Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư họng là gì: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư họng là một trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nước ta, đứng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu - mặt - cổ. Đây là một căn bệnh ác tính, có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư họng là gì?

Họng (hay còn gọi là hầu) là một cấu trúc hình ống ở vùng đầu và cổ, bắt đầu ở sống mũi và kết thúc ở thanh quản. Thức ăn được truyền từ miệng xuống dạ dày qua ống này. Không khí cũng được vận chuyển theo cách này từ mũi đến miệng rồi đến phổi. Để ngăn thức ăn đi vào phổi, một cấu trúc gọi là nắp thanh quản tạm thời đóng đường thở khi thức ăn được nhai hoặc nuốt.

Ung thư họng hay ung thư vòm họng là một loại ung thư phổ biến và nguy hiểm, xuất phát từ các tế bào bất thường trong vùng họng của người bệnh. Bệnh thường có các triệu chứng về mũi họng và dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp. Vì vậy, người bệnh thường chủ quan và thường trì hoãn việc đi khám. Ung thư vòm họng là bệnh tương đối phổ biến ở Việt Nam, chiếm khoảng 3% tổng số bệnh nhân ung thư được chẩn đoán mỗi năm. Trong số này có tới 70% bệnh nhân ung thư đã ở giai đoạn cuối và rất khó điều trị. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư họng

Triệu chứng của ung thư vòm họng có thể không rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng khi căn bệnh tiến triển, những dấu hiệu sau có thể xuất hiện:

  • Mất thính lực, đau, ù tai hoặc đầy tai (đặc biệt là ở một bên).
  • Nhiễm trùng tai tái phát liên tục.
  • Nghẹt mũi kéo dài.
  • Chảy máu cam thường xuyên.
  • Viêm họng kéo dài không chữa lành.
  • Cảm thấy khó khăn khi ăn hoặc uống.
  • Sự thay đổi trong giọng nói hoặc vấn đề về tiếng nói.
  • Sưng hạch bất thường ở cổ.
  • Đau và khó chịu ở vùng cổ và họng.

Ung thư vòm họng thường có triệu chứng hạch di căn đến cổ. Một triệu chứng phổ biến khác là mất thính giác. Nó thường do đường mũi bị tắc dẫn đến tai giữa ẩm ướt. Các triệu chứng khác bao gồm đau tai, chảy máu cam và liệt dây thần kinh sọ. 

Ung thư họng là gì: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 2
Chảy máu cam thường xuyên là một dấu hiệu hay gặp ở người bệnh ung thư vòm họng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh không nên đợi xuất hiện tất cả các triệu chứng trên rồi mới đến bệnh viện. Nếu các triệu chứng tai mũi họng kéo dài và không cải thiện khi điều trị thông thường, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ tai mũi họng thăm khám và làm xét nghiệm. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư họng

Hiện nay, các nhà khoa học hiện vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra loại ung thư này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị nhiễm virus Epstein - Barr (virus EBV) có nguy cơ mắc ung thư họng cao hơn.

Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết nhưng những người uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm lên men như dưa chua sẽ dễ mắc loại ung thư nguy hiểm này. Bệnh ung thư vòm họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 60. 

Nguy cơ

Có nhiều yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích: Thuốc lá và các sản phẩm duy nhất có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng đáng kể. Việc hút thuốc qua ống nước, cũng như sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá không khói, cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Uống rượu nhiều: Tiêu thụ quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này.
  • Nhiễm virus EBV hoặc HPV: Theo nhiều nghiên cứu, nhiễm virus EBV và HPV có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi.
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Các ngành công nghiệp như chế tạo kim loại, nhà máy xi măng, luyện kim, nghề hàn và nấu ăn là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao mắc ung thư họng.
Ung thư họng là gì: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 4
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư họng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư họng

Khi đi khám bệnh, người bệnh nên trình bày rõ ràng các triệu chứng của mình để bác sĩ chẩn đoán và kê đơn điều trị dễ dàng hơn. Các bác sĩ sẽ khám từ đầu đến cổ để kiểm tra các hạch bạch huyết. Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu mở miệng và kiểm tra các cơ quan bên trong miệng, chẳng hạn như lưỡi và vòm họng. Sau khi đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các xét nghiệm sau:

  • Nội soi họng: Dụng cụ nội soi đặc biệt này được sử dụng để phát hiện những bất thường ở mũi họng. Sự mở rộng khối u thường làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh và gây sưng tấy. Nội soi họng giúp xác định vị trí, kích thước khối u.
  • Chụp X quang: Hình ảnh chụp X quang có thể được sử dụng để xác định chi tiết của khối u, chẳng hạn như kích thước, hình dạng và mức độ tổn thương mô mềm. Ngoài ra, có thể chụp cắt lớp vi tính, siêu âm để xác định chính xác hơn. 

Phương pháp điều trị hiệu quả ung thư họng

Các phác đồ điều trị phù hợp sẽ được bác sĩ đưa ra tùy vào giai đoạn của bệnh. Xạ trị và hóa trị hiện là phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến nhất. Bệnh nhân nên được cung cấp một chế độ ăn lỏng dễ nuốt và bổ dưỡng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh ung thư này:

Phẫu thuật

Do những rủi ro liên quan đến phẫu thuật vòm họng, nó thường không được sử dụng cho bệnh ung thư vòm họng. Phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết ung thư ở cổ thường là cần thiết nhất, nhưng đôi khi các khối u ở vùng hầu họng cũng được loại bỏ.

Chiếu xạ (xạ trị)

Xạ trị là một phương pháp sử dụng tia X hoặc tia gamma để tiêu diệt hoặc kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư. Điều này có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại hoặc giảm kích thước khối u.

Hóa trị

Hóa trị sử dụng các chất hoá học đặc biệt để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Nó có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật hoặc kết hợp với xạ trị để tăng cường hiệu quả điều trị.

  • Hóa trị kết hợp với xạ trị: Việc kết hợp hóa trị và xạ trị có thể làm tăng hiệu quả của xạ trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của cả hai phương pháp điều trị có thể vượt quá sức chịu đựng của nhiều bệnh nhân.
  • Hóa trị sau xạ trị: Hóa trị sau xạ trị được thực hiện với mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại trong cơ thể, bao gồm cả các tế bào ung thư đã di căn. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc nhiều vào khả năng chịu đựng của người bệnh. Một số người không thể chịu đựng được tác dụng phụ của điều trị và phải ngưng hoặc thay đổi liệu pháp.
  • Hóa trị trước xạ trị: Hóa trị được đưa ra điều trị trước khi xạ trị đơn thuần hoặc trước khi điều trị kết hợp. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn cần nghiên cứu tiếp để xác định chính xác những lợi ích và rủi ro cho người bệnh.
Ung thư họng là gì: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 6
Hóa trị sử dụng các chất hoá học để tiêu diệt các tế bào ung thư

Một số phương pháp khác

Một số bệnh nhân chọn sử dụng các phương pháp bổ trợ như thảo dược, y học cổ truyền hoặc liệu pháp thay thế để hỗ trợ trong quá trình điều trị ung thư vòm họng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Sau xạ trị hoặc hóa trị, người bệnh nên tập há miệng và xoa bóp vùng họng thường xuyên để giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị trên. Theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ năm 2010, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi phát hiện ung thư vòm họng là 72% ở giai đoạn 1, 64% ở giai đoạn 2, 62% ở giai đoạn 3 và 38% ở giai đoạn 4. Tuy nhiên, khả năng sống sót có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng thể chất và tinh thần của bệnh nhân.

Quá trình điều trị ung thư họng thường phức tạp và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp. Quan trọng nhất là tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế có kinh nghiệm để có phương án điều trị phù hợp và tối ưu nhất cho từng trường hợp cụ thể.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn phòng ngừa diễn tiến của ung thư họng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan, tránh stress. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
  • Tập luyện thể dục thể thao hợp lý hàng ngày để tăng cường sức khỏe chống lại bệnh tật.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
  • Hạn chế ăn thực phẩm tẩm nhiều muối hoặc thức ăn đã lên men.
  • Ưu tiên ăn các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa để chống lại tế bào ung thư như cà rốt, chuối, củ cải,…

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp nào phòng ngừa tuyệt đối bệnh ung thư họng. Một số biện pháp phòng ngừa ung thư họng mà người bệnh có thể áp dụng:

  • Từ bỏ hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích: Đây là biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Hạn chế uống rượu: Nếu uống rượu, hãy thực hiện với mức độ vừa phải và tuân thủ hướng dẫn y tế.
  • Tiêm phòng HPV: Dựa vào hướng dẫn của các chuyên gia y tế, tiêm phòng HPV có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư họng.
  • Bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với hóa chất độc hại: Nếu bạn phải làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại, hãy đảm bảo luôn sử dụng đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cần thiết.
  • Lối sống lành mạnh: Không ăn mặn, thức ăn nhiều muối như thịt ướp muối, cá muối, thực phẩm lên men như dưa chuột, cà muối. Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Tầm soát ung thư vòm họng bằng khám sức khỏe định kỳ và nội soi tai mũi họng 6 tháng/lần, đặc biệt nếu có yếu tố nguy cơ. Nó giúp phát hiện các vòng cung của các tổn thương dạng khối tại chỗ có hình dạng điển hình như mụn cóc, loét, thâm nhiễm hoặc sự kết hợp của các tổn thương này. Điều này giúp phát hiện sớm ung thư khi tổn thương còn nhỏ và bệnh nhân chưa có triệu chứng.
Ung thư họng là gì: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 7
Không sử dụng rượu bia thuốc lá là biện pháp quan trọng để phòng ngừa bệnh
Nguồn tham khảo
  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558922/
  2. https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/about/what-is-nasopharyngeal-cancer.html
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nasopharyngeal-carcinoma/symptoms-causes/syc-20375529

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư tim

  2. Ung thư răng

  3. Ung thư ruột

  4. Ung thư Amidan khẩu cái

  5. U xơ tuyến tiền liệt

  6. Ung thư nướu răng

  7. Ung thư buồng trứng giai đoạn IV

  8. Ung thư máu

  9. U sùi thể nấm

  10. Ung thư mũi