Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm Shigella là gì? Dấu hiệu nhận diện bệnh, cách điều trị và phòng tránh ra sao?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm Shigella là một bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính, gây ra bởi họ vi khuẩn shigella, đây là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh viêm dạ dày và bệnh lỵ trực khuẩn. Hầu hết người bị nhiễm vi khuẩn có thể tự khỏi, tuy nhiên những người bị bệnh nặng hoặc suy giảm miễn dịch phải cần dùng đến kháng sinh để điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm Shigella là gì? 

Nhiễm Shigella là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột gây ra tiêu chảy với khả năng lây nhiễm cao.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm shigella

Thời gian ủ bệnh từ 12-96 giờ, nghĩa là bệnh thường bắt đầu từ 12 đến 96 giờ sau khi vi khuẩn shigella xâm nhập vào cơ thể.

Các triệu chứng nhiễm shigella bao gồm:

  • Tiêu chảy có thể có máu;

  • Sốt;

  • Đau bụng;

  • Cảm giác cần đi tiêu ngay cả khi ruột rỗng.

Một số người sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào.

Các triệu chứng thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, nhưng một số người có thể gặp các triệu chứng trong vài ngày đến 4 tuần hoặc hơn. Trong một số trường hợp, có thể mất đến vài tháng để thói quen đi tiêu (ví dụ: Tần suất đi tiêu và độ đặc của phân) trở lại hoàn toàn bình thường.

Với tình trạng nhiễm shigella nặng hơn, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy nặng đến mức mất nước. Đôi khi, nhiễm shigella gây ra co giật, nhiễm trùng máu hoặc viêm khớp và hiếm khi dẫn đến tử vong.

Ở trẻ nhỏ, khởi phát đột ngột sốt, khó chịu hoặc ngủ gà, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng và mót rặn. Trong vòng 3 ngày, máu, mủ và chất dịch xuất hiện trong phân. Số lượng phân có thể tăng lên ≥ 20 lần/ngày, giảm cân và mất nước trở nên trầm trọng. Nếu không được điều trị, trẻ em có thể chết trong 12 ngày đầu. Nếu trẻ sống sót, các triệu chứng cấp tính sẽ giảm dần vào tuần thứ 2.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm shigella

Viêm khớp phản ứng: Khoảng 2% người bị nhiễm một số loại Shigella, phổ biến nhất là Shigella flexneri, sẽ bị viêm khớp phản ứng sau khi nhiễm, có thể gây đau khớp, kích ứng mắt và đau khi đi tiểu. Thường kéo dài từ 3 đến 5 tháng, nhưng đôi khi nó có thể kéo dài hàng năm và dẫn đến viêm khớp mãn tính.

Nhiễm trùng máu: Khoảng 0,4% đến 7,3% những người bị nhiễm Shigella tiến triển thành nhiễm trùng máu, phổ biến nhất ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như những người bị HIV, tiểu đường, ung thư hoặc suy dinh dưỡng nặng, và thường thấy ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi và ở người lớn trên 65 tuổi.

Hội chứng tan máu-urê huyết: Là một biến chứng hiếm gặp của nhiễm trùng Shigella, cũng thường xảy ra nhất ở trẻ em. Xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa và tạo ra một độc tố phá hủy các tế bào hồng cầu, ngăn chặn chức năng lọc của thận và có thể dẫn đến suy thận. Bệnh nhân thường bị tiêu chảy ra máu và có thể dẫn đến tử vong.

Loét niêm mạc nặng có thể gây ra mất máu đáng kể cấp tính.

Các biến chứng khác không phổ biến nhưng bao gồm động kinh ở trẻ em, viêm cơ tim và hiếm hơn là thủng ruột.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Những người bị tiêu chảy nên liên hệ với bác sĩ nếu có kèm bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Sốt;

  • Tiêu chảy ra máu;

  • Đau thắt hoặc đau bụng dữ dội;

  • Mất nước.

Những người có sức khỏe kém hoặc hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh (như HIV) hoặc đang điều trị y tế (như hóa trị ung thư) có nhiều khả năng bị bệnh trong một thời gian dài hơn. Liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn thuộc một trong những nhóm này và có các triệu chứng của nhiễm trùng Shigella.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm shigella

Chi Shigella có mặt trên toàn thế giới và là nguyên nhân chính của bệnh lỵ, gây ra 5 đến 10% bệnh lý tiêu chảy ở nhiều vùng. Shigella được chia thành 4 phân nhóm chính:

  • A (S. dysenteriae)

  • B (S. flexneri)

  • C (S. boydii)

  • D (S. sonnei)

Nguồn lây nhiễm là phân của người bị nhiễm bệnh hoặc người mang vi khuẩn; con người là ổ chứa tự nhiên duy nhất cho Shigella. Sự lây lan trực tiếp là do đường phân - miệng. Lây truyền gián tiếp qua thức ăn nhiễm khuẩn và vật chứa vi khuẩn. Ruồi là vectơ truyền bệnh.

Mọi người có thể bị nhiễm Shigella do:

  • Lấy vi trùng Shigella trên tay và sau đó chạm vào thức ăn hoặc miệng. Ví dụ như trường hợp: Thay tã cho trẻ bị bệnh hoặc chăm sóc người bệnh; chạm vào các bề mặt bị nhiễm vi trùng từ phân của người bệnh. Các bề mặt bao gồm thùng đựng tã, bàn thay tã, đồ đạc trong phòng tắm, đồ chơi,...

  • Ăn thức ăn do người bị nhiễm Shigella chế biến.

  • Thực phẩm được ăn sống có nhiều khả năng bị nhiễm vi trùng Shigella hơn.

  • Vi trùng Shigella cũng có thể xâm nhập vào trái cây và rau quả nếu ruộng nơi chúng trồng bị nhiễm phân có chứa vi trùng.

  • Nuốt phải nước (ví dụ, nước hồ hoặc nước sông) trong khi bơi hoặc uống nước bị nhiễm phân có chứa vi trùng.

  • Tiếp xúc với phân khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm.

Người mang vi khuẩn giai đoạn hồi phục hoặc người bệnh không có biểu hiện lâm sàng có thể là nguồn lây nhiễm đáng kể, những người mang mầm bệnh thực sự lâu dài rất hiếm.

Một giai đoạn của shigella gây ra miễn dịch đặc hiệu huyết thanh trong ít nhất vài năm. Nhưng bệnh nhân có thể có thêm các đợt nhiễm shigella do nhiễm các loại shigella nhóm khác.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) nhiễm shigella?

Nhiễm trùng Shigella thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ em có thể bị nhiễm bệnh nếu chúng đưa tay chưa rửa sạch vào miệng sau khi chạm vào thứ gì đó bị nhiễm Shigella.

Khách du lịch đến các quốc gia không có nước máy đã qua xử lý hoặc điều kiện vệ sinh không đầy đủ.

Đồng tính nam có phát sinh quan hệ tình dục đồng giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) nhiễm shigella

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc shigella, bao gồm:

  • Không vệ sinh cá nhân đúng cách thường xuyên.
  • Đi du lịch.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm shigella

Phương pháp chẩn đoán: Nuôi cấy phân, phân lập vi khuẩn hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh để phát hiện vật chất di truyền của vi khuẩn.

Phương pháp điều trị nhiễm shigella hiệu quả

Những người bị bệnh nhẹ thường tự khỏi, không cần điều trị đặc hiệu.

Phương pháp điều trị:

  • Chăm sóc hỗ trợ, bù nước và điện giải.

  • Đối với bệnh nhân nặng hoặc có nguy cơ, dùng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn, như kháng sinh fluoroquinolon, azithromycin, hoặc cephalosporin thế hệ thứ 3.

Thuốc kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng và giảm Shigella nhưng không cần thiết đối với người lớn khỏe mạnh có bệnh nhẹ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nhất định cần được điều trị kháng sinh như:

  • Trẻ em;

  • Người cao tuổi;

  • Bệnh nhân suy kiệt;

  • Bệnh nhân mắc bệnh từ trung bình đến nặng.

Đối với người lớn, các phác đồ kháng sinh sau đây có thể được sử dụng:

  • Fluoroquinolone (như ciprofloxacin 500 mg uống mỗi 12 giờ trong 3 đến 5 ngày).

  • Azithromycin 500 mg uống vào ngày 1 và 250 mg một lần/ngày trong 4 ngày tiếp theo.

  • Ceftriaxone 2 g/ngày IV trong 5 ngày.

Đối với trẻ em, các phác đồ kháng sinh sau đây có thể được sử dụng:

  • Ceftriaxone 50 mg/kg (tối đa 1,5 g) tiêm tĩnh mạch một lần mỗi ngày trong 5 ngày.

  • Azithromycin 10 đến 12 mg/kg uống một lần vào ngày 1, tiếp theo là 6mg/kg (tối đa 250mg) uống một lần/ngày trong 4 ngày tiếp theo.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm shigella

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên uống nhiều nước để tránh mất nước.
  • Nên nấu chín kỹ thức ăn trước khi ăn, hạn chế ăn đồ sống, chưa qua chế biến.
  • Cần chọn các loại thức ăn nhạt loãng, dễ tiêu hóa, không nhiều dầu mỡ.
  • Mỗi lần ăn không quá no, chia thành nhiều bữa.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm shigella hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Phải rửa sạch tay trước khi chế biến hoặc ăn thức ăn. Quần áo và khăn trải giường nên được ngâm trong xô xà phòng, nước và chất khử trùng sau đó giặt trong nước nóng. Các kỹ thuật cách ly phù hợp (đặc biệt là cách ly phân) nên được sử dụng với bệnh nhân và người mang mầm bệnh.
  • Trong khi quan hệ tình dục, tránh tiếp xúc trực tiếp miệng-hậu môn không được bảo vệ và đảm bảo rửa tay, các bộ phận khác của cơ thể và mọi đồ vật sau khi quan hệ tình dục.
  • Khi du lịch đến các nước đang phát triển, nơi nhiễm Shigella phổ biến: Chỉ uống nước đã qua xử lý hoặc nước đun sôi, và chỉ ăn thức ăn nóng nấu chín hoặc trái cây/ rau được gọt vỏ sau khi rửa kỹ.
  • Vắc xin vi khuẩn sống đường uống còn đang được thử nghiệm.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/shigella/index.html

  2. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/gram-negative-bacilli/shigellosis

  3. https://www.sfcdcp.org/infectious-diseases-a-to-z/shigella-infection-shigellosis/

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm sán lá gan

  2. Sán dây lợn

  3. Phong

  4. Bệnh rubeon

  5. Giun tim

  6. Quai bị

  7. Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

  8. Lỵ trực khuẩn

  9. Sốt hồi quy

  10. Bệnh virus Nipah