Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Truyền nhiễm/
  4. Sốt vẹt

Sốt vẹt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Sốt vẹt là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, do vi khuẩn Chlamydia psittaci gây ra. Sốt vẹt (còn gọi là bệnh Psittacosis hay Ornithosis) lây truyền khi tiếp xúc với chim bị nhiễm bệnh, gây ra nhiều tình trạng bệnh và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Loài chim đóng vai trò ổ bệnh chính là các loài thuộc bộ vẹt, do đó bệnh còn có tên là sốt vẹt. Tuy nhiên, quá trình bệnh có thể xảy ra ở bất cứ loài chim nào, ví dụ như các loại gà, bệnh đã được ghi nhận ở 467 loài từ 30 bộ chim khác nhau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung sốt vẹt

Sốt vẹt là gì?

Sốt vẹt (tên gọi khác là bệnh Psittacosis hay Ornithosis) là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Chlamydia psittaci gây ra, vi khuẩn này lây truyền từ động vật sang người. Động vật đóng vai trò là ổ dịch tễ chính lây truyền bệnh là chim, đặc biệt là chim thuộc bộ vẹt, do đó bệnh có tên là sốt vẹt.

Các loại gia cầm khác thuộc bộ gà (gà, gà tây, gà lôi) cũng là ổ bệnh chính của sốt vẹt. Tuy nhiên, quá trình bệnh cũng có thể ghi nhận ở bất cứ loài chim nào. Một số động vật khác được ghi nhận là ổ lây truyền Chlamydia psittaci hiếm gặp khác như cừu, dê, mèo, chó, bò và ngựa.

Con người thường bị nhiễm bệnh do hít phải vi khuẩn trong phân khô của chim hoặc bụi lông chim, việc vệ sinh lồng của chim nhiễm bệnh cũng gây nên nguy cơ sốt vẹt. Các vết cắn của chim hay phơi nhiễm thoáng qua như đi thăm công viên chim cũng có liên quan đến sốt vẹt. Sự lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm tuy nhiên cũng đã được ghi nhận.

Ở người, sốt vẹt có thể gây ra các triệu chứng khác nhau như sốt, ho, nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, ở nhiều người, sốt vẹt đôi khi nhẹ hoặc không có triệu chứng, tuy nhiên các biến chứng nặng hay tử vong đôi khi đã được báo cáo.

Triệu chứng sốt vẹt

Những dấu hiệu và triệu chứng của Sốt vẹt

Nhiễm Chlamydia psittaci ở người biểu hiện phổ biến nhất là ở các đối tượng trẻ tuổi hoặc trung niên, với các triệu chứng:

  • Sốt khởi phát đột ngột;
  • Nhức đầu rõ rệt;
  • Ho khan.

Người bệnh thường có thường có tiền sử tiếp xúc với chim gần đây. Thời gian ủ bệnh là từ 5 đến 14 ngày, nhưng có thể kéo dài tới 39 ngày. Các triệu chứng khác đã được báo cáo bao gồm:

  • Rét run;
  • Đổ mồ hôi;
  • Đau cơ;
  • Khó thở;
  • Đau ngực;
  • Ho ra máu;
  • Tiêu chảy.

Một số trường hợp người bệnh có thể không có triệu chứng nào, hoặc có thể có các biểu hiện của biến chứng lên các cơ quan khác.

Sốt vẹt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Sốt khởi phát đột ngột có thể là một trong những triệu chứng của mắc bệnh sốt vẹt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Sốt vẹt

Các biến chứng lên hệ cơ quan có thể phát sinh khi mắc bệnh sốt vẹt bao gồm:

  • Phổi: Các biến chứng lên phổi như viêm phổi nặng, hội chứng nguy ngập hô hấp cấp đôi khi có thể dẫn đến suy hô hấp cấp cần hỗ trợ thở máy và có thể gây tử vong.
  • Thận: Đạm niệu và thiểu niệu đã được ghi nhận ở bệnh nhân sốt vẹt. Hiếm khi hoại tử ống thận cấp có thể xảy ra ở người bệnh sốt vẹt có kèm theo suy hô hấp. Viêm ống kẽ thận cấp và viêm cầu thận tăng sinh cấp tính cũng đã được báo cáo.
  • Huyết học: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính, hội chứng thực bào máu thứ phát nặng, xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối ở người bệnh sốt vẹt có suy hô hấp đã được ghi nhận. Thiếu máu do tán huyết đôi khi được ghi nhận ở bệnh sốt vẹt nhưng thiếu máu tán huyết kèm vàng da là rất hiếm.
  • Thần kinh: Một loạt các hội chứng thần kinh được ghi nhận ở người bệnh sốt vẹt bao gồm viêm não, rối loạn tiểu não, các rối loạn tâm thần và tăng áp lực nội sọ cũng đã được mô tả. Biến chứng thần kinh khác được báo cáo bao gồm viêm màng não, động kinh, liệt dây thần kinh sọ, viêm tuỷ cắt ngang và hội chứng Guillain-Barré.
  • Cơ xương khớp: Mặc dù hiếm gặp nhưng viêm khớp phản ứng đã được ghi nhận. Tiêu cơ vân cũng xảy ra với người bệnh sốt vẹt có viêm phổi nặng.
  • Khác: Các biến chứng khác đã được ghi nhận bao gồm các biểu hiện ở da, tổn thương ở tim như viêm nội tâm mạch, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Tổn thương ở gan hay ở mắt cũng đã được ghi nhận.

Bên cạnh đó, nhiễm trùng trong thai kỳ cũng là một biến chứng quan trọng có thể đe doạ tính mạng, đặc biệt là vào cuối tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Suy hô hấp, rối loạn chức năng gan và đông máu lan tỏa nội mạch có thể đe doạ tính mạng của người mẹ. Năm 1938, 11 trong 14 phụ nữ mang thai đã tử vong trong đợt bùng phát sốt vẹt. Kết cục của thai nhi cũng rất kém, 11 trong 14 trường hợp báo cáo là thai nhi đã chết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình bị sốt vẹt, ví dụ như xuất hiện các triệu chứng bệnh sau khi có phơi nhiễm với chim như:

  • Làm việc xung quanh chuồng chim bị nhiễm bệnh;
  • Dọn dẹp lồng chim;
  • Tiếp xúc với chim.

Bạn cũng cần đến cấp cứu ngay khi có các triệu chứng bệnh nặng bao gồm:

  • Sốt cao (40 độ C);
  • Khó thở;
  • Đau ngực;
  • Tím tái;
  • Lú lẫn;
  • Co giật.

Nguyên nhân sốt vẹt

Nguyên nhân dẫn đến Sốt vẹt

Vi khuẩn Chlamydia psittaci, một loại vi khuẩn nội bào bắt buộc là nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt vẹt. Có tổng cộng 10 kiểu gen được biết đến dựa trên giải trình tự gen của vi khuẩn này. Mỗi kiểu gen sẽ có đặc tính ưa thích vật chủ và độc lực khác nhau và tất cả đều có thể truyền sang người và gây nên bệnh sốt vẹt.

Vi khuẩn này thường xuất hiện trong phân, dịch hô hấp của chim bị nhiễm bệnh và có thể lây lan qua bụi bị ô nhiễm. Tất cả các loài chim đều có thể nhiễm Chlamydia psittaci và lây lan bệnh sốt vẹt. Tuy nhiên, ổ dịch tễ chính là các loài thuộc bộ vẹt hoặc gia cầm như gà, vịt, ngỗng.

Sốt vẹt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nhiễm vi khuẩn Chlamydia psittaci từ động vật (chủ yếu là chim như vẹt hay gia cầm) là nguyên nhân dẫn đến sốt vẹt
Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo
  1. Psittacosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538305/
  2. Psittacosis: https://www.cdc.gov/psittacosis/about/index.html
  3. Psittacosis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/25023-psittacosis
  4. Psittacosis: https://www.uptodate.com/contents/psittacosis
  5. What Is Psittacosis?: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-psittacosis

Hỏi đáp (0 bình luận)