Long Châu

Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là gì? Nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lỵ trực trùng là bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa do trực khuẩn lỵ Shigella dysenteriae gây ra và dễ phát thành dịch. Vi khuẩn Shigella dysenteriae là tác nhân gây viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực trùng ở người. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng: Mất cân bằng nước – điện giải, tăng ure máu, suy thận,... thậm chí tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là bệnh gì? 

Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do trực khuẩn Shigella dysenteriae gây ra với hội chứng lỵ điển hình: Đau quặn bụng, mót rặn và đi ngoài phân lỏng.

Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người qua tay mang vi khuẩn, qua thức ăn, nước uống bị nhiễm Shigella dysenteriae.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae 

Thời kỳ ủ bệnh: Thường kéo dài khoảng 12 – 72 giờ (trung bình khoảng 1 – 5 ngày), không có biểu hiện lâm sàng.

Thời kỳ khởi phát: Thường kéo dài khoảng 1 – 3 ngày, khởi phát đột ngột với các triệu chứng:

  • Hội chứng nhiễm trùng: Sốt cao 39 – 40°C, thường kèm theo ớn lạnh, đau nhức cơ toàn thân, buồn nôn hoặc nôn, mệt mỏi, chán ăn, trẻ em có thể bị co giật do sốt cao;

  • Triệu chứng tiêu hóa: Đau bụng kèm theo tiêu chảy phân lỏng.

Thời kỳ toàn phát: Bệnh diễn tiến thành bệnh cảnh lỵ một cách đầy đủ:

  • Đau bụng quặn từng cơn, người mệt mỏi, hốc hác, môi khô, lưỡi vàng bẩn, thể trạng suy sụp nhanh chóng;

  • Đau vùng trực tràng, mót rặn, có thể dẫn đến sa trực tràng do rặn nhiều;

  • Đi ngoài nhiều lần (có thể 20 – 40 lần/ ngày), phân nhầy máu, số lượng phân ít dần theo thời gian bị bệnh;

  • Khám bụng: Đau, chướng bụng nhất là phần dưới bên trái, vùng đại tràng sigma, có thể đau toàn bộ khung đại tràng.

Thời kỳ lui bệnh và hồi phục:

  • Sốt giảm dần rồi hết, người đỡ mệt, cảm giác thèm ăn dần trở lại;

  • Các cơn đau bụng thưa và nhẹ dần rồi hết;

  • Giảm rồi hết cảm giác mót rặn;

  • Số lần đi ngoài giảm dần, phân nhầy máu giảm dần rồi hết, đi ngoài phân sệt rồi thành khuôn trở lại;

  • Đi tiểu nhiều, bụng hết đầy chướng.

Biến chứng có thể gặp khi bị Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

Biến chứng thường ít xảy ra, ngay cả trong trường hợp không được điều trị, trừ người già và trẻ em.

Biến chứng sớm:

  • Sốc giảm thể tích do mất nước và điện giải;

  • Suy thận cơ năng, có thể dẫn đến suy thận thực thể;

  • Sa trực tràng (hay gặp ở người già);

  • Thủng ruột già ở cơ địa suy kiệt;

  • Bội nhiễm vi khuẩn khác: Nhiễm khuẩn huyết do Escherichia coli, viêm màng não, viêm phổi, viêm tuyến mang tai, viêm thần kinh ngoại biên, hội chứng tan huyết – urê huyết cao.

Biến chứng muộn:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

Nguyên nhân gây bệnh lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là do trực khuẩn Shigella dysenteriae xâm nhập vào cơ thể người gây nên. Shigella dysenteriae là trực khuẩn Gram âm thuộc họ Enterobateriaceae.

Bệnh lây theo đường tiêu hoá qua nước uống, thức ăn, bàn tay ô nhiễm và ruồi, nhặng, chủ yếu qua đường phân – miệng:

  • Tiếp xúc với trực khuẩn Shigella dysenteriae thông qua miệng: Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người;

  • Ăn thực phẩm bị ô nhiễm: Người chế biến thực phẩm có thể truyền vi khuẩn cho những người ăn thực phẩm hoặc do thực phẩm ở gần khu vực có chứa nước thải ô nhiễm;

  • Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm: Uống nước hoặc bơi trong môi trường nước bị nhiễm trực khuẩn Shigella dysenteriae;

  • Bệnh dễ lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ trong cùng nhóm trẻ, cùng gia đình hay qua trung gian: Đồ chơi, tay nắm cửa nhà vệ sinh, van vòi nước;

  • Ngoài ra, bệnh còn có thể bị lây truyền qua tình dục đồng giới.

Nguy cơ

Những ai thường có nguy cơ nhiễm lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae?

Bất cứ ai cũng có khả năng lây nhiễm, đặc biệt là trẻ em do thói quen hay bỏ tay vào miệng của trẻ.

Bệnh lỵ trực trùng lây qua đường tiêu hóa, do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nguồn bệnh. Ruồi nhặng là mối đe dọa tiềm tàng do chúng thường mang vi khuẩn cho người. Bệnh đặc biệt phát triển ở các nước ôn đới, ở vùng khí hậu nóng, dân sống chen chúc tại các thành phố trong khi vệ sinh cá nhân và cộng đồng kém.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Trẻ 1 - 5 tuổi dễ mắc bệnh.

  • Quan hệ đồng giới.

  • Bệnh dễ nhiễm ở những nơi sống chật chội và ý thức vệ sinh cá nhân kém, thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém.

  • Bệnh hay bộc phát trong các tập thể nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần, các trung tâm nuôi trẻ chậm phát triển, nhà trẻ, trường học, trại tân binh, ký túc xá, nhà giam…

  • Tiếp xúc trực tiếp với phân người bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

Chẩn đoán lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae kết hợp giữa việc khám lâm sàng cùng với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán:

Lâm sàng:

  • Sốt và triệu chứng toàn thân;

  • Hội chứng lỵ.

Cận lâm sàng:

  • Công thức máu:

Bạch cầu thường tăng, tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính;

Hồng cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.

  • Xét nghiệm phân:

Soi tươi: Có hồng cầu, bạch cầu đa nhân;

Cấy phân: Phân lập được trực khuẩn Shigella dysenteriae từ phân người bệnh;

  • Soi trực tràng: Hình ảnh viêm lan tỏa cấp tính niêm mạc, có nhiều vết loét nông đường kính 3 – 7mm, có thể xuất huyết chỗ loét.

Phương pháp điều trị Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

Nguyên tắc điều trị: Diệt mầm bệnh và điều trị hỗ trợ nâng cao thể trạng.

  • Sử dụng kháng sinh sớm và thích hợp, giảm thời gian bị bệnh và giảm thải vi khuẩn ra ngoài môi trường;

  • Bổ sung nước và điện giải kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng sốc do mất nước và rối loạn điện giải;

  • Điều trị triệu chứng: Giảm đau bụng, hạ sốt, trợ tim mạch,…;

  • Đảm bảo phòng chống lây nhiễm và thông báo dịch theo quy định.

Điều trị cụ thể:

Bổ sung nước và điện giải:

  • Cần đánh giá mức độ mất nước, điện giải của người bệnh để bổ sung dịch phù hợp và kịp thời.
  • Mất nước nhẹ, không nôn: Sử dụng oresol uống;
  • Mất nước từ trung bình tới nặng, kèm theo nôn: Sử dụng lactate ringer, acetate ringer,… theo đường tĩnh mạch;
  • Theo dõi mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu để điều chỉnh lượng dịch cũng như tốc độ truyền dịch.

Sử dụng kháng sinh: Dựa vào tính nhạy cảm và đề kháng kháng sinh của trực khuẩn Shigella dysenteriae để lựa chọn kháng sinh phù hợp, có hiệu quả. Các thuốc được khuyến cáo sử dụng điều trị lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae hiện nay: Ciprofloxacin, Pefloxacin, Ofloxacin, Levofloxacin.

Ngoài ra, kháng sinh Ampicillin và Trimethoprim + sulfamethoxazol có thể sử dụng để điều trị lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae ở những nơi vi khuẩn còn nhạy cảm.

Điều trị triệu chứng:

Sốt cao: Sử dụng thuốc hạ nhiệt Paracetamol hoặc các biện pháp hạ nhiệt không dùng thuốc;

Giảm đau: Atropin, Visceralgin, Buscopan;

Điều hòa nhu động ruột, chống nôn: Primperan.

Điều trị ngoại khoa:

Can thiệp bằng phẫu thuật trong trường hợp:Thủng ruột,…

Chú ý: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhiễm trùng có thể tái phát nếu điều trị không đủ thời gian;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên;

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe;

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

Phương pháp phòng ngừa Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

  • Phát hiện và cách ly người bệnh, khử khuẩn chất thải người bệnh;

  • Vệ sinh cá nhân, nguồn nước, môi trường sạch sẽ và thường xuyên;

  • Vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống nước sôi để nguội, hạn chế ăn rau sống (rửa kỹ trước khi ăn), tránh ruồi, nhặng đậu vào thức ăn;

  • Diệt ruồi, nhặng;

  • Quản lý chặc chẽ nguồn phân;

  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, sử dụng nước sạch;

  • Kiểm tra vệ sinh các loại thức uống và thức ăn chế biến sẵn;

  • Khám sức khỏe định kỳ;

  • Truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae gây ra.

Nguồn tham khảo
  1. Bộ Y Tế, 2015, Số: 5642/QĐ-BYT, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm.

  2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17826-shigellosis

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/shigella/symptoms-causes/syc-20377529

  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/shigella/diagnosis-treatment/drc-20377533

  5. https://www.cdc.gov/shigella/general-information.html

Các bệnh liên quan