa u tủy xương, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử về các triệu chứng bệnh, tiền sử bệnh của bạn và gia đình cũng như khám lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán. Dựa trên bệnh sử, khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ phân loại giai đoạn bệnh ung thư của bạn.

Xét nghiệm

Bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm nước tiểu để xác nhận bạn có mắc bệnh đa u tủy xương hay không. Nếu có thì bệnh đang ở giai đoạn nào.

  • Công thức máu toàn phần: Đo số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, lượng huyết sắc tố trong hồng cầu.
  • Xét nghiệm sinh hóa như chức năng thận (creatinin, ure), nồng độ albumin, nồng độ canxi và nồng độ LDH (lactic dehydrogenase).
  • ĐỊnh lượng globulin miễn dịch: Nhằm đo mức độ kháng thể trong máu.
  • Điện di: Nhằm tìm kiếm protein M trong máu bạn.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Nước tiểu được thu thập trong 24 giờ sau đó được mang đi định lượng Bence Jones protein - một dấu hiệu khác của bệnh đa u tủy.
  • X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Nhằm tìm vị trí xương bị tổn thương do đa u tủy xương gây ra.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Tạo ra hình ảnh chi tiết về cột sống. Ngoài ra xét nghiệm còn giúp tìm kiếm u tương bào - là nhóm tế bào plasma bất thường.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): Là một xét nghiệm giúp phát hiện u tương bào.
  • Sinh thiết tủy xương: Để phân tích tỷ lệ tế bào plasma bình thường và bất thường trong tủy xương. Ngoài ra xét nghiệm còn có thể tìm ra những thay đổi DNA thúc đẩy sự phát triển của ung thư. 
ĐA U TỦY XƯƠNG 6.png
Sinh thiết tủy xương

Phân giai đoạn

Khi bạn được xác định mắc bệnh đa u tủy xương, bác sĩ sẽ phân giai đoạn nhằm đánh giá mức độ tiến triển bệnh để lên kế hoạch điều trị và tiên lượng cho điều trị. 

Hai hệ thống phân loại chính được sử dụng hiện nay gồm Hệ thống phân chia giai đoạn theo Durie-Salmon và Hệ thống phân giai đoạn Quốc tế sửa đổi (R-ISS). Cả hai phân loại này đều chia bệnh thành ba giai đoạn với giai đoạn ba là nghiêm trọng nhất.

Phương pháp điều trị bệnh Đa u tủy xương

Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị bệnh đa u tủy xương dựa vào triệu chứng và mức độ bệnh của bạn. Phương pháp điều trị có thể thay đổi nếu bệnh tiến triển.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Thuốc trị liệu nhằm mục tiêu ngăn chặn tế bào phát triển bằng cách phá hủy protein khiến tế bào ung thư chết. Các loại thuốc được sử dụng hiện nay gồm bortezomib, carfilzomib được sử dụng bằng cách truyền tĩnh mạch.

Liệu pháp sinh học

Thuốc kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn tấn công các tế bào u tủy. Thalidomide, lenalidomide hoặc pomalidomide thường được sử dụng hiện nay.

Hóa trị

Là một phương pháp điều trị giúp tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh. Thuốc hóa trị thường được sử dụng liều lượng cao, đặc biệt trước khi ghép tế bào gốc.

Corticosteroid

Corticosteroid như prednisone và dexamethasone, thường được sử dụng để điều trị u tủy. Chúng giúp giảm tình trạng viêm giúp cân bằng hệ miễn dịch từ đó tiêu diệt tế bào u.

Xạ trị

Nhằm tổn thương các tế bào u tủy và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Thường được sử dụng để tiêu diệt các tế bào u tủy ở một khu vực nhất định của cơ thể.

Cấy ghép tế bào gốc

Là phương pháp thay thế tủy xương bị bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh. Tủy khỏe mạnh này được lấy từ tế bào gốc của người hiến tặng hoặc tế bào gốc của chính bạn. Sau cấy ghép, bạn sẽ được điều trị tiếp tục với xạ trị hoặc hóa trị.

Các phương pháp điều trị không thể giúp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh u tủy xương nhưng chúng giúp điều trị và quản lý tốt các triệu chứng của bạn. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Đa u tủy xương

Các thay đổi lối sống không giúp bạn chữa khỏi bệnh đa u tủy. Tuy nhiên chúng sẽ giúp tăng cường sức khỏe chung và giảm tác động của bệnh đến chất lượng sống của bạn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đầy đủ;
  • Tập thể dục với cường độ thấp như đi bộ hoặc yoga;
  • Tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng;
  • Duy trì cân nặng ổn định;
  • Không hút thuốc lá;
  • Bảo vệ bản thân tránh tình trạng nhiễm trùng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn các thực phẩm lành mạnh;
  • Chia nhỏ thành 5 - 6 bữa trong ngày;
  • Ăn nhạt hoặc bổ sung sữa chua để giảm nguy cơ buồn nôn;
  • Bổ sung thực phẩm giàu protein như trứng, cá hoặc các loại hạt;
  • Bổ sung đầy đủ nước;
  • Hạn chế đồ ngọt, đường và rượu bia;
  • Tăng cường bổ sung rau củ quả và trái cây.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Đa u tủy xương hiệu quả

Không có phương pháp phòng ngừa được bệnh đa u tủy. Khám sức khỏe định kỳ và chú ý đến các biểu hiện bất thường của cơ thể nhằm phát hiện sớm bệnh là quan trọng nhất.

ĐA U TỦY XƯƠNG 7.png
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm dấu hiệu bất thường
Nguồn tham khảo
  1. Multiple Myeloma: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534764/
  2. What Is Multiple Myeloma?: https://www.healthline.com/health/multiple-myeloma
  3. What's to know about multiple myeloma?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/161727
  4. Multiple Myeloma: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6178-multiple-myeloma 
  5. Multiple myeloma - Symptoms and causes - Mayo Clinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/multiple-myeloma/symptoms-causes/

Các bệnh liên quan

  1. Viêm mũi cấp tính

  2. Hở van tim

  3. Sán dây bò

  4. Xơ gan cổ trướng

  5. Teo thùy não

  6. Bướu sợi tuyến Birads 2

  7. Viêm gan tự miễn

  8. Phù bạch huyết cánh tay

  9. Hội chứng Mallory-Weiss

  10. Teo não