Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giun tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 28/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giun tim (Dirofilaria immitis) là một loại giun ký sinh thường ảnh hưởng đến chó và lây truyền qua vết muỗi đốt. Giống như ở chó, con người cũng có thể bị nhiễm giun tim qua vết muỗi đốt. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm giun tim là rất hiếm ở người.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giun tim là gì?

Giun tim (Dirofilaria immitis) là một loại giun ký sinh thường ảnh hưởng đến chó, chúng lây truyền qua vết muỗi đốt. Ấu trùng giun tim có thể phát triển thành giun trưởng thành trong máu ở chó và làm tắc nghẽn các mạch máu lớn. Nếu không được điều trị, chó của bạn có thể gặp phải các tình trạng tổn thương cơ quan nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến tử vong.

Giun tim hiếm khi được truyền từ chó sang người. Trên thực tế, chỉ có 81 trường hợp nhiễm giun tim ở người được báo cáo từ năm 1941 cho đến năm 2005. Nhưng tốt nhất bạn nên tìm cách để điều trị giun tim nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào ở thú cưng hoặc ở chính bạn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của giun tim

Cả chó và người đều có thể bị nhiễm giun tim, nhưng giun tim không trực tiếp lây truyền từ chó sang người. Giun tim lây nhiễm bằng cách xâm nhập vào máu của người và chó thông qua vết muỗi đốt.

Đầu tiên, giun tim sinh sản trong máu của chó nhiễm bệnh tạo ra các ấu trùng giun tim. Các ấu trùng này sẽ lưu hành trong máu của chó và được muỗi hút phải. Sau khi muỗi hút máu có ấu trùng giun tim, muỗi sẽ lây truyền ấu trùng giun tim sang vật chủ khác trong quá trình hút máu.

Các triệu chứng của nhiễm trùng giun tim sẽ khác nhau ở chó và người. Ở chó, ấu trùng giun tim phát triển thành giun tim trưởng thành, có thể gây bệnh nhiễm trùng đa cơ quan và gây tắc nghẽn các mạch máu chính, từ đó có thể dẫn đến tử vong.

Đối với nhiễm giun tim ở người, có thể dẫn đến các vùng tổn thương trong động mạch phổi do giun trưởng thành chết đi, xuất hiện các tổn thương hình đồng xu trên phim X-quang. Đa số nhiễm giun tim ở người gây ảnh hưởng đến phổi, hiếm khi giun tim được tìm thấy ở các cơ quan khác như não hay mắt. Và hầu hết các trường hợp nhiễm giun tim ở người được báo cáo đều là các trường hợp không có triệu chứng. 

Nếu có, các triệu chứng có thể bao gồm:

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh giun tim

Các biến chứng của nhiễm giun tim ở người là rất hiếm. Những triệu chứng phổ biến nhất là các triệu chứng hô hấp không đặc hiệu, hoặc nhồi máu phổi, nhiễm trùng cần được chăm sóc y tế. Các biến chứng như nhiễm trùng nội nhãn, dưới kết mạc và sau ổ mắt đã được báo cáo. Không có trường hợp tử vong trực tiếp nào do nhiễm giun tim được báo cáo trong tài liệu y khoa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng đã kể ở trên, hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp (dù bạn có bị muỗi đốt hay không). Có thể các triệu chứng hô hấp là không đặc hiệu cho nhiễm giun tim, nó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác. Tuy nhiên, việc được chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị tình trạng của bạn là cần thiết.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến giun tim

Bệnh giun tim là bệnh gây ra do nhiễm ký sinh trùng giun tim (Dirofilaria immitis). Giun tim thường được tìm thấy ở chó nhà, tuy nhiên hiện tại các trường hợp nhiễm giun tim ở động vật hoang dã ngày càng được công nhận. Giun tim sẽ không lây truyền trực tiếp từ chó sang người qua dịch tiết. Đường lây truyền của giun tim là thông qua muỗi hút máu của động vật nhiễm bệnh và truyền sang người thông qua vết muỗi đốt.

Giun tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Muỗi là vectơ lây truyền bệnh giun tim

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải giun tim?

Nguy cơ nhiễm phải giun tim cao hơn ở người sống tại khu vực có tỷ lệ chó mắc bệnh cao.

Lược qua về tỷ lệ lưu hành của giun tim ở động vật tại các khu vực là khác nhau. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc giun tim chó mèo ở các bang có thể từ thấp 0,5% như ở Colorado hoặc có thể lên đến 40% tại Florida. Sự khác biệt tương tự về tỷ lệ mắc giun tim ở chó tại những nơi khác trên thế giới cũng được báo cáo. Ví dụ như ở Úc tỷ lệ chó mắc giun tim là từ 1% đến 15%, tỷ lệ này ở Brazil là khoảng 2% và tại miền bắc Đài Loan ghi nhận khoảng 55% chó mắc bệnh giun tim.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giun tim

Như đã đề cập ở trên, bệnh giun tim ở người phát triển liên quan đến sự phổ biến của bệnh giun tim ở chó, sự hiện diện của vectơ muỗi truyền bệnh và hoạt động của người dẫn đến phơi nhiễm.

Giun tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Người sống ở khu vực có tỷ lệ chó mắc bệnh giun tim cao sẽ có nguy cơ nhiễm cao hơn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm giun tim

Bạn có thể không biết mình bị nhiễm giun tim cho đến khi vô tình phát hiện khi chụp phim X-quang. Những tổn thương dưới dạng các đốm đen có thể xuất hiện trên phim X-quang hoặc có thể phát hiện bằng chụp cắt lớp vi tính (CT-scan). 

Các tổn thương do nhiễm giun tim chủ yếu xuất hiện ở rìa phổi. Tổn thương u hạt cũng có thể xảy ra do quá trình viêm và tích tụ các tế bào miễn dịch để chống lại nhiễm trùng giun tim. Bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu mô sinh thiết từ phổi để làm xét nghiệm nhiễm giun tim hoặc để loại trừ các tình trạng bệnh lý khác. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tổn thương xuất hiện trên phim có thể là do nhiễm vi khuẩn, lao hoặc ung thư phổi.

Nhìn chung, các xét nghiệm được sử dụng trong việc chẩn đoán và điều trị nhiễm giun tim có thể bao gồm:

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi;
  • Xét nghiệm đàm;
  • Xét nghiệm huyết thanh học (ELISA);
  • Xét nghiệm chuỗi phản ứng polymerase (PCR);
  • Xét nghiệm hình ảnh học bao gồm X-quang ngực, CT-scan ngực, MRI ngực và siêu âm;
  • Sinh thiết, bao gồm sinh thiết qua phẫu thuật hoặc chọc hút bằng kim nhỏ;
  • Mô bệnh học.
Giun tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Sinh thiết và làm giải phẫu bệnh được thực hiện để xác định chẩn đoán

Điều trị giun tim

Nội khoa

Bác sĩ sẽ thận trọng xem xét, đưa ra chẩn đoán chính xác trước khi điều trị nhiễm giun tim. Điều trị nội khoa có thể bao gồm thuốc chống ký sinh trùng, tuy nhiên thuốc không được khuyến khích sử dụng trước khi phẫu thuật loại bỏ các tổn thương do giun tim gây ra.

Một liều ivermectin duy nhất, sau đó là 3 liều diethylcarbamazine có thể được khuyến nghị sử dụng nếu nghi ngờ nhiễm giun tim trước khi phẫu thuật.

Ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bỏ các tổn thương và vùng bị ảnh hưởng là phương pháp điều trị được lựa chọn cho người bệnh mắc bệnh giun tim. Sau phẫu thuật, người bệnh cần được chăm sóc hậu phẫu định kỳ cho phẫu thuật lồng ngực (ví dụ như dẫn lưu, theo dõi lượng máu mất và chăm sóc vết thương ở ngực).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của giun tim

Để bạn chế diễn tiến của bệnh giun tim, bạn cần tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ, bao gồm:

  • Bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ các u hạt do nhiễm giun tim gây ra, điều này có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng hay biến chứng có thể xảy ra.
  • Các tổn thương thường được chăm sóc và theo dõi để cắt chỉ khâu và theo dõi quá trình lành vết thương. Bạn hãy báo cho bác sĩ nếu gặp bất cứ vấn đề nào với vết thương của mình.
  • Bạn cần tái khám thường xuyên theo lịch hẹn để được theo dõi tình trạng của mình.
  • Thông thường người bệnh mắc giun tim có thể có nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng khác. Do đó sau điều trị, bạn cần được theo dõi các đặc điểm triệu chứng của nhiễm ký sinh trùng khác.

Phòng ngừa giun tim

Phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh giun tim là tránh bị muỗi đốt trong ngày, đặc biệt ở các khu vực được biết là có lưu hành bệnh giun tim.

Giun tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Tránh bị muỗi đốt là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm giun tim

Các câu hỏi thường gặp về giun tim

Tôi có thể bị nhiễm giun tim từ chó của mình không?

Bạn không nhiễm giun tim trực tiếp từ chó nhiễm bệnh thông qua dịch tiết. Tuy nhiên, bạn có thể nhiễm giun tim thông qua vết cắn của muỗi (muỗi có thể lây truyền ấu trùng giun tim từ động vật nhiễm bệnh sang người qua các vết đốt).

Các triệu chứng nhiễm giun tim ở chó là như thế nào?

Các triệu chứng nhiễm giun tim ở chó liên quan đến số lượng giun, thời gian nhiễm bệnh và phản ứng của chó đối với sự hiện diện của giun tim trong cơ thể chúng. 

Chó nhiễm giun tim có thể từ không có triệu chứng, cho đến các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình như thỉnh thoảng ho và mệt mỏi sau khi hoạt động. Các triệu chứng nặng hơn ở chó bao gồm ốm yếu, ho dai dẳng và mệt mỏi sau khi hoạt động nhẹ. Tiến triển nặng nhất là hội chứng Caval ở chó, hội chứng này đe doạ tính mạng và phẫu thuật loại bỏ giun tim nhanh chóng là lựa chọn điều trị duy nhất.

Chó của tôi có cần phải điều trị nếu bị nhiễm giun tim hay không?

Bệnh giun tim ở chó là một tình trạng nghiêm trọng, dẫn đến bệnh phổi nặng, suy tim, tổn thương các cơ quan khác và có thể dẫn đến tử vong ở chó nếu không được điều trị.

Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm giun tim?

Bệnh giun tim có thể được ngăn ngừa bằng cách tránh muỗi đốt, đặc biệt là tại các khu vực lưu hành bệnh, nơi mà muỗi có thể bị nhiễm ấu trùng giun tim. Để hạn chế nguy cơ bị muỗi đốt, bạn có thể sử dụng thuốc chống côn trùng, ngủ mùng, mặc trang phục kín để giảm diện tích da tiếp xúc.

Bệnh nhiễm giun tim ở người có thể điều trị hay không?

Phương pháp điều trị dứt điểm nhiễm trùng do giun tim ở người là phẫu thuật cắt bỏ các tổn thương u hạt do giun tim gây ra.

Nguồn tham khảo
  1. Dirofilariasis: https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/nematodes-roundworms/dirofilariasis
  2. Dirofilariasis: https://emedicine.medscape.com/article/236698-overview
  3. Dirofilariasis: https://www.cdc.gov/dpdx/dirofilariasis/index.html
  4. Dirofilariasis: Frequently Asked Questions (FAQs): https://www.cdc.gov/parasites/dirofilariasis/faqs.html
  5. Human Pulmonary Dirofilariasis Due to Dirofilaria immitis: The First Italian Case Confirmed by Polymerase Chain Reaction Analysis, with a Systematic Literature Review: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9605330/
  6. Dirofilaria immitis Could Be a Risk Factor for the Development of Allergic Diseases in Humans: https://www.mdpi.com/2076-2615/10/10/1847
  7. Can Humans Get Heartworms from Dogs?: https://www.healthline.com/health/heartworms-in-humans
  8. Keep the Worms Out of Your Pet’s Heart! The Facts about Heartworm Disease: https://www.fda.gov/animal-veterinary/animal-health-literacy/keep-worms-out-your-pets-heart-facts-about-heartworm-disease 

Các bệnh liên quan

  1. Cơn hen phế quản

  2. Chứng tạo đờm do virus

  3. Sốc

  4. Tràn dịch màng phổi

  5. Viêm phế quản

  6. Cúm mùa

  7. Xơ phổi vô căn

  8. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  9. U phổi

  10. Viêm đường hô hấp trên