Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sán lá ruột là gì? Cần phòng ngừa như thế nào?

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh sán lá ruột là bệnh lý nhiễm trùng đường ruột do nhiễm sán lá ruột Fasciolopsis buski. Biểu hiện của bệnh bao gồm rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài với phân nhầy nhớt. Bệnh không lây truyền từ người sang người mà do bạn ăn phải lợn hoặc thực vật thủy sinh bị nhiễm ấu trùng. Cần chú ý phòng ngừa bệnh cho bản thân và gia đình để tránh nhiễm bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sán lá ruột là gì?

Bệnh sán lá ruột là tình trạng nhiễm trùng ruột (thường gặp nhất là ở ruột non) do sán lá ruột Fasciolopsis buski gây ra. Fasciolopsis buski là loại sán lá đường ruột lớn nhất ở người, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Á và châu Á (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ...).

Bệnh sán lá ruột chủ yếu xuất hiện ở lợn, tỷ lệ mắc bệnh ở người rất thấp; những khu vực có nhiều hồ ao, cây thủy sinh được sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sán lá ruột

Biểu hiện của bệnh sán lá ruột phụ thuộc vào vị trí, mức độ tổn thương ruột của bạn. Bạn có thể mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng hoặc có thể sau khi nhiễm ấu trùng vài tháng đến vài năm mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

  • Giai đoạn ủ bệnh: Bạn thường có triệu chứng mệt mỏi, đôi khi đau bụng tiêu chảy.
  • Giai đoạn phát bệnh: Bạn sẽ thấy mệt mỏi, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, phân lỏng có nhầy lẫn thức ăn không tiêu. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, đau bụng thường đau ở vùng hạ vị, bụng bị chướng, nhất là trẻ em. Ngoài ra, sán còn có thể gây tắc ruột. Khi nhiễm nhiều sán bạn có thể nôn ra cả trứng sán hoặc sán. Nếu không được điều trị bạn có thể chết vì suy kiệt.
Sán lá ruột là gì? Cần phòng ngừa như thế nào? 1.jpg
Đau bụng kèm tiêu chảy là triệu chứng thường gặp của bệnh

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sán lá ruột

Bệnh thường không gây tử vong, tuy nhiên tình trạng tiêu chảy kéo dài nếu không được điều trị có thể khiến bạn bị suy kiệt, thiếu dinh dưỡng khiến bạn thường xuyên mệt mỏi, không có sức lực khiến ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên, hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được khám và xét nghiệm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sán lá ruột

Bệnh sán lá ruột xảy ra khi bạn nuốt phải ấu trùng sán lá ruột Fasciolopsis buski là một trong những loại sán lá lớn nhất lây nhiễm sang người, chủ yếu sinh sống ở tá tràng và hỗng tràng. Vật chủ chứa ký sinh trùng chủ yếu là lợn và ít phổ biến hơn là chó. Vật trung gian truyền bệnh là ốc sên.

Trứng của sán lá ruột chưa có phôi được sinh ra từ sán lá ruột trưởng thành được thải qua phân của vật chủ như lợn, chó. Sau đó phân được bài tiết vào nước và xâm nhập vào vật trung gian là ốc sên. Tại đây, trứng sẽ nhân lên, phát triển và chui ra khỏi ốc sên, bám vào thực vật thủy sinh như lục bình, tre nước và đóng kén. Con người và các động vật khác như lợn sẽ nhiễm bệnh khi:

  • Ăn phải thực vật thủy sinh có ấu trùng sán lá ruột chưa được nấu chín.
  • Ăn thịt lợn chưa được nấu chín có chứa ấu trùng sán.

Ấu trùng sẽ tiêu biến vỏ bên ngoài khi đến tá tràng của vật chủ và sau đó bám vào ruột non để ký sinh và trưởng thành.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sán lá ruột?

Những đối tượng có nguy cơ mắc phải sán lá ruột là:

  • Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do trẻ thường tò mò với mọi thứ xung quanh và hay đưa tay vào miệng.
  • Bệnh thường xuất hiện ở những nước có mức thu nhập thấp, tình trạng vệ sinh kém.
  • Những người làm nghề chăn nuôi, nhất là nuôi heo, là một trong những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh sán lá ruột.
  • Những vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Sán lá ruột là gì? Cần phòng ngừa như thế nào? 2.jpg
Bệnh thường xuất hiện ở những nơi có tình trạng vệ sinh kém

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sán lá ruột

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh sán lá ruột là:

  • Nhiễm sán lá ruột chủ yếu xảy ra ở nông thôn, những nơi sinh sống bằng nông nghiệp, nơi lợn dễ tiếp xúc với phân người (như hay thả rông lợn, ăn thịt lợn chưa được nấu chín, hoặc hay ăn tiết canh, gỏi sống…)
  • Người sống chung bị nhiễm ấu trùng sán lá ruột.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm sán lá ruột

Chẩn đoán bệnh sán lá ruột thường dựa vào những biểu hiện triệu chứng xảy ra ở bạn như đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng, suy nhược cơ thể

Các xét nghiệm được chỉ định hỗ trợ cho chẩn đoán gồm xét nghiệm máu (bạch cầu ái toan tăng, thiếu máu), xét nghiệm kháng thể trong máu có thể dương tính sau khi nhiễm sán 2 tuần và chẩn đoán khẳng định khi tìm thấy trứng sán trong phân hoặc thậm chí tìm thấy sán, trứng sán trong dịch bạn nôn ra.

Sán lá ruột là gì? Cần phòng ngừa như thế nào? 3.jpg
Xét nghiệm tìm trứng sán trong phân là xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh

Điều trị sán lá ruột

Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc đặc trị bệnh sán lá ruột (thuốc diệt ký sinh trùng) như praziquantel. Bổ sung dinh dưỡng và điện giải đường tĩnh mạch nếu bạn bị suy kiệt. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của sán lá ruột

Chế độ sinh hoạt:

  • Rửa tay với nước và xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ, trước khi ăn và trước khi chuẩn bị thức ăn.
  • Rửa sạch trái cây và rau quả hoặc gọt vỏ trước khi ăn.
  • Không uống nước chưa được đun sôi hay xử lý sạch.
  • Không để nước đọng xung quanh nhà.
  • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
  • Chỉ ăn thực phẩm đã được nấu chín, không ăn thức ăn sống.
  • Tránh ăn rau sống hoặc phải rửa rau thật kỹ nếu bạn không nấu chín.
Sán lá ruột là gì? Cần phòng ngừa như thế nào? 4.jpg
Không ăn tiết canh để tránh nhiễm ký sinh trùng

Phòng ngừa sán lá ruột

Bạn có thể phòng ngừa cho bản thân và gia đình khỏi mắc bệnh sán lá ruột bằng một số cách sau:

  • Rửa tay với nước và xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ, trước khi ăn và trước khi chuẩn bị thức ăn.
  • Rửa sạch trái cây và rau quả hoặc gọt vỏ trước khi ăn.
  • Không uống nước chưa được đun sôi hay xử lý sạch.
  • Khi đi du lịch mà bạn không chắc chắn liệu nước mình uống có đảm bảo vệ sinh hay không thì hãy mua nước đóng chai hoặc đun sôi lại nước rồi mới uống.
  • Quét dọn nhà cửa và sân ngoài sạch sẽ; sử dụng găng tay và quần áo bảo hộ khi làm vườn.
  • Không để nước đọng xung quanh nhà.
  • Thường xuyên lau chùi nhà cửa sạch sẽ.
  • Không ăn thức ăn chưa được nấu chín.

Các câu hỏi thường gặp về sán lá ruột

Bệnh sán lá ruột có lây hay không?

Không, bệnh sán lá ruột không lây từ người sang người. Chỉ khi bạn nuốt phải ấu trùng sán lá ruột thì mới bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những người mắc bệnh có thể lây trứng sán lá ruột cho người khác nếu môi trường sống không hợp vệ sinh.

Bệnh sán lá ruột có gây tử vong không?

Bệnh sán lá ruột thường không gây tử vong. Nếu không được điều trị bạn có thể bị suy kiệt do thiếu dinh dưỡng hoặc do tiêu chảy kéo dài.

Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh sán lá ruột?

Tiêu chảy có thể là một triệu chứng của bệnh sán lá ruột, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây tình trạng tiêu chảy. Nếu bạn có triệu chứng này, hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tiến hành thăm khám và xét nghiệm nhằm chẩn đoán sớm nguyên nhân.

Nếu tôi bị bệnh sán lá ruột thì có cần xét nghiệm cho người sống chung nhà hay không?

Có, những người sống chung thân cận với bạn cũng nên được xét nghiệm xem có nhiễm ký sinh trùng hay không.

Tại sao tôi lại mắc bệnh sán lá ruột?

Có nhiều yếu tố khiến bạn có thể bị mắc bệnh mà bạn không chú ý như ăn thức ăn sống chưa được nấu chín, hoặc uống nước ô nhiễm có ký sinh trùng, hoặc không rửa tay sau tiếp xúc với người mang bệnh…

Nguồn tham khảo
  1. Fasciolopsiasis: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/fasciolopsiasis
  2. Fascioliasis and fasciolopsiasis: Current knowledge and future trends: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33278757/
  3. Fasciolopsiasis: https://ccdm.aphapublications.org/doi/10.2105/CCDM.2745.067
  4. Fasciolopsiasis: https://www.visualdx.com/visualdx/diagnosis/fasciolopsiasis?diagnosisId=55777&moduleId=101
  5. About Fasciolopsiasis: https://www.cdc.gov/parasites/fasciolopsis/faqs.html

Các bệnh liên quan