Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư hạ họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư hạ họng là khối u ác tính xuất phát từ niêm mạc che phủ hạ họng. Trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh ung thư hạ họng tăng đáng kể hàng năm. Bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn (III, IV) nên dễ gặp các biến chứng nặng nề.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư hạ họng là gì? 

Ung thư vùng hạ họng – thanh quản là bệnh ác tính có tổn thương xuất phát từ lớp biểu mô vảy của niêm mạc bao phủ hạ họng – thanh quản. Ở giai đoạn sớm, tổn thương khu trú ở một vị trí, sang giai đoạn muộn có thể xâm lấn từ hạ họng xuống thanh quản hoặc ngược lại, khó phân định vị trí xuất phát điểm. Mô bệnh học của hai vị trí này chủ yếu là ung thư biểu mô tế bào vảy.

Hiện nay, ung thư hạ họng chiếm khoảng 5 – 6% trong tổng số các loại ung thư nói chung, đứng thứ hai trong các ung thư vùng đầu cổ, sau ung thư vòm.

Ở Pháp ung thư hạ họng chiếm khoảng 12,15% trong tổng số các ung thư của đường ăn, đường thở trên và chiếm 1% trong tổng số các loại ung thư. Ở Mỹ ung thư hạ họng chiếm khoảng 5 – 10% trong tổng số các ung thư đường tiêu hóa trên, khoảng 0,5% trong tổng số các khối u ác tính, khoảng 24% các trường hợp vùng hạ họng, thanh quản, hàng năm số ca mắc mới là 1,22/100.000 nam giới. Ở Anh, số ca mắc mới là 1/100.000 nam giới. 

Ung thư hạ họng gồm các loại sau đây:

  • Ung thư xoang lê chiếm tỷ lệ lớn trong ung thư hạ họng. Ung thư lan ra phía trước liên quan tới nếp phễu nắp và các sụn phễu: Xâm lấn cạnh thanh môn, khoang trước nắp thanh quản. 

  • Ung thư vùng sau nhẫn phễu: Phát sinh từ mặt sau niêm mạc vùng bao phủ sụn phễu, các cơ liên phễu và mặt sụn nhẫn. Lan theo chu vi tới sụn nhẫn hoặc đến thanh quản, xoang lê, thành sau họng, miệng thực quản, thực quản, khí quản.

  • Ung thư thành sau họng: Phát sinh từ mặt sau niêm mạc của thành sau họng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hạ họng

Trong bệnh ung thư hạ họng – thanh quản, triệu chứng khởi đầu thường âm thầm, phần lớn người bệnh nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn (III, IV).

  • Nuốt vướng, nghẹn, đau.

  • Khàn tiếng kéo dài, tăng dần, không khỏi sau điều trị kháng viêm, nặng mất tiếng.

  • Tiếng nói ông ổng như có cộng hưởng - “nói qua ống thổi”.

  • Khó thở nhẹ và nặng dần, khó thở thì thở vào.

  • Nổi hạch cổ: Tổn thương hạch cổ là vấn đề đáng lo ngại nhất trong ung thư hạ họng, tỷ lệ là rất cao. Hạch cổ một bên (cùng bên hoặc đối bên), hạch 2 bên, chủ yếu hạch ở ngang tầm xương móng, 88% là hạch 1 bên và phía bên bệnh.

  • Tình trạng hạch không tương xứng với tình trạng bệnh. 

  • Toàn thân gầy, sút cân, da xanh tái.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư hạ họng

Cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính gây bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư hạ họng

Toàn thân bệnh nhân bị suy kiệt do không ăn uống được, ung thư lan rộng vào thanh quản sẽ gây ngạt thở, nhiễm độc do ung thư, hoặc biến chứng viêm phổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) ung thư hạ họng?

  • Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới (90%);

  • Người nghiện thuốc lá mạn tính;

  • Người nghiện rượu mạn tính. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) ung thư hạ họng

  • Các bệnh tiền ung thư thanh quản;

  • Vệ sinh răng miệng kém;

  • Môi trường bị ô nhiễm bụi và hơi hóa chất.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư hạ họng

Bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư hạ họng dựa vào:

  • Khám lâm sàng (đặc biệt khi bệnh nhân có những rối loạn cơ năng như nuốt đau, khó nuốt, khàn tiếng và khó thở);

  • Soi thanh quản gián tiếp hoặc trực tiếp (giai đoạn đầu thấy xoang lê ứ đọng nước và có thể thấy tổn thương loét sùi; giai đoạn muộn u lan rộng ra toàn bộ xoang họng và lan vào thanh quản);

  • Sinh thiết u là xét nghiệm chắc chắn nhất để khẳng định bệnh;

  • Hạch cổ thường xuất hiện sớm ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.

Phương pháp điều trị ung thư hạ họng hiệu quả

Ung thư thanh quản và ung thư hầu họng thường có thể được loại bỏ thành công, đặc biệt nếu chúng được phát hiện sớm. Mặc dù loại bỏ ung thư là mục tiêu chính của việc điều trị, nhưng việc bảo tồn chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng cũng rất quan trọng. Ở giai đoạn còn phẫu thuật được, phương pháp cắt hạ họng thanh quản toàn phần hoặc một phần cho kết quả tương đối khả quan.

Ở giai đoạn III, IVA-B với người bệnh không phẫu thuật được, hóa chất bổ trợ trước và hóa xạ trị đồng thời được sử dụng là phương pháp điều trị cơ bản. Phát hiện sớm triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng sẽ quyết định phác đồ điều trị và ảnh hưởng đến kết quả cũng như chất lượng sống của người bệnh.

Có 3 lựa chọn điều trị chính cho ung thư thanh quản và ung thư hầu họng: Xạ trị, phẫu thuật và các liệu pháp sử dụng thuốc, chẳng hạn như hóa trị. Một hoặc kết hợp các liệu pháp này có thể được sử dụng để điều trị ung thư. Phẫu thuật và xạ trị là những phương pháp điều trị phổ biến nhất. Hóa trị có thể được sử dụng trước hoặc trong khi xạ trị và / hoặc phẫu thuật để tăng cơ hội tiêu diệt tế bào ung thư.

  • Đối với hạch cổ: Nạo vét hạch cổ cùng thì với cắt bỏ khối u, sau đó phối hợp điều trị tia xạ.

  • Đối với khối u: Cắt bỏ rộng khối ung thư, nếu ung thư xâm lấn vào thanh quản thì phải cắt thanh quản hạ họng kèm theo tái tạo thực quản bằng ruột hay dạ dày.

Mục tiêu điều trị đầu tiên cho gần như tất cả các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn sớm (T1 hoặc T2), là bảo tồn chức năng của thanh quản. Trong những trường hợp này, phẫu thuật hoặc xạ trị có thể được sử dụng để chữa khỏi ung thư và bảo tồn chức năng của thanh quản.

Đối với hầu hết những người có khối u thanh quản T3 và một số người có khối u thanh quản T4, hóa trị và xạ trị kết hợp có thể bảo tồn thanh quản với chức năng tốt. Đối với các khối u rất lớn ở thanh quản, cắt toàn bộ thanh quản có thể là lựa chọn điều trị tốt hơn.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư hạ họng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Ba năm đầu cần khám lại 3 tháng/lần những năm tiếp theo 6 - 12 tháng/lần.

  • Các phương pháp điều trị chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh như thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ tinh thần và cảm xúc, và các liệu pháp khác.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa ung thư hạ họng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Hạn chế không hút thuốc lá và uống rượu để giảm nguy cơ bệnh, khi có bất thường vùng họng miệng đến khám chuyên khoa để phát hiện sớm.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 1514/QĐ-BYT ngày 01/04/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu.

  2. Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng.

  3. https://www.cancer.net/

Các bệnh liên quan