Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U nang biểu bì là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U nang biểu bì (epidermoid cyst) hay còn gọi là u nang bã nhờn (sebaceous cyst) là một loại u nang phổ biến nhất ở da. Các u nang này thường gặp ở mặt, cổ và thân mình, tuy nhiên cũng có thể hình thành ở bất cứ đâu trên cơ thể. U nang biểu bì thường được coi là lành tính, tuy nhiên các bằng chứng mới hiện tại cho thấy u nang biểu bì có thể phát triển bệnh lý ác tính mới.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U nang biểu bì là gì?

U nang biểu bì (epidermoid cyst) hay còn được gọi là u nang bã nhờn (sebaceous cyst) là một loại u nang phổ biến ở da. U nang có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, biểu hiện dưới dạng một nốt đồng màu da, không có triệu chứng, kích thước từ vài mm đến vài cm. Tuy nhiên, u nang thường phát triển ở khu vực mặt, cổ và thân mình.

U nang biểu bì có thể tiến triển chậm trong nhiều năm và được xem là lành tính. Tuy nhiên các bằng chứng gần đây cho thấy các bệnh ác tính hiếm gặp có thể phát sinh. Đối với các u nang biểu bì bất thường về số lượng và vị trí (xuất hiện ở các chi chứ không phải mặt và thân mình) có thể gặp trong hội chứng Gardner, một tình trạng di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi sự phát triển đa polyp mang tính chất gia đình.

Về thuật ngữ u nang bã nhờn (sebaceous cyst) thường được sử dụng, tuy nhiên, thuật ngữ này là dùng sai, vì tình trạng u nang biểu bì không liên quan đến tuyến bã nhờn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của U nang biểu bì

Các dấu hiệu và triệu chứng của u nang biểu bì bao gồm:

  • Những nốt tròn dưới da;
  • Thường chứa chất lỏng hoặc mủ;
  • Đôi khi có đốm đen ở giữa;
  • Phát triển chậm và có kích thước khác nhau, từ vài mm đến vài cm;
  • Có thể bị đau hoặc đỏ nếu nhiễm trùng.

Đối với u nang biểu bì không bị vỡ, chúng thường không có triệu chứng, ngoài biểu hiện của một khối nhỏ dưới da. Nếu u nang vỡ, nó có thể gần giống với mụn nhọt và có cảm giác đau, đỏ, sưng. Khi bị vỡ, chất trong u nang thường được mô tả màu vàng nhạt, có mùi hôi. Một số trường hợp người bệnh mô tả sau khi ngã, hoặc sau khi bị ai đó vỗ vào lưng, các u nang trở nên sưng đau và sau đó diễn tiến đến vỡ nang.

unbb4.png
U nang có thể bị nhiễm trùng, sưng nóng đỏ gần giống với mụn nhọt

Các nốt u nang biểu bì có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, nhưng thường gặp ở mặt, cổ ngực, lưng trên, bìu và bộ phận sinh dục. Chúng cũng có thể được tìm thấy ở mông, lòng bàn tay, gan bàn chân nếu do chấn thương xuyên thấu.

Các vị trí u nang biểu bì đặc biệt như ở phần xa của ngón tay, tấm móng, việc khai thác bệnh sử tốt có thể giúp xác định xem u nang biểu bì này là do nguyên nhân gì gây ra, có thể là của một hội chứng di truyền, do thuốc hoặc xảy ra lẻ tẻ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc U nang biểu bì

Các biến chứng của u nang biểu bì có thể bao gồm vỡ các u nang. Các u nang có thể vỡ trong trường hợp không bị nhiễm trùng, hoặc bị nhiễm trùng thứ phát bởi các hệ vi khuẩn trên da. Khi các u nang bị nhiễm trùng, u nang có xu hướng sưng hơn, đỏ và đau hơn, hoặc có thể hình thành áp xe.

Các biến chứng của phẫu thuật điều trị cắt u nang biểu bì có thể bao gồm:

  • Chảy máu;
  • Nhiễm trùng;
  • Để lại sẹo.
unbb5.png
Điều trị phẫu thuật có thể dẫn đến biến chứng để lại sẹo

Mặc dù u nang biểu bì được xem là lành tính, nhưng trường hợp bệnh ác tính hiếm gặp có thể xảy ra. Khoảng 1% u nang biểu bì được ghi nhận là có sự chuyển đổi ác tính thành ung thư bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào đáy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn phát hiện mình có một khối u ở da và không biết đó là gì, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Việc xuất hiện một khối u trên da không chắc là bạn mắc u nang biểu bì, đó có thể là u nang hoặc biểu hiện của tình trạng bệnh khác. Quan trọng là bạn không thể tự cố gắng chẩn đoán, tìm kiếm sự giúp đỡ y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng với tình trạng của mình là cần thiết.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến U nang biểu bì

Phần lớn các trường hợp u nang biểu bì là lẻ tẻ (không rõ nguyên nhân).

U nang biểu bì cũng có thể được tìm thấy trong hội chứng Gardner di truyền trội (Đa polyp tuyến mang tính chất gia đình) và hội chứng Gorlin (hội chứng nevus tế bào đáy). U nang biểu bì xảy ra trước tuổi dậy thì, với vị trí và số lượng bất thường gọi ý nghi ngờ do các hội chứng trên.

Trong hội chứng Favre-Racouchot ở người bệnh cao tuổi, u nang biểu bì có thể là kết quả của tổn thương mạn tính do ánh nắng mặt trời.

Người bệnh dùng thuốc ức chế BRAF có thể phát triển u nang biểu bì ở mặt. Gần đây, imiquimod và cyclosporine đã được ghi nhận là gây ra u nang biểu bì. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc U nang biểu bì?

U nang biểu bì phổ biến nhất ở nhóm đối tượng từ 30 đến 40 tuổi. Rất hiếm khi u nang biểu bì xảy ra trước tuổi dậy thì. U nang biểu bì cũng được tìm thấy phổ biến hơn ở nam giới, với tỷ lệ nam:nữ là 2:1.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc U nang biểu bì

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc u nang biểu bì bao gồm:

  • Có thành viên trong gia đình mắc u nang biểu bì;
  • Ở độ tuổi trưởng thành hoặc trung niên;
  • Giới tính nam.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán U nang biểu bì

Chẩn đoán u nang biểu bì thường dựa trên lâm sàng, biểu hiện của một u nang hoặc nốt riêng lẻ, thường có dấu chấm ở trung tâm, có thể di chuyển khi sờ nắn. 

Chẩn đoán có thể được xác định bằng mô bệnh học. Bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết để lấy mẫu mô và xét nghiệm để xác định bản chất của u nang. Mô bệnh học của u nang biểu bì cho thấy u nang chứa đầy chất sừng nhiều lớp, nằm trong lớp hạ bì. Lớp lót của u nang tương tự như biểu mô bề mặt khác, trong việc điều trị phẫu thuật, việc loại bỏ hết lớp lót nang là rất quan trọng, vì nó có liên quan đến nguy cơ tái phát u nang biểu bì.

unbb6.png
Chẩn đoán xác định u nang biểu bì qua mô bệnh học

Phương pháp điều trị U nang biểu bì

Trong trường hợp u nang biểu bì ổn định, không nhiễm trùng thì việc điều trị là không cần thiết, trừ khi người bệnh mong muốn. Khi các u nang bị viêm, vỡ mà không bị nhiễm trùng, có thể tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên chúng sẽ có xu hướng tái phát.

Điều trị phẫu thuật được xem là hiệu quả nhất bao gồm cắt bỏ hoàn toàn u nang với thành u nang còn nguyên vẹn. Việc cắt bỏ hoàn toàn nên được trì hoãn nếu có hiện tượng nhiễm trùng, vì khi đó các thành nang rất dễ vỡ, thường không thể cắt bỏ hoàn toàn và có khả năng tái phát. Điều trị hợp lý trong trường hợp này là đợi đến khi tình trạng viêm thuyên giảm trước khi thử cắt bỏ.

Với điều trị phẫu thuật, tiêm gây tê cục bộ bằng epinephrine được ưu tiên để giảm thiểu chảy máu. Thuốc gây tê nên được tiêm xung quanh u nang và tránh tiêm trực tiếp vào u nang. Các bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật để loại bỏ u nang mà vẫn có kết quả thẩm mỹ tối ưu cho bạn.

Ngoài việc phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định các điều trị sau nếu u nang bị viêm hoặc đau:

  • Tiêm steroid: Có thể giúp giảm sưng và giúp giảm triệu chứng tạm thời.
  • Rạch và dẫn lưu: Trong trường hợp có mủ, việc rạch và dẫn lưu có thể giúp ích.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của U nang biểu bì

Chế độ sinh hoạt:

Nếu đã được chẩn đoán và điều trị u nang biểu bì, để hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn nên tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt sau khi phẫu thuật cắt bỏ u nang, việc chăm sóc sau phẫu thuật là cần thiết để tránh nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác. Các việc bạn có thể làm bao gồm:

  • Tránh các môn thể thao tiếp xúc và hoạt động gắng sức sau khi phẫu thuật cắt bỏ u nang.
  • Đến cơ sở y tế để thay băng vết mổ hằng ngày tránh nhiễm trùng.
  • Chỉ khâu có thể được cắt bỏ trong vòng 7 đến 10 ngày, hãy đến tái khám đúng hẹn để được cắt chỉ.
  • Bạn có thể được kê thuốc giảm đau và kháng sinh, hãy uống thuốc theo toa để tránh nhiễm trùng và giảm triệu chứng cho bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể cho u nang biểu bì, chế độ dinh dưỡng cũng không thể giúp hạn chế diễn tiến hay ngăn ngừa bệnh.

unbb7.png
Thay băng vết mổ tại cơ sở y tế để tránh nhiễm trùng

Phương pháp phòng ngừa U nang biểu bì hiệu quả

Bạn không thể tự mình ngăn ngừa sự hình thành của u nang biểu bì, nhưng bạn có thể hạn chế nhiễm trùng và để lại sẹo bằng cách:

  • Không tự nặn u nang;
  • Tránh các chấn thương da và điều trị các tình trạng gây tổn thương da như mụn trứng cá.
Nguồn tham khảo
  1. Epidermoid Cyst: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499974/
  2. Overview of benign lesions of the skin: https://www.uptodate.com/contents/overview-of-benign-lesions-of-the-skin
  3. Vulvar Inclusion and Epidermal Cysts: https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/miscellaneous-gynecologic-disorders/vulvar-inclusion-and-epidermal-cysts
  4. Epidermoid Cysts: https://www.healthline.com/health/epidermoid-cysts
  5. Skin cyst: https://www.nhs.uk/conditions/skin-cyst/ 

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng west

  2. U phổi

  3. Rối loạn sàn chậu

  4. Nang đơn thận

  5. Bệnh Von Willebrand

  6. Viêm đa xoang

  7. Tắc mạch máu não

  8. Bướu sợi tuyến Birads 2

  9. U máu thể hang

  10. Suy tim giai đoạn cuối