Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Hăm tã bao lâu thì khỏi? Làm sao để phòng ngừa hăm tã?

Ngày 29/07/2024
Kích thước chữ

Hăm tã là tình trạng phổ biến có thể khiến da bé bị đau, đỏ, đóng vảy và nhạy cảm hơn. Hầu hết các trường hợp sẽ khỏi khi được gia đình chăm sóc tại nhà. Hăm tã nghiêm trọng hơn có thể cần được điều trị y tế tại bệnh viện. Vậy hăm tã bao lâu thì khỏi và làm thế nào để phòng ngừa hăm tã hiệu quả?

Trẻ sơ sinh thường cảm thấy khó chịu vì hăm tã, một tình trạng khiến da bên dưới tã trở nên đỏ và nhạy cảm hơn. Trẻ sơ sinh có làn da rất mỏng manh nên hăm tã là tình trạng thường gặp, cha mẹ cần bình tĩnh để xử lý. Vậy hăm tã bao lâu thì khỏi?

Hăm tã là gì?

Hăm tã là tình trạng da phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, gây mẩn đỏ hình thành ở vùng mặc tã của bé. Trong trường hợp nhẹ, da có thể đỏ và nhạy cảm. Hăm tã nghiêm trọng hơn có thể có vết loét hở gây đau đớn cho bé. Các trường hợp nhẹ sẽ khỏi trong vòng ba đến bốn ngày với phương pháp điều trị tại nhà. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần điều trị y tế.

Hăm tã là tình trạng khá phổ biến, hơn một nửa số trẻ sơ sinh từ 4 đến 15 tháng tuổi sẽ bị hăm tã ít nhất một lần trong khoảng thời gian hai tháng. Hăm tã có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó:

  • Hăm tã kích ứng: Hăm tã kích ứng là loại hăm tã phổ biến nhất. Nó xảy ra khi vùng tã của bé có quá nhiều độ ẩm hoặc tiếp xúc lâu dài với nước tiểu và phân.
  • Hăm tã do nấm candida: Sự phát triển quá mức của một loại nấm gọi là candida có thể gây ra hăm tã do nấm men. Candida được tìm thấy tự nhiên trong đường tiêu hóa của bé.
  • Hăm tã do vi khuẩn: Tình trạng này hiếm xảy ra hơn, một số loại vi khuẩn, chẳng hạn như tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn, có thể gây hăm tã. Một tên gọi khác của loại này là chốc lở .
  • Hăm tã do phản ứng dị ứng: Nếu bé có làn da nhạy cảm, bé có thể bị dị ứng với các thành phần trong một số loại tã, khăn lau, kem chống hăm, chất tẩy rửa khi vệ sinh cho bé.
Hăm tã bao lâu thì khỏi? Làm sao để phòng ngừa hăm tã 1
Hăm tã là tình trạng kích ứng da thường gặp nhất ở trẻ nhỏ 

Thông thường, hăm tã có thể tự điều trị tại nhà bằng một số biện pháp đơn giản như dùng kem bôi, giữ vùng da khô thoáng, làm sạch vùng da bị hăm,… Tuy nhiên nếu trẻ có những biểu hiện sau, cha mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện để thăm khám:

  • Vết hăm trở nên nặng hơn hoặc không đáp ứng với điều trị trong vòng 2 - 3 ngày.
  • Con bạn bị sốt hoặc có vẻ chậm chạp.
  • Bạn thấy các nốt sưng màu vàng, chứa đầy dịch (mụn mủ) và các vùng đóng vảy màu mật ong. Đây có thể là nhiễm trùng do vi khuẩn cần dùng thuốc kháng sinh.
  • Bạn nhận thấy các triệu chứng của nhiễm trùng nấm men, chẳng hạn như phát ban sưng tấy có vảy trắng, mụn nhỏ màu đỏ bên ngoài vùng tã hoặc mẩn đỏ ở các nếp gấp da.
Hăm tã bao lâu thì khỏi? Làm sao để phòng ngừa hăm tã 2
Khi đóng bỉm cho con, cha mẹ cần chú ý kiểm tra và thay bỉm thường xuyên

Hăm tã bao lâu thì khỏi?

Hăm tã bao lâu thì khỏi là điều mà nhiều cha mẹ quan tâm. Trong trường hợp nhẹ, da của bé có thể hơi đỏ quanh mông, bộ phận sinh dục và đùi. Khu vực này có thể ấm khi chạm vào. Hăm tã có thể chỉ là một vài đốm đỏ nhỏ hoặc có thể bao phủ toàn bộ vùng tã. Với trường hợp hăm tã nhẹ, cùng với sự chăm sóc tích cực từ gia đình thì tình trạng này có thể sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn trong vòng 2 - 4 ngày.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, hăm tã có thể bao gồm các mụn nước hoặc vết loét hở gây đau đớn. Nếu bị nhiễm trùng, vết hăm có thể chuyển sang màu đỏ tươi và vùng da xung quanh có thể bị sưng. Với tình trạng nặng như vậy, việc điều trị tại nhà nếu không có hiệu quả thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. Việc điều trị hăm tã nặng thường kéo dài khoảng 1 tuần cho đến khi trẻ khỏi hoàn toàn.

Hăm tã bao lâu thì khỏi? Làm sao để phòng ngừa hăm tã 3
Hăm tã bao lâu thì khỏi: tùy thuộc vào tình trạng hăm tã có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần

Như vậy, hăm tã bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào tình trạng hăm nặng hay nhẹ và biện pháp điều trị từ phía gia đình. Các biện pháp chăm sóc bao gồm giữ vùng da bị hăm sạch và khô, thay tã thường xuyên và sử dụng kem chống hăm. Nếu tình trạng không cải thiện sau vài ngày hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy tìm sự tư vấn từ bác sĩ.

Làm thế nào để ngăn ngừa hăm tã?

Để ngăn ngừa hăm tã, hãy giữ da bé khô ráo và sạch sẽ nhất có thể và thay tã thường xuyên để phân và nước tiểu không gây kích ứng da. Hãy thử những mẹo sau:

  • Thay tã bẩn hoặc ướt của bé càng sớm càng tốt và vệ sinh sạch sẽ vùng đó.
  • Thỉnh thoảng ngâm mông bé bằng nước ấm giữa các lần thay tã. Bạn có thể nhẹ nhàng dùng tay múc nước đổ lên mông bé để vệ sinh, lau rửa cho bé.
  • Hãy để da bé khô hoàn toàn trước khi mặc tã mới.
  • Khi lau khô da, hãy nhẹ nhàng vỗ nhẹ bằng vải mềm, tránh chà xát mạnh vì da trẻ rất mỏng manh có thể gây kích ứng da.
  • Không nên mặc tã quá chặt cho bé, tốt nhất nên nới lỏng tã để tránh cọ xát với da của bé.
  • Rửa tay trước và sau mỗi lần thay tã để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn.
  • Thay tã thường xuyên, lý tưởng nhất là cứ mỗi 2 - 3 giờ và sau mỗi lần đi ngoài.
  • Việc bôi kem hoặc thuốc mỡ chống hăm sau mỗi lần thay tã có thể có tác dụng với một số trẻ có làn da nhạy cảm, nhưng không phải trẻ nào cũng cần. Tuy nhiên cha mẹ vẫn nên sử dụng để phòng tránh nguy cơ.
Hăm tã bao lâu thì khỏi? Làm sao để phòng ngừa hăm tã 4
Hăm tã hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu cha mẹ giữ cho da trẻ luôn khô thoáng

Nếu bạn sử dụng tã vải, hãy kiểm tra hướng dẫn của nhà sản xuất về cách vệ sinh tã tốt nhất. Chỉ sử dụng chất tẩy rửa với lượng khuyến cáo và nên thêm một chu trình xả sau khi giặt để loại bỏ các vết xà phòng hoặc chất tẩy rửa có thể gây kích ứng da của bé. Tránh sử dụng chất làm mềm vải vì chúng cũng có thể gây kích ứng da của trẻ.

Như vậy, qua bài viết, cha mẹ đã nắm được hăm tã bao lâu thì khỏi. Hăm tã nhẹ thường khỏi sau khi điều trị tại nhà trong vòng ba đến bốn ngày. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm, hăm tã của bé có thể mất một tuần hoặc lâu hơn để khỏi.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.