Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm giun tròn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm giun tròn là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng phổ biến ở người. Giun tròn, hay còn gọi là Tuyến trùng, là nhóm ký sinh trùng thuộc ngành Nematode. Nguyên nhân nhiễm giun tròn là do ăn sống hoặc chưa nấu chín kỹ thịt các loại ký chủ mang bệnh (như thịt lợn, ốc sên,…) hoặc ăn rau hay uống nước bị ô nhiễm. Triệu chứng nhiễm bệnh rất đa dạng, bao gồm sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc đau cơ. Ngoài ra, nhiễm giun tròn còn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tại các cơ quan và gây tử vong. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun tròn là gì?

Ngành Giun tròn, tên khoa học là Nematoda, là một trong những ngành động vật phong phú nhất trên thế giới. Hiện tại, hơn 28000 loài thuộc ngành Giun tròn đã được định danh, với hơn 16000 loài tồn tại dưới dạng ký sinh. Môi trường sống của giun tròn rất phong phú, từ động vật đến thực vật, từ nước mặn đến nước ngọt. Bệnh nhiễm giun tròn xảy ra trên toàn thế giới, trong đó hay gặp là nhiễm giun xoắn, giun đũa, giun móc.

Đường xâm nhập của giun tròn vào cơ thể người rất đa dạng, tùy vào loại giun bị nhiễm, ví dụ:

  • Ăn phải trứng trưởng thành trong thức ăn hoặc đồ uống bị ô nhiễm phân.
  • Ấu trùng xâm nhập vào da (đối với giun móc và giun lươn).
  • Ấu trùng được đưa vào cơ thể vật chủ qua các vector động vật chân đốt (giun chỉ lây qua muỗi và ruồi).
  • Ăn sống hoặc nấu chưa chín thịt cá, động vật thân mềm (mực, ốc sên,…) bị nhiễm trứng hoặc ấu trùng giun.

Các loại giun tròn thường gây bệnh ở người là: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun xoắn, giun chỉ,...

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm giun tròn

Tùy vào vị trí giun xâm lấn mà gây ra các triệu chứng và hội chứng khác nhau. Khi giun xâm nhập đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc đôi khi kèm các triệu chứng như:

Khi giun xâm nhập vào phổi, bệnh nhân có thể xuất hiện hội chứng Loeffler. Hội chứng này hay gặp khi bệnh nhân nhiễm giun móc, giun đũa, giun lươn. Bệnh nhân có các triệu chứng về đường hô hấp như: Sốt, ho khan, khò khè, khó thở,...

Khi giun xâm nhập vào mô cơ và các mô khác (thường hay gặp ở bệnh nhân nhiễm giun xoắn): Bệnh nhân có thể có các triệu chứng như sốt, đau cơ, phù quanh ổ mắt hoặc ở mặt.

Khi giun xâm nhập vào hệ bạch huyết( thường do giun chỉ gây ra): Bệnh nhân có các dấu hiệu của viêm hạch bạch huyết hay viêm tinh hoàn, điển hình là tình trạng phù chân voi.

Khi giun xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân có thể rối loạn tri giác, đau đầu, yếu liệt tứ chi, mất phản xạ, suy hô hấp và nếu người bệnh không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Khi nhiễm giun móc hoặc giun đũa chó, bệnh nhân còn có thể gặp tình trạng ấu trùng di chuyển dưới da, với tổn thương da là ban đỏ hình lượn sóng hoặc ngoằn ngoèo kèm ngứa rất nhiều.

Nhiễm giun tròn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 1
Nhiễm giun tròn có thể gặp tình trạng ấu trùng di chuyển dưới da

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun tròn

Đa phần bệnh nhân nhiễm giun tròn hiếm xảy ra các biến chứng nặng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm số lượng lớn ấu trùng, chúng có thể di chuyển khắp cơ thể đến các cơ quan và gây bệnh. Điều này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong, chẳng hạn như:

  • Viêm cơ tim;
  • Viêm não, viêm màng não;
  • Viêm phổi;
  • Áp xe gan;
  • Tắc ruột;
  • Viêm túi thừa, viêm ruột thừa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên thì bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun tròn

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhiễm giun tròn là do ăn thịt động vật sống hoặc chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng, ăn rau hay uống nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, nhiều loại giun tròn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể con người trực tiếp qua da hay gián tiếp qua các động vật chân đốt như muỗi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm giun tròn?

Nhiễm giun tròn thường gặp ở những người có thói quen ăn thịt động vật sống hoặc tái, ví dụ như ăn gỏi, ăn nem, ăn tiết canh, hoặc ăn các loại rau chưa được rửa sạch sẽ. Ngoài ra, những người sống ở các khu vực có khí hậu nóng ẩm, vệ sinh kém, dùng phân tươi để bón cây cũng có nguy cơ cao bị nhiễm các loại giun tròn.

Nhiễm giun tròn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 2
Người hay ăn tiết canh có nguy cơ nhiễm giun tròn

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun tròn

Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ nhiễm giun tròn bao gồm:

  • Chuẩn bị thức ăn không đúng cách: Bệnh giun tròn lây nhiễm sang người thông qua việc ăn sống hoặc nấu chưa chín kỹ các loại thịt bị nhiễm bệnh.
  • Vùng nông thôn: Theo nghiên cứu, bệnh nhiễm giun tròn thường phổ biến hơn ở các vùng nông thôn, tỷ lệ lây nhiễm cũng cao hơn ở các vùng có vệ sinh kém.
  • Tiếp xúc trực tiếp với với nguồn nước hoặc đất bẩn có nhiễm phân người bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun tròn

Nhiễm giun tròn được thực hiện bằng việc hỏi bệnh sử, tiền căn, thăm khám bệnh nhân để xác định triệu chứng lâm sàng. Bệnh được chẩn đoán thông qua soi phân trên kính hiển vi để tìm trứng hoặc ấu trùng giun, xét nghiệm huyết thanh học, hoặc đôi khi có thể cần sinh thiết cơ tùy loại giun.

Công thức máu toàn phần có thể cho thấy tình trạng tăng bạch cầu, chủ yếu là tăng bạch cầu ái toan. Ngoài ra, các men CK (Creatine Kinase), LDH (Lactate Dehydrogenase), Aldolase và Aminotransferase có thể tăng cao do giun xâm nhập vào cơ xương và gây phá hủy cơ. Tuy nhiên, các xét nghiệm này không đặc hiệu cho từng loài giun vì các yếu tố này có thể thay đổi ở các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng và bệnh tự miễn khác. Các xét nghiệm huyết thanh học hiện có là ELISA, IF gián tiếp (miễn dịch huỳnh quang) và xét nghiệm ngưng kết latex.

Nhiễm giun tròn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 3
Công thức máu của người nhiễm giun tròn có thể cho thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan

Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể sử dụng tùy theo triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân:

  • X quang tim phổi: Khi bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng Loeffler.
  • Siêu âm bụng: Đây là một xét nghiệm không xâm lấn, thông thường không bắt buộc thực hiện, trừ khi bệnh nhân có các triệu chứng đặc hiệu của các bệnh lý cấp tính như tắc ruột, viêm ruột thừa,…
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác gây rối loạn chức năng thần kinh.
  • Điện tâm đồ (ECG) có thể cho thấy các đặc điểm của viêm màng ngoài tim, thiếu máu cục bộ hoặc viêm cơ tim.

Phương pháp điều trị nhiễm giun tròn

Nội khoa

Nguyên tắc điều trị giun tròn bao gồm giảm số lượng giun trong cơ thể và điều trị tình trạng nhiễm trùng thứ phát.

Các loại thuốc trị giun hiện nay gồm có Albendazole, Mebendazole, Thiabendazole, Ivermectin. Đa phần những loại thuốc này hoạt động bằng cách liên kết với β-tubulin của giun, ngăn chặn các vi thể dạng ống trùng hợp và ức chế sự hấp thu glucose của giun, làm giun bất động và tử vong. Mục tiêu của điều trị bằng thuốc là diệt trừ sự lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng.

Những bệnh nhân đã điều trị nhiễm giun tròn nên được theo dõi phân sau 2 tuần và điều trị lại nếu cần thiết. Theo dõi các biến chứng tim, phổi, thần kinh trung ương, cơ,... và điều trị nếu có.

Ngoại khoa

Phẫu thuật được thực hiện khi bệnh nhân có các biến chứng cấp tính, ví dụ như tắc ruột, viêm ruột thừa cấp,… Nhiều bệnh nhân có tình trạng phù bạch huyết do nhiễm giun chỉ cũng cần được can thiệp phẫu thuật để tăng dẫn lưu bạch huyết.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm giun tròn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Tránh bị muỗi đốt.
  • Tránh đi chân trần vào vùng đất bị ô nhiễm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Bảo quản thịt đúng cách.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun tròn

Đặc hiệu

Hiện tại chưa có vắc xin hỗ trợ phòng ngừa nhiễm giun tròn trên thị trường.

Không đặc hiệu

Cách phòng ngừa tốt nhất chống lại nhiễm giun tròn là thay đổi thói quen ăn uống đảm bảo vệ sinh và thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày.

  • Tránh ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín kỹ;
  • Đông lạnh thịt đúng cách;
  • Rửa tay: Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi xử lý thịt sống, trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh;
  • Tẩy giun sán định kỳ cho chó, mèo, thú cưng nuôi trong nhà;
  • Mang giày, dép khi đi vào vùng đất nước bị ô nhiễm;
  • Ngủ mùng, diệt muỗi, lăng quăng, phát quang bụi rậm xung quanh nhà;
  • Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.
giun tròn 7.jpg
Rửa tay thường xuyên để hạn chế nhiễm bệnh Giun tròn

Các câu hỏi thường gặp về giun tròn

Tôi bị sưng phù mi mắt thì có phải bị nhiễm giun tròn hay không?

Sưng phù mi mắt cũng là triệu chứng sớm và đặc trưng của nhiễm giun xoắn - 1 loại giun tròn gây bệnh phổ biến ở người, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm bệnh lý tại chỗ như bệnh của mi mắt, hốc mắt hay các bệnh lý toàn thân gây phù. Do đó, khi có dấu hiệu sưng phù mi mắt, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Làm cách nào tôi có thể ngăn ngừa nhiễm giun tròn?

Để phòng ngừa nhiễm giun tròn, bạn cần chú ý ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn các loại thịt chưa được nấu chín kỹ, như thịt sống, gỏi, nem chua, tiết canh,… Ngoài ra, việc chế biến và bảo quản thịt động vật cũng tuân theo khuyến cáo để hạn chế ký sinh trùng.

Nếu dùng kháng sinh để điều trị giun tròn thì có tác dụng không?

Hầu hết thuốc kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, do đó khi nhiễm ký sinh trùng thì dùng thuốc kháng sinh không có tác dụng.

Ăn các loại thịt được ướp muối, hun khói thì có nguy cơ nhiễm giun không?

Việc ướp muối, hun khói thịt không tiêu diệt được các nang ấu trùng trong thịt, do đó nếu bạn ăn các loại thịt này vẫn có nguy cơ bị nhiễm giun.

Phụ nữ có thai bị nhiễm giun tròn thì có dùng thuốc tẩy giun được không?

Trước đây, thuốc tẩy giun không được dùng trên thai phụ vì nghi ngờ sẽ gây tác hại trên thai nhi. Hiện nay, việc thai phụ có thể dùng thuốc tẩy giun được hay không vấn còn là vấn đề đang tranh cãi. Do đó, khi có biểu hiện nhiễm giun, thai phụ nên đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị và theo dõi cho thai nhi, không được tự ý sử dụng thuốc tại nhà.

Nguồn tham khảo
  1. Roundworms: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15240-roundworms
  2. Nematode Infections Treatment & Management: https://emedicine.medscape.com/article/224011-treatment#d10
  3. Nematode: https://www.britannica.com/animal/nematode
  4. Trichinosis (Trichinellosis) Treatment & Management: https://emedicine.medscape.com/article/230490-treatment?form=fpf
  5. Bancroftian and Brugian Lymphatic Filariasis: https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/nematodes-roundworms/bancroftian-and-brugian-lymphatic-filariasis

Các bệnh liên quan

  1. Đau vú

  2. đau xương cụt

  3. Vỡ mâm chày

  4. Ung thư tụy

  5. Nang đơn thận

  6. Bướu giáp đa nhân 2 thùy

  7. Ung thư vú giai đoạn 4

  8. Teo thùy não

  9. Trụy tim

  10. Động kinh toàn thể