Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốt không rõ nguồn gốc là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt không rõ nguyên nhân (FUO) được định nghĩa là khi thân nhiệt cao hơn 38,3°C kéo dài hơn ba tuần mà không tìm được nguyên nhân chính xác. Sốt không rõ nguyên nhân được chia thành 4 loại, bao gồm: Cổ điển, nhiễm trùng bệnh viện, thiếu hụt miễn dịch và do virus gây suy giảm miễn dịch. Trong chẩn đoán ban đầu cần tiến hành điều tra kỹ bệnh sử, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm liên quan để xác định nguyên nhân gây bệnh. Phương pháp điều trị chủ yếu là giải quyết nguyên nhân gây sốt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sốt không rõ nguyên nhân là gì? 

Sốt không rõ nguyên nhân (FUO) là tình trạng thân nhiệt được đo ở trực tràng ≥ 38,3°C kéo dài hơn ba tuần mà không tìm được nguyên nhân chính xác. Bệnh gây ra các rối loạn với triệu chứng, dấu hiệu khu trú rõ ràng hoặc với bất thường trên các xét nghiệm thường quy như chụp X quang phổi, phân tích nước tiểu hoặc cấy máu. Nếu nghiêm trọng, bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng.

Sốt không rõ nguyên nhân được chia thành bốn loại chính, bao gồm:

Loại 

Định nghĩa

Các nguyên nhân phổ biến

Cổ điển

  • Thân nhiệt > 38,3oC

  • Kéo dài > 3 tuần

  • Đánh giá ít nhất quá 3 lần khám bệnh ngoại trú hoặc theo dõi liên tục 3 ngày trong bệnh viện

Nhiễm trùng, bệnh ác tính, bệnh mạch máu collagen

Bệnh viện

  • Thân nhiệt > 38,3oC

  • Bệnh nhân nhập viện ≥ 24 giờ nhưng không sốt hoặc ủ bệnh khi nhập viện

  • Đánh giá ít nhất trong 3 ngày

Viêm ruột do Clostridium difficile, do thuốc, thuyên tắc phổi, viêm tắc tĩnh mạch nhiễm trùng, viêm xoang

Thiếu hụt miễn dịch (bạch cầu trung tính)

  • Thân nhiệt > 38,3oC

  • Số lượng bạch cầu trung tính ≤ 500/mm

  • Đánh giá ít nhất trong 3 ngày

Nhiễm trùng do vi khuẩn cơ hội, aspergillosis, candida, virus herpes

Liên quan đến nhiễm HIV

  • Thân nhiệt > 38,3oC

  • Kéo dài > 4 tuần đối với bệnh nhân ngoại trú và > 3 ngày đối với bệnh nhân nội trú

  • Đã chẩn đoán nhiễm HIV

Cytomegalovirus, Mycobacterium avium phức hợp nội bào, viêm phổi do Pneumocystis carinii, do thuốc, Kaposi's sarcoma (khối u mạch máu do virus Herpes ), lymphoma.

Ngoài ra, còn bốn nhóm phụ bao gồm nhiễm trùng, khối u ác tính, tình trạng tự miễn dịch và các bệnh lý khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt không rõ nguyên nhân

Các triệu chứng điển hình của FUO bao gồm:

  • Thân nhiệt vượt quá 38,3°C. 

  • Đổ mồ hôi.

  • Ớn lạnh.

  • Đau đầu.

Các triệu chứng khác thường đi kèm với sốt bao gồm:

  • Đau nhức cơ thể hoặc khớp.

  • Yếu đuối.

  • Viêm họng.

  • Mệt mỏi.

  • Ho.

  • Phát ban.

  • Tắc nghẽn xoang.

Dấu hiệu cờ đỏ (Red flags) cần chú ý:

  • Suy giảm miễn dịch.

  • Tiếng thổi tim.

  • Bệnh nhân đang được thiết lập đường truyền IV, gắn máy tạo nhịp tim, đã phẫu thuật thay khớp nhân tạo.

  • Du lịch gần đây đến các khu vực đặc hữu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sốt không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân của Sốt không rõ nguyên nhân (FUO) thường được chia thành 4 loại:

  • Nhiễm trùng (25 - 50%).

  • Rối loạn mô liên kết (10 - 20%).

  • Ung thư (5 - 35%).

  • Khác (15 - 25%).

Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra FUO. Ở những bệnh nhân nhiễm HIV nên tìm kiếm các dấu hiệu của nhiễm trùng cơ hội (ví dụ: bệnh lao; nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacteria không điển hình, nhiễm nấm lan tỏa hoặc Cytomegalovirus).

Các rối loạn mô liên kết phổ biến bao gồm lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm mạch và viêm khớp dạng thấp thiếu niên ở người lớn (bệnh Still ở người lớn).

Các nguyên nhân ung thư phổ biến nhất là ung thư hạch, bệnh bạch cầu, ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư biểu mô di căn. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân bị FUO do ung thư đang giảm, có thể do phát hiện khối u bằng siêu âm và CT hiện đang được sử dụng rộng rãi trong quá trình đánh giá ban đầu.

Các nguyên nhân quan trọng khác bao gồm phản ứng thuốc, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi tái phát, bệnh sarcoidosis, bệnh viêm ruột và giả sốt.

Khoảng 10% người lớn bị FUO không tìm được nguyên nhân.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sốt không rõ nguyên nhân?

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc Sốt không rõ nguyên nhân.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sốt không rõ nguyên nhân

Nguy cơ mắc bệnh thường dựa trên nguyên nhân. Không có yếu tố nguy cơ nào đối với FUO vì nguyên nhân chưa được biết rõ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân

Lịch sử hoạt động

Khai thác sinh hoạt và hoạt động của bệnh nhân nhằm tìm ra các triệu chứng và sự kiện chính (ví dụ: Đi lại, nghề nghiệp, tiền sử gia đình, tiếp xúc với động vật, chế độ ăn uống) để gợi ý nguyên nhân.

Tiền sử

  • Thời gian và kiểu sốt (không liên tục hoặc liên tục). Các kiểu sốt thường có ít hoặc không có ý nghĩa trong chẩn đoán FUO, trừ trường hợp bệnh nhân bị sốt cách nhật hoặc cách ngày thứ 3 có thể gợi ý bệnh sốt rét ở người có yếu tố nguy cơ. 
  • Đau khu trú thường chỉ ra vị trí (mặc dù không phải là nguyên nhân) của các rối loạn. Bác sĩ nên hỏi chung chung, sau đó hỏi cụ thể từng bộ phận cơ thể.
  • Các triệu chứng không đặc hiệu cũng cần được đánh giá, như giảm cân, chán ăn, mệt mỏi, đổ mồ hôi ban đêm và đau đầu. Ngoài ra, cần tìm các triệu chứng của rối loạn mô liên kết (đau cơ, đau khớp, phát ban) và rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, tăng tiết mỡ, khó chịu ở bụng).
  • Tiền sử bệnh cần khai thác các rối loạn gây sốt trước đây, chẳng hạn như ung thư, bệnh lao, rối loạn mô liên kết, xơ gan do rượu, viêm ruột, sốt thấp khớp và cường giáp. Cần lưu ý các rối loạn hoặc các yếu tố dẫn đến nhiễm trùng, như suy giảm miễn dịch (do các rối loạn như nhiễm HIV, ung thư, tiểu đường hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch), rối loạn cấu trúc tim, bất thường đường tiết niệu, phẫu thuật hoặc đặt ống thông (đường truyền tĩnh mạch, máy tạo nhịp tim, khớp giả).
  • Tiền sử dùng thuốc: Về việc sử dụng các loại thuốc có thể gây sốt.
  • Tiền sử xã hội: Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục có nguy cơ cao (quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình), tiếp xúc người mang bệnh (mắc bệnh lao), du lịch và khả năng tiếp xúc với động vật hoặc côn trùng và bị chích/cắn. Cũng cần xác định các yếu tố nguy cơ gây ung thư, bao gồm hút thuốc, sử dụng rượu và tiếp xúc với hóa chất.
  • Tiền sử gia đình: Bao gồm các câu hỏi về nguyên nhân di truyền của sốt (ví dụ: Sốt Địa Trung Hải có tính gia đình).

Dấu hiệu lâm sàng

Kiểm tra da kỹ lưỡng để phát hiện ban đỏ khu trú (gợi ý vị trí nhiễm trùng) và phát ban (ban đỏ của bệnh lupus ban đỏ hệ thống). Nên kiểm tra đáy chậu và bàn chân, đặc biệt ở bệnh nhân tiểu đường, đối tượng dễ bị nhiễm trùng ở những vùng này. Cũng nên kiểm tra các dấu hiệu trên da của viêm nội tâm mạc, bao gồm các nốt ban đỏ dưới da gây đau trên ngón tay (hạch Osler), các mảng xuất huyết trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân (tổn thương Janeway), chấm xuất huyết và các nốt xuất huyết dưới móng tay.

Kiểm tra toàn bộ cơ thể (đặc biệt trên cột sống, xương, khớp, bụng và tuyến giáp) để tìm các vùng đau, sưng hoặc to cơ; khám kỹ vùng trực tràng bằng ngón tay và vùng chậu. Răng bị đau khi gõ gợi ý áp xe nướu. Ghi nhận bất kỳ bệnh lý hạch vùng hoặc toàn thân nào để phân biệt nguyên nhân gây nổi hạch.

Nếu có tiếng thổi khi nghe tim, gợi ý viêm nội tâm mạc do vi khuẩn và tiếng cọ xát gợi ý viêm màng ngoài tim do rối loạn thấp khớp hoặc nhiễm trùng.

Đôi khi những bất thường chính về thể chất ở bệnh nhân FUO rất mờ nhạt đến mức cần phải khám sức khỏe nhiều lần để xác định nguyên nhân.

Cận lâm sàng

Sử dụng các thông tin lâm sàng và tiền sử bệnh khai thác được để cân nhắc chỉ định các phương pháp cận lâm sàng cho bệnh nhân. 

Xét nghiệm:

Tốc độ lắng của tế bào máu, các chỉ dấu viêm nhiễm như CPR, phosphatase kiềm...

Xét nghiệm men gan.

Cấy máu tìm vi khuẩn, vi nấm (lý tưởng là trước khi điều trị kháng sinh hoặc kháng nấm).

Xét nghiệm kháng thể HIV, xét nghiệm nồng độ RNA và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase.

Xét nghiệm vi khuẩn lao trên da hoặc xét nghiệm phóng thích interferon-gamma.

Xét nghiệm tìm kháng thể kháng nhân (ANA) và yếu tố dạng thấp (RF) để sàng lọc viêm khớp dạng thấp.

Phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu.

Chẩn đoán hình ảnh:

Chụp X quang ngực thường quy thường có sẵn và tương đối rẻ, có thể nhanh chóng phát hiện các bất thường bị bỏ sót khi khám sức khỏe.

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực khi nghi ngờ thuyên tắc phổi mặc dù kết quả âm tính trên siêu âm tĩnh mạch tứ chi. Chụp động mạch cho thấy các phình mạch lớn và nhỏ cùng sự co thắt khu trú giữa các đoạn giãn trong bệnh viêm đa động mạch nút.

Siêu âm tim có độ nhạy cao trong chẩn đoán viêm nội tâm mạc, đặc biệt khi dùng siêu âm tim qua thực quản. Viêm nội tâm mạc âm tính với vi khuẩn trong 5% -10% các trường hợp. Điều trị kháng sinh trước đó là lý do phổ biến nhất cho kết quả cấy máu âm tính.

Chụp CT vùng bụng và khung chậu với thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch và đường uống rất hữu ích trong việc xác định gan lách to để tìm bệnh lý hạch, tụ máu hoặc áp xe trong ổ bụng hoặc cơ, áp xe quanh thận, viêm túi mật, u tân sinh. Ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng gan mật, viêm đường mật có thể xảy ra mà không có dấu hiệu tại chỗ và chỉ tăng nhẹ hoặc bình thường trên các xét nghiệm chức năng gan.

Quét toàn bộ cơ thể FDG-PET/ CT: Các nghiên cứu gần đây khuyến cáo chỉ định FDG-PET sớm và cho thấy việc chẩn đoán có sử dụng FDG-PET/ CT chính xác đến 60 - 80% trường hợp. Hơn nữa, thời gian chẩn đoán có thể được rút ngắn và giảm các thủ thuật xâm lấn, có thể giảm chi phí và tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý khả năng kết quả dương tính giả. 

Chụp cắt lớp xương: Trong khi phim chụp X quang đơn giản có thể không cho thấy thay đổi trong nhiều tuần sau khi bắt đầu nhiễm trùng, chụp cắt lớp vi tính xương nhạy cảm hơn để xác định khi nghi ngờ viêm tủy xương. Chụp cộng hưởng từ (MRI) được coi là tiêu chuẩn vàng để phát hiện viêm tủy xương cấp và khoanh vùng các bất thường về cấu trúc; tuy nhiên, nó kém nhạy hơn trong bệnh cảnh viêm tủy xương mãn tính và nhiễm trùng khớp giả. 

Sinh thiết:

Nếu nghi ngờ bất thường trong mô có thể chỉ định sinh thiết (ví dụ: Gan, tủy xương, da, màng phổi, hạch bạch huyết, ruột, cơ). Đánh giá các mẫu sinh thiết bằng xét nghiệm mô bệnh học và nuôi cấy tìm vi khuẩn, nấm, virus và Mycobacteria hoặc xét nghiệm phân tử (phản ứng chuỗi polymerase). Sinh thiết cơ hoặc sinh thiết da phát ban có thể xác nhận viêm mạch. Sinh thiết động mạch thái dương hai bên có thể xác nhận viêm động mạch tế bào khổng lồ ở những bệnh nhân lớn tuổi với tăng tốc độ lắng hồng cầu không rõ nguyên nhân.

Phương pháp điều trị sốt không rõ nguyên nhân hiệu quả

Lựa chọn thuốc điều trị cho bệnh nhân phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra FUO.

Có thể sử dụng thuốc hạ sốt (ví dụ: Paracetamol hoặc ibuprofen), tuy nhiên cần thật thận trọng và theo dõi thường xuyên thời gian cơn sốt kéo dài. 

Khi nghi ngờ sốt do thuốc, ngừng tạm thời thuốc có thể là nguyên nhân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sốt không rõ nguyên nhân

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Giữ phòng luôn thoáng mát. Bệnh nhân nên mặc quần áo mỏng thấm mồ hôi tốt để giảm thân nhiệt hiệu quả.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Khi bị sốt kéo dài, bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, giảm cảm giác thèm ăn, chán ăn và có thể dẫn đến sụt cân. Vì vậy, cần cho bệnh nhân ăn uống đủ chất, tốt nhất là thức ăn lỏng để giúp dễ nuốt và chia thành nhiều bữa nhỏ. 

  • Nên bổ sung đủ lượng và đủ loại rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin. 

  • Sữa chua cũng rất cần thiết để tăng lợi khuẩn đường ruột giúp tiêu hoá tốt.

  • Uống 2 - 3l nước mỗi ngày để bù lại lượng bị mất do toát mồ hôi khi sốt.

Phương pháp phòng ngừa Sốt không rõ nguyên nhân hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Ăn uống, vận động điều độ.

  • Tránh làm việc quá lao lực, luôn giữ tinh thần thoải mái.

  • Nếu có vấn đề về sức khoẻ, nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không được trì hoãn quá lâu hoặc tự ý sử dụng thuốc.

Nguồn tham khảo

1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/biology-of-infectious-disease/fever-of-unknown-origin-fuo

2. Medscape: https://emedicine.medscape.com/article/217675-treatment

3. American Family Physician (AAFP): https://www.aafp.org/afp/2003/1201/p2223.html

4. Healthline: https://www.healthline.com/health/fever-of-unknown-origin

Chủ đề:sốt

Các bệnh liên quan

  1. Lao họng

  2. Phong

  3. Nhiễm trùng

  4. Sởi

  5. Bệnh viêm màng não do Haemophilus

  6. Bệnh tay, chân, miệng

  7. Thủy đậu

  8. Nhiễm lậu cầu

  9. Sốt xuất huyết Dengue

  10. Nhiễm giun đũa